TÁNH KHÔNG QUANG MINH VÀ ĐẠI BI VÌ CHÚNG SANH HỢP NHẤT

SHARE:

 

Kinh Pháp Hội Xuất Hiện Quang Minh nhiều lần nói rằng tất cả những sự vật, kể cả những phiền não, đều có thể “sanh quang minh này”, đều có thể ở nơi chúng, “chứng được quang minh xuất hiện như vậy”, với điều kiện duy nhất là “nơi nhãn Không tánh thường thông đạt”, nghĩa là mắt thấy được tánh Không.

Ví như người trí sáng
Khéo hay dùng được lửa
Hoặc nấu chín đồ ăn
Chẳng bị lửa cháy phỏng.
Nếu là kẻ ngu si
Không có phương tiện khéo
Để lửa chạm vào tay
Liền bị lửa cháy phỏng.
Cũng như người trúng độc
Mê muội tâm cuồng loạn
Dùng lửa để cứu trị
Do đó mà được lành.
Nguyệt Quang ông phải biết
Nương ý, biết ý Không
Nên ở trong sanh tử
Nương nhãn biết nhãn Không
Không chấp trước nơi nhãn
Nếu biết được như vậy
Ở nhãn cũng vô hại
Nếu biết nhãn tánh Không
Thành tựu trí chân thật
Sẽ được quang xuất hiện.

Pháp Giới Thể Tánh Vô Phân Biệt

“Ở trong sanh tử” như ở trong nhà có lửa cháy, nhưng Bồ-tát không bị cháy phỏng vì có “phương tiện”. Đó là, “ở nơi nhãn biết nhãn Không, ở nơi ý biết ý Không” nên “ở nhãn cũng vô hại” do đó “sẽ được quang minh xuất hiện”. Thấy được tánh Không thì thấy được quang minh, bởi vì quang minh đi cùng tánh Không. Nơi nào tánh Không hiện hữu thì nơi đó quang minh hiện hữu.

Điều này áp dụng không chỉ cho nhãn, mà cho tất cả các giác quan và tất cả những đối tượng của giác quan và cả những xúc tình phiền não tiêu cực. Bài kệ nói tiếp:

Nếu biết nhãn tánh Không
Tịch diệt nơi tham dục
Vì không có tham dục
Sẽ được quang xuất hiện.
Tất cả những phiền não
Sân, si, và ngã chấp
Phú, não cùng xan, tật
Vô tàm và vô quý
Phẫn hận cùng cống cao
Kiêu mạn và thượng mạn
Siểm cuống cùng phóng dật
Mỗi mỗi nói như tham.
Nếu được trí chân thật
Biết rõ nhãn tịch diệt
Do vì biết tịch diệt
Sẽ được quang xuất hiện.

Kinh Pháp Hội Văn Thù Sư Lợi Phổ Môn

Khi biết nhãn tánh Không, nghĩa là nhãn trở thành cái thấy của tánh Không, chính trong cái thấy ấy tham sân si… tất cả phiền não sẽ chuyển hóa thành quang minh. Khi biết nhãn tánh Không tức là có được trí chân thật, và trí chân thật này thấy được thật tánh của tất cả phiền não là tánh Không và quang minh. Quang minh xuất hiện vì quang minh đã có sẳn, chỉ nhờ cái thấy được bản tánh của mọi sự mà xuất hiện.

Nếu khéo biết rõ được
Biên tế của nhãn tánh
Thì cũng khéo biết rõ
Biên tế của nhãn sanh
Người ấy sẽ chứng đắc
Quang xuất hiện như vậy.
Nếu khéo biết rõ được
Thanh tịnh của nhãn tánh
Thì cũng khéo biết rõ
Thanh tịnh của nhĩ tánh
Người ấy sẽ chứng đắc
Quang xuất hiện như vậy.
Cho đến nhĩ, tỷ, thiệt
Thân, ý cùng sắc, thanh
Hương, vị, xúc và pháp
Địa, thủy, cùng hỏa, phong
Tánh sự, thế gian, khổ
Uẩn, giới, thế sẽ sanh
Cùng với thanh danh thảy
Tất cả đều như vậy.

Pháp Giới Thể Tánh Vô Phân Biệt

Tánh Không của nhãn cũng là tánh Không của nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý và sắc thanh hương vị xúc pháp… nghĩa là của tất cả thế gian. Khi chứng đắc được tánh Không của tất cả mọi sự thế gian, kể cả nghiệp và khổ do nghiệp, thế gian sẽ hiện bày bản tánh của nó là tánh Không và quang minh.

Khi “Đức Phật mỉm cười phóng ánh sáng màu hoàng kim chiếu khắp vô lượng vô biên thế giới”, Bồ-tát Di Lặc thưa hỏi Đức Phật “Cớ gì Phật mỉm cười”:

Phật biết nhãn tánh Không
Lìa cấu thường thanh tịnh
Vô lượng các tâm hành
Một niệm đều biết rõ
Quang minh chiếu thế gian…
Phật biết địa vô ngã
Cũng thấu thủy vô thường
Và rõ hỏa tánh Không
Cớ gì hiện mỉm cười
Biết thế gian vô ngã

Pháp Giới Thể Tánh Vô Phân Biệt

Cũng thấu khổ vô thường
Và rõ uẩn tánh Không
Cớ gì hiện mỉm cười
Phật biết giới vô ngã
Cũng thấu thế vô thường
Và rõ sanh tánh Không
Cớ gì hiện mỉm cười
Phật biết trí vô ngã
Rõ vô thường tịch tịnh
Và chúng sanh tánh Không
Cớ gì hiện mỉm cười…

Kinh Pháp Hội Văn Thù Sư Lợi Phổ Môn

Đức Phật đã rõ thấu bản tánh của mọi sự, thế giới, chúng sanh, và phiền não của chúng sanh là tánh Không và quang minh, do đó hiện tướng mỉm cười. Thế gian phiền não khổ đau của chúng sanh đã được thấy tận bản tánh của nó là sự biểu lộ của tánh Không và quang minh, đó là ý nghĩa sự mỉm cười của Đức Phật.

Nhưng phải chăng một bậc giác ngộ thấy bản tánh của thế giới và chúng sanh là tánh Không thì thản nhiên với chúng sanh đã, đang, và sẽ khổ đau? Trong Kinh này có rất nhiều lần nói đến Đại Bi, Đại Bi Tôn, Đại Bi Lưỡng Túc Tôn.

Đại bi tối thắng Lưỡng Túc Tôn
Đã khỏi vô lượng hạnh tham sân
Như Phật đã khỏi hạnh tham sân
Tôi nguyện cũng mau được như vậy.
Đạo sư đã khỏi hạnh tham sân
Làm lợi ích khắp các thế gian
Như Phật lợi ích các thế gian
Tôi nguyện cũng nên trí như vậy…

Pháp Giới Thể Tánh Vô Phân Biệt

Như đã nói ở trước, trí huệ tánh Không không phải để giải thoát khỏi thế gian, nhưng ở trong thế gian mà không ô nhiễm, để làm lợi ích, giải thoát cho chúng sanh.

Như Lai khéo biết rõ pháp tánh
Như huyễn, như mộng, như dương diệm
Tôi nguyện cũng nên trí như vậy
Lợi ích tất cả các thế gian…

Chính vì biết rõ pháp tánh là tánh Không, như huyễn như mộng, mà có thể làm lợi ích cho thế gian nhưng không ô nhiễm bởi thế gian. Bồ-tát là người tu trí huệ đồng thời với đại bi, nghĩa là vừa tự giác vừa giác tha:

Ông dùng trí huệ lực
Phải biết rõ tất cả
Hộ trì giới thanh tịnh
Thành tựu Phật quang minh.
Ông phải hộ các căn
Rời bỏ không hổ thẹn
Tu hành các pháp lành
Hộ trì các chúng sanh.
Ông phải bỏ tranh cãi
Thấu rõ suốt tánh Không
Chẳng tham cầu lợi dưỡng
Nghe nhiều giỏi giảng thuyết.
Ông phải tu Phật đạo
Quán Phật đồng pháp tánh
Thường thắp đuốc đại pháp
Soi khắp trong thế gian.
Ông phải vì chúng sanh
Làm bạn lành chân thật
Phải bỏ tâm hạ liệt
Thường tu hạnh thanh tịnh…

Kinh Pháp Hội Văn Thù Sư Lợi Phổ Môn

 

Hơn nữa, Đại Bi chính là năng lực cứu độ chúng sanh:

Đại Bi hiện thần biến
Rộng vì các chúng sanh
Người tự do phóng dật
Chỉ dạy vô biên lỗi.
Đại Bi hiện thần biến
Khai thị các chúng sanh
Kẻ tự khinh lui bỏ
Dạy họ sức tinh tiến…

Như vậy con đường Bồ-tát có hai chiều kích có vẻ như nghịch nhau. Một mặt, Bồ-tát thấy khổ đau và nghiệp nhân quả của chúng sanh đều phát khởi từ tánh Không và quang minh cho nên chúng chính là những biểu  lộ của tánh Không và quang minh. Đây là cái nhìn thấy chân lý tuyệt đối đồng với các bậc giải thoát và giác ngộ, cái thấy tánh Không và quang minh. Như vậy, “ở nhãn cũng vô hại”. Mặt khác, chúng sanh không biết bản tánh của mọi sự là tánh Không và quang minh nên tiếp tục tạo nghiệp và chịu quả khổ đau, không thể thoát khỏi sanh tử luân hồi. Thế nên Bồ-tát vẫn phải thấy và sống trong chân lý tương đối: có thế giới sanh tử, có nghiệp; có chúng sanh đang khổ đau. Đây là cái nhìn thấy có sanh tử có chúng sanh, đồng cảm, thấu cảm với chúng sanh, gọi là Đại Bi.

Trí huệ tánh Không và đại bi cho chúng sanh hợp nhất nơi tâm của một bậc giác ngộ là như vậy.

 

PHÁP GIỚI THỂ TÁNH VÔ PHÂN BIỆT

Giảng về

NĂM PHÁP HỘI KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Nguyễn Thế Đăng

Post: Trần Châu

SHARE:

Trả lời