NHẤT TÂM CHÂN NHƯ

SHARE:

Nhất tâm chân như vốn tịch diệt, chẳng phải là diệt của luân hồi sinh diệt, cũng chẳng phải diệt của quán hạnh đối trị, nên xưng là đệ nhất trong nhất tâm tịch diệt, tức là không pháp để phô dương, không đạo để kiến lập. Vì người chưa rõ nên dùng sức phương tiện đại từ, tuy nói các thứ biệt môn dị đạo; nếu nói theo chính lý thì chỉ là trở về nhất tâm Phật thừa, không còn việc gì khác.

Hỏi: Chân tâm bình đẳng, chúng sinh tuy cũng có Phật trí nhưng tín giải khó sinh, phần nhiều ôm hoài nghi, ít người có thể viên chứng. Dù lợi trí như Bích-chi Phật, thượng căn như Xá-lợi-phất, cho đến hàng đại Bồ-tát bất thoái nỗ lực tư duy cũng chẳng thấu được nguồn tâm, biện tài thông thái trác tuyệt cũng chẳng biết bờ mé của tâm, lại mong rõ được giáo lý, hiển bày đại chỉ trước mắt để tâm không còn hoài nghi.

Đáp: Giáo lý có rộng, có lược, lời nói có bày, có ngăn, tuy khai hợp bất đồng, tổng biệt có khác nhưng đều trình bày ý chỉ duy tâm, trọn không có lời ngoài thức, sự chứng nghiệm như Hằng sa, đâu chỉ có một hai điều. Do đó kinh Pháp Hoa có kệ:

Biết đệ nhất tịch diệt
Với năng lực phương tiện
Tuy nói các thứ đạo
Thật ra chỉ Phật thừa.
Kệ lại nói:
Nay ta cũng như thế
Vì an ổn chúng sinh
Mở ra các pháp môn
Tuyên nói về Phật đạo.

Giải thích:
Biết đệ nhất tịch diệt, nhất tâm chân như vốn tịch diệt, chẳng phải là diệt của luân hồi sinh diệt, cũng chẳng phải diệt của quán hạnh đối trị, nên xưng là đệ nhất trong nhất tâm tịch diệt, tức là không pháp để phô dương, không đạo để kiến lập. Vì người chưa rõ nên dùng sức phương tiện đại từ, tuy nói các thứ biệt môn dị đạo; nếu nói theo chính lý thì chỉ là trở về nhất tâm Phật thừa, không còn việc gì khác.

Nay ta cũng như thế, ngày nay ta với mười phương Phật đồng chứng pháp này. Tất cả đều như thế, với pháp này đem lại an lạc cho tất cả hữu tình trình bày các pháp môn như tam thừa, ngũ tính v.v… tuyên dương Phật đạo duy tâm.

Kinh Lăng Già ghi: “Phật bảo Đại Huệ: Tất cả thân, sự nghiệp, khí thế gian v.v… đều là bóng dáng của tạng thức, hai tướng năng thủ và sở thủ hiện ra, bởi người ngu sa vào hai kiến chấp sinh diệt nên trong hư vọng khởi phân biệt hữu vô. Này Đại Huệ, ông cần phải siêng năng tu học nghĩa này”.

Kinh Nhập Lăng-già có kệ:

Các thứ theo tâm chuyển
Duy tâm chẳng phải pháp
Tâm sinh các pháp sinh
Tâm diệt các pháp diệt
Chúng sinh vọng phân biệt
Không vật thấy có vật
Vô nghĩa chỉ là tâm,
Vô phân biệt, giải thoát.

Kệ lại nói:

Không địa và các đế
Không cõi nước và hóa
Bích-chi Phật, Thanh văn
Chỉ là tâm phân biệt.
Thân người và năm ấm
Các duyên và vi trần
Thắng tính tự tại tác
Chỉ là tâm phân biệt.
Tâm khắp cả mọi nơi
Nơi nơi đều là tâm
Vì tâm chẳng khéo quán
Tâm tính không các tướng.
Kinh Hoa Nghiêm có kệ:
Tất cả các cõi nước
Trong khắp cả mười phương

Nương nơi tâm chúng sinh
Do vọng tưởng mà có.

Lại nói:

Biết rõ tất cả cõi
An lập trong pháp giới
Đó là được an trụ
Trong một niệm chính định.

Luận Đại Trí Độ nói: “Ví như ngựa đã thuần tự thấy bóng chẳng sợ hãi, vì sao ? Tự biết bóng từ nơi thân; người điều thuận tín nhập Nhất thừa thấy tất cả cảnh hiện bày chẳng sợ hãi, vì tự biết cảnh từ tâm sinh”.

Luận Duy Thức ghi: “Như khế kinh nói “tam giới duy tâm”; lại nói “cảnh sở duyên do duy thức hiện”, lại nói “các pháp chẳng lìa tâm”; lại nói “hữu tình theo tâm cấu tịnh”; lại nói “Bồ-tát thành tựu bốn trí có thể tùy ngộ nhập duy thức không cảnh”; lại tụng: “Tâm ý thức sở duyên, đều chẳng lìa tự tính, nên ta nói tất cả chỉ có thức mà thôi”. Hầu hết các Thánh giáo đều chứng minh điều này.

Giải thích:

Lại nói sở duyên duy thức sở hiện, ông cho rằng sở duyên ngoài thức, tôi nói là sở hiện trên nội thức. Ngài Thế Thân nói sở duyên của thức chỉ là sở hiện của thức, cho đến Phật bảo Từ Thị: “Không có một chút  pháp có thể nắm lấy, vì vô tác dụng”. Lúc pháp sinh sức duyên khởi lớn tức trên một thể có hai bóng, sinh lại hướng vào nhau bất tức bất ly, các tâm tâm sở do sức duyên khởi, tính nó pháp nhĩ như thế sinh ra.

Sở duyên của tâm ý thức đều chẳng lìa tự tính, tự tính là pháp của tự tâm, hoặc lý thể là bản sự nương tựa  của nghĩa, nghĩa là sở duyên của tâm thứ tám, ý thứ bảy, thức thứ sáu đều lấy tự tâm làm cảnh.

Phật dạy: “Do đạo lý này ta nói tất cả hữu vi, vô vi đều chỉ có thức không có gì khác, thực sự không có cảnh ngoài tâm”. Cho nên biết hễ có thấy nghe đều do tự tâm sinh, thật sự không một pháp theo tình mà có tự thể độc lập, thảy đều từ duyên khởi, đều do tưởng thành, sinh tử niết-bàn đều như huyễn mộng. Vì thế kinh Bất Thoái Chuyển Pháp Luân ghi: “Bấy giờ, A-nan liền đến chỗ Phật, bạch: Thế Tôn, các tỳ-kheo chẳng thể đến được, vì sao ? Họ thấy ao nước trong Kỳ Hoàn tràn đầy trong sạch, nhưng chẳng thấy cây cối nơi Kỳ Hoàn, do đó họ chẳng đến được. Phật bảo A-nan: Các tỳ-kheo ấy trong chỗ không có nước mà sinh cái tưởng nước, nơi vô sắc sinh cái tưởng sắc, nơi không có thọ, tưởng, hành, thức sinh cái tưởng thọ, tưởng, hành, thức; nơi không có Thanh văn, Bích-chi Phật sinh cái tưởng Thanh văn, Bích-chi Phật”.

Kinh Hoa Nghiêm nói: “Này Phật tử, thế nào là Đại Bồ-tát lần lượt đến cõi nước chư Phật với thần thông tam-muội. Này Phật tử, Đại Bồ-tát này đi qua vô số thế giới ở phương đông, lại đi qua các thế giới như thế nhiều như vi trần; ở trong các thế giới ấy nhập tam-muội, cho đến ở nơi mỗi đức Như Lai cung kính tôn trọng cúi đầu đảnh lễ, thưa hỏi Phật pháp, ca ngợi sự bình đẳng của Phật, xưng dương công đức rộng lớn của chư Phật, vào trong đại bi của chư Phật, được năng lực bình đẳng vô ngại của Phật, trong một niệm siêng cầu diệu pháp. Nhưng đối với việc Phật xuất thế, nhập niết-bàn, các tướng ấy đều vô sở đắc. Như tâm tán động liễu biệt sở duyên, tâm khởi chẳng biết vì sao khởi, tâm diệt chẳng biết vì sao diệt. Đại Bồ-tát này cũng lại như thế, hoàn toàn chẳng phân biệt tướng Như Lai xuất thế và niết-bàn. Này Phật tử, như bóng nắng chẳng phải từ mây sinh, chẳng phải từ ao nước sinh, chẳng ở trên đất, chẳng ở trên nước, chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng phải thiện, chẳng phải ác, chẳng phải trong, chẳng phải đục, chẳng thể uống và súc miệng, chẳng phải hữu thể, chẳng phải vô thể, chẳng phải hữu vị, chẳng phải vô vị. Bởi nhân duyên ấy mà hiện tướng nước, bị thức liễu biệt nên ở xa trông tợ nước mà sinh cái tưởng nước; ở gần thì không có nước, cái tưởng nước tự diệt.

Đại Bồ-tát này cũng lại như thế, chẳng được tướng Như Lai xuất thế và niết-bàn. Hữu tướng và vô tướng của chư Phật đều do tâm tưởng phân biệt. Này Phật tử, tam-muội này gọi là tâm hạnh sâu kín thanh tịnh, Đại Bồ-tát nhập tam-muội này rồi lại xuất, xuất rồi chẳng mất, đây là biết chỉ có Phật dạy lấy tâm làm tông; tam giáo đều nói “xoay lại chính mình” là trên hết.

Theo Khổng Tử Gia Ngữ ghi: “Vệ Linh Công hỏi Khổng Tử: Có người nói quả nhân vì quốc gia kính cẩn đối với miếu đường, đó là hành vi cai trị nước phải không ? Khổng Tử đáp: Đúng thế, thương người thì người thương, ghét người thì người ghét, đây gọi là chẳng ra khỏi cửa mà biết cả thiên hạ, ấy là biết xoay lại chính mình vậy”; đây là biết nếu giữ mình chân chính để sai khiến vật thì không việc gì chẳng quy về, những điều lấy bỏ, quên nhớ, đẹp xấu đều xem như nhau; đây là biết chỉ cần thấu rõ nhất tâm, vô tướng tự hiển bày thì tự nhiên siêu việt sáu nẻo trần lao; như ra vào hẳn phải nhờ cửa, không gì chẳng do đạo này vậy.

Cổ đức nói: “Bọn ngu dốt trong sáu đường xuất thân từ cửa này trải qua nghìn kiếp không biết phản tỉnh, thật đau xót!”. Do đó chư Phật kinh sợ vào nhà lửa, Tổ sư đặc biệt từ Ấn Độ sang cho đến nghìn Thánh buồn than đều là vì những người chẳng thông đạt con đường xuất yếu duy tâm. Cho nên biết nếu chẳng rõ vạn pháp là nhất tâm chân như thì mọi thứ đều thành biến kế, vì chân như vô tướng, thấy có tướng đều là tình chấp. Luận Khởi Tín nói: “Tất cả cảnh giới chỉ nương vào vọng niệm mà có sai biệt; nếu lìa tâm niệm thì không có tướng của tất cả cảnh giới”.

TÔNG CẢNH LỤC

Thiền sư Diên Thọ

 

SHARE:

Trả lời