SHARE:
Trong sự thực tập chánh niệm, ngài Trungpa Rinpoche, một vị đạo sư Tây tạng, dạy học trò của ông rằng điều quan trọng là đừng nên có một lập trình sẵn có nào trong sự thực tập chánh niệm của mình, not to have a program of awareness.
Thay vì là cứ lặp đi lặp lại theo một công thức sẵn có thì ta chỉ cần tiếp xúc trực tiếp ngay với những gì đang xảy ra mà thôi.
Trải nghiệm đâu cần một phương pháp
Ngài Trungpa nói: khi đối diện với một vấn đề khó khăn nào đó, ta không cần phải nghĩ rằng “Tôi phải giữ chánh niệm!” mà chỉ cần cho phép mình cởi mở và cảm nhận trực tiếp với những gì đang xảy ra.
Ông khuyên học trò của mình rằng, ta không cần nghĩ là mình phải cần có một phương cách hay một kỷ thuật nào đó để giữ chánh niệm, ta hãy cứ mở rộng và giữ cho sự trải nghiệm ấy được tự nhiên. Vì nếu như ta thấy rõ được sự việc như-nó-là, bất cứ đó là gì, thì đó cũng chính là chánh niệm.
Và cho dù như ta không chắc sự thực tập của mình có đúng không, việc ấy cũng không sao, miễn là ta ý thức được điều ấy. Những gì xảy ra sẽ chỉ cho ta thấy điều gì mình cần phải tự điều chỉnh lại, nếu như ta thật sự biết cảm nhận và lắng nghe. Và nhiều khi nhờ không có lý trí chen vào mà sự việc lại được sáng tỏ hơn.
Đối tượng bao giờ cũng mới
Bạn biết không, trong cuộc sống muốn làm việc gì thì chắc chắn ta phải cần đến phương pháp và phải có một chương trình rõ ràng. Điều ấy cũng là một việc cần thiết và dĩ nhiên thôi.
Nhưng trên con đường tu học, nếu như ta muốn thấy được thực tại như-nó-là, một cái thấy sâu sắc vượt ra ngoài những khái niệm của lý trí, ta cần phải có một cái nhìn mới.
Cuộc sống trôi chảy tự nhiên với những bất ngờ, vì vậy mà sự tu học của ta khó có thể dựa trên một khuôn mẫu cố định nào được.
Những lập trình sẵn có thường chỉ với mục đích để giúp ta giải quyết một vấn đề nhất định và cần thiết nào đó. Nếu ta biết cảm nhận và quan sát những gì đang xảy ra tự nhiên, chúng sẽ mở rộng ta ra với một thực tại trong sáng và tươi mới.
Giữa những vật vã, khổ đau của cuộc đời, chung quanh ta cũng vẫn có những bóng mát, một đoá hoa nhỏ nở, một bàn tay ấm… Đâu ai biết được! Hôm qua ta có thể đang đối diện với những muộn phiền, khó khăn, nhưng sáng hôm nay tất cả có thể sẽ hoàn toàn đổi mới… Vô thường có nghĩa là sự việc bao giờ cũng sẽ lại là mới tinh khôi.
Tất cả chỉ thiếu sự lắng nghe của ta
Các vị thiền sư thường dạy rằng, trong giờ phút này nếu như ta biết lắng nghe, biết quan sát, biết cảm nhận những cảm giác nơi thân, trạng thái nào đang có mặt trong tâm… tức là ta đang sống trọn vẹn tỉnh thức trong giờ phút hiện tại.
Mà tôi nghĩ, thật ra việc ấy không đòi hỏi một sự dụng công gì nhiều lắm như mình tưởng đâu. Vì khi chú tâm lắng nghe một âm thanh nào đó thì ta cần một sự cố gắng, chứ như lắng nghe hết tất cả thì thật ra ta chỉ cần buông thả cho tâm mình được tự nhiên và rộng mở mà thôi.
Và tôi hiểu rằng, bây giờ và ở đây đang có đầy đủ hết tất cả, và có lẽ nó chỉ thiếu vắng mỗi sự có mặt của chính mình để cảm nhận, để lắng nghe mà thôi…
Còn Có Gì Vui?
Nguyên nhân nào đã gây nên những khổ đau và phiền não cho chúng ta? Trong kinh thì ta cứ nghe nhắc đi nhắc lại nhiều lần là do: sự tham ái. Muốn và không muốn. Thật ra nếu bạn có dịp quan sát các trạng thái của tham ái trong tâm mình, bạn sẽ khám phá ra nhiều điều rất là thú vị.
Nhưng tại sao tham ái lại là một vấn đề? Tại sao nó lại đóng một vai trò quan trọng đến như vậy, và cả cuộc sống này lại bị chế ngự bởi nó?
Sự khác biệt giữa niềm vui và dính mắc
Trước hết chúng ta cần phải thấy được sự khác biệt giữa sự thưởng thức niềm vui (enjoyment) và một sự tham ái (desire). Nếu như bạn có một buổi ăn ngon thì bạn sẽ cảm thấy hài lòng. Thưởng thức niềm vui ấy đâu cần phải có dính dáng gì đến bất cứ một sự tham ái nào đâu?
Điều quan trọng là ta hãy để niềm vui được là một niềm vui, và không để nó dẫn đến một sự thèm khát nào khác, thì đâu có gì để khổ đau! Nhưng làm sao ta có thể có mặt với một kinh nghiệm mà trong ta lại không phát sinh thêm một sự mong cầu thêm hoặc bớt nào đó?
Thật ra đó cũng là lý do mà chúng ta cần phải thực tập chánh niệm và tỉnh giác. Năng lượng của chánh niệm có thể giúp ta thực hiện được điều ấy. Nó giúp ta ăn và thưởng thức hạnh phúc của một buổi ăn ngon, nhưng rồi không hề luyến tiếc. Khi nó qua rồi thì ta cho nó qua. Nó không hề làm sinh khởi thêm một lòng thèm khát, tiếc nuối, ghét bỏ, mặc cảm, hay bất cứ một phản ứng nào khiến ta lại phải kỳ vọng về phía tương lai.
Nghe nói thì dễ quá phải không bạn! Nhưng ta biết rằng, cố gắng để thực hành được điều ấy không phải là dễ, mà thật ra chỉ làm được vài lần thôi cũng đủ là khó rồi!
Vào khoảng hơn 30 năm trước, tôi có một bữa ăn tại một nhà hàng “ba sao Michelin” ở thành phố Avallon, tại Pháp, với hai người bạn. Vào một dịp nghỉ lễ cuối tuần chúng tôi lái xe đi từ thành phố Munich sang chơi. Theo luật của Pháp thì cả trên toàn nước Pháp chỉ có được 12 nhà hàng là được Michelin cấp hạng “ba sao” mà thôi!
Trả cái sinh khởi về sự sinh khởi
Buổi sáng hôm ấy chúng tôi phải sắp đặt trước với một trong những nhà đầu bếp nổi danh nhất thế giới. Bữa ăn được sửa soạn trước cả một ngày, và chúng tôi bỏ trọn buổi chiều tối cho buổi ăn tuyệt vời ấy, được kết thúc bằng chai rượu nho armagnac 1907. Đó là một buổi ăn ngon tuyệt vời nhất trong đời tôi.
Giờ ngồi nghĩ lại tôi dường như vẫn còn cảm thấy cái hương vị của nó. Ngày hôm ấy, tôi bị xô đẩy, lôi cuốn theo đủ hết mọi phản ứng trong tâm: từ thèm muốn, đến mong đợi, đến hưởng thụ, sang thoả mãn; rồi khập khiểng trở về lại Munich với một túi tiền rỗng không; rồi hối hận, và rồi trở lại thèm muốn mỗi khi nghĩ tưởng đến nó. Trong truyền thống Dzogchen có nói, “Hãy để cái gì sinh khởi ở lại trong sự sinh khởi.” Mà đó là chuyện đã xảy ra hơn 30 năm về trước rồi!
Vì vậy cho nên sự tham ái, tự nó chắc chắn là một vấn đề. Tại sao thế? Bởi vì ta sẽ không thể nào thoả mãn nó được. Và cái gì khiến cho nó không thể thoả mãn được? Cái gì làm điều kiện cho sự tham ái? Trong tâm lý học Phật giáo, danh từ Pali cho lòng tham ái là tanha, nó có nghĩa là sự “thèm khát” hay nói rộng hơn là một sự khao khát.
Nếu chúng ta nhìn trên vòng tròn 12 nhân duyên thì ta sẽ thấy rằng nguyên nhân của sự tham ái là vedana. Thường thì chúng ta dịch “vedana” là “thọ”, feeling, nhưng thọ ở đây không phải là một loại tình cảm. Thật ra thọ ở đây là một cảm giác dễ chịu (pleasant), khó chịu (unpleasant) hoặc trung hòa (neutral), trong mỗi kinh nghiệm hằng ngày của ta. Và đó cũng là một điểm rất cốt yếu trong đạo Phật – mỗi kinh nghiệm của ta đều có kèm theo một đặc tính cảm giác, trong tâm lý học Tây phương gọi đó là một feeling-tone.
Bạn hãy thử nghĩ về điều ấy đi! Đó thật là một tuệ giác rất sâu sắc. Lần tới trong giờ ngồi thiền, bạn hãy tự dặn mình, trong vòng chỉ cần một phút thôi, bạn sẽ có chánh niệm và ý thức rõ rệt về cái đặc tính cảm giác (feeling tone) của mỗi hơi thở, cảm nhận, xúc chạm, âm thanh, hay tâm trạng nào khởi lên trong tâm mình.
Bạn chỉ cần cố gắng ý thức được cái đặc tính dễ chịu, khó chịu hay trung hoà của giây phút tâm thức ấy, của chính kinh nghiệm ấy thôi. Và nếu như bạn có thể có mặt với một cảm giác dễ chịu và để cho đó là một niềm vui, thì không có gì là vấn đề hết.
Không cần nắm bắt hay loại bỏ
Nhưng vấn đề là, nếu đó là một kinh nghiệm dễ chịu, thì thường thường nó lại thúc đẩy ta có một sự tham ái – mong muốn được thêm hơn. Nếu đó là một kinh nghiệm khó chịu, nó thường phát sinh lên một sự ghét bỏ, xô đẩy, tránh né, muốn cho qua đi… Và nếu như đặc tính của cảm xúc ấy là trung hoà, một xả thọ, thì thường chúng ta không quan tâm, không chú ý đến hoặc là hoàn toàn không hề biết gì đến nó.
Trên con đường tu học, mục tiêu của chánh niệm không phải là để loại bỏ những kinh nghiệm dễ chịu hoặc khó chịu, cũng không phải là để thoát ra ngoài những sự vui thích và đau đớn. Đó là con đường của một lối tu khổ hạnh mà đức Phật gọi đó là “tà kiến”, wrong view, một cái thấy sai lầm. Nhưng chúng ta lại thường hay có một sự hiểu lầm ấy.
Chúng ta không bao giờ có thể nào loại trừ được những cảm giác dễ chịu và khó chịu đi kèm theo với những kinh nghiệm của mình. Đó là một trong những tuệ giác quan trọng trong đạo Phật. Chúng ta sinh ra là đã được “lập trình” như vậy!
Tất cả đều là phản ứng tự nhiên
Bất cứ một kinh nghiệm nào của ta cũng được kèm theo với một đặc tính dễ chịu, khó chịu hoặc trung hoà của nó. Chúng ta sẽ không bao giờ có thể nào vượt thoát ra được. Ngay cả những bậc đã giác ngộ cũng kinh nghiệm những điều ấy trong mỗi giây phút của các ngài. Và vì vậy mà mục đích tu tập của chúng ta không phải là làm sao để làm gia tăng niềm vui đến tối đa và làm giảm bớt những nỗi đau đến tối thiểu.
Theo nhà phân tâm học Freud, thì đây cũng chính là cái động lực căn bản của cuộc sống. Ông gọi đó là “chức vụ bản năng của tính dục – pleasure-principle functioning“. Thật ra điều ông khám phá cũng khá chính xác, nó cũng rất gần gũi với lời Phật dạy.
Freud cũng nghĩ rằng, chúng ta không thể nào làm gì khác hơn được, vì những gì vui thích sẽ dẫn đến sự ham muốn, và cuối cùng chúng tạo dựng nên một trạng thái thúc đẩy trong tâm thức, và rồi sai xử ta. Và những cảm giác khó chịu hoặc đau đớn cũng vậy, chúng sẽ không tránh khỏi dẫn đến một sự ghét bỏ và cuối cùng là tạo nên một thái độ sân hận và bạo động trong ta.
Như vậy thì làm sao ta có thể để cho niềm vui chỉ là một niềm vui mà không bị dính mắc, và nỗi đau là chỉ là một nỗi đau mà ta không hề tránh né nó?
Nhờ thấy rõ mà sự sống nhiệm mầu hơn
Khi mới bắt đầu bước chân vào con đường tu học, tôi thấy kết quả của sự thực tập rất là nhàm chán và khô khan. Có một lần tôi nói với bà Dipa Ma, “Khi ta từ bỏ hết những sự ham muốn và ghét bỏ đi rồi thì sẽ có được cái gì đây? Có cái gì khác ngon hơn không, hay hơn không, tuyệt vời hơn không? Cuộc sống này sẽ buồn tẻ và chán chết được nếu ta không còn thấy một cái gì là thú vị để hưởng thụ nữa!”
Tôi ngạc nhiên khi bà Dipa Ma phá lên cười to. “Không phải vậy,” bà nói, “cậu không hiểu. Sự sống bây giờ đối với tôi có đầy những nhiệm mầu và niềm vui hơn trước, so với lúc mà tôi còn mang theo đủ mọi thứ hành lý lỉnh kỉnh với mình. Bây giờ thì mỗi giây phút, mỗi kinh nghiệm có hương vị và đặc tính riêng của nó. Và rồi nó qua và mất đi. Và giây phút kinh nghiệm kế tiếp lại có cái hương vị riêng tuyệt vời của nó.”
Và niềm tin của tôi, không phải là vào những gì bà nói, mà là vì sự bật cười rất hồn nhiên của bà khi nghe câu hỏi ấy của tôi.
Jack Engler
* Jack Engler là một nhà tâm lý học giảng dạy và giám sát khoa tâm lý trị liệu tại Nha Phân tâm học của Bịnh viện Cambridge và của Trường Y khoa Harvard. Ông là nhân viên trong Chủ tịch đoàn của Trung Tâm Phật học Barre, ông từng theo học với thiền sư Munindra, Hoà thượng Mahasi và Thomas Merton. Hiện sống với vợ và con gái ở tiểu bang Massachusetts, Hoa kỳ.
Nguyễn Duy Nhiên dịch
Nguồn: Cội Nguồn
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS