NHƯ THẬT QUÁN

SHARE:

Thế gian chỉ là sự quán thấy sai lầm của tự tâm chúng sanh, cho rằng mọi tướng có tự tánh. Bồ tát thì quán ngược lại, thế gian là vô tự tánh nên như mộng như huyễn bèn chứng được lực như huyễn của tự tâm quán chiếu, do đó dần dần đắc Như huyễn tam muội. Lực như huyễn này ở mức độ của một vị Phật thì gọi là Phật lực.

Khi quán được như thật, thì không có pháp nào, dù trong dù ngoài đều có thể đắc, xa lìa cái thấy có sanh, chứng Như huyễn tam muội, trụ địa thứ tám Vô sanh pháp nhẫn, Vô công dụng địa. Đây là địa thanh tịnh không có nhiễm ô, Pháp thân đầy đủ, được ý sanh thân.

 

Kinh:

Đại Huệ! Sao là được lìa cái thấy sanh trụ diệt? Nghĩa là quán tất cả các pháp như huyễn mộng sanh, tự sanh, tha sanh, tự tha cùng sanh đều chẳng sanh, chỉ tùy tự tâm lượng mà hiện. Thấy ngoại vật không có, thấy các thức chẳng khởi, các duyên không hợp tụ, thấy do phân biệt mà duyên khởi ra ba cõi. Khi quán như thế, hoặc trong hoặc ngoài, tất cả các pháp đều chẳng thể đắc, biết không có thật thể, xa lìa cái thấy có sanh, chứng tánh như huyễn, tức thời liền đắc vô sanh pháp nhẫn, trụ địa thứ tám, rõ tâm, ý, ý thức, năm pháp, ba tự tánh, hai vô ngã, chuyển thức sở y, được ý sanh thân.

 

Không có cái thấy sanh trụ diệt nào thì đây là Niết bàn, tự giác thánh trí. Hãy quán tất cả chẳng sanh, như huyễn như mộng bèn thấy thật tướng của tâm xưa nay chẳng sanh. Và khi tâm sanh thì tất cả ngã pháp như huyễn như mộng, vì duy chỉ là tâm.

Quán thấy không có ngoại vật, ngoài tâm không có pháp, do đó các thức chẳng khởi. Thật sự thấy thức chưa từng khởi bèn ngay đó đắc Vô sanh pháp nhẫn. Hoặc thấy các duyên không tụ hợp, bèn ngay đó vô sanh. Ba cõi chỉ là do phân biệt mà duyên khởi ra nên như huyễn như mộng, như sóng nắng mà tưởng là nước, như bóng trăng trong nước chẳng phải có trăng chẳng phải không trăng.

Thế gian chỉ là sự quán thấy sai lầm của tự tâm chúng sanh, cho rằng mọi tướng có tự tánh. Bồ tát thì quán ngược lại, thế gian là vô tự tánh nên như mộng như huyễn bèn chứng được lực như huyễn của tự tâm quán chiếu, do đó dần dần đắc Như huyễn tam muội. Lực như huyễn này ở mức độ của một vị Phật thì gọi là Phật lực.

Khi quán được như thật, thì không có pháp nào, dù trong dù ngoài đều có thể đắc, xa lìa cái thấy có sanh, chứng Như huyễn tam muội, trụ địa thứ tám Vô sanh pháp phẫn, Vô công dụng địa. Đây là địa thanh tịnh không có nhiễm ô, Pháp thân đầy đủ, được ý sanh thân.

Từ đầu cho đến Vô công dụng địa, tu hành là “rõ tâm, ý, ý thức, năm pháp, ba tự tánh, hai vô ngã”, càng biết rõ thể của tâm vốn vô sanh và dụng biểu hiện của nó là như huyễn, như vậy là chuyển thức sở y, chuyển thức thành trí cho đến rốt ráo.

Bốn pháp này quán hạnh của con đường Bồ tát. Thường trực thực hành quán, khi thức, khi ngủ, khi thiền định, khi chết là người đại tu hành. Còn lìa khỏi quán phút giây nào thì phút giây ấy bèn trở lại làm chúng sanh tạo nghiệp.

 

Kinh:

Đại Huệ nói: Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên nào mà gọi là ý sanh thân (thân ý sanh)?

Phật dạy: Đại Huệ! Thân ý sanh là thí như ý đi nhanh chóng vô ngại, gọi là thân ý sanh. Đại Huệ! Thí như tâm ý cách xa vô lượng trăm ngàn do tuần, nhớ đến đủ thứ vật thấy trước kia, niệm niệm tương tục liền đi đến đó, chẳng bị thân và núi sông , đá vách làm ngăn ngại. Thân ý sanh cũng lại như thế, lực như huyễn tam muội thần thông tự tại, các tướng trang nghiêm, nhớ bổn nguyện thành tựu chúng sanh, giống như ý đi, sanh vào tất cả thánh chúng. Đó gọi là Đại Bồ tát đắc xa lìa cái thấy sanh, trú, diệt.

 

Biết tất cả pháp đều chẳng thể đắc, không có thật thể, xa lìa cái thấy có sanh, chứng tánh như huyễn do quán, để biết rõ tâm, ý, ý thức, năm pháp, ba tự tánh, hai vô ngã. Quán đến đâu biết rõ đến đó. Như thế cho đến địa thứ tám, đắc tám phần mười pháp thân, được thân ý sanh.

Thân ý sanh là do chứng như huyễn tam muội, tâm đã tự do tự tại với mọi tướng như huyễn của thế gian, nên ý muốn đến chỗ nào liền đến đó. Tâm tự do tự tại vì xa lìa cái thấy sanh trụ diệt không còn bị các phiền não chướng và sở tri chướng trói buộc, đây là trí huệ tánh Không. “Các tướng trang nghiêm” là do đầy đủ công đức. “Bổn nguyện thành tựu chúng sanh” là nguyện lực. Thân ý sanh là do trí huệ, công đức và bổn nguyện vậy.

 

Kinh:

Đại Huệ! Sao là quán sát ngoại pháp vô tánh? Nghĩa là quán sát tất cả pháp như sóng nắng, như cảnh mộng, như vòng tóc, chỉ là thảy thảy chấp trước, hý luận, tập khí xấu ác hư vọng từ vô thủy làm nhân.

 

 Pháp quán thứ nhất chú trọng vào tâm, pháp quán thứ hai chú trọng vào cái thấy sai lầm của tâm về pháp, pháp quán thứ ba này chú trọng vào pháp. Mỗi cái nếu đi tới tận cùng đều chứng đắc tâm không và pháp không, trừ hết phiền não chướng và sở tri chướng, thâm nhập Pháp thân.

Các pháp thật ra chỉ là những hý luận không thật có, như hoa đốm giữa hư không, như lông rùa, sừng thỏ, như cảnh trong mộng. Quán được như vậy dần dần đắc được tánh như huyễn, tức là tánh Không duy tâm, và kết quả của tánh như huyễn là như huyễn tam muội.

Cũng nhờ quán các pháp bên ngoài là không có tự tánh mà có tâm đại bi, vì tâm đại bi không thể nào hiện hành trong các tướng phân biệt. Thấy như huyễn và thấy chúng sanh đang khốn khổ trong tấm lưới như huyễn ấy mà thậm chí không biết, tâm bi bèn khởi sanh. Càng thấy như huyễn thì tâm bi càng lớn, nguyện lực càng mạnh.

Cần chú trọng chữ “như” này. Bậc Thanh Văn thì thật thấy là huyễn, là mộng nên chấm dứt sự huyễn mộng này, chấm dứt luôn luôn sanh tử huyễn mộng, vì không có đại bi bổn nguyện độ chúng sanh. Bậc Bồ tát thì thấy như huyễn, như mộng nên vẫn ở trong sanh tử như huyễn, như mộng mà độ chúng sanh như huyễn như mộng. Thế nên cứu cánh của Thanh Văn là diệt tận định, còn với Bồ tát là như huyễn định.

Thay vì diệt thức như Thanh Văn, Bồ tát chuyển thức thành trí bằng cách đưa thức về cội nguồn, nền tảng của nó. Nền tảng của thức chính là trí bổn nguyên, là “Chân Như, tự tánh viên thành, Như Lai tạng tâm”, như đoạn trước đã nói.

Khi thức được nối kết với cội nguồn, nó chuyển thành trí, biết phân biệt mà vẫn ở trên nền tảng vô phân biệt. Khi ấy thức là diệu dụng của trí, là sự trang nghiêm cho trí. Thế nên mới có bốn trí là Đại viên cảnh trí, Bình đẳng tánh trí, Diệu quan sát trí và Thành sở tác trí.

Ở đây chúng ta thấy tánh Viên thành có ba phương diện để tu, đó là tánh Không, tánh như huyễn, và tánh Như. Ba phương diện không lìa nhau, và đạt được một bèn đạt được cả hai cái kia.

 

Kinh:

Khi quán sát tất cả các pháp như vậy, bèn chuyên cầu tự chứng thánh trí.

Đại Huệ! Đó gọi là Bồ tát đủ bốn pháp thành bậc đại tu hành. Ông nên như vậy chuyên cần nỗ lực tu học.

 

Thứ tư là chuyên cầu tự chứng thánh trí. Sự chuyên cầu, mong ước, nguyện vọng đạt đến giải thoát giác ngộ và giúp người khác giải thoát là động cơ cho ba pháp quán ở trên. Chuyên cầu tự chứng thánh trí là tự giác, giác tha, là trí huệ hợp nhất với đại bi.

Con đường của ba pháp quán thật khó khăn vì cần phải đánh bại những thói quen chấp vào cái giả đã có từ vô thủy. Cho nên không có chuyên cầu, nguyện vọng thì khó vượt qua những chướng ngại đã kết tập thành sanh tử.

 

KINH NHẬP LĂNG GIÀ

 Dịch và Giảng: Đương Đạo

 Thiện Tri Thức 2017

SHARE:

Để lại một bình luận