Đã là GIÁO PHÁP lời của ĐỨC PHẬT dạy tại sao lại phân ra TIỂU THỪA, ĐẠI THỪA.

SHARE:

Đã là GIÁO PHÁP lời của ĐỨC PHẬT dạy tại sao lại phân ra TIỂU THỪA, ĐẠI THỪA. Chúng tôi những người mới tu học thật sự cảm thấy rất mơ hồ? TIỂU THỪA và ĐẠI THỪA có gì khác nhau? và khác nhau như thế nào? Nhờ thientrithuc chỉ dẫn dùm cho chúng tôi được rõ, xin cám ơn.

Trả lời:
Bạn thân mến chữ thừa nghĩa là xe, ý nói khả năng đảm nhận của người tu về phạm vi giải thoát trong tu hành của mình hẹp hay rộng. Trong Kinh Pháp Hoa nói là xe dê (Thanh Văn thừa), xe hươu (Duyên Giác thừa), xe trâu (Đại thừa) là: ví các thừa với khả năng chuyên chở của các loại xe trên. thientrithuc cũng dùng chữ như bạn đã dùng chứ không hàm ý gì khác ngoài nghĩa đã nói trên mong bạn và những bạn khác thông cảm để khỏi gây sự hiểu lầm.
Thứ nhất: Trong kinh Đại Bát Nhã, điểm chung của các thừa là Tánh Không, tánh Không là chung cho cả Thanh văn thừa (tiểu thừa), Duyên Giác thừa, và Bồ Tát thừa (đại thừa). người tu ở thừa nào cũng phải học Bát Nhã Ba la mật để chứng tánh Không.
Thứ hai: sự khác nhau
_Khác nhau về phát nguyện: Tiểu thừa nguyện tu giải thoát cho mình chỉ chú trọng đến trí tuệ. Đại thừa phát Bồ Đề Tâm: nguyện tu giải thoát cho mình và cho mọi người. Bồ đề tâm là từ bi và trí tuệ, Bồ đề tâm phát nguyện được nuôi dưỡng và lớn dần cho đến viên mãn thành Phật.
_Khác nhau về nơi y cứ để tu:
Tiểu thừa dựa vào tướng để tu: tiểu thừa nhận ra các pháp là vô thường khổ vô ngã để xả ly, xa lìa các pháp mà chứng đắc Niết bàn. Cho nên những người tu theo tiểu thừa theo lối độc cư thiền định, ở những nơi núi rừng lánh xa xả hội để tu hành.
Đại thừa y vào tánh Không để tu. Mà tánh thì không rời tướng ( sắc tức thị Không, Không tức thị sắc). Cho nên, tu theo đại thừa là tu trong mọi hoàn cảnh của đời sống. Mọi thời gian, mọi không gian, mọi sự việc mọi hiện tượng, mọi nghề nghiệp, nếu hành giả nhận ra nhân là tánh Không thì có thể tu được trong mọi hoàn cảnh, và với hành giả Đại thừa ở đâu cũng là Niết bàn (Vô Trụ Xứ Niết bàn).
Về phạm vi tu thì Tiểu thừa dựa vào bốn niệm xứ để tu là: quán thân, quán thọ, quán tâm, và quán pháp.
Đại thừa cũng tu tứ niệm xứ nhưng có khác là y theo tánh mà tu như: Đại Ấn là tâm niệm xứ, Đại toàn thiện là Tâm niệm xứ và Pháp niệm xứ, Thiền tông mười bức tranh chăn trâu là Tâm niệm xứ…
Về chiều dài của thời gian tu hành cũng có khác. Theo nấc thang 52 bậc được dạy trong các bộ kinh Đại thừa thì người tu phải trải qua Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Tứ gia hạnh, Thập địa, rồi Đẳng giác và Diệu giác thành Phật. Từ thập tín đến tứ gia hạnh là A tăng kỳ kiếp thứ nhất, từ Sơ địa cho đến thất địa là A tăng kỳ kiếp thứ hai, và từ bát địa cho đến thành Phật là A tăng kỳ kiếp thứ ba. Trong đó Sơ địa (Hoan hỷ địa, tương đương với kiến đạo vị hay quả nhập lưu Tu Đà Hoàn bên tiểu thừa). Và Bát Địa (Bất động địa, tương đương với quả A la Hán)
Tiểu thừa tu trải qua hai a tăng kỳ kiếp còn đại thừa đến Bát địa cũng sạch hết phiền não để giải thoát nhưng các vị Bồ tát tu tới đây được Phật thị hiện nhắc lại lời phát nguyện ban đầu cho nên các ngài không nhập niết bàn mà tiếp tục độ sanh nhằm tăng trưởng công đức để viên mãn thành Phật (thêm một A tăng kỳ nữa). Cho nên trong kinh mới có nói “Học Không bất chứng” (Học tánh Không mà không chứng đắc tánh Không).
Một sự khác nhau nữa là Tiểu thừa tu tuyến tính theo chiều thời gian có nhân tu và qua một quá trình sẽ chứng quả.
Còn Đại thừa thì quan điểm có khắc khe hơn với hành giả đại thừa khi chưa nhận ra tánh Không chỉ là tích tập công đức cho nên A tăng kỳ đầu đối với Đại thừa coi là Tư lương vị tức là chuẩn bị tư lương cho việc tu hành, gọi là tương tợ tu. Khi nhận ra tánh Không thì mới được coi là tu thật sự hay chánh tu. Vì nhận ra tánh Không mới khởi tu để làm cho tánh Không này rộng ra cho nên còn gọi tu trên quả vị. Ngay đây mới có những phương pháp như đốn giáo, trực chỉ… Vì vậy, với hành giả Đại thừa một vị thầy có kinh nghiệm về tánh Không có thể chỉ thẳng vào cái thấy này giúp học trò vượt qua khá nhiều thứ lớp, nếu căn cơ của học trò được vị thầy nhận biết là nhạy bén.
Cuối cùng theo sự phân tích các A tăng kỳ như trên và nền tảng là tánh Không. Chúng ta thấy giữa Đại thừa và Tiểu thừa có một điểm chung trong việc tu hành là ở A tăng kỳ thứ nhất. Phương pháp tu ban đầu khi chưa nhận ra tánh Không thì không có phân biệt giữa Đại thừa và Tiểu thừa, chỉ khác nhau ở phát nguyện. Vì vậy cho nên ngài Lạt Ma thứ 14 gọi Tiểu thừa là Thừa căn bản. Ở điểm này phải nhìn nhận các vị bên Phật giáo nguyên thủy có pháp học và pháp hành rất rõ ràng để người tu thực tập thật chắc chắn.
Một cái nhìn nữa là Đại hay Tiểu là do tâm lượng của người tu rộng hay hẹp. Nếu người tu Tiểu thừa mà đem giáo pháp đó dạy cho những người khác để họ giải thoát thì đó cũng không khác Đại thừa. Còn tu trên danh nghĩa Đại thừa mà chỉ chú trọng giải thoát cho riêng mình thì đâu khác Tiểu thừa.
Khác nhau về quả vị:
Tiểu thừa tu để đạt Vô ngã (ngã Không), Đại thừa tu nhận ra Ngã pháp đều Không.
 Tiểu thừa cuối cùng chứng quả A la Hán, còn Đại thừa thì cuối cùng là Phật quả.
A la Hán được ba hiệu là Sát tặc, Ứng cúng, và Vô sanh.
Phật thì có mười hiệu là Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Ngoài ra Phật còn có Thập Lực, Tứ Vô Sở Úy, Mười Tám Pháp Bất Cộng.
Sau cùng, khi chúng ta tham khảo như thế nào là Tiểu thừa và Đại thừa, thientrithuc đã trình bày tương đối cơ bản hiểu biết của mình, chủ yếu nói lên sự khác biệt ở phương diện tính chất, nội dung tu hành của Đại thừa và Tiểu thừa. Trên hiểu biết căn bản này bạn sẽ tiếp cận để nghiên cứu Phật giáo theo ý thích của mình. Tùy theo thiện căn mà bạn chọn hướng đi cho mình để phù hợp với sở thích, chỉ mong rằng tất cả chúng ta sẽ làm tốt ước nguyện của mình. Chào bạn.

SHARE:

Trả lời