TÂM – TƯ TƯỞNG LÀ MỘT VỊ GIẢI THOÁT

SHARE:

Chư Phật và các bậc giác ngộ làm chủ thân tâm và thế giới, với các ngài thân tâm và thế giới là biểu hiện của một vị giải thoát, vì vậy tâm của các bậc giải thoát có hay không có tư tưởng vẫn là giải thoát một vị. Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Tâm, Phật, chúng sanh cả ba không sai khác” là lời khẳng định sự hợp nhất của cả ba chỉ là một vị giải thoát không khác.

 

Hoạt động của tâm là khởi tưởng

Nếu quan sát kỹ tâm thức, chúng ta sẽ nhận thấy hoạt động của tâm là khởi tưởng. Với một chúng sanh tâm luôn khởi tưởng là một việc, nhưng với các bậc giác ngộ tâm vẫn khởi tưởng; tuy nhiên chúng sanh khi tâm khởi tưởng thì trần lao dấy khởi, còn bậc giác ngộ thì khởi tưởng là giải thoát và lợi lạc cho mọi người; cho nên khởi tưởng là hoạt động không thể thiếu của tâm thức chúng ta cho dù chúng ta mê hay là tỉnh giác.

Từ nhận định này chúng ta thấy vấn đề không phải tâm có hay không có tư tưởng, mà vấn đề là tâm khi khởi tưởng có được soi sáng bởi chánh niệm tỉnh giác hay không; tức là, tâm có tư tưởng, nhưng tư tưởng khởi lên trong sự sáng suốt của tâm hay sự mê mờ của tâm thức chúng ta.

 

Làm sao để các tư tưởng khi khởi tưởng là giải thoát?

Lấy chính tư tưởng là đối tượng để đánh thức sự tỉnh giác của tâm.

 

Trong kinh Tứ Niệm Xứ Phật dạy: “Này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo sống quán tâm trên tâm? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo, với tâm có tham, biết: “Tâm có tham”; hay với tâm không tham, biết: “Tâm không tham”. Hay với tâm có sân, biết: “Tâm có sân”; hay với tâm không sân, biết: “Tâm không sân”. Hay với tâm có si, biết: “Tâm có si”; hay với tâm không si, biết: “Tâm không si”. Hay với tâm thâu nhiếp, biết: “Tâm được thâu nhiếp”. Hay với tâm tán loạn, biết: “Tâm bị tán loạn”. Hay với tâm quảng đại, biết: “Tâm được quảng đại”; hay với tâm không quảng đại, biết: “Tâm không được quảng đại”. Hay với tâm hữu hạn, biết: “Tâm hữu hạn”. Hay với tâm vô thượng, biết: “Tâm vô thượng”. Hay với tâm có định, biết: “Tâm có định”; hay với tâm không định, biết: “Tâm không định”. Hay với tâm giải thoát, biết: “Tâm có giải thoát”; hay với tâm không giải thoát, biết: “Tâm không giải thoát”.

 

Như vậy vị ấy sống quán tâm trên nội tâm; hay sống quán tâm trên ngoại tâm; hay sống quán tâm trên nội tâm, ngoại tâm. Hay sống quán tánh sanh khởi trên tâm; hay sống quán tánh diệt tận trên tâm; hay sống quán tánh sanh diệt trên tâm. “Có tâm đây”, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán tâm trên tâm”.

(Trích kinh Tứ Niệm Xứ, Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch)

 

Qua đoạn trích trên có những vấn đề mà chúng ta nhìn nhận:

Thứ nhất, các hình thức hiện khởi của tâm đều được Phật nêu ra hết trong đoạn kinh trên, tức là tâm chỉ có chừng đó hình thức biểu hiện ở nhiều dạng thức; từ tâm thô có đủ tham sân si, cho đến tâm an định và tâm giải thoát.

Thứ hai, biết hay chúng ta có thể gọi là tỉnh giác là sự nhận biết các hình thức tâm khởi tưởng này luôn luôn có mặt khi có các hình thức khởi tưởng và cả khi không có các hình thức khởi tưởng này.

Thứ ba, hai từ được nhắc đến ở đầu lời dạy là: “ở đây” và ở cuối lời dạy: “có tâm đây”; hai sự đánh thức chúng ta về sự thực hành cụ thể đang xảy ra, nghĩa là tâm luôn luôn khởi tưởng và cả không khởi tưởng là hình thức hiện hữu của tâm, các trạng thái của tâm thức có như thế nào đi nữa thì cũng xảy ra “ở đây” và “có tâm đây”.

Dù đang khởi tưởng ở hình thức nào hay không có khởi tưởng, chúng ta luôn luôn đối diện với “ở đây” và “có tâm đây” hay sự đối diện này là sự có mặt của tỉnh giác của chúng ta ở mọi lúc mọi nơi.

Chúng ta sống ở đâu, ở hoàn cảnh nào cũng là sống trong khoảnh khắc hiện tại: ở đây, và có tâm đây; cho nên thực hành quán tâm là thực hành xuyên suốt ở mọi lúc mọi nơi; và ở đây, hay có tâm đây là cánh cửa mở ra hiện tại mà chúng ta luôn luôn đối mặt trong cuộc sống, dù tâm có qua ba thời kỳ quá khứ hiện tại vị lai nó cũng chỉ diễn ra ngay ở đây và đối tượng là có tâm đây; tức là các hình thức khởi tưởng của tâm và cả không có khởi tưởng, nó chiếm tất cả thời gian sống mà chúng ta đang sống, đang tiếp cận.

Nó thật nhất so với quá khứ và vị lai, vì nó đang hiện diện, và lúc nào cũng đang hiện diện trong sự tỉnh giác cho nên nó là thực tại hay khoảnh khắc hiện tại, nếu an trú trong tỉnh giác chúng ta sẽ thoát ra khỏi không gian và thời gian quy ước tạo nên sanh tử. Và ở đây và tại đây hợp nhất với tỉnh giác làm một, chính nó là giải thoát, không có giải thoát nào khác.

Thứ tư: “vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời”.

Dường như có một sự mâu thuẫn trong lời dạy này ở đây? vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, nhưng lại hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm?

Rõ ràng trong thực hành, dù chúng ta có hiểu biết tường tận cho đến đâu lời dạy này thì khởi sự của chúng ta hay lắm là hiện diện với tâm “ở đây” bằng sự nhận biết, nhưng là nhận biết có tác ý, chúng ta nhận biết tâm ở mức độ có ta nhận biết; đó là nhận biết tương đối, đó là an trú trong chánh niệm nhưng là chánh niệm tương đối còn có ta an trú, là thực hành tập sự.

Thực hành như vậy trong một thời gian, với chánh niệm tương đối này chúng ta sẽ làm quen với sự sáng suốt của tâm, ánh sáng của tâm được đánh thức thường xuyên trong thực hành, cho đến khi chúng ta thực hiện đủ lâu.

Khi chúng ta không còn có tác ý để nhận biết tâm mà tâm tự biết, chúng ta sẽ bắt gặp một khả năng thường biết, Vô tâm mà biết; khi đó, chúng ta không còn tác ý để nhận biết mà tâm chúng ta tự nhận biết, như đoạn kinh sau: “Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời.”(Nương tựa là nương tựa vào sự tác ý khi nhận biết, chấp trước là trong cái thấy có trung tâm khi nhận thấy; những dính mắc ở trong cái thấy đều do một cái tôi đằng sau cái thấy này chỉ huy mọi hành xử của chúng ta); như vậy chánh trí là sống mà không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời, đó là sức sống vô ngã, sống không có tôi.

Chúng ta thực hành như vậy cho đến khi cái biết tự hiện diện, hay cái biết này không còn bị bỏ quên nữa mà chính nó được trả về hiện trạng ban đầu không thủy không chung, tức là sự dính mắc vào mọi khởi tưởng của tâm không còn nữa là cái biết vốn có hiện tiền, đó là Tánh biết.

Vấn đề chúng ta phải nhìn nhận ở đây ngay trong bản kinh này, chúng ta tu hành là tập làm quen với cái đã có sẵn, và cho đến lúc nào đó, thói quen hay dính mắc vào các khởi tưởng của tâm, kể cả dính mắc vào trạng thái yên lắng không khởi tưởng của tâm (tức là các tầng định tâm); khi không có dính mắc thì chúng ta nhận ra xưa nay tâm vốn biết, đó là tánh biết; chúng ta sẽ biết cái biết này như trong kinh Bát Nhã dạy: “không sanh không diệt, Không dơ không sạch, không thêm không bớt”

 

Thứ năm, chúng ta thấy Phật đưa ra đối tượng mà tâm nhận biết từ thô đến tế, lúc đầu là tham sân si, rồi đến tâm thu nhiếp, tâm tán loạn, tâm quảng đại, tâm có định, tâm giải thoát…; điều này cho chúng ta thấy, Phật chỉ bày cho chúng ta ở mọi tầng mức biểu hiện nào của tâm, cũng cùng đồng biểu hiện với cái biết; cho nên từ đây có thể nhìn nhận: cái biết luôn luôn đồng hiện với mọi trạng thái của tâm thức. Cái biết là có sẵn mà xưa nay chúng ta quên nó chúng ta chỉ chạy theo các biểu hiện của tâm. Chúng ta thực hành là nhận biết cái biết này đang hiện diện, nó là ánh sáng của tâm, nó chỉ biết mà không bị dính mắc theo các trạng thái của tâm, là chúng ta thực hành thành công; chính cái biết này “không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời”, cái biết Vô tâm luôn luôn biết, là cái biết giải thoát, là Tánh biết.

Thứ sáu, trong bản kinh này có luôn cả tinh thần trực chỉ mà sau này Thiền tông nói đến, đó là biết không chấp trước. Một người với căn cơ nhạy bén qua bài kinh này có thể hốt nhiên nhận ra Phật khai thị cái biết không chấp trước chính là Tánh biết. Từ đây cho chúng ta một nhận xét, không có một khoảng thời gian cố định dài hay ngắn diễn ra sự thực hành đến khi chứng Chánh trí, chánh niệm; bởi vì Chánh trí chánh niệm là thấy biết mà không chấp trước, bất kỳ khi nào thấy biết mà không chấp trước đó là Tánh thấy, Tánh biết hay cái mà Thiền tông gọi là thấy Tánh. Và ngay từ đầu mọi thứ tâm dù biến hiện như thế nào cũng biến hiện không ngoài cái biết hay sự tỉnh giác không chấp trước này, hành giả chưa nhận ra bởi vì còn chấp trước, còn dính mắc trong cái thấy. Khi nào chấp trước hay dính mắc hết thì bản tánh hiện tiền vì bản tánh chưa bao giờ không có mặt.

Thứ bảy, từ đây chúng ta hiểu rõ được câu kinh: “Như vậy vị ấy sống quán tâm trên nội tâm; hay sống quán tâm trên ngoại tâm; hay sống quán tâm trên nội tâm, ngoại tâm. Hay sống quán tánh sanh khởi trên tâm; hay sống quán tánh diệt tận trên tâm; hay sống quán tánh sanh diệt trên tâm. “Có tâm đây””

Công việc quán sát tâm diễn ra với mọi hình thức tâm khởi tưởng từ thô đến tế và bây giờ việc quán sát tâm là theo sát tâm ở mỗi khởi tưởng tường tận với sự diễn biến của tâm như, nhận biết tâm ở trong, tâm ở ngoài, tâm sanh khởi, tâm diệt tận, tâm sanh diệt.

Cả tâm và sự nhận biết không những đồng hiện theo mọi hình thức tâm và luôn luôn đồng hiện diễn biến trong mỗi hình thức đó, nó tương tục đồng hiện với nhau trong lời nhắc “có tâm đây” và chứng ngộ là sự đồng hiện này khi chỉ còn một tâm là thấy biết không chấp trước.

Có tâm đây có thể diễn ra theo ba nghĩa ở ba cấp độ:

Thứ nhất, có tâm đây là đánh thức chúng ta trở về nhận biết sự hiện diện của tâm ở trạng thái nào đó, thô hay tế sâu hay cạn. (Nhận biết tâm đang biểu hiện như tham, sân… hoặc không có tham, sân…)

Thứ hai, có tâm đây nói lên sự hiện diện của cái thấy không chấp trước đang nhận biết rõ ràng mọi diễn biến của tâm. (Nhận biết ánh sáng của tâm đang soi sáng mọi biểu hiện của tâm như tham, sân, … hoặc không có tham, sân…)

Thứ ba có tâm đây là nói sự kết hợp giữa tâm và sự nhận biết làm một, tâm chỉ có một vị giải thoát dù tâm đang khởi tưởng nhưng là khởi tưởng trong ánh sáng không chấp trước của tâm. (Có tâm đây là có một vị giải thoát, hay chỉ là cái thấy không chấp trước, cái tự thấy, hay tâm thanh tịnh)

Thứ tám, biết tâm là một quá trình khám phá, càng công phu tương tục chúng ta càng khám phá mọi ngóc ngách mọi diễn tiến của tâm; nhưng chúng ta chỉ cần khám phá được một tư tưởng, chỉ cần một tư tưởng mà chúng ta biết nó khởi sinh từ đâu? Tồn tại ở đâu? Tồn tại như thế nào? Và tan mất về đâu?

Trong một tư tưởng khởi, sự sanh diệt của nó đang diễn ra, chúng ta biết rõ tường tận như vậy mà tâm chúng ta không xao động, là chúng ta đang có cơ hội để xác quyết như thế nào là tâm giải thoát, hay cái thấy không chấp trước; bởi vì khi đó chúng ta biết được chính khởi tưởng không ngoài cái thấy giải thoát. Và nếu người quan sát có thể an trú tương tục như vậy trong ánh sáng của tâm khi nhận biết một tư tưởng khởi và diệt, tức là chúng ta đã sống được với bản tánh của tâm.

Cái thấy không chấp trước lúc này được phát hiện, không phải đồng hiện cùng với khởi tưởng hay không khởi tưởng của tâm, mà chúng ta phát hiện cái thấy này nó hiện hữu không tùy thuộc vào các duyên; do nhờ thực tập đánh thức cái thấy chấp trước này mà chúng ta nhận ra chính nó luôn luôn hiện diện và có sẵn: “không sanh không diệt, không dơ không sạch, không thêm không bớt.”

 

Khi tâm đã được soi sáng rồi thì làm sao để biến tư tưởng thành lợi lạc cho mọi người?

Người xưa nói: “Cũng không dễ cũng không khó, đói ăn khát uống mệt ngủ khò.” Chúng ta thấy đây là lời chỉ ra những hoạt động sống cần thiết của thân: đói thì ăn, khát thì uống, mệt thì nghỉ… việc thứ nhất mà một người tu khi đã ở trong cái thấy không chấp trước là sống thuận theo sự vận hành của nhịp sinh học của đời sống, sống bằng lòng và trôi chảy với cuộc sống.

Trời lạnh thì mặc áo, trời nóng thì quạt, tất cả những phản ứng đều tùy thuận vào thân, vào thời tiết của đất trời, vào vạn vật; đó là cái dụng thứ nhất của cái thấy không chấp trước; là sống hòa hợp với nhịp sinh học của thân và nhịp sinh học của trời đất.

 

Tùy duyên tiêu nghiệp cũ.

Chúng ta hãy bàn về nội tâm trước, những khởi tưởng của tâm không hẳn hầu hết là xấu. Cụ thể những hình ảnh ở quá khứ không biết là bao đời, nó là kỷ niệm đẹp hay những hình ảnh không đẹp bất chợt khởi, chúng ta sẽ nhận biết chúng, và khi chúng khởi không phải như lúc trước, khi chưa có ánh sáng của tâm chúng là phiền não chướng, nhưng bây giờ chúng là tác nhân đánh thức ánh sáng của tâm, có sự khởi tưởng này tức là “có tâm đây” có tâm là có ánh sáng không chấp trước, như vậy khởi tưởng là ánh sáng của tâm. Và chúng ta thực hành quen như vậy chúng ta sẽ thấy, tâm khởi tưởng nhưng tư tưởng sẽ tự giải thoát, cho nên trong kinh nói “Phiền não tức Bồ đề”, phiền não chỉ là ánh sáng của tâm, nó tự khởi và tự diệt trong ánh sáng của tâm, Tâm không chấp trước như hư không, mây phiền não hiện ra bay qua rồi cũng trả về cho hư không. Tâm như tấm gương sáng có hình tướng thì hiện đầy đủ trong gương nhưng dù có bóng hay không bóng gương lúc nào cũng chiếu sáng. Đó là cách tùy duyên, tức là không can thiệp vào duyên nhưng duyên tự tan, duyên tự giải thoát trong thấy biết không chấp trước.

Khi đã thấy được sự tự giải thoát trong ánh sáng không chấp trước của tâm rồi, những hình tướng, những sự việc bên ngoài dù có biến đổi, có dồn dập đến đâu chúng ta cũng nhận biết không chấp trước; mọi hình tướng mọi sự việc, xuất hiện diễn ra rồi chấm dứt trong ánh sáng không chấp trước.

“Nhạn bay trên không

Bóng in đáy nước

Nhạn không có ý để dấu

Nước không có tâm lưu bóng”

(Hương Hải, thiền sư Việt Nam)

 

Tự tánh khởi dụng

 Khi hành giả đã thật sự sống bằng cái thấy không chấp trước, cái thấy không chấp trước không có nghĩa là sự thanh tịnh đứng ngoài biến động của tâm mà là ánh sáng không chấp trước luôn luôn soi sáng mọi động tịnh của tâm ở trong và ở ngoài. Ánh sáng của tâm dung chứa tất cả mọi động tịnh của tâm.

Tự tánh khởi dụng là gì? Là sự sáng suốt không chấp trước được hợp nhất với mọi hành động của tâm, trước đây trong thực hành, tâm khởi tưởng chúng ta đứng ngoài để quan sát tâm. Bây giờ cái thấy không chấp trước đã thuần thì mọi khỏi tưởng được hợp nhất với ánh sáng không chấp trước của tâm.

Một khởi tưởng bất thiện tự nó giải thoát, một khởi tưởng thiện tự nó hòa vào ánh sáng không chấp trước làm một, cho nên khởi tưởng lúc này làm lợi lạc cho mọi người; chúng ta không sợ khởi tưởng nữa dù tâm có khởi tưởng ở bất cứ hình thức nào, khởi tưởng cũng tự giải thoát, khởi tưởng là cái dụng của tâm giải thoát.

Theo thời gian tâm chúng ta dần không còn những khởi tưởng bất thiện của nghiệp cũ nữa mà chỉ còn những khởi tưởng thuần thiện, và khởi tưởng chính là ánh sáng của cái thấy không chấp trước, cho nên hành động cũng là hành động không chấp trước, đó là sự hoạt dụng của tâm biến thành hành động mà chúng ta thường nói là Ba la mật. Chúng ta làm mọi lợi ích cho con người cho xã hội, cho Phật pháp chỉ là một vị giải thoát không chấp trước này lưu xuất.

Đó là hạnh trong: cái thấy, thiền định, và hạnh của Đại Toàn Thiện.

 

Tóm lại, chúng ta từ mê tâm này, mà chúng ta thực hành để phát hiện ra cái thấy không chấp trước.

Mức độ thứ nhất cái thấy không chấp trước, nó là nhân chứng đang nhận biết mọi biểu hiện của tâm.

Mức độ thứ hai tâm khởi tưởng hay không khởi tưởng là nguyên nhân đánh thức ánh sáng của cái thấy không chấp trước.

Mức độ thứ ba, khởi tưởng chính là giải thoát, ánh sáng không chấp trước và khởi tưởng hợp nhất nó chỉ diễn ra một vị giải thoát; khi đó mọi hành động của người tu là hạnh giải thoát.

 

Tháng tư 2017

Tánh Hải

 

SHARE:

Trả lời