SHARE:
Phải chăng TỨ DIỆU ĐẾ, BÁT CHÁNH ĐẠO là con đường duy nhất để tu hành? Tôi thường nghe một số người nói như vậy. Nhờ Thiện Tri Thức hướng dẫn cho tôi được rõ.
Trả lời:
Bạn thân mến chúng ta cùng nhau khảo sát tứ diệu đế và bát chánh đạo xem có phải là con đường duy nhất cho tất cả tông phải trong Phật giáo hay không?
Thứ nhất: tứ diệu đế, theo (Wikipedia Bách Khoa Toàn Thư Mở) gọi là Bát đế (zh. bādì 八諦, ja. hachitai), là tám sự thật, tám chân lí, còn gọi là Bát thánh đế. Được phân thành hai loại: Như được dạy trong kinh Thắng Man (sa. śrīmālā-sūtra), số 8 có được là do sự hợp thành của 2 cách giải thích Tứ diệu đế, gọi là Hữu tác tứ đế (zh. 有作四諦) và Vô tác tứ đế (無作四諦). Loại trước được hiểu một cách không hoàn chỉnh bởi hàng Nhị thừa; loại sau là nhận thức đúng đắn của hàng Bồ Tát (theo phẩm Pháp thân trong kinh Thắng Man, Nhân vương bát-nhã kinh sớ, quyển 3 勝鬘經法身品, 仁王般若經疏卷三).
Thứ hai: về Bát chánh đạo chúng ta hãy xem bát chánh đạo của cả hai truyền thống Nguyên thủy và Đại thừa: theo (Wikipedia Bách Khoa Toàn Thư Mở) Bát Chánh Đạo theo Phật Giáo Nam Tông trong Kinh Tương Ưng Bộ, Thiên Đại Phẩm, Tương Ưng Đạo, định nghĩa Bát Chánh Đạo như sau: “Này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường Thánh đạo Tám ngành? Tức là chánh tri kiến, Chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh tri kiến? Này các Tỷ-kheo, chính là trí về khổ, trí về khổ tập, trí về khổ diệt, trí về con đường đưa đến khổ diệt. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh tri kiến.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh tư duy? Này các Tỷ-kheo, chính là xuất ly tư duy, vô sân tư duy, vô hại tư duy. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh tư duy.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh ngữ? Này các Tỷ-kheo, chính là từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh ngữ.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh nghiệp? Này các Tỷ-kheo, chính là từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ phi Phạm hạnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh nghiệp.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh mạng? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử đoạn trừ tà mạng, nuôi sống với chánh mạng. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh mạng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh tinh tấn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp từ trước chưa sanh không cho sanh khởi, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp đã sanh được trừ diệt, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho các thiện pháp từ trước chưa sanh nay được sanh khởi, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho các thiện pháp đã được sanh có thể duy trì, không có lu mờ, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được viên mãn, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh tinh tấn.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh niệm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, với mục đích điều phục tham ưu ở đời; Tỷ-kheo sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời; Tỷ-kheo sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời; Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh niệm.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh định? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh, nhất tâm. Vị ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh định.”
Phật giáo Đại thừa hiểu Bát chánh đạo có phần khác với Nguyên thủy. Nếu Nguyên thủy xem Bát chánh đạo là con đường dẫn đến Niết-bàn thì Đại thừa đặc biệt coi trọng sự giải thoát khỏi Vô minh để giác ngộ tính Không (sa. śūnyatā), là thể tính của mọi sự vật. Trong tinh thần đó, Luận sư Thanh Biện (sa. bhāvaviveka) giải thích như sau:
- Chánh kiến là tri kiến về Pháp thân (Tam thân: Pháp thân, Báo thân, Hóa thân)
- Chánh tư duy là từ bỏ mọi chấp trước.
- Chánh ngữ là thấu hiểu rằng pháp vượt trên mọi ngôn ngữ.
- Chánh nghiệp là tránh mọi hành động tạo nghiệp, kể cả thiện nghiệp.
- Chánh mạng là tri kiến rằng, tất cả các Pháp (sa.dharma, pi. dhamma) không hề sinh thành biến hoại.
- Chánh tinh tấn là an trú trong tâm thức vô sở cầu.
- Chánh niệm là từ bỏ mọi thắc mắc về có-không (hữu-vô).
- Chánh định là giữ tâm vô phân biệt bằng cách vô niệm.
Chúng ta nhận thấy hai cách nhìn nhận Bát chánh đạo. Theo Nguyên thủy thì ly dục ly ác pháp đến chánh định là chứng từ sơ thiền đến tứ thiền. Còn Đại thừa y vào tánh Không mà tu Bát thánh đạo nên quả cuối cùng là Vô niệm. Tương ứng với căn bản trí. Là Trí căn bản chứng nhập tánh Không. Theo Lục Tổ Huệ Năng: “Vô” là không hai tướng, là không các thứ tâm trần lao. “Niệm”, là niệm bổn tánh chân như.”“Chơn như tự tánh mình khởi niệm, sáu căn tuy có thấy nghe, rõ, biết chẳng nhiễm muôn cảnh, mà chơn tánh vẫn thường tự tại; cho nên kinh nói: Hay phân biệt được tướng các pháp, đối với nghĩa thứ nhứt chẳng động”. (Kinh Duy Ma Cật)
Vì vậy, kết thúc của Bát thánh đạo theo Đại thừa là cái thấy giải thoát khỏi sự dính mắc vào trần lao sanh tử mà sống bằng bản tánh của tâm. So với chánh định của Nguyên thủy là tứ thiền mức độ thực hành rộng và sâu hơn. Một sự khác biệt nữa là Nguyên thủy kết thúc bát thánh đạo thì ly thế gian còn Đại thừa kết thúc là không thủ không xả, ngay nơi thế gian mà giải thoát. Chúng ta lại nhận ra hữu tác và vô tác Tứ đế biểu hiện ở đây trong bát thánh đạo. Hữu tác là có tạo tác, tức chúng ta ly dục ly ác pháp để chứng nhập giải thoát. Còn vô tác là trên các hiện tượng chúng ta nhận ra bản tánh của chúng mà không lấy không bỏ. Ngay hiện tượng là giải thoát. Cho nên cách giải quyết của Đại thừa hòa nhập với đời sống và linh hoạt hơn; vì vậy hành giả đại thừa trong bất cứ nghề nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng có thể tu được. Cho nên các thành tựu giả Tây tạng thường dạy là: “đem khó khăn vào con đường” .
Thứ ba:
Một vài khảo sát khác:
Về tánh Không Phật có thuyết về đại Không và tiểu Không trong hệ thống kinh nguyên thủy. Trong Phật giáo Đại thừa được trình bày thành bộ Đại Bát Nhã 600 quyển.
Về Tứ Niệm Xứ cũng là con đường độc nhất đưa đến giải thoát. Trong đó có bốn xứ là thân, thọ, tâm, và pháp.
Trong Thiền Đại Ấn, Tâm Đồng khởi, là nói về tâm niệm xứ: bản tánh của tâm biểu hiện là quang minh và tánh Không.
Hiện tướng đồng khởi là nói đến pháp niệm xứ: nói đến hiện tướng và tánh Không là đồng khởi.
Mười bức tranh chăn trâu của Quách Am là tu tâm niệm xứ.
Về Chánh kiến trong bát chánh đạo.
Thiền sư Lâm Tế đứng đầu một tông phái lớn của thiền tông. Ngài nhắc đến kiến giải chân chánh trong phần dạy chúng 6 lần: “Nếu được kiến giải chân chánh thì chẳng nhiễm sanh tử, đi ở tự do, không mong cầu thù thắng mà thù thắng tự đến”.
“Một đạo thần quang chưa từng gián cách. Nếu thấy được như vậy thì mới là người cả đời vô sự”.
“Phàm là người xuất gia biện được kiến giải chơn chánh bình thường; phải rõ Phật rõ ma, rõ chơn rõ ngụy, rõ phàm rõ thánh. Nếu tỏ rõ được như vậy, gọi là chơn xuất gia. Còn nếu ma, Phật không biện rõ, chính là xuất gia lại nhập một gia thì gọi là chúng sanh tạo nghiệp mà chẳng gọi là chơn xuất gia.”
“Chỉ có đạo nhân không nơi nương tựa (vô y đạo nhân) đang nghe pháp là mẹ của chư Phật mà thôi. Bởi vì chư Phật đều từ chỗ không nương tựa mà sanh, nếu ngộ được Phật không nương tựa thì cũng không có đắc. Nếu thấy được như vậy thì gọi là người học có kiến giải chơn chánh”. (Trích Lâm Tế Ngữ Lục, Người Dịch: Dương Thanh Khải)
Về chánh định trong bát chánh đạo
Trong Pháp Bảo Đàn Kinh Lục Tổ nói đến Na Già Định khi dạy về Ba Thân và Bốn Trí.
(Na già, nếu nói đủ là “ma ha na già”, tức là: biệt hiệu của Phật. Trong Khế kinh nói: “Na già hành tại định, na già trụ tại định, na già tọa tại định, na già ngọa tại định.” – Nghĩa là: Phật lúc đi cũng định, lúc ở cũng định, lúc ngồi cũng định, lúc nằm cũng định, tức là Phật lúc nào chẳng ở trong định.”(Trích trong Kinh Pháp Bảo Đàn, Hội Linh Sơn Nghiên Cứu Phật Học, Văn Khố Từ Bi Âm)
Kết luận:
Phật giáo Đại thừa không chối bỏ Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo. cho nên nói rằng Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo là con đường độc nhất để tu hành là đúng. Tuy nhiên cách nhìn nhận và thực hiện Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo thì có rất nhiều cách, nhiều phương pháp. Với Đại thừa Phật giáo thì Tứ Diệu Đế được thực hành sâu và rộng hơn như chúng ta đã khảo sát ở trên. Phạm vi của lời giải đáp này rất rộng, chúng ta chỉ lượt qua những tương đồng nổi bật mà thôi.
Trong Phật giáo Đại thừa Chánh kiến là rất quan trọng, chẳng hạn, Tổ Bồ Đề Đạt Ma thường nhắc rất nhiều lần trong sáu cửa vào động thiếu thất về kiến tánh đây cũng là chánh kiến của thiền tông, đến Lục Tổ ngài có một chương nói về trí Bát Nhã cũng là cái thấy yếu quyết trong lời dạy của ngài. Còn trong Đại Ấn cái thấy, thiền định, và Hạnh. Cả ba là một, cũng nói về cái thấy, hay Như trong Kinh Pháp Hoa như chúng ta thường biết là Khai thị cho chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật. (cái thấy Phật). Kinh Lăng Nghiêm Phật chỉ tánh thấy, tánh nghe khai thị cho ngài Anan… tất cả quyết định là cái thấy bởi vì cũng lời dạy trong hệ nguyên thủy, là: Như lý tác ý , thấy tới đâu sẽ hành tới đó.
Cao hơn nữa chúng ta có thể nhận ra rằng cái thấy đúng, thấy thẳng tri kiến Phật thì cái thấy vừa là nhân lại vừa là quả, cái thấy như vậy sẽ dẫn hành giả đến một phương pháp tu là tu trên quả thừa. Biểu hiện như kinh Pháp Hoa, hay cái thấy thiền định và hạnh của Đại Ấn,… Chúng ta thấy Phật giáo thật là cao thâm sâu sắc biết nhường nào.
Mong những điều dẫn chứng ở trên làm cho bạn an tâm và gây cảm hứng cho chúng ta trên bước đường tu hành của mình. Chào bạn.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS