NIỆM PHẬT VIÊN THÔNG

SHARE:

Điều được gọi là “tịnh niệm tiếp nối”, là chỉ cho mỗi niệm ở trong tâm đều là niệm thanh tịnh; nếu suy nghĩ về chuyện thế tục thì không phải là tịnh niệm. Dù cho suy nghĩ đến việc thiện, pháp thiện, thậm chí suy nghĩ về Phật pháp, đều không thể gọi là tịnh niệm. Từ những tri kiến của tu định mà nói, phàm tất cả ngôn ngữ, văn tự, hình tướng, đều là vọng niệm, không gọi là tịnh niệm.

Pháp môn Niệm Phật Viên Thông của Bồ-tát Đại Thế Chí là một loại pháp môn tu định. Mượn phương pháp tu định để tu tịnh độ, làm cho pháp môn tịnh độ đã trực tiếp lại hữu hiệu.
Thông thường những người tu pháp môn tịnh độ, đa phần là tu “trì danh niệm Phật”, tức là phương pháp niệm danh hiệu Phật ra tiếng hay mặc niệm. Xướng niệm không ngừng, cho đến khi đạt tới chỗ không còn vọng niệm, vọng tưởng, mà chỉ còn có danh hiệu Phật, nhất tâm nhớ tới danh hiệu Phật, gọi là “sự nhất tâm”. Phần đông những người trì chú cũng vậy.

Vậy mà, 25 vị Bồ-tát trong kinh Lăng Nghiêm, khi nói về pháp môn tu hành viên thông của chính mình, không có pháp môn nào mà không phải là pháp môn tu định. Mỗi một pháp môn của các ngài đều có thể giúp cho hành giả tự mình thấy được Phật tánh, chứng được lí nhất tâm, nhập được cảnh giới giải thoát rốt ráo “năm uẩn đều không”; cho nên gọi là “pháp môn viên thông”. Trong 25 pháp môn của 25 vị Bồ-tát trên, thì pháp môn thứ 24, cũng tức là “Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương”, trong đó đức Bồ-tát Đại Thế Chí trình bày về pháp môn Niệm Phật Viên Thông, mà toàn văn của chương này, không có chỗ nào nói đến việc “trì danh niệm Phật”. Từ đầu đến cuối đều nói đến “nhớ”, nói đến “niệm”, mà không nói đến “trì danh hiệu Phật”, hay “đọc danh hiệu Phật”. Ngay cả ở cuối chương cũng chỉ nói đến cái cảnh giới “thu nhiếp sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” để “nhập tam ma địa” mà thôi.

Vì sao vậy? Nhớ là không tên tuổi, không hình tướng. Niệm là không danh hiệu, không âm thanh. Nếu có danh hiệu và âm thanh thì trở thành đọc Phật hiệu, hay xướng Phật hiệu. Bởi vậy mà toàn văn của chương “Niệm Phật Viên Thông” đã không nói đến “trì danh niệm Phật”, mà chỉ nói “nhớ Phật, niệm Phật”.

Ví dụ như khi niệm Phật, miệng xướng tụng Phật hiệu thì thiệt căn (lưỡi) phải chuyển động. Lại nhân xướng tụng Phật hiệu mà ngực và bụng phải điều khiển hơi thở ra vào, đó là thân căn chuyển động; và tị căn (mũi) cũng chịu tác động dây chuyền. Lại nữa, miệng tụng đọc thì tâm ngưng đọng để lắng nghe, và như thế tức là nhĩ căn (tai) chuyển động. Các căn đã động thì ý căn không thể không động. Như thế thì không thể bảo là “thu nhiếp sáu căn”, lại cũng không thể nói được là “tịnh niệm tiếp nối”. Nếu mặc niệm Phật hiệu ở trong tâm, đồng thời nhớ nghĩ đến Phật, thì năm căn mắt, tai, mũi, lưỡi và thân tuy không động, nhưng ý căn thì còn động. Ngay trong khi Phật hiệu ở trong tâm được xướng niệm liên tục, thì sự thật, đó là lúc cái vọng niệm đơn giản được lặp đi lặp lại ở trong tâm. Nếu đọc “A Di Đà Phật”, thì một câu Phật hiệu ấy có bốn niệm, bốn âm thanh. Đã có bốn niệm và bốn âm thanh được lặp đi lặp lại không ngừng ở trong tâm, thì biết rằng, ý căn vẫn chưa được thu nhiếp vào chỗ bất động. Ý căn đã chưa được thu nhiếp vào một niệm mà bảo trì không dứt, thì không thể bảo là “thu nhiếp sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”.

Điều được gọi là “tịnh niệm tiếp nối”, là chỉ cho mỗi niệm ở trong tâm đều là niệm thanh tịnh; nếu suy nghĩ về chuyện thế tục thì không phải là tịnh niệm. Dù cho suy nghĩ đến việc thiện, pháp thiện, thậm chí suy nghĩ về Phật pháp, đều không thể gọi là tịnh niệm. Từ những tri kiến của tu định mà nói, phàm tất cả ngôn ngữ, văn tự, hình tướng, đều là vọng niệm, không gọi là tịnh niệm. Phải xa lìa tất cả ngôn ngữ, văn tự, hình tướng để nhớ Phật, niệm Phật, thì cái niệm đó mới gọi được là tịnh niệm. Cái tịnh niệm nhớ Phật niệm Phật như thế đó, cứ được nối tiếp không gián đoạn, gọi là “tịnh niệm tiếp nối”. Nếu cái tịnh niệm ấy có lúc bị gián đoạn, rồi lại được tiếp tục, cũng không thể gọi là “tịnh niệm tiếp nối”, mà chỉ được gọi là “tịnh niệm đứt nối”. Cho dù chỉ bị gián đoạn trong một giây, hoặc nửa giây, cũng chỉ có thể gọi là “tịnh niệm đứt nối” mà thôi. Muốn được nhập vào tam ma địa (định), không những cần phải thu nhiếp sáu căn, mà còn phải có được tịnh niệm tiếp nối, mới thành công. Cho nên, thu nhiếp sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, chính thực là lìa tướng, là “vô tướng” vậy.

Ở đây lại xin dẫn một câu khác ở trong kinh Đại Bảo Tích để được sáng tỏ thêm: “Vô tướng nghĩa là không có thân và hành động của thân, không có tên gọi, không có câu nói, cũng không hiện bày.” Phàm tu tập pháp môn Niệm Phật Viên Thông của Bồ-tát Đại Thế Chí, xin hãy đem cái tri kiến này mà thâm nhập, lãnh hội toàn diện pháp môn.

 

 

NIỆM PHẬT VÔ TƯỚNG

Nguyên tác Hoa văn của Tiêu Bình Thật cư sĩ
Cư sĩ Hạnh Cơ dịch ra Việt văn và chú thích bổ túc

SHARE:

Trả lời