Tôi thường nghe và đọc thấy: cửa Không là cửa vào Đạo; vậy cửa Không là như thế nào? Làm sao qua được cửa này?

SHARE:

Tôi thường nghe và đọc thấy: cửa Không là cửa vào Đạo; vậy cửa Không là như thế nào? Có phải người thấy Đạo là người không còn cái gì hết? Nếu vậy, Đạo có vẻ yếm thế quá không? Làm sao qua được cửa này? Xin thientrithuc vui lòng giải thích cho tôi có niềm tin tiến tu.

Trả lời:
Bạn thân mến, theo Đại Thừa Khởi Tín Luận, ngài Mã Minh có dạy: “Nhất tâm nhị môn” Một Tâm hai cửa. Giải thoát môn, và sinh diệt môn. Tuy hai cửa nhưng chỉ là một Tâm; nghĩa là, khi chúng ta ở trong sinh diệt môn, chạy theo các tướng lưu xuất từ Như Lai Tạng. Bạn cũng không rời Như Lai Tạng, hay Giải thoát môn. Câu nói này hàm nghĩa Như Bát Nhã Tâm Kinh nói: “Sắc tức thị Không, Không tức thị sắc” sắc biểu thị các tướng của Như Lai Tạng, Không biểu thị Chân Như của Như Lai tạng. Cả hai làm thành nhau. Với người thấy Đạo họ sống trong sự hợp nhất của Tâm. Tức, tướng và tánh: không hai. Với người mê Đạo chỉ chạy theo tướng, sống lầm chấp theo tướng.
Như vậy, cửa Không là cửa vào Đạo; nhắc nhỡ chúng ta điều gì? Trước hết, chúng ta xem nghĩa của cửa Không như thế nào?
Nghĩa thứ nhất của cửa Không là thoát khỏi những che chướng, lầm chấp, không còn kẹt trên tướng của tâm. Như trong Bát Nhã Tâm Kinh dạy: “Quán Tự Tại Bồ tát hành thâm Bát Nhã Ba la mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai Không, độ nhất thiết khổ ách” (Khi Bồ tát Quán Tự Tại hành thâm Bát nhã Ba la mật đa ngài soi thấy năm uẩn đều Không liền qua hết thảy khổ ách).
Thiền sư Lâm Tế dạy: “Hễ có người tìm cầu thì Ta liền xem hắn, hắn không biết Ta thì ta liền mặc một số áo. Bởi vậy người học cứ một mực nhằm vào câu nói của Ta mà sanh kiến giải. Khổ thay! Kẻ trọc mù không có mắt, cứ nương theo cái áo Ta mặc mà nhận thấy sanh vàng đỏ trắng. Ta bèn cởi bỏ hết áo mà vào trong cảnh thanh tịnh, người học vừa thấy liền sanh vui mừng ham thích. Ta cởi bỏ luôn cảnh thanh tịnh, người học thất kinh, mịt mờ chạy cuống cả lên mà nói rằng Ta không có áo. Ta nói với hắn rằng: “Ngươi có biết người nào mặc áo chăng? Bỗng nhiên hồi đầu lại thì nhận được Ta rồi vậy”. Này các đại đức, các ông chớ có nhận áo. Áo không thể cử động, phải là Người mới hay mặc áo. Có cái áo thanh tịnh, có cái áo vô sanh, áo Bồ đề, áo Niết bàn, có áo Tổ, có áo Phật…”.
Qua lời dạy của ngài Lâm Tế, Không ở đây là không các thứ áo. Kể cả áo Phật, áo Tổ, áo thanh tịnh… Rõ ràng Đạo vượt qua các lớp áo đó, Nhưng cũng trên lời dạy của ngài, ngài hiện thân bằng nhiều thứ áo; chứng tỏ Đạo: vì không là biểu hiện của một chiếc áo nào cho nên có thể quyền biến hiện tất cả các thứ áo. Khi đó áo cũng chính là Đạo. Chỉ khác là chúng ta có nhận ra Người mặc áo hay không mà thôi.
Nghĩa thứ hai của Không môn là không có một cái cửa cố định. Khi nói đến cửa, chúng ta sẽ tưởng tượng ra một cái cửa và người ta qua lại nơi cửa này để bước từ thế giới này sang thế giới khác; cụ thể, như chúng ta phải qua cửa Không để vào Đạo. Không cửa nghĩa là: đâu đâu cũng là cửa. Lời dạy hết sức ngắn gọn của một thiền sư Việt Nam là Cảm Thành khi một vị tăng hỏi:
– Thế nào là Phật?
Ngài đáp:
– Ở khắp tất cả chỗ.
Lại hỏi:
– Thế nào là Phật tâm?
Đáp:
– Chưa từng che dấu.
Nếu Phật ở khắp và Phật tâm chưa từng che dấu, thì cũng có nghĩa: tất cả chỗ là cửa Không. Không cửa nhưng tất cả đều là cửa. Vì vậy, chúng ta thấy trong ngữ lục người xưa ngộ đạo bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào. Khi nào tâm Không thì khi đó, nơi đó là cửa và hành giả thấy Đạo.
Nghĩa thứ ba của cửa Không là: cửa Không rất hẹp. Cửa Không là sự gạn lọc tuyệt đối, cho nên cửa Không rất hẹp. Đây là nghĩa rất thiết thực và quan trọng nhất trong các nghĩa của cửa Không. Cửa Không thì ở khắp mọi nơi, mọi lúc. Nhưng chúng ta không qua được bởi vì kích cỡ của chúng ta quá lớn. Một chúng sanh mê lầm chấp có ta và cái của ta không qua cửa Không được; người tu, khi vào đạo thực hành một pháp tu nào đó, họ chấp vào Pháp tu của mình, kích cỡ lại tăng thêm. Kiến thức thế gian làm cho kích cỡ của chúng ta to lớn, khi vào đạo chúng ta có thêm một mớ tri kiến về Đạo, kích cỡ của chúng ta lại càng lớn hơn. Cho nên chúng ta không thấu hiểu cửa Không là cửa hẹp thì chúng ta không thể nào thực hiện tu tập để cho thân và tâm đều Không; nhằm qua được cánh cửa hẹp này.
Chính vì cánh cửa này hẹp bởi tính tuyệt đối gạn lọc của nó cho nên, trong thực tế người tu thì nhiều mà người ngộ Đạo lại rất ít. Hành giả phải gẫm kỹ điều này.
Chúng ta tham khảo một số khai thị quan trọng mà người tu muốn qua cửa hẹp này phải thực chứng trong tu hành của mình.
Phải tham thiền thấy được giải thoát giữa hai tư tưởng, đây là cách chỉ ra chỗ tâm thức dừng dứt của truyền thống thiền Tây Tạng và Thiền tông.
“Dứt đường ngôn ngữ, bặt chỗ tâm hành”. Là chỉ trạng thái dừng dứt của tâm hay định được tâm. Hoặc: “Sạch trọi trơn bày trơ trơ”. Hay: “da dày, da mỏng đều rơi rớt hết chỉ còn lại cái Chân thật”.
Nếu trích ra thì rất nhiều cho nên chúng ta thấy đây là cửa quan trọng mà hành giả tham thiền buộc phải vượt qua. Muốn vậy mọi thứ đeo mang dù chỉ một hạt bụi cũng phải buông bỏ mới qua được cửa hẹp này.
Cuối cùng, Tâm là bất nhị giữa quang minh và tánh Không, và theo Đại Thừa Khởi Tín Luận Tâm cũng bất Nhị giữa sanh diệt và Chân Như. Vì vậy tâm Không nhưng sáng tỏ, một cặp Không Minh là đồng hiện. Tiến lên nữa tâm minh không này không đứng tách ra khỏi thế giới sanh tử hiện tượng mà Tâm này còn dung nhiếp thấu thoát cả thế giới hiện tượng. Hay theo tinh thần Bát Nhã: “Bát Nhã vô tri, vô sở bất tri” (Bát Nhã không biết nhưng không việc gì mà chẳng biết).          Qua được cửa Không, hành giả sẽ đứng trong toàn cảnh của Giải thoát, từ nhận ra tâm giải thoát nhờ thoát khỏi những tư tưởng và các tướng (cửa Không); hành giả tham thiền để nhận ra tâm giải thoát này, ngược lại, có cả ở tư tưởng và các tướng. Giải thoát là một vị, nó có sẵn ở trạng thái tĩnh tại mà còn ở trạng thái động; ở Niết bàn mà còn có cả ở thế giới sanh tử. Đó chính là Đạo. Là tầm mức chúng ta cần tu hành để nhận ra. Mong bạn hoan hỷ. Chào bạn.

SHARE:

Trả lời