NHƯ LAI

SHARE:

“Như Lai là hư không giới, thế nên hư không là Như Lai, trong đó không có một vật để phân biệt”.

Kinh Hoa Thủ ghi: “Tất cả pháp như là Như Lai, Như Lai là tất cả pháp như. Thế nên Thế Tôn không có trụ xứ đây là nghĩa Như Lai. Còn báo thân, hóa thân như bóng hư dối không có đến đi. Tâm tịnh thì Phật hiện nên nói Phật đến mà cũng không đến. Tâm nhơ thì Phật chẳng hiện nên nói Phật đi mà cũng không đi. Đây chính là đến mà chẳng phải đến, đi mà chẳng phải đi. Phật đã không đến đi, tâm cũng chẳng sinh diệt. Hiểu như thế mới có thể thấy chân Phật”.

Cho nên kinh Kim Cương nói: “Nếu kẻ nào nói Như Lai hoặc đến hoặc đi hoặc ngồi hoặc nằm, người ấy không hiểu nghĩa của ta nói. Như Lai có nghĩa là không từ đâu đến, cũng không đi về đâu cho nên gọi là Như Lai”. Cho nên biết rằng hoặc nhân hoặc pháp đều không ra ngoài đạo nhất như, như thế thông đạt căn trần thì sẽ thấy tự tính như như Phật.

Đây lấy cái chẳng thấy làm cái thấy chân thật. Thấy chân thật là chân Phật. Pháp sư Tăng Triệu nói:

“Phật là gì ? Cùng lý tận tính gọi là đại giác”.

Ngài Đạo Sinh nói: “Thấy thật là Phật, như thế cũng gọi là chân kiến đạo, cũng gọi là chân cúng dường”.

Hỏi: Thế nào là chân cúng dường ?

Đáp: Khế hợp tâm đúng như lý, không có ý tưởng thấy Phật, rõ tự pháp thân là chân cúng dường.

Kinh Bảo Tích nói: “Chân cúng dường là không nghĩ đến Phật, không thấy có Phật, huống là cúng dường. Nếu muốn cúng dường Phật thì nên cúng dường tự thân”.

Hỏi: Làm thế nào cúng dường tự thân ?

Đáp: Nếu bỏ chính mình chạy theo trần lao đây là trái nghịch. Có thể hồi quang phản chiếu, tùy thuận chân như, cảnh trí thầm hợp, đây là chân cúng dường.

Cho nên kinh Duy-ma nói: “Không trước không sau đồng thời cúng dường”, đây là vận dụng ý nghĩa không lấy không bỏ, khởi tâm nhất tế, bình đẳng thì khắp mười phương cúng dường tất cả Như Lai, hàm linh cả pháp giới nhất thời thọ nhận. Cúng dường như thế chẳng lớn sao ?

Do đó kinh Bảo Vũ nói: “Tư duy đúng như lý tức là cúng dường tất cả Như Lai”.

Hỏi: Thế nào là tư duy đúng như lý ?

Đáp: Chỉ cần tất cả không tư duy là chân tư duy, vì đốn ngộ nhất tâm không cách nào suy lường được, thế nên mười phương chư Phật chứng tâm thành đạo nên gọi là như lý. Nếu rõ tự tâm hay thuận ý Phật đó là cúng dường tất cả Như Lai. Nếu không y theo như lý ngộ tâm thì làm mọi việc mà ngoài tâm thấy Phật, dù trải qua nhiều kiếp đều không phải chân thật cúng dường, vì trái với ý Phật. Như kinh Hoa Nghiêm có bài tụng:

Dù trong mỗi mỗi niệm

Cúng dường vô lượng Phật,

Chưa biết pháp chân thật,

Không gọi là cúng dường.

 

Trích nguồn:                                                TÔNG CẢNH LỤC

Thiền sư Diên Thọ

SHARE:

Trả lời