thientrithuc vui lòng cho tôi biết việc tu hành của một Phật tử yếu tố nào là quan trọng nhất?

SHARE:

thientrithuc vui lòng cho tôi biết trong việc tu hành của một Phật tử những yếu tố nào là quan trọng, nó quyết định đến lợi ích trong của đời tu của mình? xin cảm ơn.

Trả lời: Bạn thân mến, theo hiểu biết và kinh nghiệm của mình, thientrithuc xin chia sẽ cùng bạn những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thành quả của mình trong tu tập như sau.
Thứ nhất, sự nổ lực của bản thân, đây là yếu tố căn bản quyết định đối với việc tu hành của một hành giả. Ngay lúc đầu đến với Phật, như quy y và phát nguyện, người Phật tử phải nổ lực rất nhiều để vượt qua: khó khăn đầu tiên là ngôn ngữ của Phật giáo, ngôn ngữ chuyên môn của Phật học là một trở ngại, đòi hỏi người học phải tìm tòi học hỏi những người đi trước, để dần dần cải thiện mình.
Về mặt sinh hoạt sống, chúng ta phải chia bớt thời gian sinh hoạt thông thường cho thời gian tu tập như ngồi thiền, niệm Phật hay tụng kinh sám hối… Chúng ta phải giữ năm giới vì vậy chúng ta hạn chế những sinh hoạt có tính buông thả, phóng túng mà chúng ta đã từng sống khi chưa quy y. Chúng ta phải nổ lực vừa giới hạn mình trong sinh hoạt theo thế tình lại vừa duy trì thời khóa này nhằm tịnh hóa tâm và mang đời sống đạo vào cuộc đời thế tục của mình. Đây là một cuộc thay đổi rất lớn xảy ra lúc ban đầu nếu chúng ta không có nổ lực thì chúng ta sẽ không thể vượt qua được.
Khi những thay đổi này đã tương đối thuần chúng ta phải nổ lực để duy trì thời khóa này trong cuộc sống của mình. Những người thầy có kinh nghiệm hay nói rằng đi trong sương lâu ngày thì sẽ thấm lạnh. Hay như thiền sư Đạo Nguyên tổ của tông Tào Động Nhật Bản nói rằng tuân thủ theo một thời khóa tu tập là một yếu tố để đưa đến ngộ Đạo.
Giai đoạn kế, khi hành giả tham thiền đã nhận ra bản tánh của tâm, sự nổ lực không còn gian khó như lúc đầu nữa nhưng cũng phải tham thiền về cái thấy này xuyên suốt. Chúng ta vẫn duy trì thời khóa, mặt khác lại mở rộng phạm vi tu hành trên mọi mặt của cuộc sống, mọi lúc, mọi nơi, mọi công việc. Vừa tu lại vừa giúp ích, làm lợi lạc cho người khác. Sự nổ lực của mình bây giờ được đền đáp bởi vừa tu, hành giả vừa nhận ra được pháp lạc hiện hữu trong mọi sinh hoạt sống của mình. Bây giờ, sống tức là tu, cuộc sống và tu hành hợp làm một. Chúng ta phải cố gắng để chứng nghiệm và sống được với khả năng này vì đến đây, chúng ta mới thật sự tu hành có lợi ích cho mình và cho người.
Thứ hai, may mắn được sự hướng dẫn bởi một vị thầy có kinh nghiệm. và một chúng hội có những huynh đệ sáng mắt, một chúng hội mạnh về tu hành. Đây là yếu tố quyết định, bởi vì một vị thầy có kinh nghiệm sẽ cùng bạn thực hiện việc tu học của bạn, thầy sẽ là người tạo cảm hứng cho bạn trong mọi khám phá mà bạn nhận ra trong quá trình tu tập của mình, ông luôn gợi ý và khích lệ bạn khi bạn chứng nghiệm một điều gì đó về bản tâm của mình. Thầy sẽ gợi ý, chỉ bảo, khích lệ, tạo cảm hứng, cho đệ tử thời gian hoàn thành một giai đoạn chuyển biến nào đó của tâm bạn trong việc tu hành… Người thầy là một vị đã đi trước mình và đứng trên cao (nhưng cũng hết sức gần gũi) để chờ mình có những chuyển biến thay đổi trên bước đường tu để dìu dắt mình.
Một chúng hội mạnh, sẽ làm cho mình luôn luôn ở trong một môi trường tu học thật sự. Bởi vì, trên con đường tu học, chúng ta có rất nhiều trở ngại, nhất là trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày mang tính “bình bình”, sẽ làm cho cảm hứng tu hành của mình cũng phai nhạt theo. Tức là chúng ta tu hành nhiều năm nhiều tháng nhưng không tiến được bao nhiêu. Sinh hoạt trong một chúng có nhiều người tu hành tiến triển sẽ thúc đẩy mình xem lại khả năng của mình và mình tự nổ lực để bắt kịp chúng bạn.
Kế đến, phát nguyện, là yếu tố quan trọng thứ ba. Phát nguyện là một cam kết, giao ước trước để chúng ta thực hiện nó trong cuộc đời tu hành của mình. Với những người có căn cơ sâu dầy, Phát Bồ Đề tâm là động lực lớn nhất quyết định việc tu hành của người đó. Bồ đề tâm rộng lớn sẽ đưa hành giả đến một tầm cở thực hiện tùy thuộc vào phát nguyện và hành giả sẽ hiện thực được lời hứa này. Với chúng ta những người căn cơ bình thường, quy y và nguyện giữ năm giới là phát nguyện khởi điểm. Chúng ta duy trì phát nguyện này để tu tập nhằm chứng nghiệm thực tánh của tâm mình. Khi đã đến giai đoạn chứng nghiệm được thực tánh của tâm, chúng ta phát nguyện tu để giải thoát cho mình và cho mọi người. Càng phát bồ đề tâm mạnh mẽ chừng nào thì ta và cái của ta càng nhạt nhòa đi. Đến khi chúng ta thấy cuộc sống này chỉ có ý nghĩa khi chúng ta sống vì người, sống vì muốn đem ánh sáng giải thoát đến cho chính mình và cho tất cả mọi người để họ có cái may mắn như chúng ta chứng nghiệm giải thoát và làm lợi ích cho tất cả.
Cuối cùng chúng ta nhận thấy: sự nổ lực của chúng ta nói lên yếu tố bên trong. Một vị thầy và chúng hội, là yếu tố môi trường bên ngoài, phát Bồ đề tâm là động lực thúc đẩy. Nhưng ẩn đằng sau các yếu tố đó là sự thực hiện tu hành thường xuyên không ngơi nghỉ. Đó là giữ giới.
Phát bồ đề tâm, nỗ lực thực hiện điều phát nguyện dưới sự dẫn dắt của một vị thầy và sinh hoạt trong một chúng hội mạnh. Nếu việc tu hành có lợi ích lớn hay không là do chúng ta có duy trì giới luật để thực hiện nó hằng ngày hằng giờ, và bất cứ ở đâu hay không. Chúng ta thực hiện được điều này là do chúng ta giữ giới. Lúc đầu giới có tác dụng ngăn cấm chúng ta sống không theo lối sống buông thả, phóng túng. Giới duy trì thời khóa tu tập hằng ngày. Giới làm cho chúng ta tịnh hóa tâm thức của mình. Giới sanh định, định sanh huệ.
Đến giai đoạn đã nhận ra thực tánh của tâm giới là luôn luôn nhận biết thật tánh của tâm này hiện hữu. Chỉ giữ giới là đủ bởi vì giới là gồm cả định lẫn huệ. Giới là sự hiện hữu của định huệ đồng thời. Giới nhắc nhỡ chúng ta sống được với Bồ đề tâm tuyệt đối hay thực tánh của tâm, và giới duy trì sự biểu hiện của Bồ đề tâm tuyệt đối là lòng bi.
Phát nguyện là sự giao ước, một vị thầy là người dẫn đường, một chúng hội là những người cùng chí hướng, sự nỗ lực của tự thân là sự tha thiết hướng về giải thoát. Cuối cùng giới là nhằm thể hiện tất cả những yếu tố trên thành cụ thể và thiết thực. Có thể nói giới là sức sống của người tu hành, nếu không có giới thì mọi yếu tố kia sẽ không biến thành sự thật được. Vì vậy khi được hỏi sau khi Phật nhập diệt rồi thì đệ tử của Phật sau này sẽ nương vào đâu để tu hành. Phật trả lời là phải lấy giới làm thầy.
Bạn thân mến, với kinh nghiệm có tính cách chủ quan, thientrithuc chia sẽ cùng bạn những hiểu biết ở trên. Mong những điều trình bày này giúp ích được cho bạn phần nào trong việc tu hành của mình. Chào bạn.

SHARE:

Để lại một bình luận