Tôi nghe hay đọc ở đâu đó dạy là tu trong một chữ xả. Xin hỏi thientrithuc, tu trong một chữ xả là như thế nào? Nó có quan trọng không mà chỉ tu có một chữ đó thôi?

SHARE:

Tôi nghe hay đọc ở đâu đó dạy là tu trong một chữ xả. Xin hỏi thientrithuc, tu trong một chữ xả là như thế nào? Nó có quan trọng không mà chỉ tu có một chữ đó thôi?

Trả lời:
Bạn thân mến, câu hỏi của bạn rất hay nếu phân tích trên nhiều phương diện tu hành chúng ta sẽ nhận thấy xả là một hạnh không bao giờ thiếu trên suốt con đường tu của mình.
Thứ nhất, từ tích tập công đức cho đến nhận ra cái thấy, mở rộng cái thấy đến khi cái thấy toàn khắp viên mãn, hạnh xả bao giờ cũng đồng hành.
Đầu tiên, Do chúng ta bị che chướng bởi thân và tâm, chúng ta lầm chấp thân và tâm là thật có, hành giả tu hành là nhằm tịnh hóa hay xem xét thân tâm mà chúng ta từ lâu dính mắc vào có đúng như chúng ta đã từng nghĩ và hành động theo hay không; dần dần chúng ta tịnh hóa được tâm, người tu xả ly được lầm chấp.
Bước kế tiếp, khi lầm chấp đã được tịnh hóa chúng ta có cơ hội để nhận ra bản tánh của tâm, đây là giai đoạn kiến tánh khởi tu. Thông thường ít ai nhận ra cái thấy giải thoát mà thấy hết mức độ, tầm cỡ của nó; giống như một người đang bị trôi nổi nhiều đời trong dòng nước sanh tử, bỗng nhiên đạp được chân vào nền đất thật; hành giả phải tập trung vào việc liên hệ, tái lập với cái thấy đã nhận ra; thường thì người tu thể nhận được cái thấy này trong lúc định tâm; cho nên, chúng ta phải tham thiền để thường xuyên an định tâm mình. Nhưng nếu chỉ an trú trong định tâm này thì giải thoát chỉ có thể cho riêng mình mà không lợi ích cho mọi người được.
Khi chúng ta quá chú tâm vào sự an định này, không khéo chúng ta tự mình lại thành trói buộc mình như: hành giả sợ khởi tưởng, muốn xa lìa thế gian ồn náo…nói chung chúng ta chỉ muốn ẩn cư để an định trong cái thấy thoát khỏi che chướng này. Muốn cho cái thấy lưu xuất, năng động; chúng ta phải thư giãn cởi mở (phải xả) mở rộng cái thấy ra dung nhiếp cả khởi tưởng, và các hình tướng, thậm chí hành giả còn đem những khó khăn vào con đường của mình để thử thách. Hạnh xả hay lòng bi rất cần thiết nó đóng vai trò hướng đạo trong giai đoạn này.

Chính sự cởi mở hay lòng bi làm cho giải thoát từ: chỉ xả bỏ sự che chướng của những lầm chấp ngũ uẩn là thật có, bước sang một tầm cở lớn hơn là tất cả đều giải thoát. Thân tâm giải thoát mà thế giới cũng giải thoát. Giải thoát toàn khắp khi hành giả nhận ra cái thấy và chúng ta không trụ chấp vào nó mà nhờ sự cởi mở tâm, chúng ta phát hiện giải thoát còn có mặt ở tất cả các hoàn cảnh, sự việc.
Ngay cả khi khởi tưởng trước đây ta tịnh hóa chúng để nhận ra định tâm; giờ đây, nhờ cởi mở (xả) chúng ta dung nhiếp thấu thoát được khởi tưởng, hay khởi tưởng không ngoài cái thấy giải thoát, định tâm được mở rộng ra với khởi tưởng.
Thiền sư Đạo Nguyên tổ của tông thiền Tào Động Nhật Bản có lời dạy:
                         “Học đạo là học chính mình,
                          học chính mình là quên chính mình (xả), 
                          quên chính mình là thể nhập vạn pháp (thể nhập cũng là xả).

Thứ hai, tâm là không hai giữa tánh Không và quang minh. Tịch mà Chiếu, đây là hai yếu tố không tách rời của tâm giải thoát. Chúng ta thử nhận xét xem trong hai yếu tố này hạnh xả có tồn tại trong cả hai hay không? Ở đây chúng ta chỉ khảo sát hai mặt của một tâm trên phương diện phân tích chia chẽ nhằm nhận biết hạnh xả luôn tồn tại song song cùng với tâm ở hai phương diện của một tâm này, thực ra tâm là bất nhị giữa tánh Không và quang minh.
Trong Đại Bát Nhã có 16 cái không (dựa theo Tánh Không trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng, Đỗ Đình Đồng biên dịch) khi nói về tánh Không. 16 cái không này phủ định tất cả chia làm bốn nhóm:

  1. tánh không của các pháp,
  2. tánh không của sự không hiện hữu của các pháp,
  3. tánh không của bản tánh các pháp,
  4. tánh không của các pháp khác.

Tất cả đều phủ định cho nên hạnh xả phải xả ly những dính mắc về hình tướng, không hình tướng, và dính mắc vào bản tánh của các pháp, cùng các pháp khác; tất cả phải xả triệt để mới thể nhập được tánh Không.
Kế đến, phương diện quang minh của tâm, phương diện này là tính năng động lưu xuất của tâm, hay chân không nhưng diệu hữu, tánh Không là phủ định những dính mắc vào các hình tướng và phi hình tướng nhưng không hiện hữu những che chướng không phải là không ngơ, không có gì mà nó biểu hiện bằng ánh sáng thông tỏ quang minh của tâm từ nền tảng này. Tiên phong cho sự lưu xuất này là lòng bi, chỉ có lòng bi vì chúng sanh, vì mọi người đang còn chìm đắm trong mê mà sự nhận biết tánh Không này được thấy rộng ra, và lòng bi chính là phương diện khác của tâm xả.
Trước kia vì giải thoát cho mình chúng ta xả ly những dính mắc che chướng để thể nhập tánh Không khi đã thể nhập được tánh Không rồi, hạnh xả được nâng lên là lòng bi, đây là con đường thực hành bồ đề tâm hạnh, làm cho chúng ta phát hiện tánh Không này từ phạm vi từ vô ngã, tiến tới vô ngã (ngã không) và vô pháp (pháp không). Giải thoát thành toàn khắp.

Thứ ba, trong tu hành chúng ta phải nương vào các phương pháp cách thức để thực hành, phương tiện tu có người niệm Phật, có người trì chú quán tưởng, có người quán hơi thở… tất cả đều là những con đường để chúng ta đi nhằm khám phá cuối cùng tâm thật của chúng ta như thế nào.
Khi dựa vào một phương tiện, đến lúc chúng ta không còn dùng nó nữa hành giả phải biết xả bỏ phương tiện, ít ai chỉ dùng một phương pháp tu từ đầu đến cuối, mà phải thay đổi tùy theo mức chứng nghiệm của tâm cho nên pháp xả luôn luôn hữu ích trên con đường tu của mình nếu ta đem nó ứng dụng; chính nó làm cho chúng ta thoát khỏi tập khí lâu đời, cũng chính nó làm cho chúng ta thoát khỏi dính mắc vào thói quen hình thành trong quá trình tu tập. Ngay cả hai pháp tu chính là chỉ và quán được người tu ứng dụng nhưng người xưa cũng dạy:
“chỉ mà không phá chỉ thì tăng trưởng vô minh, quán mà không phá quán là tăng trưởng tà kiến”.

Thứ tư, tông phái là một dính mắc khá phổ biến với người tu chúng ta, đó cũng là che chướng. Khi bạn đứng trên cương vị nào đi nữa của thế gian pháp này, cách thức phương tiện này, từ đó nhìn ra để đánh giá cao thấp những gì còn lại là bạn đã tự hạn cuộc mình ra khỏi cái toàn thể là pháp giới một tướng giải thoát.
Phật giáo cũng giống như một ngôi nhà chung rộng lớn mà mỗi chi tiết, thành phần trong ngôi nhà chung đó góp phần chống đỡ ngôi nhà, cùng hướng về một vị là giải thoát bằng mọi cách thức, mọi phương tiện, mọi pháp môn nhằm đưa các phật tử chúng ta tiếp cận từ xa đến gần với bản tánh của tâm hay bản chất của giải thoát tức là Phật tánh, Tùy căn cơ nên có rất nhiều phương tiện, chứ không có tông phái pháp môn nào cao hơn tông phái pháp môn nào khác. Tất cả chỉ là phương tiện nhằm đưa Phật tử đến một vị giải thoát.
Nếu có một pháp môn cao tột đối với chính mình thì chính vì pháp môn đó hợp với thiện căn của mình nhất. Điều này nói lên các pháp môn là bình đẳng trên phương diện thức tỉnh người mê nhận ra giải thoát; cho nên, chúng ta phải xả bỏ tư tưởng về tông phái, pháp môn thì sự cởi mở này làm cho chúng ta tiếp cận Phật giáo rộng hơn toàn khắp hơn, vị tha hơn. Chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để học tập Phật pháp ở nhiều hướng, chúng ta sẽ có nhiều cảm hứng, nhiều khích lệ hơn trong tu hành khi chúng ta thấy được tổng quan của Phật pháp; chúng ta sẽ đứng bên nhau, sát cánh với nhau, hợp nhất cùng nhau trong ngôi nhà chung này để cùng gánh vác Phật giáo.

Đơn cử việc thực hành hạnh xả, khi chúng ta có một người bạn tu hay bất cứ một người quen biết nào với mình. Người nào cũng có những khuyết điểm, tánh xấu; và thiện căn, tánh tốt. Nếu chúng ta chỉ thấy tánh tốt của người bạn đó là chúng ta luôn luôn giữ được bạn mình. Còn chúng ta chỉ chú ý tới tật xấu của bạn, thậm chí khi chúng ta nêu tánh xấu này với một người thứ ba, hay với nhiều người, vô tình chúng ta đã dựng một bức tường ngăn cách ngay trong tâm của ta. Và sau đó chúng ta gặp lại bạn mình chúng ta sẽ thấy mình ngượng ngùng. Ngăn trở đã hình thành bởi chúng ta thực hành ngược lại của hạnh xả.

Thứ năm, trên tinh thần trực chỉ, hạnh xả ở đây là không chỗ trụ được dạy trong Thực Hành Kinh Kim Cương của tác giả Đương Đạo, chúng ta hãy tham khảo:
“Khi tâm không chỗ trụ thì chứng ngộ được Pháp thân không chỗ trụ. Khi thấy không chỗ trụ thì thấy được Pháp thân (tánh thấy) không chỗ trụ. Khi nghe không chỗ trụ thì nghe được pháp thân (tánh nghe) không chỗ trụ… Hóa ra, Pháp thân tánh Không chưa bao giờ lìa khỏi các giác quan.”
(Trích thực hành Kinh Kim Cương tác giả Đương Đạo, Nhà xuất bản Thiện Tri Thức)

Tóm lại, không ngăn cách, không tự giới hạn mình là phương châm của chữ xả hay nói theo kinh Kim Cương là trừ đi bốn tướng “ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả”. Bởi vì, giải thoát luôn hiện hữu bất kể không gian và thời gian nào; bất kể tình huống hình tướng, sự việc nào; bất kể ta có mê hay ngộ nó. Nó là cái toàn khắp, chúng ta không xả bỏ những dính mắc che chướng của mình cho hết sạch thì chúng ta không thể nào cảm nhận chính mình của cái toàn khắp này được. Xả ở đây là xả sinh tử nhưng cũng xả cả Niết bàn. Bởi vậy cuối bài Bát Nhã Tâm Kinh có câu: yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế…
Cảm ơn bạn đã gợi ý một chủ đề thật hứng thú, thiết thực, hết sức thiết thực trong đời tu của chúng ta. Mong bạn hoan hỷ. Chào bạn.

SHARE:

Trả lời