NGỮ GIẢI PHẦN THỨ BA

SHARE:

TIẾNG NÓI VÔ THINH

(The voice of the silence)

Tác giả: H. P. BLAVATSKY
Dịch giả: NGUYỄN VĂN NHUẬN
ÁNH ĐẠO TÙNG THƯ 1 9 6 8

Tựa
PHẦN THỨ NHỨT
PHẦN THỨ NHÌ
PHẦN THỨ BA
NGỮ GIẢI cho PHẦN THỨ NHẤT
NGỮ-GIẢI cho PHẦN THỨ NHÌ
NGỮ GIẢI PHẦN THỨ BA
Chú Thích
NGỮ GIẢI PHẦN THỨ BA

BẢY CỬA

1)      Upadhya là Sư Phụ, là Guru.

2)  Yana là cỗ xe, như thế Mahàyàna là cỗ xe lớn và Hìnayàna, là cỗ xe nhỏ tên của hai môn phái tôn giáo và triết học của Phật giáo phương Bắc.

3)      Thinh văn, kẻ nghe.

4)    Samtan cũng giống tiếng Sanskrit Dhyàna hay là trạng thái thiền định có bốn bậc.

5)    Paramitàs: Lục độ, sáu đức hạnh, đối với các vị tu sĩ thì có mười hạnh.

6)    Srotapatti theo tự nghĩa là “kẻ vào trong giòng nước”, “nhập lưu” chảy đến Niết Bàn. Ðó là tên của con đường thứ nhất. Con đường thứ nhì tên là Sakridagamin “kẻ chỉ còn luân hồi một kiếp nữa thôi”. Con đường thứ ba gọi là Anàgàmin “kẻ không còn luân hồi nữa” trừ phi người muốn luân hồi để giúp đời. Con đường thứ tư là con đường của vị La Hán. Ðó là con đường cao nhất. Vị La Hán thấy Niết Bàn trong kiếp hiện tại. Ðối với Ngài trong khi thiền định Tam Muội (Samadhi) Ngài biết tất cả ân huệ cõi Niết Bàn chớ không phải sau khi chết.

7)    Đối với tín đồ Phật giáo phương Bắc “đến bờ bên kia” có nghĩa là đạt được Niết Bàn bằng cách hành sáu và mười hạnh Pàramitas.

8)    Hồn mẹ là Alaya, hồn Vũ Trụ hay là Atman, mỗi người đều có nơi mình một tia của nó và có thể đồng hóa mình với tia đó, nhập vào tia đó.

9)      Anthakarana là hạ trí, con đường giao thông giữa phàm nhân và Thượng Trí hay Linh Hồn con người. Khi chết, đường giao thông này bị tiêu hủy và phần còn lại sống trong Kamarupa – cái vỏ.

10) Phật giáo đồ phương Bắc và thực ra tất cả người Trung Hoa đều cho là tiếng gầm thét của một vài sông thánh biểu lộ chủ âm của Thiên Nhiên. Vì đó mới có sự so sánh trên đây. Một điều được công nhận trong vật lý học cũng như trong huyền bí học là hợp thành lực của các tiếng tăm thiên nhiên theo như tai người ta nghe được, trong tiếng chảy ầm ầm của các đại giang, trong tiếng gió thổi đu đưa các ngọn cây trong rừng, hoặc tiếng tăm của một đô thị ở xa, hợp thành một thanh âm duy nhất và có một âm điệu riêng. Ðiều này được các nhà vật lý học và các nhạc sĩ chứng minh. Như giáo sư Rice (nhạc Trung Hoa) chỉ rõ người Trung Hoa đã nhìn nhận điều này cả ngàn năm trước khi họ nói “nước của Hoàng Hà chảy nghe có giọng Kung” gọi là “đại cung” trong nhạc Trung Hoa, và ông chỉ rõ cung này tương xứng với cung Fa, “được khoa Vật lý học kim thời xem như là chủ âm của thiên nhiên hiện giờ”. Giáo sư B. Silliman cũng có nói trong cuốn “Nguyên tắc vật lý” của ông “cung này là Fa trung bình của dương cầm mà người ta có thể xem là chủ âm của Tạo Vật”.

11) Những Bhons hay là Dugpas, phái “Mũ Ðỏ” được xem như là rất giỏi về tà thuật. Họ ở miền Tây Tây Tạng, Tiểu Tây Tạng và Bhutan. Tất cả đều là Tantrikas. Một điều rất buồn cười là những nhà Ðông phương học đã có viếng miền biên giới xứ Tây Tạng như Schlagintweit và nhiều kẻ khác đã lầm lộn những nghi lễ và những cách hành đạo gớm ghiếc của những kẻ nói trên đây với tín ngưỡng của các vị Lạt Ma đông phương, các vị “Mũ Vàng” và các valjors của các Ngài. Câu kế đây là một thí dụ.

12) Dorje, tiếng Sanskrit là Vajra là một bửu pháp trong tay của một số kiết thần (Dragshed của Tây Tạng, các Devas che chở loài người) có pháp khu trừ những ảnh hưởng xấu cùng tà khí cũng như chất Ozone trong hóa học. Ðó cũng là một Mudrà, một tư thế (cách ngồi) để tham thiền. Tóm lại, tư thế hay phù phép đó là một biểu tượng của pháp lực đối với ảnh hưởng xấu vô hình. Tuy nhiên các Bhons hay Dugpas chiếm đoạt biểu tượng đó đem dùng về tà thuật. Ðối với phái “Mũ Vàng” hay là Gelugpas thì đó là một biểu tượng thần oai cũng như Thánh giá đối với tín đồ Cơ Ðốc và không có gì là “mê tín” cả. Ðối với phái Dugpas thì cũng như hai hình tam giác ngược là dấu hiệu của tà thuật.

13) Viràga là tính lãnh đạm tuyệt đối, đối với Vũ Trụ khách quan, đối với sự vui và sự khổ. Tiếng “chán” không đúng nghĩa nhưng cũng gần gần như thế.

14) Ahamkara, cái Tôi hay là sự cảm biết về cái Tôi, cái bản ngã.

15) “Kẻ đi theo dấu những người trước của mình” hay là “những người đã đến trước mình” đó là nghĩa đúng của chữ Tathàgata (Như Lai).

16) Samvritti là một trong hai Chân lý thuyết minh tính chất ảo mộng và trống rỗng của mọi vật. Ðó là một chân lý tương đối. Phái Mahàyàna giảng dạy sự khác nhau giữa hai chân lý đó. Paramarthasatya và Samvrittisatya (Satya nghĩa là Chân lý). Ðó là chỗ tranh chấp giữa phái Madhyamikas và phái Yogacharyas, phái thứ nhất phủ nhận và phái thứ nhì xác nhận rằng mọi vật có ra là do một nguyên nhân đã có trước nữa tạo ra hay là do sự tiếp nối. Phái Madhyamikas là phái vô thần cho rằng tất cả đều là Parikalpita một ảo mộng và lầm lạc trong tâm giới cũng như ngoại giới. Phái Yogacharya là phái duy tâm. Thế thì Samvritti về mặt chân lý tương đối là nguồn gốc của mọi ảo mộng.

17) Lhamayin là bọn ngũ hành và yêu quỉ thù nghịch với loài người.

18) Jnàna Màrga là “con đường Jnàna” hay là con đường tri thức thuần túy của Paramartha hay là (theo Sanskrit) Svasamvedanà “sự tự suy xét hay tự phân tích”.

19) Xem giải thích số 4 phần 2. “Linh Hồn Kim Cương” hay là Vajradhara chủ trị trên Dhyàni Buddhas.

20) Ðây ám chỉ sự tin tưởng rằng mỗi khi có thêm được một vị Phật hoặc Thánh mới chứng quả tức là thêm được một chiến sĩ trong quân đội của những kẻ làm việc để giải thoát hay là cứu rỗi nhân loại. Trong những xứ Phật giáo phương Bắc có giảng dạy giáo lý về Nirmanakàyas – Những vị Bồ Tát khước từ chân phúc Niết Bàn mà các Ngài có quyền hưởng hoặc không khoác áo Dharmakàya (vì hai lối đó làm cho các Ngài đoạn tuyệt với nhân thế) để giúp đỡ nhân loại trong chốn vô hình và cuối cùng đưa nhân loại đến Ðại Niết Bàn. Mỗi vị Bồ Tát mới hoặc mỗi vị được điểm đạo cao cấp mới được gọi là “kẻ giải thoát nhân loại”.

21) Ám chỉ những sự ham muốn và tội lỗi của con người bị diệt trừ trong những cuộc thử lòng của vị đệ tử và hóa thành miếng đất tốt cho mầm giống của những đức tính siêu việt nảy nở, những đức hạnh bẩm sinh, những tài năng và thiên tư là những thứ đã hoạch đắc trong một kiếp trước. Thiên tài luôn luôn là một tài năng của một kiếp trước đem lại.

22) Titikshà là trạng thái thứ năm trong Raja Yoga – một trạng thái lãnh đạm tuyệt đối, phục tùng nếu cần, đối với cái mà người ta gọi là “vui và khổ cho tất cả” nhưng cũng không lấy sự phục tùng đó làm vui hoặc buồn, nói tóm lại là một trạng thái mà người ta trở nên vô tình và vô cảm đối với vui cũng như đối với khổ về cả ba mặt xác, trí và tâm.

23) Sowani là người thực hành Sowan, con đường thứ nhất trong Dhyàna, một Srotapatti.

24) Chữ “Ngày” đây có nghĩa là trọn một Manvantara, một kỳ gian lâu vô số.

25) Núi Mérou, núi thiêng của Chư Thiên.

26) Trong khoa tượng trưng của Phật giáo phương Bắc nơi Cực Lạc Quốc hay là “không gian vô tận” có hai vị Bồ Tát Quan Thế Âm và Ðại Thế Chí, đời đời soi sáng khắp tam giới, dùng ánh sáng tri thức đó để khai hóa các nhà Yogi, để cho các vị này cứu độ lại người đời. Ngôi vị cao cả của hai Ngài trong Quốc độ A Di Đà là do nơi công đức phổ độ mà hai Ngài đã tạo khi còn làm nhà Yogi ở trần thế.

27) Tam giới là cõi phàm trần, cõi trung giới và thượng giới.

28) “Bức tượng bảo vệ” tiên thánh dạy rằng những gắng công chồng chất của các bậc Thánh, Tiên từ đời này sang đời khác nhất là của những vị Nirmànakàyas tạo ra một bức tường bảo vệ chung quanh nhân loại, che chở một cách vô hình cho loài người khỏi những tai nạn gớm ghê hơn nữa.

29) Klesha, là thích sự khoái lạc ở đời, tốt hay xấu.

30) Tanhà, lòng ham sống gây ra sự luân hồi.

31) Không nên hiểu chữ từ bi này theo nghĩa “lòng thương của Thượng Ðế” của các nhà theo thuyết hữu thần, ở đây từ bi là một luật trừu tượng và vô ngã, bản chất của nó là sự Ðiều Hòa tuyệt đối, bị sự bất hòa, đau khổ và tội lỗi làm cho rối rắm.

32) Theo ngữ pháp của Phật giáo Bắc tôn, tất cả các vị Ðại La Hán và các bực Tiên, Thánh đều được gọi là Phật.

33) Theo ngôi vị Thiên đình thì vị Bồ Tát kém hơn vị “Phật trọn lành”. Theo cách nói công khai thì người ta hay lẫn lộn hai bực đó làm một. Tuy nhiên, tri giác thiên phú và chính lý của quần chúng đã có ý tôn kính vị Bồ Tát hơn vị Phật do sự hy sinh của vị Bồ Tát.

34) Cũng do lòng tôn kính đó mà quần chúng gọi là “Phật Từ Bi” những vị Bồ Tát khi đạt đến quả vị La Hán (nghĩa là đã đi hết con đường thứ tư hay là thứ bảy) không chịu nhập Niết Bàn hay là lãnh áo Dharmakàya và sang bờ bên kia, vì làm như thế thì các Ngài không thể nào giúp đỡ nhân loại được nữa. Các Ngài thích ở trong cảnh vô hình của thế giới và giúp vào sự cứu vớt nhân loại bằng cách cảm hóa con người để dìu dắt con người theo Luật Trời, theo Ðường Chánh Lý. Trong Phật giáo công truyền phương Bắc có lệ tôn sùng những bậc đó như Thánh và đọc kinh cầu nguyện các Ngài cũng như người Hy Lạp và tín đồ Cơ Ðốc giáo đối với các Thánh hộ mạng của họ vậy. Nhưng những giáo lý bí truyền không khuyến khích hành động như thế. Có một sự khác biệt nhau rất xa giữa hai giáo huấn. Cư sĩ theo giáo lý công truyền biết rất ít về nghĩa thật của chữ Nirmànakàya vì đó mới có sự lầm lộn và những sự cắt nghĩa thiếu sót của các nhà Ðông phương học, thí dụ Schlagintweit tưởng rằng Nirmànakàya có nghĩa là nhục thân của các Đức Phật khi mấy Ngài đầu thai xuống thế (xem quyển Buddhism in Tibet) và do đó sanh ra một kiến thức hoàn toàn sai lầm về vấn đề đó. Tuy nhiên giáo lý chân truyền như thế này:

Ba thân hay là hình thể mà bực Tiên, Phật có thể chọn lựa gọi là:

  1. Nirmànakàya.
  2. Sambhogakàya.
  3. Dharmakàya.

Cái thứ nhất là hình thể tinh vi mà người sẽ dùng khi bỏ xác thân, khi người hiện thân trong cái vía và đồng thời có tri thức đầy đủ của một vị Chơn Tiên. Vị Bồ Tát phát triển cái thể đó nơi người trong khi người tiến bước trên đường Ðạo. Khi đã đạt mục đích, người khước từ kết quả và ở lại thế gian làm một vị Chơn Tiên. Và đến khi người bỏ xác trần thay vì nhập Niết Bàn, người ở trong cái thân vinh diệu mà người đã tạo, người đời không nhìn thấy được, để trông nom và che chở cho nhân loại. Sambhogakàya cũng giống như thế nhưng có thêm ba sự hoàn thiện nữa, một trong sự hoàn thiện này là hoàn toàn tiêu ma mọi sự liên hệ với đời.

Dharmakàya là thân của vị Phật nghĩa là không có thân mà chỉ là một linh khí : Ý thức nhập trong Ý thức Vũ Trụ hay là Linh Hồn trống rỗng không còn biểu hiện gì cả. Khi đã nhận lấy Dharmakàya, vị Chơn Tiên hoặc Phật đoạn tuyệt mọi quan hệ cho đến mọi tư tưởng về trần thế. Vì đó muốn có thể giúp đỡ nhân loại, một vị Chơn Tiên được quyền hưởng Niết Bàn, “khước từ thân Dharmakàya” theo cách nói huyền bí chỉ giữ tri thức đầy đủ của Sambhogakàya và ở trong thân Nirmanakàya. Trường Bí Truyền dạy rằng: Phật Gô ta ma và nhiều đệ tử La Hán của Ngài thuộc về hạng Nirmànakàya này và do sự đại hy sinh cho nhân loại, trên Ngài không còn có ai nữa.

35) Myalba (Ta Bà) là quả đất của chúng ta, gọi một cách rất đúng là một “địa ngục” và theo trường bí giáo thì là cái địa ngục to hơn tất cả các địa ngục. Giáo lý bí truyền không biết địa ngục hay là nơi hình phạt nào khác hơn là những hành tinh hay là địa cầu có loài người ở. Avitchi là một trạng thái chớ không phải một trường sở.

36) Nghĩa là một vị Cứu Thế đã sanh ra đời và sẽ dìu dắt loài người đến Niết Bàn cuối cùng khi đã liễu kết cuộc tuần hoàn sinh hóa.

37) Ðây là một thể thức của các công thức để sau chót tất cả những kinh luận, cầu đảo hoặc huấn thị ,“Vạn Vật Thái Bình”, “Phước lành cho tất cả sinh vật”.

H Ế T

SHARE:

Trả lời