BÀI KỆ TRUYỀN PHÁP CỦA THIỀN SƯ VÔ NGÔN THÔNG

SHARE:

 

Thiền sư Vô Ngôn Thông (? – 826), đời thứ tư sau Lục Tổ Huệ Năng, người Trung Hoa, đệ tử của tổ Bá Trượng Hoài Hải, là người thứ hai sau thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi khoảng hơn hai trăm năm đem Thiền tông truyền vào Việt Nam gọi là dòng thiền Vô Ngôn Thông. Dòng thiền này được truyền thừa đến thế kỷ thứ 13, hết thảy được mười lăm đời. Cũng từ dòng thiền này, thiền sư Thường Chiếu (? – 1203) đời thứ 12 Vô Ngôn Thông, truyền xuống bảy đời đến Trúc Lâm Hạnh Đầu Đà hình thành thiền phái Trúc Lâm và thiền phái Trúc Lâm được lưu truyền đến Hương Hải Thiền sư (1628 -1715). Như vậy, cả hai dòng thiền Vô Ngôn Thông và Trúc Lâm tồn tại ở Việt Nam lâu nhất khoảng gần một ngàn năm.

Khi thiền sư Vô Ngôn Thông đến Việt Nam ngài dạy đệ tử là Cảm Thành như sau:

    “ Xưa đức Thế Tôn vì một nhân duyên lớn mà xuất hiện ở đời, hóa duyên viên mãn Ngài vào Niết-bàn. Diệu tâm này tên Chánh pháp Nhãn tạng, thật tướng không tướng, pháp môn chánh định, chính Ngài trao cho đệ tử là Tôn giả Ma-ha Ca-diếp làm Sơ tổ. Đời đời truyền nhau đến Tổ Đạt-ma, từ Ấn Độ sang Trung Hoa trải bao nguy hiểm, vì truyền pháp này. Cứ thế đến Lục tổ Tào Khê được nơi Ngũ tổ, vẫn dòng phái Đạt-ma. Tổ Đạt-ma lúc mới đến, vì người chưa tin hiểu nên lấy việc truyền y bát để rõ chỗ đắc pháp. Nay niềm tin đã thuần thục, thì y là đầu mối của sự tranh giành. Thế nên, Ngũ tổ dặn: “Phải dừng ngay nơi ông, không nên truyền nữa.” Do đó, đến nay chỉ dùng tâm truyền tâm mà chẳng trao y bát.

    Khi ấy, Tổ sư Nam Nhạc Hoài Nhượng nhận được chân truyền này, bèn trao cho Mã Tổ Đạo Nhất, Mã Tổ trao cho Bá Trượng Hoài Hải. Ta ở chỗ Tiên sư Bá Trượng nhận được tâm pháp ấy đã lâu, nghe ở phương này (Việt Nam) có nhiều người hâm mộ Đại thừa, vì thế mà đến phương Nam để tìm thiện tri thức. Nay ta gặp ngươi đây, ấy bởi túc duyên đã sẵn. Nghe ta nói kệ:

 Các nơi đồn đại
Dối tự huyên truyền
Rằng Thủy Tổ ta
Gốc từ Tây Thiên.
Truyền pháp Nhãn tạng
Gọi đó là Thiền
Một hoa năm cánh
Hạt giống liên miên.
Thầm hợp lời mật
Muôn ngàn có duyên
Đều gọi tâm tông
Thanh tịnh bản nhiên.
Tây Thiên cõi này
Cõi này Tây Thiên
Xưa nay nhật nguyệt
Xưa nay sơn xuyên.
Chạm đến thành trệ
Phật tổ thành oan
Sai đó hào ly
Mất đó trăm ngàn.
Ngươi khéo quán sát
Chớ lừa cháu con
Ngay như hỏi ta
Ta vốn không lời.”
 

Tại sao lời đầu tiên dạy ngài Cảm Thành, thiền sư Vô Ngôn Thông phá ngay cái thấy chấp tướng có truyền thừa từ lịch sử của Thiền tông xưa nay đã truyền từ Phật Thích Ca cho Ma Ha Ca Diếp, truyền xuống 28 vị tổ người Ấn Độ, sáu vị tổ người Trung Hoa, đến tổ thứ Sáu Huệ Năng? Như vậy, rõ ràng về mặt lịch sử là có truyền thừa từ thầy qua trò như ngài đã kể qua, nhưng sao ngài lại nói rằng Dối tự huyên truyền, Rằng thủy tổ ta Gốc từ Tây Thiên?

Chúng ta hãy khảo sát thiền sư Hành Tư (0 -740), đệ tử đời thứ nhất của Lục Tổ, sau khi đắc pháp, ngài trở về trụ trì chùa Tịnh Cư trên núi Thanh Nguyên ở Kiết Châu.

“Có ông Sa-di Hy Thiên đến, Sư hỏi:

– Ngươi phương nào đến?

Hy Thiên thưa:

– Con từ Tào Khê đến.

– Đem được cái gì đến?

– Chưa đến Tào Khê cũng chẳng mất.

– Mặc tình dùng đi, đến Tào Khê làm gì?

– Nếu không đến Tào Khê đâu biết chẳng mất.”

Tào khê ở đây được ngài Hy Thiên dùng là nói đến Tâm giải thoát, tức ông đến là từ Tâm giải thoát mà đến; và Tào Khê cũng có ý nói đến Lục Tổ. Chúng ta thấy, nếu không có vị thầy ở Tào Khê thì Sa di Hy Thiên (tức thiền sư Thạch Đầu) không thể nhận ra cái thấy chưa đến Tào Khê cũng chẳng mất như thế nào. Và nếu không đến Tào Khê thì chúng ta cũng không thể mặc tình dùng cái chẳng mất, chúng ta không thể phát hiện Nó qua sự chỉ bày hay truyền thừa từ một vị thầy.

Đoạn kế, cũng thiền sư Hành tư:

“Một hôm Thiền sư Thần Hội đến tham vấn, Sư hỏi:

– Ở đâu đến?

Thần Hội đáp:

– Tào Khê đến.

– Ý chỉ Tào Khê thế nào?

Thần Hội chỉnh thân rồi thôi.

Sư bảo:

– Vẫn còn đeo ngói gạch.

– Ở đây Hòa thượng có vàng ròng cho người chăng?

– Giả sử có cho, ông để vào chỗ nào?”

Đoạn này càng nói rõ ràng hơn về truyền thừa mà không có gì để truyền, chính ở câu có vàng ròng cũng không có chỗ để. Chúng ta sẽ dần dần nhận ra sự cầu tìm tâm giải thoát ở trong, ở ngoài đối với người học đạo là một vọng tưởng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thắc mắc, như vậy tâm giải thoát hay Chánh Pháp Nhãn Tạng ở đâu? Nơi thầy? Nơi Trò? Hay ngoài thầy, trò? Chúng ta hãy tham khảo đoạn trích thứ ba:

Thiền sư Duy Nghiễm (751 – 834) đời thứ ba sau Lục Tổ:

“Có vị Tăng hỏi:

– Tổ sư chưa đến nước này (Trung Hoa), nước này có ý Tổ sư chăng? 

Sư đáp:

– Có.

– Đã có ý Tổ sư, lại đến làm gì?

– Bởi có, cho nên đến.”

(Thiền sư Trung Hoa, Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch)

Đoạn thứ ba này nói lên, ý Tổ sư, Phật tánh, hay cụ thể là Chánh Pháp Nhãn Tạng dù có hay không có Phật, có hay không có Tổ Sư thì ở nước này (Trung Hoa) hay bất cứ đâu trên cõi ta bà, lúc nào giải thoát cũng hiện hữu chỉ chờ một vị thầy đến để khai ngộ, thức tỉnh cho những ai muốn khám phá ra kho tàng mà chúng ta đã bỏ quên từ lâu mà thôi.

Tóm lại, không có thầy khai thị thì chúng ta không thể nhận ra Tâm giải thoát, nhưng không phải thầy có truyền Tâm giải thoát cho ta. Theo nghĩa thông thường khi nói tâm truyền tâm là chúng ta nghĩ có một cái tâm thầy truyền cho trò. Thật ra tâm truyền là thầy khai thị cho đệ tử của mình nhận ra chính đệ tử cũng có Tâm giải thoát giống như thầy không khác là đã truyền thừa. Một sự thật khác là Tâm giải thoát luôn luôn hiện hữu, Nó luôn luôn là cơ hội cho mỗi chúng ta khám phá nhận diện ra Nó, cơ hội này sẽ được phân tích ở phần tiếp theo.

 

    Thầm hợp lời mật, Muôn ngàn có duyên. Phật tử chúng ta thường có nhận xét, Thiền tông là một tông phái mà phương pháp tu khó có người đảm nhận, cho nên thực tế ở nước ta số lượng Phật tử tu thiền chiếm rất ít và trong số đó người thầm hợp lời mật lại càng hiếm hơn. Cho nên chúng ta phải thấy nguyên nhân từ đâu mà người tu thì nhiều mà thâm nhập được thiền lại hiếm.

Cụ thể chúng ta phải đặt câu hỏi tại sao cùng một lời dạy của các vị đã giác ngộ lại có rất ít người chứng ngộ? Nguyên nhân chính là tâm của người học chưa tương thông với lời chỉ dạy. Khi tâm của học trò tương thông với tâm của vị thầy thì thầy chỉ gợi ý là trò có thể nhận ra lời dạy của thầy. Muốn cho tâm của người học tương thông với thầy thì người học phải tu hành như thế nào?

Phải thực hành sơ bộ, hay còn gọi là thực hành tịnh hóa tâm thức. Tất cả những chương trình tu hành của Phật tử Tây Tạng đều phải qua bước thực hành sơ bộ, kể cả các bậc tái sanh cũng phải đào tạo qua thực hành sơ bộ để làm gương cho người đời sau. Chẳng hạn như phải lễ lạy một trăm ngàn lạy, cúng dường Mạn đà la một trăm ngàn lần, quán tưởng một trăm ngàn lần,.. hầu như tất cả những cuốn sách nói về tu hành của Phật giáo Tây Tạng đều nhấn mạnh đến thực hành sơ bộ, có chỗ còn gọi là giai đoạn phát triển, kế đến là giai đoạn thành tựu. Khi trải qua thực hành tịnh hóa tâm thức thì những che chướng bởi ngũ uẩn sẽ được tịnh hóa lúc đó hành giả mới có cơ hội thể nhận bản tâm.

Ngữ lục của Thiền tông ít ghi lại quá trình tu hành của một hành giả mà phần lớn là ghi lại sự đối đáp giữa thầy và trò lúc khai thị. Thật ra nếu không có thực hành sơ bộ thì sẽ không có cao điểm lúc trò gặp thầy để vị thầy có thể khai thị cho học trò. Đơn cử như Lục Tổ khi nghe một vị khách tụng kinh Kim Cang biết mình có duyên nên về sắp đặt người nuôi mẹ. Xong việc nhà, ngài vượt đường xa đến Huỳnh Mai để ra mắt Ngũ Tổ, đoạn đường dài với tâm tha thiết là thay cho thực hành sơ bộ. Chín tháng giả gạo của Lục Tổ đã đưa đến tâm ngài chín muồi nên Ngũ Tổ đọc cho ngài nghe Kinh Kim Cang ngài đã chứng ngộ thốt lên: Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh, đâu ngờ tự tánh vốn không dao động,…

Thiền sư Lâm Tế (? – 867) là một vị thiền sư nổi tiếng, xuất cách với với cơ phong táo bạo, được coi là một vị thiền sư chỉ dạy học trò theo lối quân đội, khác với lối chỉ dạy bình dị mộc mạc của các vị thuộc tông Tào Động. Trước khi được ngài thủ tọa gợi ý gặp thầy mình là Hoàng Bá thưa hỏi: như thế nào là đại ý Phật pháp? Ngài đến ở trong hội của thiền sư Hoàng Bá nghiêm chỉnh 3 năm giới hạnh tinh nghiêm được ngài Thủ tọa khen “Tuy là hậu sanh nhưng cùng chúng chẳng giống”, chứng tỏ ngài đã chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng để được thầy mình khai thị, nên việc thưa hỏi của ngài mới thành công, ngài có thể thấy thẳng tới cái dụng của tự tánh, cho nên khi đã ngộ ngài hành động: thoi Đại Ngu và tát Hoàng Bá, ít có học trò vừa mới ngộ xong có hành động táo bạo như vậy.

Phải thực hành sơ bộ, đây là yêu cầu không thể thiếu mà cũng là yếu tố quyết định cần phải vượt qua vốn rất khó khăn nếu hành giả nào muốn có được Tâm tương thông hay Thầm hợp bản tâm. Phải chịu rất nhiều hy sinh, xả bỏ mọi tình chấp mới có thể nhận ra sự nghiệp lớn là Phật tánh. Chỉ trừ bậc có căn cơ, ai không qua giai đoạn thực hành sơ bộ mà tưởng rằng mình có thể chứng nghiệm được bản tâm là tưởng tượng hư vọng, hoặc chỉ là sự nắm bắt của tâm thức, còn kẹt nơi tâm chấp tướng.

Trong hoàn cảnh của mỗi chúng ta thì việc thực hành như thế nào được gọi là thực hành sơ bộ?

Thứ nhất, phải có một thời khóa để thực hiện như ngồi thiền, lễ lạy, sám hối, cúng dường ăn chay, niệm Phật… tùy theo khả năng mà mình thực hiện. Phải nghiêm chỉnh thực hành thời khóa mà mình đã nêu, lâu ngài tùy theo khả năng và sự tha thiết thực hành của mình mà tâm mau hay chậm tịnh hóa.

Thứ hai, phải có một tâm tha thiết cầu giải thoát, mọi việc trong đời được coi như thứ yếu chỉ có một đeo đuổi làm sao để phát hiện ra tâm giải thoát này. Có như vậy chúng ta mới hướng tâm và mọi hành động của mình về việc tu hành. Tâm càng thiết tha, thì việc nghĩ và hành động của mình mới luôn hướng về việc tịnh hóa tâm mình. cộng với thực hành nghiêm ngặt theo thời khóa đã định trước là tiền đề đưa đến tâm tương thông. Hay thầm hợp bản tâm.

Thứ ba, phải có ý chí kiên định, theo Phật giáo Nguyên Thủy trong mười ba la mật có quyết định ba la mật, hay với Phật giáo Đại thừa là phát Bồ Đề tâm là thể hiện sự kiên định. Ý chí kiên định là áo giáp, là động lực giúp chúng ta nỗ lực thực hành không lay chuyển mục đích, chính ý chí kiên định duy trì thời khóa, ý chí kiên định và lòng tha thiết cầu giải thoát tạo nên sức mạnh để thực hành, Nhờ nó mà chúng ta thực hành tịnh hóa được tâm thức.

“Nếu chẳng một phen sương lạnh buốt

Hoa mai đâu thể ngửi mùi hương.”

(Thiền sư Hoàng Bá (? – 850) đời thứ tư sau Lục Tổ)

 

Kế đến, vấn đề tâm truyền. Tại sao đây là bài kệ truyền tâm mà không thấy diễn tả tâm?      

          Chúng ta nhận thấy khá lạ, khởi đầu trước khi nói kệ truyền pháp, thiền sư Vô Ngôn Thông có dạy: Diệu Tâm, Diệu Tâm này là Chánh Pháp Nhãn Tạng, thật tướng không tướng, pháp môn chánh định, và ngài nói đến Tâm truyền tâm, Tâm pháp…là một lô những ngôn ngữ nói về Tâm giải thoát và phần nào diễn tả chính nó. Nhưng trong bài kệ truyền pháp thì ngài không dùng ngôn ngữ để diễn tả hay diễn giải nữa. Đây là một đặc điểm độc đáo trong Thiền tông, và trong Thiền Đại Toàn Thiện của Tây Tạng. Với ý chỉ trực chỉ nhân tâm, ai là người thầm hợp lời mật ai là người có duyên thì:

 “Tây Thiên cõi này,

 Cõi này Tây Thiên.

 Xưa nay nhật nguyệt

 Xưa nay sơn xuyên.”

Chỉ có bốn câu kệ là cách chỉ trực tiếp không qua ngôn ngữ để diễn tả tâm thanh tịnh như thế nào? Chánh Pháp Nhãn Tạng như thế nào? Diệu tâm như thế nào? Tâm pháp như thế nào? Đây là cách trỏ thẳng vào thực tại giải thoát để người tu tự chứng thực qua thấy biết trực tiếp chứ không qua hiểu biết ngôn ngữ của tâm thức để nắm bắt. Thực tại giải thoát thì không bao giờ thiếu, dù cảnh nào đời nào chúng ta cũng đang sống với thực tại, chúng ta là một với thực tại mà chúng ta không nhận ra.

    Tây Thiên cõi này, Cõi này Tây thiên, đây là một câu nói hợp nhất giữa Tây Thiên và nơi ngài đang sinh sống hay rộng hơn là ngay nơi chúng ta sinh sống. Về mặt lịch sử thì không còn ngăn cách giữa Tây Thiên với ngài hay giữa Tây Thiên với chúng ta. Không gian, thời gian là không khác, nó tiêu mất trong Cái thấy giải thoát.

Vì vậy, Tây Thiên còn có nghĩa là lời mật hay Diệu tâm được truyền thừa. Như vậy, lời mật hay Diệu tâm luôn luôn hiện hữu. Tổ sư luôn luôn hiện hữu hay Tổ sư chưa đến nước này nước này đã có sẵn ý Tổ sư. Và đó là cách chỉ Diệu Tâm, hay Cái thấy giải thoát:

“Xưa nay nhật nguyệt,

 Xưa nay sơn xuyên”

Đó! Ý Tổ sư hay Diệu tâm nơi trời, nơi trăng, nơi núi, nơi sông. Nơi quang cảnh quanh chúng ta xưa nay đã sẵn. Nếu chúng ta sống ở thành thị thì ý tổ sư nơi phố phường, nơi đường xá xe cộ, nơi chợ búa qua lại tắp nặp…khi lặng lẽ, khi sống động sôi nổi, chưa bao giờ ý Tổ sư vắng thiếu. Đây là chỗ chỉ tâm cao nhất, chỗ hợp nhất giữa tâm và cảnh hay tâm cảnh nhất như (tâm cảnh như một), chỗ này là Diệu tâm như ngài đã nói ở trên, nếu tâm ta thầm hợp sẽ nhận ra cách khai thị của ngài. Chúng ta thấy đây là chỗ trong kinh Đại Thừa Khởi Tín nói đến Thỉ giác hợp với Bản Giác, hay trong Phật giáo Tây Tạng gọi là Tịnh Quang Con bắt gặp Tịnh Quang Mẹ.

Cách khai thị của ngài như thế nào? Là để cho các pháp trực tiếp trước mắt chúng ta: ngay đây và bây giờ tự hiển bày, bởi thế ngài mới dạy chúng ta khéo quan sát, chớ hỏi ngài, ngài vốn không lời. Chứng tỏ gợi ý của ngài là đủ, còn chúng ta dù cách bao nhiêu đời với ngài, chúng ta bao giờ cũng có thể thầm hợp với lời dạy này ngay tại đây và bây giờ. Vì vậy sau ngài, những đệ tử đã thầm hợp lời mật đều có cách khai thị giống như ngài dùng cảnh để hiển bày tâm. Hay tâm và cảnh là một.

Đệ tử đầu tiên của ngài Vô Ngôn Thông là Cảm Thành khi được hỏi:

Thế nào là Phật?

– Ở khắp tất cả chỗ.

– Thế nào là Tâm Phật?

 – Chưa từng che dấu.

Thiền Lão Thiền Sư đời thứ sáu sau thiền sư Vô Ngôn Thông có câu nói:

“Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác,

 Trăng trong mây bạc hiện toàn chân.”

Thiền sư Thường Chiếu (? – 1203) đời thứ 12 Vô Ngôn Thông có câu thơ:

“Đạo vốn không nhan sắc,

Ngày ngày lại mới khoe,

Ngoài đại thiên sa giới,

                    Chỗ nào chẳng là nhà”

Tương tự, cách chỉ tâm giải thoát của Longchen Rabjampa (1308 – 1363):

    “Bất cứ cái gì xuất hiện thì giống như những hình ảnh trung thực phản chiếu cái tối hậu. Bất cứ trạng thái của thức nào sanh khởi đều tự nhiên tan ngay khi chúng được nhận biết. Đây là trò chơi của Pháp thân. Giống như nước và những làn sóng, chúng là một chuỗi liên tục trong Pháp thân. Đây là ý nghĩa của nghĩa tối hậu, đỉnh chót của những cái thấy, Đại Toàn Thiện, Dzogchen.”

(Trích trong Vòng Hoa Báu Bốn Pháp, Longchen Rabjampa, Việt Dịch Đương Đạo, nxb Thiện Tri Thức)

Chúng ta để ý, dù quang cảnh, sự việc có xảy ra làm vui lòng chúng ta hay gây phiền não với chúng ta. Thì sự trình hiện đầy đủ của nó là hoàn toàn nhất, rõ ràng nhất. Chính chúng ta chạy theo diễn biến thuận nghịch, hay dỡ,… mà quên rằng nó trình hiện đầy đủ toàn khắp với khả năng nhận thức không chủ ý của chúng ta. Đây là lối vào trực tiếp với cách khai thị mà chúng ta thấy dòng Vô Ngôn Thông muốn đệ tử mình thâm nhập, cụ thể qua những đoạn vừa trích ở trên.

Ngươi khéo quan sát,

Chớ lừa cháu con,

 Ngay như hỏi ta,

Ta vốn không lời.

Thế nào là khéo quan sát?

Trong kinh Kim Cang có câu: Thấy tướng chẳng phải tướng tức thấy Như Lai.

Ngài Tilopa có hai câu kệ:

“Nếu tâm không có đối tượng có chủ ý, đó là Đại Ấn.

Nếu bạn làm quen và rất quen thuộc với nó, thức tỉnh tối thượng sẽ đạt được.”

Vấn đề cốt lõi trong cái thấy, cái nghe,… không dính tướng, lìa tướng là chúng ta đang sống bằng sự trình hiện đầy đủ, hay dù có bóng hay không bóng thì gương tâm luôn luôn chiếu soi. Đó là sự trình hiện đầy đủ toàn khắp. Đó là khả năng nhận thức không chủ ý. Hay Bất cứ cái gì xuất hiện thì giống như những hình ảnh trung thực phản chiếu cái tối hậu. Bạn luôn luôn hiện hữu hay cảnh và tâm hợp nhất, cái tối hậu chính là bạn, chính là cảnh mà bạn đang sống, bạn nhận ra mọi xảy ra là trò chơi của Pháp thân. Không gì ngoài Pháp thân và trò chơi của Pháp thân cho nên: “xưa nay nhật nguyệt, xưa nay sơn xuyên” đã nói hết cho chúng ta ngay đây và bây giờ.

Tóm lại, bài kệ truyền pháp của ngài Vô Ngôn Thông có rất nhiều ý, chúng ta chỉ phát hiện phần nào ý chỉ của ngài. Nhưng có một điểm nổi bật trong bài kệ truyền pháp này là dùng cảnh để hiển tâm, và đó là tính bất tử, sự tươi mới trong sự truyền thừa mà ngài muốn chỉ bày cho chúng ta, và cho tất cả người đời sau. Luôn luôn thực tại trước mắt như cách khai thị của ngài xưa nay nhật nguyệt xưa nay sơn xuyên, lúc nào cảnh cũng trình hiện đầy đủ, chính cách trình hiện đầy đủ này nói lên sự tịch lặng nhưng sống động của tâm giải thoát. Chúng ta phải tự thể nghiệm thôi.

 

Tháng 01 năm 2016 Phật lịch 2560. Tánh Hải.

 

 

 

 

SHARE:

Trả lời