SHARE:
(Trích trong Thuần Hóa Tâm Hồn của Ven, Thubten Chodron )
Thích Minh Thành biên dịch
Cốt lõi của những lời Đức Phật dạy có thể được diễn giải như sau: “hãy giúp ích cho tha nhân. Nếu bạn không có khả năng giúp ích cho người khác thì ít nhất là bạn không làm gì gây tổn hại cho người khác”. Những hành động tổn hại không những gây bất ổn cho sự khang lạc của người khác mà còn tạo nên những tập khí xấu xa khiến cho chúng ta phải chịu những điều bất hạnh trong tương lai. Những hành động lợi ích sẽ làm cho tha nhân có nhiều hạnh phúc hơn đồng thời giúp cho chúng ta có nhiều an lạc hơn trong tương lai.
Trước khi chúng ta tìm hiểu quan điểm của Phật giáo đối với vấn đề đạo đức trong tình yêu, chúng ta cần hiểu một số nguyên lý cốt lõi của tư tưởng nhà Phật. Những nguyên lý cốt lõi này gồm: nguyên lý vận hành của nhân quả và những yếu tố xấu do những trạng thái lâm lý nhiễu loạn như tham đắm mang lại. Chúng ta sẽ nói kỹ hơn về hai nguyên lý này trong những chương sau. Ở đây chúng ta chỉ lược ghi lời dạy về những hành vi tình ái không sáng suốt được chép lại trong tác phẩmCon Đường Tiệm Chứng của tổ sư TsongKhapa.
Với tư tưởng Phật giáo làm nền tảng, chúng ta có thể chiêm nghiệm vấn đề đạo đức trong tình yêu. Khi Đức Phật nói về những hành động tình ái không sáng suốt thì điểm chính yếu mà Đức Phật khuyên là không nên ngoại tình. Ngoại tình tức là một người đã thiết lập quan hệ tình ái chính thức với người này nhưng lại thực hiện hành vi tình ái với người khác; hay trường hợp một người còn độc thân nhưng lại thực hiện hành vi tình ái với người đang có quan hệ tình ái chính thức khác.
Đây là hành động có hại vì nó quấy nhiễu đời sống của nhiều người: chúng ta, người có hôn nhân chính thức, những đứa con và những người có liên quan khác trong gia đình. Họ sẽ có những cảm giác bị tổn thương, ghen tị, mất lòng tin và gặp những vấn đề khó khăn khác trong cuộc sống. Ngoại tình có thể khiến cho người ta nói dối, nói tránh né, nói thô bạo và có thể đưa đến việc giết người.
Mặc dầu đông đảo chúng ta sống trong thời đại tự do yêu đương và có đủ lý lẽ để trình bày nhiều tư tưởng tốt đẹp về tự do tình ái nhưng có lẽ là chúng ta nên sáng suốt nhìn lại vấn đề này, một vấn đề đã được con người trau chuốt và trang trí bằng rất nhiều mỹ từ. Tự trong thâm tâm chúng ta thật sự cảm giác như thế nào khi người bạn đời của chúng ta đang có mối quan hệ với người khác? Thật sự chúng ta có cảm thấy tội lỗi hay không khi chúng ta không trung trung thành với người bạn đời của chúng ta?
Rõ ràng là ngoại tình có ảnh hưởng xấu trong đời này và cũng rõ ràng là ngoại tình sẽ có ảnh hưởng xấu đến đời sống trong tương lai. Do làm một hành động tổn hại, chúng ta tạo nên một nghiệp xấu và tái sinh vào cảnh giới bất hạnh trong tương lai. Chúng ta sẽ có quan hệ với những người không trung thành và bản thân chúng ta sẽ có khuynh hướng tiếp tục ngoại tình trong kiếp sau. Hơn nữa, cảnh giới mà chúng ta tái sinh sẽ u ám và không có hạnh phúc.
Vậy thì chúng ta hãy hình dung ra hậu quả của việc này qua những điều đang xảy ra đến với chúng ta và những người khác vì những gì mà chúng ta nhận được trong hiện tại chính là kết quả của những hành động mà chúng ta đã làm trong quá khứ. Cụ thể là thành hôn với một người luôn có những mối quan hệ tình ái lăng nhăng. Cuộc sống vợ chồng vì vậy mà không hòa thuận nên thường xuyên sống trong bất an và ghen tức. Ngay cả trong trường hợp ly hôn và lập gia đình trở lại thì người bạn đời kế tiếp cũng không phải là người trung thành và luôn gian dối. Dù cho thành hôn với ai người ấy cũng không có được niềm tin và sự chân thành.
Theo giáo lý nghiệp quả, chúng ta có thể nói rằng người này đang phải đền trả nghiệp ngoại tình mà người ấy đã làm trong kiếp trước. Nếu người này không tạo nghiệp xấu trong quá khứ thì tất nhiên không phải lãnh quả xấu. Trong trường hợp đã phạm tội ngoại tình từ đời trước nhưng đã tẩy sạch những dấu vết của nghiệp quấy thì quả xấu làm sao trổ ra được như vậy. Hiểu được điều này khiến cho chúng ta quan tâm nhiều hơn tới sự vận hành của nhân quả đồng thời giúp chúng ta quyết định trong việc lựa chọn hành động theo ý muốn. Vì chúng ta không muốn thọ lãnh những hậu quả bất hạnh nên chúng ta sẽ hết sức tránh làm nghiệp quấy mới và cũng đồng thời tẩy trừ những nghiệp quấy mà chúng ta đã lỡ tạo nên rồi.
Khá thú vị là Đức Phật không chỉ dạy gì về chế độ đa thê hay đa phu cả. Dường như điều quấy ác chủ yếu trong tình ái là khi chúng ta đi quá phạm vi những quan hệ mà chúng ta đã công khai tuyến bố với xã hội.
Trong nội dung giảng giải về những hành vi tình ái không sáng suốt thì ngoài điều cốt yếu mà người ta phải tránh né là ngoại tình, còn có những lời giảng giải phụ trợ về vấn đề sinh hoạt tình ái trong thời gian không thích hợp, với người phối ngẫu không thích hợp, bằng cách thức không thích hợp và tại nơi chốn không thích hợp.
Thời gian không thích hợp, thí dụ như lúc người nữ đang hành kinh. Một người phụ nữ không bị xem là “nhơ uế” khi hành kinh, và cũng không bị cấm cản khi thực hành các hoạt động tôn giáo trong thời gian này. Tôi tin rằng lời khuyên nên tránh sinh hoạt tình ái trong thời gian này chỉ vì người nữ không cảm thấy thoải mái mà thôi.
Cũng vậy, trong thời gian người nữ có mang thì sinh hoạt tình ái có thể làm cho đứa bé trong thai bào có cảm giác khó chịu. Linh thức của một sinh linh nào đó nhập vào bào thai cũng có những cảm nhận của một cơ thể sống nên cảm thấy khó chịu khi bị sức đè ép và những chuyển động do sinh hoạt tình ái tạo nên.
Một thời gian không thích hợp khác là trường hợp người bạn đời phát nguyện tu tập Bát quan trai giới thanh tịnh trong một ngày. Một trong những giới cần phải được giữ gìn là tránh sinh hoạt tình ái trong 24 giờ. Nếu một trong hai người đã lãnh thọ giới pháp này mà vi phạm giới phạm hạnh trong ngày hôm đó là một việc làm không sáng suốt.
Cũng có lời khuyên là không nên sinh hoạt tình ái ban ngày. Mặc dầu tôi không biết rõ lý do tại sao mà có lời khuyên như vậy nhưng có giả thuyết cho rằng ngày xưa ở Ấn Độ có nhiều người trong gia đình chung sống trong cùng một gian nhà. Nếu hai người sinh hoạt tình ái ban ngày nhỡ có ai bất ngờ đi vào thì thật là bỡ ngỡ. Chúng ta cũng có thể giải thích thêm vì thời giờ ban ngày là thời giờ danh cho công ăn việc làm.
Không nên sinh hoạt tình ái liên tiếp nhiều lần vì làm như vậy chỉ khiến cho tâm ái dục phát triển quá độ mà thôi. Chúng ta có thể chiêm nghiệm: “Nếu tham ái là một trong những nguyên nhân chính khiến cho chúng ta ở mãi trong vòng sinh tử – sanh lên rồi chết xuống, chết xuống rồi sinh lên, phải giải quyết mãi trong khoảng thời gian bắt đầu từ cái sanh và tạm kết là cái chết trong mỗi kiếp sống – thì thấy rằng đạo Phật dĩ nhiên là khuyên chúng ta tránh việc tham ái quá độ đồng thời còn khuyên chúng ta xa lánh tham ái nói chúng”.
Nói đúng ra, đạo Phật dạy chúng ta không nên buông lung trong tham muốn để cứ phải sinh tử luân hồi. Các vị Tỷ-kheo và Tỷ-kheo-ni đều phát nguyện sống phạm hạnh với quyết tâm giải thoát khỏi vòng sinh tử. Những vị này tìm cách đoạn trừ tâm tham muốn không phải chỉ qua việc giữ giới mà còn qua việc thực tập thiền định chơn chính để làm giảm bớt và chuyển hóa nguồn năng lực của tham muốn. Nhờ vậy mà những vị ấy có thể nhanh chóng đạt được những chứng đắc tâm linh.
Tuy nhiên, không phải mọi người đều toàn tâm toàn lực tu tập theo đạo Phật như vậy. Chúng ta tu tập tùy theo năng lực mà chúng ta có được. Trong trường hợp của cư sĩ thì lời khuyên trên là nên cố gắng giảm thiểu những ham muốn quá độ.
Đừng nên tự lừa dối bằng cách nghĩ rằng mình đang tu tập Mật Tông cấp rất cao (1)trong khi sự thật là đang sinh hoạt tình dục bình thường. Hãy
(1) (Mặc dầu một trình độ rất cao của Pháp tu Mật Tông thì một cư sĩ Bồ Tát còn ở gia đình có thể có những hành động tương tự như sinh hoạt tình dục nhưng sự thật là khác xa với sinh hoạt tình dục thông thường. Những vị cư sĩ Bồ Tát này đã được vị đạo sư tâm linh truyền cho mật pháp nhằm sử dụng nguồn năng lượng tình dục trong lúc thiền định để khai thông dạng tâm thức tinh tế hầu chứng đạt được tính không của nội hữu.)
một mực tôn trọng giá trị của đại giới giữ gìn phạm hạnh. Tự vấn bản thân: “Ta có thể là một Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni không?” thì có thể khám phá ra mức độ ham muốn tình dục của mình còn nhiều ít như thế nào.
Một trường hợp sinh hoạt tình ái phi thời nữa là khi người bạn tình đang bệnh vì sẽ làm cho căn bệnh lan rộng hay trở nên nặng hơn, đặc biệt là những bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục.Cốt lõi ở lời dạy của Đức Phật là đừng làm tổn hại người khác và hết sức làm lợi lạc cho tha nhân. Vì vậy chúng ta không nên sinh hoạt tình dục nếu chúng ta nghi ngờ rằng bản thân mình có bệnh đặc biệt là những bệnh có thể lây lan cho người khác qua đường tình dục.
Tương tự như vậy, để trân trọng bản thân, chúng ta cũng không nên sinh hoạt tình dục với người mà chúng ta nghi ngờ hay biết rõ là có bệnh và có thể truyền nhiễm sang bản thân chúng ta. Điều quan trọng là giữ gìn thân thể của chúng ta mạnh khoẻ ngõ hầu tu tập theo những lời Phật dạy và làm lợi lạc cho mọi người.
Những người chúng ta không nên có quan hệ tình dục là người có quan hệ gia tộc gần, trẻ em, thú vật, người đang giữ giới phạm hạnh, và người không đồng ý sinh hoạt tình dục. Loạn luân là một tội lớn vì nó có thể tạo nên những đột biến về di truyền, đồng thời có thể sinh ra thế hệ con cái bệnh hoạn. Hơn nữa, loạn luân sẽ tạo nên những rối loạn về mặt tình cảm trong tâm thức của dòng họ. Hiếp dâm hay quấy rối tình dục trẻ em sẽ gây nên những thương tổn tâm lý và tình cảm cho người bị hại.
Đức Phật không nói điều gì liên quan đến việc sinh hoạt tình dục trước hôn nhân. Chúng ta có thể suy luận rằng nếu cả hai người trong cuộc đều đến tuổi trưởng thành và đồng ý việc đó với đầy đủ ý thức thì họ đủ tư cách để quyết định và chịu trách nhiệm về hành động của bản thân miễn là họ đừng làm hại đến người khác. Tuy nhiên nếu một trong hai người trong cuộc là vị thành niên và đang được bảo bọc của cha mẹ và việc quan hệ tình dục sẽ làm cho cha mẹ và gia đình của đứa trẻ đó tức giận thì người có hiểu biết sẽ không quan hệ tình dục trong trường hợp này vì nghĩ đến sự an lạc của mọi người.
Trong hàng ngũ Phật giáo có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề đồng tính luyến ái. Nói chung Phật giáo rất bao dung và rộng lượng đối với tất cả mọi người. Dù một người bị bệnh đồng tính luyến ái thì người ấy cũng không bị phê phán hay phân biệt đối xử.
Tốt nhất là tránh việc thủ dâm. Mặc dầu Phật giáo khuyên không nên thủ dâm nhưng Phật giáo cũng không làm cho người ta cảm thấy tội lỗi khi có làm điều ấy. Đối với con em trẻ tuổi đang độ cường tráng về mặt thể xác thì chúng ta cần phải suy nghĩ cho chín chắn và tìm cách giảng giải cho con em biết phương cách để làm chủ được nguồn năng lượng này. Làm cho chúng cảm thấy xấu hổ, tội lỗi với ý nghĩ cho rằng bản thân có những ham muốn mạnh mẽ về mặt thể xác thì không có lợi lạc gì cho chúng cả.
Quan trọng là xã hội cần quan tâm đến những người bi bệnh AIDS và những chứng bệnh cùng loại. Chối bỏ những người này là đánh mất tính nhân ái của loài người. Lãng quên họ có nghĩa là lãng quên trách nhiệm đối với sự khang lạc của tha nhân. Hơn nữa, chúng ta nên khuyến khích việc phổ biến những thông tin đúng đắn về bệnh AIDS và cách thức sử dụng những biện pháp phòng ngừa cho mọi người.
Kế hoạch hóa gia đình
Vợ chồng có thể quyết định sử dụng các phương pháp ngừa thai thích hợp cho mình? Phật giáo không chống lại việc này. Tuy nhiên, khi đã cấn thai thì tâm thức của một sinh linh đã nhập vào bào thai. Như thế, tốt hơn là hãy sử dụng những phương pháp ngừa thai trước chớ đừng sinh hoạt tình dục rồi mới uống thuốc trục thai hay nhờ đến y học để nạo phá thai.
Việc thụ tinh nhân tạo bằng tinh trùng của người chồng hay của một người khuyết danh nào đó dường như không gây nên những hậu quả tai hại cho bản thân hay cho người khác. Dĩ nhiên, những người có liên can trong việc này phải đồng ý và hoàn toàn tự nguyện để tránh phát sinh rắc rối về sau.
Quan điểm của Phật giáo đối với vấn đề đạo đức tình dục và hành vi tình dục dựa trên nguyên lý không làm hại người khác và cố gắng tối đa để làm lợi lạc cho người khác. Phật giáo cũng quan tâm cân nhắc tác dụng của quy luật nhân quả đối với việc nhiều đời nhiều kiếp chúng sinh sinh tử luân hồi. Đức Phật không hề phán quyết độc đoán về những giá định đạo đức. Đức Phật chỉ trình bày và giảng dạy về vấn đề này với mục đích giúp chúng ta tạo ra những yếu tố đưa đến hạnh phúc và tránh được những yếu tố đưa đến khổ đau. Mỗi người có trách nhiệm về việc cố gắng để có hiểu biết tốt nhất về những lời dạy này và hành động theo sự hiểu biết của bản thân mình.
Khi dạy bảo con em của chúng ta về mặt tình dục thì tốt nhất là giải thích cho chúng hiểu được tại sao mà có những lời dạy hay lời khuyên như vậy. Những người trẻ tuổi thường có những ý niệm lệch lạc, méo mó về tình ái nếu việc giáo dục về giới tính chỉ là một danh sách chi tiết về “những điều không nên làm” mà thôi.
Cha mẹ và những nhà giáo dục cần phải giúp con em hiểu biết để chấp nhận những thôi thúc nhục cảm của cơ thể và những mộng tưởng yêu đương của tâm lý, mà không làm cho chúng cảm thấy xấu hổ, tội lỗi về những thèm muốn và những mộng tưởng đó. Đồng thời, chúng ta cần phải có cách nói mang tính chất xây dựng để chỉ con em biết được cách thức xử lý đối với những ham muốn thuộc thể xác hay tinh thần. Đây là vấn đề mà chúng ta cần phải ưu tư nhiều.
Nhà xuất bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS