DUY TÂM ( NGUỒN SỐNG)

SHARE:

Nguồn chân lặng lẽ, biển giác trong lặng, dứt bặt danh tướng, tuyệt dấu năng sở. Ban sơ bất giác chợt khởi tâm động niệm thành nguyên do của nghiệp thức là lỗi của giác minh. Nhân “minh”khởi “chiếu”, kiến phần bỗng khởi, tùy chiếu lập trần, tướng phần bày ra. Như gương hiện hình tượng chợt khởi thân căn, kế đến tùy tưởng mà thế giới thành sai biệt, sau đó nhân trí mà có sự yêu ghét chẳng đồng. Từ đây quên chân, mất tính, chấp tướng, theo danh, tình trần trệ trước, kết sóng thức tương tục, khóa kín chân giác vào đêm mộng, trầm mê trong ba cõi, mù lòa trí nhãn nơi đường tăm tối, lăn lóc tới lui ở trong chín nẻo, bị khổ não vì nghiệp ràng buộc, mất cửa giải thoát. Trong không thân lại thụ thân, trong không cõi mà lập cõi.

Căn cứ y xứ thì phân ra hai mươi lăm cõi, nói về chính báo thì có đủ mười hai loài, đều từ tình tưởng mà ra y chính sai biệt, trên cảnh chẳng dời đổi, uổng chịu luân hồi, không có lối thoát nên tự sinh trói buộc. Như tằm làm kén, tợ bướm lao vào đèn; đem sợi tơ vọng tưởng nhị kiến quấn chặt chất nghiệp của khổ tụ; dùng đôi cánh vô minh, tham ái quạt vòng lửa sinh tử; dùng lời nói như tiếng vang trong hang động luận bàn vẻ đẹp, xấu của bốn loài chúng sinh; lấy gương tâm vọng tưởng bày ra hình nghi của ba cõi. Sau đó, gió tưởng trái thuận xao động biển giác, nước tham si ái rưới nhuần mầm khổ, một bề dong ruổi theo trần, chẳng biết trở về cội gốc. Phát tri kiến cuồng loạn, che mờ tự tâm, lập sắc thinh huyễn hóa rồi nhận là pháp khác.

Từ đây một khi chạm cảnh dần dần thành đỉnh cao trắc trở. Giọt nước làm gợn sóng lăn tăn cuối cùng dậy sóng to nuốt chửng con thuyền. Sau này lại muốn quay về nguồn cội, căn cứ vào căn tính lợi độn không đồng nên trong pháp giới chân như nhất chân mở ra ba thừa, năm tính. Hoặc có người thấy không mà chứng quả; hoặc có người liễu duyên mà thể nhập chân; hoặc có người trải qua ba a-tăng-kỳ huân tu dần dần đầy đủ các hạnh môn; hoặc có người chỉ một niệm viên tu chóng thành Phật đạo. Về sự khắc chứng thì có khác nhau, nhưng một tính không khác.

Vì thành lập cái tên phàm Thánh nên tợ như phân ra tướng chân tục. Nếu muốn thấu suốt sâu xa tận cội rễ, thông đạt tột cùng tông chỉ thì căn bản tính lìa, tất cánh tịch diệt, dứt sự sai khác của lên xuống (thăng trầm), không có sự sai khác của trói mở (phược thoát), đã không có người ở thế gian, cũng không có người diệt độ, hai mé (thế gian và xuất thế gian) bình đẳng, một đạo thanh hư, thức trí đều không, danh thể đều lặng. Không có gì cả chỉ một chân tâm. Đạt được tâm này gọi là người thấy đạo, mê tâm này gọi là khởi đầu cho sinh tử.

Lại có những kẻ tà, ngoại đạo, trí kém, căn tính hẹp hòi không biết rõ gốc bệnh sinh tử, cũng chẳng hiểu rành gốc kiến chấp ta người (ngã, nhân), chỉ muốn chán ồn náo, chê bai động, phá hoại tướng, chia chẽ trần. Tuy nói rằng nếm được cái không tĩnh lặng mờ tối nhưng họ không biết đã vùi lấp chân như, trái nghịch tính giác.Như không biết bệnh nhặm mắt mà chỉ lo diệt những vòng ánh sáng trên đèn. Không xét kỹ thân huyễn ở trong thức tình, luống tránh bóng nắng giữa trưa, điều ấy chỉ làm nhọc hình thể, mệt tâm trí, mất sức, tốn công chẳng khác nào đã đủ nước lại thêm băng, ném củi vào lửa cháy. Đâu biết những vòng ánh sáng theo mình là bóng giả từ mắt bệnh, trừ bệnh mắt rồi các đốm sáng tự biến mất, dứt cái huyễn chất thì bóng nắng giả dối sẽ không còn.

Nếu hay xoay ánh sáng trở về chính mình, nơi cảnh phản tỉnh quán tâm, Phật nhãn sáng thì bóng nghiệp không, Pháp thân hiện thì dấu trần bặt. Dùng gươm trí tự giác mổ lấy hạt tâm châu trong triền phược, đem kiếm tuệ nhất niệm chém phăng lưới vọng kiến chốn trần lao. Đây là ý chỉ tột cùng nguồn tâm này, lời nói thấu đạt thức tính; lời giản dị, nghĩa phong phú, văn thuần phác đến được lý. Dựng cửa nghi ở ngôi nhà chính trí, phát cỏ vọng nơi cánh đồng chân giác. Bệnh lâu càng thâm nhập vào xương tủy, nếu chặt đứt dây mơ rễ má cố chấp chằng chịt thì vật ngã gặp nhằm ngọn lửa trí bừng cháy sẽ tiêu dung trong lò duy tâm; danh tướng chạm phải ánh sáng của mặt trời trí tuệ sẽ bị xoá tan trong biển nhất chân.

Đây là pháp nội chứng, đâu phải ở nơi lời nói, tri giải không thể cùng tận, thấy nghe cũng không đến được. Nay vì người chưa thấy mà trình bày diệu kiến vô kiến (cái thấy mầu nhiệm không thể thấy bằng mắt) vì người chưa nghe mà thể nhập viên văn bất văn (cái nghe mầu nhiệm không thể nghe bằng tai), vì người chưa biết mà nói cái chân tri vô tri, vì người chưa hiểu mà thành tựu đại giải vô giải, với hy vọng là nhân ngón tay thấy mặt trăng, được thỏ quên bẫy. Giữ gìn một tông sâu kín, bỏ lời, xét lý, biết rõ muôn vật từ ta, sáng tỏ diệu giác tại thân. Có thể bảo là moi tìm cội rễ bí ẩn, dò xét hang lý thẳm sâu. Chọn lấy cốt tủy của thiền tông, nêu ra giềng mối của lưới giáo, còn chút xíu tỳ vết mê lầm cũng liền hoàn toàn sạch trong (viên tịnh). Huyền tông, diệu chỉ, đại ý phơ bày có khả năng phá dẹp núi thất mạn (bảy thứ kiêu mạn) trọn ngăn bít nẻo lục suy (lục trần cũng gọi lục tặc), ngoại đạo trần lao thảy đều té ngửa kêu la, quân ma sinh tử hoàn toàn lặng bóng im hơi. Hiện tự tại lực, bày đại uy quang, chỉ ra hạt trân châu, sử dụng lợi ích vô tận, nghiêng tạng bí mật, cứu giúp khắp cả không cùng.

Có thể nói trong các thứ hương xông là hương ngưu đầu, trong những vật báu tìm hàm con ly long, trong các loài hoa hái hoa linh thoại, trong các ánh sáng chiếu rực thần quang, trong các thức ăn nếm vị nhũ mi, trong những thứ nước uống giọt cam-lộ, trong các thứ thuốc dùng thuốc cửu chuyển (chín vòng, ý nói nấu luyện kim đan nhiều lần); trong các chủ nhân gặp được Thánh vương… Thế nên được lên đỉnh núi cao pháp tính, bỗng lạc vào những ngọn chót vót; biển đề-hồ bao la nuốt trọn sóng nước các dòng, tựa như điểm sáng của hồn phách trong đêm vút bay, làm mờ ánh sao Tiểu thừa, như vầng hồng của bình minh phá tan bóng tối ngoại đạo.

Cũng như kẻ nghèo pháp tài chợt gặp một khối báu lớn, như người khát được gặp ao nước trong mát, như làm vị Trời được chúng sinh kính ngưỡng,như làm đấng cha lành Bồ-tát, như người mang bệnh nặng may mắn gặp được Dược Vương chữa trị, như kẻ không biết đường hiểm nạn chợt gặp người hướng dẫn tốt, sáng suốt, như người lâu ngày ở trong nhà tối bỗng gặp ánh sáng của ngọn đuốc báu, như người thường sống lõa hình bỗng nhận được áo trời tuyệt diệu, chẳng tìm cầu mà tự được, không gắng công mà chóng thành. Cho nên biết trong vô lượng cõi nước khó được nghe danh tự, trong kiếp số trần sa ít được truyền trao. Do những nhân duyên trên, đây gọi là gương tâm (tâm cảnh), bày hiện nhất đạo mà rỗng sáng chiếu soi. Soi rõ bọn tà mà một mảy may chẳng chứa. Diệu thể không riêng, viên quang chẳng ngoài, biển giáo nghĩa vô biên thảy đều trở về trong sự xoay đầu nhìn lại, hình dung của muôn vật hết thảy cùng đi vào trong sự chiếu soi. Đây là ý chỉ của nhất vị Tào Khê, chư vị Tổ sư đều truyền, là tông bất nhị nơi Rừng Hạc (Hạc lâm) mà kinh điển đều nói nên có thể bảo là chỗ vô cùng sâu xa của muôn điều thiện, là nguồn huyền của mọi thứ luận triết, là bảo vương của một chữ, là nguyên tổ của mọi loài, bèn khiến lìa tâm cảnh, văn lý đều rỗng, liền biết đó là trần. Lời nói ra có chứng cứ, hải ấn nhất tâm giai định viên tông, đèn trí của tám thức chiếu phá tà ám. Nói thật ra là đền thiêng của hàm linh, nghĩa tông của vạn pháp chuyển biến vô cùng, vận dụng linh hoạt, tự tại, tùy duyên bày dấu, theo vật thành danh.

Chư Phật thể chứng gọi đó là tam-bồ-đề, Bồ-tát tu hành gọi đó là lục độ vạn hạnh. Hải Tuệ biến đó thành nước, Long Nữ dâng đó là hạt châu, Thiên Nữ rải cúng đó là hoa vô trước, Thiện Hữu tìm kiếm đó là báu như ý, Duyên giác ngộ đó là thập nhị duyên khởi, Thanh văn chứng đó là tứ đế nhân không, ngoại đạo giữ chặt đó là sông tà kiến, chúng sinh chấp đó là biển sinh tử. Luận về thể thì khéo hợp chí lý một cách vi diệu, luận về sự thì khế hợp chính duyên một cách xâu xa. Tuy trình bày tổng môn của pháp giới, song cần phải nói rõ yếu chỉ riêng của Nhất thừa và nghĩa của các thứ tính tướng. Bậc Đại giác do viên thông lớp lớp liền cửa vào, chỉ có bậc chủng trí được diệu đạt.

Chỉ vì người căn cơ yếu kém, ít học không thể thấu suốt, không biết hai môn tính tướng, chính là thể dụng của tự tâm. Nếu có đầy đủ dụng mà đánh mất thể thường hằng cũng như không có nước mà có sóng. Nếu được thể nhưng lại thiếu đi môn diệu dụng cũng như không có sóng mà có nước. Thực ra, chưa từng có nước không sóng và cũng không từng có sóng mà không cótính ướt. Nhờ sóng biết được nguồn nước, nguồn nước và ngọn sóng như tính tột cùng và tướng biểu hiện cùng đạt đến nguồn tính. Chúng ta nên biết thể dụng làm thành cho nhau, tính tướng hiển bày cho nhau.

Bây giờ xin nói rõ về môn tổng và biệt; nói rộng về sự đồng và dị, xét về căn nguyên của một pháp, tìm tòi gốc ngọn của các duyên thì có thể gọi là “Tông Cảnh” vì soi chiếu u vi, không sót một pháp nên nghìn thứ sai khác cùng gặp gỡ, mới dệt thành nghĩa rộng rãi, tóm lược yếu văn, trình bày trong một trăm quyển, thảy đều thu về nhất tâm, có thể khiến cho biển giáo pháp sâu nhiệm được nhận biết rõ ràng, niệm niệm sáng tỏ hoàn toàn, vô tận chân tông, chính mắt thấy rõ và tâm tâm khế hợp. Như thần châu ở trong tay, trọn không còn tìm cầu, cũng như cây giác ngộ râm mát hoàn toàn tiêu mất dấu bóng, như nhặt được ngọc thật trong ao mùa xuân có lẫn với sỏi đá, như nhận ra cái đầu của mình trước gương, cuồng tâm chóng hết, có thể nhổ sạch gai tà kiến, chặt phăng gốc rễ nghi, không cần dùng đến một xíu công phu mà mở toang kho tạng báu, chẳng phí một chút sức lực mà nhanh chóng được hạt châu nhiệm mầu.

Đây gọi là Nhất thừa đại tịch diệt tràng, thật đúng là nơi tu hành thanh tịnh, đây là cảnh giới Như Lai đã đạt đến, là pháp môn bản trụ của chư Phật. Với tinh thần khuyến khích tất cả người sau nên chỉ rõ tính giác huyền diệu để được trí tuệ tột cùng biển tính, học suốt đến nguồn chân. Chỉ có thức này, tâm này là tôn thắng. Thức này là chỗ chứng của mười phương chư Phật. Tâm này được nói trong suốt một đời giáo hóa của Phật. “Duy tôn” (cái đáng tôn kính hơn hết) là vì nó là chỗ quy về của giáo lý hạnh quả. “Duy thắng” (cái siêu việt hơn cả) vì đó là cho hướng đến của tín, giải chứng, nhập; chư Hiền nương vào đây mà giải thích viết luận nghìn chương, các Thánh thể theo đó tuyên thuyết rộng thành tứ biện. Thế nên chọn lọc những điều kỳ đặc, nghiên cứu tinh vi rõ ràng.

Riêng nêu bày cương tông, giăng rộng lưới Chính pháp, mò bắt cơ địa năm thừa, nhảy vọt lên tầng trời đệ nhất nghĩa, chứng đắc một cách rộng rãi tông này. Lợi ích vô tận thì Chính pháp được an trụ lâu dài, dẹp tan rừng tà của ngoại đạo, có khả năng cứu giúp muôn loài, lấp bít dấu xe loạn của Tiểu thừa, như thế thì không tà, không chính, hữu ngụy đều không. Vì tự lợi cho nên phát ra gốc trí đức, vì lợi tha cho nên lập ra việc ân đức, do thành tựu trí đức nên khởi lòng từ vô duyên giáo hóa, do thành tựu ân đức nên đem tâm bi đồng thể cứu độ. Với đồng thể thì tâm khởi vô tâm, với vô duyên thì giáo (hóa) thành đại hóa (giáo hóa rộng rãi). Vì tâm khởi vô tâm nên chẳng có (niềm vui) hạnh phúc nào mà chẳng ban cho; vì hóa thành đại hóa nên chẳng có khổ đau nào mà chẳng dẹp bỏ. Không có hạnh phúc nào mà không ban cho thì kẻ trí, người ngu đều xem như nhau, chẳng có khổ đau nào mà chẳng dẹp bỏ thì kẻ oán, người thân không khác.

Như thế là khiến cho ba thứ cỏ hai loại cây đều được tươi tốt trên một mảnh đất. Hạt giống tà, mầm mộng cháy đều được đều thấm nhuần một trận mưa. Thật là vô cùng tốt đẹp, không gì sánh bằng, có thể nói là bao quát hết cửa nhân, tìm suốt đến biển quả, cho nên người được khai phát bồ-đề, người mới câu bát-nhã, biết rõ manh mối thành Phật, viên đốn không trệ ngại, biết rõ con đường trở về nhà, tiến thẳng tới không nghi. Nếu người lìa con đường này tu hành khác tùy theo chỗ hiểu sai lầm của mình thì giống như gõ sừng lấy sữa, vin cây tìm cá dù trải qua ba a-tăng-kỳ trọn chẳng được gì.

Nếu y theo tông chỉ này tin nhận, gìn giữ và phát huy như con thuyền lướt nhanh theo dòng nước không chút trệ ngại lại gặp gió thuận và thêm sức mái chèo thì sẽ chóng đến Bảo sở, bỗng chốc tới bờ giác. Có thể nói là tư lương sắp đặt sẵn, đạo quả thành tựu trước, mặc y thượng hạnh của ngài Ca-diếp, ngồi tòa pháp không của Phật Thích-ca, lên lầu Tỳ-lô của Di-lặc, vào thân pháp giới của Phổ Hiền, hay khiến người khách làm kẻ tôi tớ để được lãnh tất cả gia nghiệp của Trưởng giả; chợt làm cho hàng Tiểu quả chìm trong không tịch chóng được Như Lai thụ ký. Chưa có một môn chẳng thông đạo này thì chắc chắn không một pháp chẳng khế hợp tông này. Bậc giác vương thời quá khứ nhân đây thành Phật, hàng Đại sĩ vị lai nhờ đây chứng chân thì pháp môn nào mà không mở bày, nghĩa lý nào mà chẳng biểu hiện, không một sắc nào chẳng phải là tam-ma-bát-địa, không một thinh nào chẳng phải là môn đà-la-ni, nếm một vị mà biến khắp thành đề-hồ, ngửi một hương mà đều vào trong Pháp giới.

Cây gió, bãi trăng đều có thể truyền tâm, cồn khói rừng mây đều bày diệu chỉ, mỗi bước dẫm trên cõi kim sắc, mỗi niệm ngửi mùi hương chiêm-bặc; vốc nước biển mà được trăm sông, đến tu-di đều đồng một sắc. Rực rỡ chừ! Mở mắt xem vạn tượng, thảy đều trở về tự tông, lặng lẽ dẫn tâm tìm châu đều quay về bản pháp, khiến cho núi tà rơi mũi nhọn, biển khổ thu cuộn sóng, dùng mái chèo trí an ổn lướt trên dòng để vượt lên đỉnh biếc vút cao.

Ngày nay biết rõ chính tông của kinh luận, đại ý của Phật Tổ, tỉa bớt văn tự rườm rà, chỉ tìm lấy yếu chỉ, tạm mượn sự vấn đáp để dẫn giải, chứng minh rộng rãi. Nêu ra nhất tâm làm tông soi chiếu muôn pháp như gương và ghi chép ý nghĩa sâu xa từ các trước tác của Cổ đức, tóm lược giáo lý viên đốn trong bảo tạng nên gọi là “Lục”, phân làm một trăm quyển, có ba chương: đầu tiên là lập chính tông để làm nơi hướng về; kế là vấn đáp để loại bỏ nghi tình; sau là dẫn lời chân thật của kinh điển để thành tựu đức tin trọn vẹn và đem pháp lành vi diệu này ban rải khắp mọi loài, đồng báo ân Phật, cùng truyền tông chỉ này.

Đời Đại Tống, nước Ngô Việt, tọa chủ chùa Tuệ Nhật,

thiền sư Vĩnh Minh, Diên Thọ

 TÔNG CẢNH LỤC

THIỀN SƯ DIÊN THỌ 

Tuệ Đăng – Hân Mẫn dịch 

NXB – PHƯƠNG ĐÔNG

SHARE:

Để lại một bình luận