Cúng dường Mạn đà la

SHARE:


ĐẠI ẤN THIỀN XÓA TAN BÓNG TỐI CỦA VÔ MINH
Karmapa thứ Chín Wangchug Dorje với bình giảng khẩu thuyết của
Beru Khyentze Rinpoche – dịch từ tiếng Tây Tạng và biên tập bởi Alexander Berzin
Văn phòng Dịch thuật Thư Viện những Tác phẩm và Văn thư Lưu trữ của Đức Dalai Lama
Việt dịch: Đương Đạo – Nhà xuất bản Thiện Tri Thức, 2001 TTT-19-2545/09-01

1. MỞ ĐẦU 21. Chú tâm vào Hơi thở và Ba giai đoạn An định Tâm thức
2. PHẦN MỘT NHỮNG SƠ BỘ 22. Loại bỏ Siết chặt và Buông lỏng
3. Quy y, Lễ lạy và Bồ đề tâm 23. Trạng thái Định tâm thực sự và Ba Ân điển
4. Thiền định Vajrasattva 24. PHẦN BA THIỀN QUÁN (QUÁN CHIẾU)
5. Cúng dường Mạn đà la 25. Nhìn vào Tâm an định
6. Guru Yoga 26. Nhìn vào Tâm chuyễn động hay khởi tưởng
7. Cái Chết và Vô Thường 27. Nhìn vào Tâm phản chiếu những hình tướng và vào Tâm trong tương quan với Thân
8. Nghiệp và Luật Nhân Quả 28. Nhìn vào cùng lúc Tâm an định và Tâm chuyễn động
9. Những Tai Hại của Sanh Tử 29. Nhận ra Bản tánh của Tâm an định
10. Sự Quí Giá Được Tái Sanh Làm Người 30. Nhận ra Bản tánh của Tâm chuyễn động hay Tâm nghĩ tưởng
11. Điều Kiện Nguyên Nhân Cho Thành Công 31. Nhận ra Bản tánh của Tâm phản chiếu cảnh vật và của Tâm trong liên hệ với Thân
12. Điều Kiện Chính Yếu 32. Nhận ra cùng lúc Bản tánh của Tâm an định và Tâm chuyễn động
13. Điều Kiện Khách Quan 33. PHẦN BỐN NÂNG CẤP SỰ THỰC HÀNH CỦA CON
14. Điều Kiện Trực Tiếp 34. Phối hợp Đại Ấn với những Thực hành khác và Bốn hoạt động
15. PHẦN HAI THIỀN ĐỊNH 35. Năm tà kiến, Ba thiện xảo và Bốn thân Phật
16. Những tư thế căn bản của Thân và Tâm 36. Ba chỗ con có thể lạc và Bốn chỗ con có thể mất tánh Không
17. Chú tâm trên một Đối tượng Thấy 37. Những Điểm nguy hiểm nơi sự vật có thể khởi lên như kẻ thù và những nhiễu loạn khác
18. Những Đối tượng Giác quan khác 38. Những Lợi Lạc của những thực hành và những giai đoạn và những con đường theo Đại Ấn
19. Trừ bỏ Hôn trầm và Xao động 39. Những định nghĩa kết thúc
20. Chú tâm Không Đối tượng 40. LỜI CHÚ CỦA TÁC GIẢ

Cúng dường Mạn đà la

Cúng dường nói chung không phải để làm hài lòng hay đút lót cho người được cúng dường. Chúng là một biểu tượng thể hiện sự quy hướng hoàn toàn của bạn đến Giác Ngộ mà đại diện là những Guru và Tam Bảo, và được cúng để có công đức hầu đem bạn đến trạng thái của các ngài. Khi gieo những hạt giống vào một cánh đồng, không phải đất đai được lợi lạc, mà là chính bạn. Cũng thế cúng dường cho hội các Guru như là ruộng công đức đem bạn đến Giác Ngộ để bạn có thể làm lợi lạc tất cả.

Có nhiều loại mạn đà la. Một cách xếp đặt là những lâu đài cõi trời, nơi ở của các hóa thần thiền định. Đây là những cấu trúc ba chiều, những tầng nền được vẽ trong mạn đà la. Loại khác được dùng trong cúng dường, gồm một nền phẳng như cái dĩa, những vòng tròn, một chóp đỉnh, và gạo, hạt hoặc ngọc, tất cả tượng trưng cho vũ trụ.

Con hãy quán tưởng trước mặt con là một lâu đài mạn đà la với năm loại nhân vật bên trong. Ở trung tâm là Guru của con (như là Vajrasattva), trước ngài là những hóa thần của bổn tôn, bên phải ngài là chư Phật, bên trái ngài là chư Tăng và đàng sau là kinh điển Pháp. Đây là mạn đà là được quán tưởng trước mặt con.

Tổng quát, những lâu đài mạn đà la thì vuông với một mặt nền và cấu trúc như cái tháp. Ở giữa mỗi bức tường là một cửa, hành lang đi vào, cổng vòm, trên vòm có hai con nai và bánh xe Pháp. Kiến trúc và tỷ lệ khác nhau chút ít đối với mỗi hóa thần thiền định và có thể rất phức tạp.

Ở trung tâm của một tòa nhà trong suốt làm bằng ánh sáng như vậy, là Guru của bạn trong hình thức Vajradhara. Ngài ngồi trên một tòa ngồi có hoa sen và mặt trăng làm chỗ ngồi, do những con sư tử nâng đỡ. Ở trên ngài là tất cả dòng các bậc Guru, từ Vajradhara qua Tilopa, Naropa… cho đến Guru gốc của bạn. Xung quanh ngài là bốn nhóm nhân vật như nói ở trên, tương tự với khi quán tưởng quy y và lễ lạy. Đây là ruộng công đức để cho bạn cúng dường.

Bấy giờ hãy làm một mạn đà la khác với những ụ đống của nó và cúng dường nó với câu tụng “…một mạn đà la được xây trên một nền rực rỡ với hoa, nước màu vàng nghệ và hương…” và v.v…, cùng với phần còn lại của chất liệu cấu thành mạn đà la. Như thế con dâng cúng cả hai mạn đà la, một bằng vật chất thực sự và một do tâm thức tạo nên.

Với một mạn đà la để cúng dường đủ tiêu chuẩn, trước hết cầm mặt dĩa và chùi sạch nó trong khi tụng một lần thần chú một trăm âm để tịnh hóa những nhiễm ô phiền não. Tiếp theo nhỏ một giọt nước lên đó để bày tỏ sự phát Bồ đề tâm của bạn và sự thấm ướt của lòng bi. Rồi đặt cái vành đai đầu tiên lên mặt dĩa, đổ gạo, đậu… Thành các ụ đống theo những hướng thích hợp cho từng nơi chốn, kho tàng và thiên nữ cho đến khi tất cả những vành đai đều đầy và được hoàn thành với chót đỉnh được trang hoàng với chất liệu quý báu. Đây là sự cúng dường mạn đà la vật chất trong khi đọc tụng những câu kệ.

Mạn đà la do tâm thức tạo nên là sự quán tưởng của bạn như được diễn tả bởi những câu kệ này. Cái bạn đang cúng dường là toàn thể vũ trụ và tất cả sự giàu có của nó như đức Phật đã nói trong những giáo lý Abhidharma (A tỳ đàm). Đức Phật diễn tả vũ trụ theo nhiều cách khác nhau, bởi vì tùy theo trạng thái thanh tịnh của bạn, bạn thấy sự vật một cách khác nhau. Theo sự diễn tả riêng ở đây, có đất bằng vàng với một vành đai hay hàng rào bằng sắt làm chu vi và một đại dương nước mặn ở bên ngoài. Bên trong hàng rào, nơi mỗi hướng chính là bốn châu lục, mỗi châu có hai tiểu lục địa ở giữa châu đó với hàng rào, tất cả tách rời nhau bởi những đại dương. Trên bờ kia của những đại dương, đi dần vào trung tâm là những hàng rào lần lượt của bảy núi vàng và bảy hồ nước trong. Ở trung tâm là Núi Tu Di, vuông, hình cái tháp, với bốn tầng từ dưới đáy lên trên. Mặt phía đông của núi bằng pha lê trắng, mặt nam ngọc da trời màu xanh, mặt tây hồng ngọc màu đỏ và mặt bắc ngọc bích màu lục. Biển và trời mỗi phương có màu tương ứng. Châu phía đông và các tiểu lục địa hình bán nguyệt mặt thẳng đối diện núi Tu Di, châu phía nam hình bốn cạnh cong, với những mặt lõm, đỉnh mặt lõm dài hơn thì xa núi Tu Di và đáy mặt lồi ngắn hơn gần núi Tu Di, châu phía tây hình tròn và châu phía bắc hình vuông.

Con người ở châu phía nam (Nam Thiệm Bộ Châu), nơi những đại dương và bầu trời màu xanh. Những châu khác không nên nghĩ như những nơi chốn ở không gian bên ngoài có thể đi đến bằng phi thuyền. Bạn chỉ có thể đến đó nếu bạn tích tập đủ nghiệp cho một tái sanh ở chỗ ấy.

Câu kệ mà bạn lập lại 100.000 lần trong phần sơ bộ này là, “Hướng đến những cõi Phật sự cúng dường mạn đà la này, xây trên một nền rực rỡ bằng hoa, nước màu nghệ và hương, trang nghiêm với núi Tu Di và bốn châu lục, cũng như mặt trời mặt trăng, nguyện tất cả chúng sanh đều được sanh về các cõi Tịnh Độ.”

Do sức mạnh của những cúng dường như vậy, con tích tập hai thứ công đức và huệ quán và nhận những ban phước để khai triển những kinh nghiệm và huệ quán cao siêu. Đã cầu xin những ban phước, con quán tưởng tất cả hội các hóa thần trong mạn đà la làm ra trước mặt con tan thành ánh sáng và tan vào trong con. Theo cách đó, con làm đầy đủ hai sự tích tập.

Bằng cách cúng dường mạn đà la vật chất và vũ trụ được quán tưởng, bạn tích tập công đức. Khi làm thế, vừa thiền định về trạng thái không năng sở của tánh Không về những sự cúng dường, bạn tích tập huệ quán. Do sức mạnh của hai sự tích tập này bạn chiến thắng hai loại chướng ngại, những chướng ngại ngăn trở Giải Thoát và những chướng ngại ngăn trở Toàn Trí. Sự tích tập công đức làm cho đạt được những Sắc thân của một vị Phật, và tích tập huệ quán là những thân Trí Huệ. Những Sắc thân là Hóa thân và Báo thân. Hóa thân xuất hiện cho những chúng sanh bình thường, trong khi Báo thân chỉ các Thánh Bồ tát mới thấy được, đó là những vị với Bồ đề tâm và có tri giác trần trụi về tánh Không. Những thân Trí Huệ là Tự Tánh thân và Pháp thân. Theo bản văn này, thì Tự Tánh thân là tâm Toàn Giác của một vị Phật và tánh Không của tâm ấy, còn Pháp thân là tính bất nhị của ba thân trước. Tuy nhiên những định nghĩa của hai Tự Tánh thân và Pháp thân thường đổi ngược và đôi khi Pháp thân chỉ được như một từ chung cho cả hai. Hơn nữa, có nhiều cấp độ khác để hiểu và định nghĩa những thân khác nhau của một vị Phật.

Đây là sự thực hành sơ bộ thứ ba : cúng dường mạn đà la.

SHARE:

Trả lời