TRI KIẾN THANH TỊNH

SHARE:

Cái gì là thuần tịnh hay thanh khiết? Đó chính là chúng ta tịnh hóa được sự chấp ngã của chúng ta, và chúng ta tùy hỷ với niềm vui và hạnh phúc của người khác. Thuần tịnh cũng có thể hiểu theo nghĩa là khi tâm chúng ta thanh khiết, khi chúng ta hướng tâm về Tam Bảo, hay khi ta phát khởi tình yêu thương và lòng bi mẫn cho tất cả chúng sinh. Các tâm niệm như thế đó cũng chính là tri kiến thuần tịnh. Các vị Đạo Sư Kadampa trong những đời quá khứ đã nói rằng đừng nhìn xét lỗi của người khác mà hãy luôn nhìn ra được những phẩm tánh của họ. Bởi vì khi chúng ta chỉ nhìn thấy lỗi của người khác thì tâm của chúng ta đã trở nên ô nhiễm, còn khi chúng ta chỉ nhìn thấy thiện đức, thấy những điều tốt lành nơi người khác thì tâm của chúng ta đang được tịnh hóa.

 

Công phu đảnh lễ

Thầy muốn khai thị cho chúng ta một chút về công phu đảnh lễ. Thường chúng ta chỉ nghĩ về việc đảnh lễ qua thân, nhưng thực sự có ba loại đảnh lễ: đảnh lễ qua thân, khẩu, và ý. Có những người nghĩ rằng họ lớn tuổi hoặc có giới hạn về thể xác nên họ không đảnh lễ được, nhưng điều này không đúng. Vì thường khi chúng ta đảnh lễ qua thân thì đây chỉ là việc đảnh lễ bình thường thôi, chứ chưa phải cách đảnh lễ trên ý nghĩa tối hậu. Do bởi tất cả những gì chúng ta có thể làm được qua thân để đem đến lợi lạc cho người khác thì đây cũng phải xem là đảnh lễ. Chẳng hạn như khi chúng ta làm công quả ở chùa hay khi chăm sóc cho người bệnh, hoặc khi chúng ta làm bất kỳ một việc hay hành động nào mang lại hạnh phúc và lợi lạc cho người khác, thì tất cả những việc làm này cũng được coi là đảnh lễ qua thân.
Sau khi đảnh lễ qua thân, còn có đảnh lễ qua khẩu hay ngữ. Bất kỳ những gì chúng ta nói mà có thể mang lại lợi lạc cho người khác có thể coi là đảnh lễ qua khẩu. Ví dụ chúng ta từ bỏ việc nói xấu người khác, chỉ nói những điều thiện lành, nhắc nhở cho người khác nghe về nhân quả, tụng đọc các bài quy y, tụng chú mani, tụng bài nguyện hồi hướng, nói những lời làm cho người khác gần gũi hài hòa với nhau, nói những lời từ ái, nói những lời đầy từ bi, v.v. thì đó cũng chính là đảnh lễ qua khẩu hay ngữ.
Nhưng quan trọng hơn cả là đảnh lễ qua tâm của chúng ta. Đó là khi chúng ta hướng tâm của mình đến chư Phật và nghĩ rằng: “Ôi, các Ngài thật là trân quý,” hay chúng ta phát khởi được tình yêu thương và lòng bi mẫn cho tất cả chúng sinh. Khi tâm của chúng ta khởi nên các niệm hướng về Tam bảo trong sáu thời một ngày, cả ngày lẫn đêm, lúc nào cũng hướng về Tam Bảo, luôn nhớ nghĩ đến sự từ ái hay trân quý của Tam Bảo thì đó chính là đảnh lễ qua tâm hay ý. Và trong ba loại đảnh lễ thì đảnh lễ qua ý là quan trọng nhất và có nhiều sức mạnh nhất.
Tri kiến thanh tịnh trong Mật Thừa
Trong Mật thừa thì điều quan trọng nhất là chúng ta cần phát khởi và trưởng dưỡng được một tri kiến thanh tịnh. Thật sự đối với một số người trong chúng ta, khi nói đến tri kiến thanh tịnh thì điều này có vẻ hơi khó hiểu. Nhưng Thầy nói điều này rất dễ hiểu và bây giờ Thầy sẽ khai thị cho chúng ta. Có được một tri kiến thuần tịnh có  nghĩa là luôn phải nhìn thấy những gì tốt lành nhất [nơi mọi người mọi sự] và xin đừng soi xét các lỗi lầm hay những điều xấu xa. Chẳng hạn như khi chúng ta nhìn thấy một người đang thọ giới Quy y thì chúng ta cần khởi lên tư tưởng nghĩ rằng,  “Ồ, điều này thật là tốt lành, người này đã trở thành một phần của Tăng Bảo và tôi tùy hỷ với người đó”. Như vậy đây là một hình thức có tri kiến thuần tịnh.
Cái gì là thuần tịnh hay thanh khiết? Đó chính là chúng ta tịnh hóa được sự chấp ngã của chúng ta, và chúng ta tùy hỷ với niềm vui và hạnh phúc của người khác. Thuần tịnh cũng có thể hiểu theo nghĩa là khi tâm chúng ta thanh khiết, khi chúng ta hướng tâm về Tam Bảo, hay khi ta phát khởi tình yêu thương và lòng bi mẫn cho tất cả chúng sinh. Các tâm niệm như thế đó cũng chính là tri kiến thuần tịnh. Các vị Đạo Sư Kadampa trong những đời quá khứ đã nói rằng đừng nhìn xét lỗi của người khác mà hãy luôn nhìn ra được những phẩm tánh của họ. Bởi vì khi chúng ta chỉ nhìn thấy lỗi của người khác thì tâm của chúng ta đã trở nên ô nhiễm, còn khi chúng ta chỉ nhìn thấy thiện đức, thấy những điều tốt lành nơi người khác thì tâm của chúng ta đang được tịnh hóa.
Như trong Pháp hội Thầy cũng đã có khai thị, tri kiến thuần tịnh của chúng ta được xem như là một cái máy giặt, và chúng ta cần gột rửa tâm mình giống như chúng ta bỏ quần áo vào máy giặt để máy giặt có thể gột sạch tất cả đất cát, bụi bẩn bám trên quần áo của chúng ta. Còn nếu chúng ta có một tri kiến bất tịnh, cái nhìn của chúng ta lúc nào cũng bất tịnh thì cũng chẳng khác nào chúng ta quăng ném đất cát vào quần áo của mình, hay quăng ném đất cát vào trong tâm của mình. Điều này vô cùng quan trọng và chúng ta cần luôn ghi nhớ, bởi vì nếu có được tri kiến thuần tịnh thì tri kiến này sẽ giúp cho chúng ta biết được cái gì nên làm và cái gì nên từ bỏ qua thân và khẩu của chúng ta. Chúng ta cần nghĩ rằng tâm thức bên trong của chúng ta là cái mà chúng ta cần tịnh hóa để có được một tri kiến thuần tịnh chứ không phải chỉ tịnh hóa thân và khẩu bên ngoài mà thôi.
Tri kiến thanh tịnh và cõi Tịnh Độ Cực Lạc
Thầy nói rằng Thầy thực sự cảm ơn tất cả đại chúng đã bỏ công sức đi từ rất xa đến đây để thọ Pháp và Thầy tùy hỉ với công đức của các bạn và với Pháp hội này. Việc tất cả đã đến đây thọ Pháp là bởi vì tất cả các bạn trong quá khứ đã từng phát khởi được một trí kiến thanh tịnh để có thể phát lòng hoan hỷ đến đây tu tập như thế này. Thầy hy vọng là khi quý vị trở về quê nhà thì hãy luôn ghi nhớ những gì đã được học trong Pháp hội này. Và khi quý vị đã có được những dấu ấn trong dòng tâm thức xuyên qua công phu hành trì trong những buổi cộng tu vừa qua, thì khi về nhà hành trì và nhắm mắt lại, hãy nhớ nghĩ đến Phật A Di Đà và hãy phát khởi tình yêu thương và lòng bi mẫn cho tất cả chúng sinh. Và khi nhắm mắt như thế, thì những hình ảnh của toàn bộ Pháp hội, hình ảnh về đại chúng, những người bạn đồng tu, hình ảnh các món cúng dường, hình ảnh của Chư Phật, v.v. cũng có thể hiện ra trong dòng tâm thức của các bạn để hỗ trợ cho công phu tu tập của các bạn tại nhà.
Thầy nói rằng hôm qua Thầy có phát cho chúng ta một tuyển tập nhỏ, gọi là “Bài Nguyện Dài Hướng Về Cõi Tịnh Độ Cực Lạc” của đức Chagme Rinpoche (quyển tiếng Việt bìa màu trắng). Thầy nói rằng khi Thầy đọc tuyển tập này, có một câu khai thị trong đó đã giúp cho Thầy nhìn thấy ra được rất rõ cõi Tịnh Độ là như thế nào.
Đôi khi người ta nghĩ Tịnh Độ có thể là một cõi giới vật chất nào đó, nhưng thực sự nó không phải là như vậy. Ở trong bài nguyện này có viết một câu rằng “cõi Tịnh Độ Cực Lạc không thể nhìn thấy được bằng mắt phàm, nhưng có thể nhìn được bằng tâm thanh tịnh.”  Điều này mang một ý nghĩa rất sâu sắc bởi vì đây không phải là một cõi vật chất nhìn được bằng mắt phàm, mà chúng ta chỉ có thể nhìn được cõi này và cảm ứng được cõi này thông qua tâm thanh tịnh của chúng ta. Khi tâm chúng ta thanh tịnh, có được tri kiến thanh tịnh thì chúng ta tức khắc sẽ nhìn được cõi Tịnh Độ.
Thầy kể lại câu chuyện về một người đệ tử của Thầy, cô tên là Emily, cô đã từng tu tập ở trên núi thiêng Lapchi, và cô kể lại chuyện rằng… Đôi khi trong lúc cô thiền định, toàn bộ núi thiêng Lapchi hiện ra như một cõi Tịnh Độ và nó thực sự hiện ra như vậy trước mắt cô. Nhưng đôi khi cõi Tịnh Độ lại biến mất, và Lapchi lại chỉ như là núi Lapchi mà thôi, không có gì đặc biệt cả. Điều này càng chỉ cho chúng ta thấy rằng xuyên qua tri kiến thuần tịnh mà chúng ta có thể thấy được cõi giới đó hiện hữu như thế nào.  Vì vậy, thực sự là cõi Tịnh Độ có liên hệ mật thiết với tâm thức bên trong của chúng ta chứ không phải là một cõi giới vật chất nào đó ở bên ngoài. Nếu hiểu được cõi Tịnh Độ có thể cảm ứng và thể nhập xuyên qua tâm thanh tịnh thì chúng ta sẽ không còn hoài nghi là liệu Cõi Tịnh Độ có thực sự hiện hữu hay không. Chúng ta sẽ tin rằng cõi Tịnh Độ là có thật. Làm sao để cắt bỏ được sự hoài nghi này? Điều này thật vô cùng quan trọng và do đó, Thầy hy vọng chúng ta sẽ đọc đi đọc lại tuyển tập này của Chagme Rinpoche.
Thầy nói đôi khi có một số người đã mắc phải một lỗi lầm to lớn. Đó là họ có sự hoài nghi không biết cõi Tịnh Độ có thực sự hiện hữu hay không, cũng giống như không biết cõi địa ngục có thực sự hiện hữu hay không. Tuy rằng họ có phát khởi tín tâm với cõi Tịnh Độ, nhưng họ lại chưa thực sự tin là cõi Tịnh Độ có thể thực sự hiện hữu vì họ cho rằng cõi Tịnh độ là một cảnh giới được thiết lập qua tâm [chỉ là do tâm tưởng], chứ không đích thực hiện hữu. Mà nếu chỉ là to tâm tưởng thì cõi ấy không thể là một thực tại, không thực sự hiện hữu, mà nếu không thực sự hiện hữu [như một thực tại sống động] thì nó đâu có mang được lợi lạc gì đâu? Nhưng chúng ta cần phải hiểu cho thấu đáo tường tận về điều này để giúp chúng ta đến được nơi cõi ấy. Chúng ta cần phải hiểu như sau.
Bây giờ giả sử chúng ta nghĩ đến [và đem cõi thế gian này của chúng ta ra so với] cõi Tịnh Độ. Cuộc đời này, cảnh giới phàm phu này đây, cũng đã được thiết lập bởi tâm của chúng ta, do tâm của chúng ta tạo ra, nhưng cho dù một mặt là do tâm tưởng [nghĩa là mang tánh huyễn ảo] thì mặt khác, cuộc đời này vẫn đang là một thực tại hiện hữu đối với chúng ta. Đúng là đối với một người không bám chấp, không có một chấp trước nào cả, thì họ sẽ thấy cõi này chỉ là môt cõi hư huyễn do tâm tạo mà thôi. Vì tâm tạo ra tất cả nên vào thời điểm chúng ta chưa được sinh ra, chúng ta vẫn còn trong thân trung ấm thì chính tâm thức ở trong thân trung ấm đã tạo ra thân này của chúng ta. Rồi sau đó chính thân này của chúng ta mới tạo ra cõi giới này mà chúng ta hiện đang sống.
Cõi thế gian này có rất nhiều chúng sinh sống trong đó, đều là do cộng nghiệp. Do bởi chúng sinh có những nghiệp giống nhau nên mới cùng sinh vào cõi giới này. Nhưng mặt khác, chúng sinh cũng lại có các biệt nghiệp, hay nghiệp cá nhân khác nhau, nên những đau khổ của chúng sinh lại khác nhau. Dù là biệt nghiệp hay cộng nghiệp, nếu nói cõi thế gian này là do tâm tạo thì coi như cõi thế gian này mang tánh chất hư ảo, không có thật.
Nhưng tuy nói là hư huyễn, nhưng đồng lúc cõi thế gian lại thực sự hiện hữu đối với chúng ta, chúng ta vẫn phải sinh vào đó, vẫn sống trong đó và nó vẫn là một thực tại đối với chúng ta.  Nghĩa là tuy cõi thế gian này mang tánh chất huyễn hóa, nhưng chúng ta vẫn hiện hữu sinh tồn trong đó. Vậy thì đối với cõi Tịnh Độ chúng ta cũng cần phải suy diễn theo lối nghĩ y như thế.  Nghĩa là không khác cõi thế gian, cõi Tịnh Độ mang tánh huyễn hóa nhiệm mầu, nhưng đồng thời, cũng không khác cõi thế gian, cõi Tịnh Độ vẫn là một thực tại, nơi mà chúng ta có thể trải nghiệm và sinh vào.
Tuy là một thực tại nhưng cõi thế gian này sau 100 ngàn năm thì có khi cũng sẽ biến mất, hệt như bong bóng nước. Như vậy nó có thực hay là không có thực? Hiện tại thì nó đang có thực đối với chúng ta [nên ngang đây, ta không thể hoàn toàn phủ nhận sự hiện hữu của nó]. Nếu hiểu như vậy về cõi thế gian thì cũng có thể hiểu y như thế về cõi Tịnh Độ.
Cõi Tịnh Độ là một sự phản chiếu của tâm. Vậy nếu tâm của chúng ta tràn đầy vô minh, sân hận và oán ghét, thì tâm ấy sẽ phóng chiếu ra các cõi địa ngục, ngạ quỷ và các cõi thấp khác [chứ chẳng thể phóng ra được cõi Tịnh Độ để cho chúng ta có thể sinh vào].  Còn ngược lại nếu tâm chúng ta thanh tịnh thì cõi Tịnh độ chắc chắn sẽ xuất hiện. Khi chúng ta có lòng từ bi, có tâm Bồ Đề, thì tâm Bồ Đề sẽ phóng chiếu ra cõi Tịnh Độ, và chúng ta cũng có thể hiện hữu trong cõi Tịnh Độ đó y hệt như chúng ta đang hiện hữu trong cõi thế gian. Do đó cái mà chúng ta cần tập trung vào là làm sao để phát khởi được một tri kiến thuần tịnh và làm sao để có thể đóng những dấu ấn hết sức thanh tịnh và từ bi lên trên dòng tâm thức của mình.
Vì muốn có được những dấu ấn như vậy trong dòng tâm thức của mình nên đó là lý do tại sao chúng ta lại hành trì chung với nhau, cùng sắp đặt các bức tượng Phật và những món cúng dường Tam Bảo, cùng cầu nguyện với nhau, cùng trì chú với nhau, cùng giúp cho tâm ô nhiễm, tâm phàm phu của chúng ta được tiêu trừ và giúp trưởng dưỡng những tư tưởng hướng về giáo Pháp. Chúng ta cùng tụng chú của các vị Bổn Tôn, vì chúng ta muốn hình ảnh của các vị Bổn Tôn và âm thanh của các câu chú lưu xuất trong tâm của chúng ta. Khi đã có những dấu ấn như vậy trong tâm thức thì sau này, bất kỳ khi nào chúng ta nghĩ đến các vị Bổn Tôn, Hộ Phật thì các Ngài cũng có thể hiện ra ngay tức khắc trong tâm của chúng ta.
Điều này rất là lợi lạc bởi vì khi chúng ta ra đi khỏi cõi đời này, khi chúng ta bỏ thân xác này và đi vào cõi trung ấm thì khi đó chúng ta chưa có được một thân mới, và thần thức của chúng ta đang phải lang thang mà không có thân tướng. Và khi chưa bị mắc kẹt trong một thân tướng thì lúc đó nếu chúng ta khởi lên một niệm nghĩ đến vị Hộ Phật thì ngay lúc đó chúng ta sẽ trở thành vị Hộ Phật. Bất kỳ cái gì chúng ta nghĩ đến, chúng ta sẽ trở thành cái đó ngay trong khoảnh khắc của thân trung ấm. Vì vậy cho nên nếu tâm thức của chúng ta bị ô nhiễm khi đang ở trong thân trung ấm, chúng ta chỉ nghĩ đến điều ô nhiễm, thì chúng ta sẽ không thể nào chuyển hóa để có thể trở thành một vị Hộ Phật được. Và chúng ta lại tiếp tục bị lang thang trong một tâm thức ô nhiễm tràn đầy sân hận, oán ghét. Vào thời điểm đó, do bởi chúng ta chưa có một thân mới mà chúng ta lại đã bỏ thân cũ rồi, nên nếu tâm thức thanh tịnh thì cõi Tịnh Độ thanh tịnh sẽ hiện đến và Bổn Tôn thanh tịnh sẽ hiện ra, và chúng ta sẽ ở trong cõi giới đó và sẽ trở thành vị Bổn Tôn đó. Đó là lý do vì sao chúng ta trì tụng minh chú và quán tưởng Bổn Tôn.
Một điều quan trọng nữa là động lực tái sinh vào cõi Tịnh Độ của chúng ta. Khi chúng ta phát nguyện tái sinh vào cõi Tịnh Độ, điều quan trọng là đừng chỉ nghĩ rằng tôi muốn tái sanh vào cõi Tịnh Độ, vì nếu chỉ nghĩ về bản thân thì chính điều đó sẽ làm cho việc được tái sinh vào cõi nước Tịnh Độ sẽ trở nên khó khăn. Bởi vì một khi chúng ta phát khởi niệm “tôi sẽ là người vãng sanh” thì có ngã chấp hiện ra trong đó rồi. Và bất kỳ cái gì liên quan đến sự chấp ngã thì đó sẽ là một chướng ngại cho chúng ta, nó sẽ là một dấu ấn tiêu cực cho dòng tâm thức của chúng ta và chúng ta sẽ không thể nào chuyển hóa để trở thành một vị Hộ Phật. Bởi vậy, điều quan trọng để được tái sinh vào cõi Tịnh Độ Cực Lạc là đừng chỉ nghĩ về bản thân mà hãy luôn nghĩ về tất cả các chúng sinh. Bởi vì cái tôi chính là cái đem lại chướng ngại cho chúng ta, ngăn che chúng ta từ khởi thủy của luân hồi. Cái tôi luôn là một chướng ngại, do đó muốn tái sanh về cõi Tịnh độ thì phải thoát khỏi tất cả những suy nghĩ hướng về cái tôi và lúc nào cũng chỉ nghĩ đến toàn bộ chúng sinh mà thôi.
Hỏi Đáp
Thầy hỏi là có ai có câu hỏi hay không, nếu có câu hỏi thì Thầy sẽ giải đáp, còn nếu không thì Thầy sẽ tiếp tục giảng Pháp.
Câu hỏi 1: Nếu muốn hành trì Bạch Quan Âm [White Tara] tại nhà riêng thì có được không, và cách hành trì là như thế nào.
Thầy nói là nếu muốn hành trì Bạch Quan Âm [White Tara] thì dù rằng có một người hành trì hay cả trăm người hành trì cùng với nhau, thì thật sự không có khác biệt. Trên thế giới này có rất nhiều người cũng hành trì TARA, và khi chúng ta cũng hành trì TARA thì giống như chúng ta đang kết nối với họ qua tâm. Một số người khi hành trì có thể nghĩ rằng đức Hộ Phật ở một nơi nào đó rất xa và chúng ta kêu gọi các ngài Bổn Tôn, Hộ Phật đó hãy giáng lâm đến với chúng ta, nhưng thật sự [ở mức rốt ráo] thì không phải như vậy. Vì các vị Bổn Tôn, Hộ Phật ở trong cảnh giới Pháp thân, mà Pháp Thân thì luôn bao trùm, luôn trùm khắp giống như không gian vậy. Vì các vị ở trong cảnh giới của Pháp thân trùm khắp như vậy nên không phải là chúng ta cần kêu gọi các Vị đến từ nơi nào đó.
Pháp thân chính là một sự đại triệt đại ngộ. Mà sự đại triệt đại ngộ cũng như sự bao la trùm khắp không gian cũng vốn ở bên trong của chúng ta, nó luôn vốn hiện hữu với chúng ta, chứ không phải là mình ngồi đây, rồi gọi các Ngài từ nơi đâu xa xôi hiện đến.
Điều này đức Milarepa đã từng chứng ngộ và từng nói như sau trước khi ngài từ giã cõi đời, rằng: “Thực sự ta không bao giờ chết. Thân ta dù có thể chết đi nhưng tâm thức của ta không bao giờ chết. Tâm thức đó sẽ mãi mãi trường tồn và chan hòa khắp năm nguyên tố. Do đó trong tương lai, sau khi ta đã bỏ thân xác này, nếu có ai cần đến ta, thì ta sẽ hiện hữu ở đó với người đó.” Sự chứng ngộ này đến từ sự trực chứng của chính Ngài, và nếu ai đã từng trực chứng thì cũng có thể hiểu về điều Ngài nói.
Do đó chúng ta cũng không thể nói rằng chư Phật đã nhập niết bàn, vì thực sự chư Phật không nhập niết bàn mà chư Phật giác ngộ đang chan hòa khắp năm nguyên tố, y như là đức Milarepa đã từng nói. Đức Phật cũng từng nói một điều tương tự như thế. Ngài đã dạy rằng ,“Bất kỳ khi nào có ai nghĩ đến ta, thì ta sẽ hiện ra ngay nơi đỉnh đầu của họ.”  Đó là bởi vì đức Phật luôn luôn ở cùng với chúng ta.
Nếu hiểu trên một mức độ tương đối, thì chúng ta sẽ thấy rằng đức Phật là người ban rãi lòng từ bi của Ngài cho tất cả chúng sinh, giống như là tình yêu thương của bà mẹ trao cho đứa con độc nhất của mình. Nhưng nếu hiểu trên ý nghĩa tối thượng, thì không có sự khác biệt giữa Phật và chúng sinh [Phật và chúng sinh không phải là hai thực thể khác biệt].
Vậy điều này có nghĩa là như thế nào. Có nghĩa là Phật và chúng sinh cùng mang một tính đồng đẳng, không hai, không khác, và bởi vì cùng mang một tính đồng đẳng nên không có sự phân biệt đối đãi giữa ta người, không có sự khác biệt giữa ta và Phật. Sự khác biệt đó chỉ đến do có sự ô nhiễm tạm thời trong tâm chúng ta, như ở trong bài nguyện của Phật Phổ Hiền đã từng nhắc đến. Và nếu tâm không khởi lên sự phân chia đối đãi, thấu biết tất cả đều mang một thể đồng đẳng, thì dù chỉ một người tu tập hay cả trăm người cùng tu tập, điều đó cũng không có gì khác biệt [vì khi ấy tâm đồng tâm, hòa cùng một thể].
Bởi vì không có sự khác biệt giữa Phật và chúng sinh, nên bất cứ khi nào chúng ta phát được một tâm nguyện từ bi và khẩn nguyện vị Hộ Phật thì Ngài lập tức hoạt hiện trong giây khắc đó.  Khi đang quán tưởng, chúng ta đừng nghĩ rằng tôi là người đang quán tưởng vị Hộ Phật, đừng nghĩ  theo cách đây là tôi và kia là vị Hộ Phật, mà hãy ngay lập tức để cho vị Hộ Phật ấy hiện ra trong tâm của chúng ta. Tâm ta chính là nơi hoạt hiện của Hộ Phật. Do đó, phải nghĩ rằng [tâm] tôi và vị Hộ Phật là bất khả phân, [tâm] tôi và Hộ Phật là một, [tâm] tôi và [tâm] tất cả chúng sinh và Hộ Phật đều đồng đẳng. Nếu nghĩ được như vậy thì khi chúng ta khởi niệm nghĩ về vị Hộ Phật thì ngay lập tức ngài sẽ hoạt hiện nơi tâm của ta. Ngài là một với tâm của ta. Ngài không tách lìa tâm của chúng ta.
Còn nếu chúng ta nghĩ rằng tôi ở đây, tôi ngồi đây và khẩn gọi Hộ Phật ở kia, thì đó nghĩa là tâm của chúng ta không hòa với tâm ngài, tâm ta đang tách lìa với tâm Ngài, ta sẽ chẳng thể là Ngài. Chúng ta phải nghĩ chúng ta chính thực là Ngài. Và khi nghĩ được như thế thì chúng ta hiểu ra rằng bất kỳ cái gì hoạt hiện nơi tâm chính là sự phóng chiếu của tâm.
Một điều quan trọng  nữa là bất cứ khi nào chúng ta hành trì pháp Bổn Tôn, Hộ Phật, chúng ta gần trưởng dưỡng một tâm nguyện của tình yêu thương và lòng bi mẫn. Bởi vì nếu chúng ta không trưởng dưỡng được một tâm nguyện như vậy thì vị Bổn Tôn sẽ chẳng khác nào một vị Trời thế tục. Và vị Trời thế tục thì vẫn chưa [đại ngộ], vẫn chưa thoát khỏi khổ đau luân hồi và vẫn phải chịu lo lắng chẳng khác nào người bình thường vậy. Kết quả của việc tu tập thiếu lòng từ bi là [thay vì thành tựu Bổn Tôn thì] chúng ta lại sẽ chỉ tái sinh trong dạng của một vị Trời thế tục. Vì vậy khi chúng ta tu tập pháp môn Bổn Tôn, Hộ Phật, điều quan trọng là cần trưởng dưỡng tâm nguyện mang lại lợi lạc cho người khác thông qua công phu hành trì của chúng ta. Kết quả của việc tu tập đúng đắn như vậy là chúng ta sẽ thành tựu được vị  Bổn Tôn trí tuệ.  Thật sự thì tâm của chúng ta chính là Bổn Tôn, là Hộ Phật, hình ảnh khởi hiện trong tâm của chúng ta chính là Bổn Tôn, Hộ Phật. Điều này là quan trọng và cần phải được hiểu thật tường tận.
Khi chúng ta thực hành bất kỳ một vị Bổn Tôn nào, cái mà chúng ta cần làm là phải luôn luôn quán chiếu và nghĩ là tất cả các chúng sinh đang ở cùng với chúng ta và đang tu tập chung với chúng ta. Và sau đó nhất tâm quán tưởng vị Hộ Phật, trì tụng tâm chú vị Hộ Phật. Làm được như vậy thì việc tu tập mới thực sự đem đến một lợi lạc lớn lao bởi vì khi đó chúng ta đang hòa tâm của ta vào tâm nguyện vị tha của Bổn Tôn. Khi chúng ta trưởng dưỡng được động cơ vị tha, và thực tập hòa nhập làm một với vị Hộ Phật thì sự chấp ngã sẽ giảm thiểu. Còn nếu chúng ta không hòa được tâm ta vào tâm nguyện vị tha của các Ngài thì hành động của chúng ta làm sẽ bị che chướng bởi tâm chấp ngã, mà ngày nào nó bị che chướng bởi tâm chấp ngã thì ngày đó chúng ta vẫn chưa thể nào hòa nhập được với vị Bổn Tôn. Và thật sự thì mọi nghiệp báo của chúng ta đều đến từ tâm chấp ngã.
Đức Sơ Tổ Jigten Sumgon khi trước đã ngã bệnh và Ngài mang một căn bệnh rất khủng khiếp, đó là bệnh phong cùi. Khi đó Ngài nghĩ rằng chắc chắn tôi sẽ qua đời, và Ngài đã bị đem đến một nơi xa xôi hẻo lánh, không được cho ở gần những người khác. Nhưng sau đó Ngài lại đã lành được bệnh phong cùi. Đó là do Ngài đã hoàn toàn tịnh hóa được sự chấp ngã của Ngài, và khi Ngài tịnh hóa được sự chấp ngã thì toàn bộ nghiệp báo cũng được tịnh hóa. Bởi vì khi tâm thanh tịnh thì nghiệp cũng được thanh tịnh.
Do đó khi chúng ta tu tập Bổn Tôn, Hộ Phật thì điều quan trọng nhất là phải buông bỏ tâm chấp ngã, và nếu chỉ buông bỏ tâm chấp ngã dù chỉ trong một giây phút thôi thì chúng ta và người khác cũng được lợi lạc rồi.
Thầy cũng vừa đưa ra ví dụ, là có những người đã kể lại cho Thầy rằng khi họ phải trải qua các cuộc giải phẫu, vì tâm họ hướng đến Bổn Tôn một cách đúng đắn thanh tịnh nên Bổn Tôn đã hóa hiện ra ngay vào thời điểm họ phải trải qua các cuộc giải phẫu.
Câu hỏi 2: Khi hành trì nghi quỹ, chỉ tụng bằng tiếng Việt và không tụng bằng tiếng khác có được không?
Điều quan trọng nhất khi hành trì là chúng ta nên hành trì theo ngôn ngữ của chúng ta. Vì quan trọng là chúng ta cần hiểu nghĩa lý của những gì chúng ta đang tụng đọc.  Lẽ dĩ nhiên đôi khi chúng ta cũng đọc bằng tiếng Tạng là bởi vì các Lạt Ma là người Tây Tạng và chúng ta muốn đọc cùng với họ. Nhưng ý nghĩa của những gì chúng ta đọc tụng thì quan trọng nhất, và ngôn ngữ chỉ đứng hàng thứ yếu. Đôi khi chúng ta cũng cần đọc tụng theo âm điệu hoặc các lời nguyện theo âm điệu của Tây Tạng thì điều đó cũng tốt thôi, nhưng một lần nữa Thầy nói là hành trì theo ngôn ngữ của các bạn là điều quan trọng nhất. Vì các bạn cần hiểu ý nghĩa các bạn đang tụng cái gì.
Và khi chúng ta đã hiểu được ý nghĩa thì ngay cả khi chúng ta không có thời gian, không có cơ hội để hành trì toàn bộ nghi quỹ rất dài— nhưng do chúng ta đã hiểu được nghĩa lý rốt ráo, nên khi chúng ta hướng tâm đến các vị Hộ Phật thì ngay lập tức các Ngài cũng sẽ hiện ra, đó là bởi vì chúng ta đã hiểu được cái gì là tinh túy của các Ngài. Khi đó, cũng không nhất thiết phải ngồi tụng toàn bộ cả quyển nghi quỹ.
Và ngay cả nếu không có thời gian để tụng chú thì chỉ cần thực hành pháp OM AH HUNG là đủ tốt rồi. Bởi vì đối với tất cả chư Hộ Phật, chư Bổn Tôn, tất cả các minh chú cũng đều có thể  được tóm gọn trong pháp môn đơn giản OM AH HUNG.  Trong thế gian này đôi khi có những người cần đi làm để kiếm sống và vì thế không có thời gian thực hành các nghi quỹ dài, thì họ cũng có thể thực hành pháp môn OM AH HUNG. Điều quan trọng nhất Thầy muốn nói là khi thực hành nghi quỹ, chúng ta phải thấu hiểu ý nghĩa tinh túy của nghi quỹ.
Câu hỏi 3: Có một người nghĩ rằng họ có thể chỉ sống được vài tháng hoặc vài năm, họ cảm thấy buồn khổ và lo lắng vì họ đã làm nhiều tội lỗi. Họ sợ khi chết, quả sẽ chín muồi và họ sẽ bị đọa sinh vào địa ngục. Họ sợ không được tái sinh vào cõi Tịnh Độ. Họ xin Rinpoche chỉ bảo cho người đó nên tu tập như thế nào trong thời gian họ đang còn sống.
Thầy nói cho dù có nhiều nghiệp tội nhưng vẫn có hy vọng nếu chúng ta hành trì miên mật mong được tái sinh vào cõi Tịnh Độ. Cho dù chúng ta không có nhiều thời gian, dù chỉ một ngày hay một tuần nhưng nếu chúng ta hướng toàn bộ thời gian đó vào việc tu tập, ngày và đêm chỉ nghĩ đến đức Phật A Di Đà, tâm ta không bao giờ rời xa Ngài và ta không bao giờ quên Ngài, thì chúng ta vẫn có hy vọng được tái sinh vào cõi Tịnh Độ. Một trong những điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm là phải cảm thấy ân hận sâu xa vì những ác nghiệp đã tạo. Khi chúng ta phát lồ sám hối những ác nghiệp đã tạo thì điều này mở cho chúng ta một con đường đi tới giải thoát. Còn nếu chúng ta không tin vào nhân quả, thì thật sự rất là khó khăn để có thể tái sinh vào cõi Tịnh Độ.
Vậy nên cho dù chỉ có một ngày để tu tập thì hãy hướng toàn bộ ngày đó vào việc hành trì và đừng bao giờ quên việc nhớ nghĩ đến đức Phật A Di Đà. Nếu làm được như vậy thì chúng ta sẽ được tái sinh vào cõi Tịnh Độ Cực Lạc thông qua nguyện lực và công phu của chính chúng ta. Thầy khuyên hãy thường xuyên tụng đọc bài nguyện hướng về Cõi Tịnh Độ của đức Phật A Di Đà; trong đó có cắt nghĩa rất chi tiết cõi Tịnh Độ hiện hữu ra sao và làm cách nào chúng ta có thể được vãng sinh vào nơi đó. Do bởi tín tâm và hạnh nguyện mà chúng ta được tái sinh về nơi đó. Cho dù chỉ tu tập duy nhất một vị Bổn Tôn, Hộ Phật mà thôi thì vị Bổn Tôn, Hộ Phật đó cũng giúp đưa đến con đường giải thoát cho chúng ta.
Khi chúng ta tu tập với đại chúng, có thể đại chúng dựa trên một vị Bổn Tôn khác, nhưng nếu chúng ta có một vị Bổn Tôn riêng thì khi tu tập với đại chúng, chúng ta có thể quán tưởng rằng có toàn bộ chư vị Bổn Tôn đang hóa hiện ở khắp nơi trong không gian, và chúng ta dâng cúng phẩm vật lên các Ngài. Sau đó tất cả các vị Bổn Tôn tan hòa vào trong chúng ta. Khi chúng ta tu tập pháp môn A Di Đà chúng ta có thể quán tưởng như trong nghi quỹ có dạy. Chúng ta quán tưởng nhiều hình tướng của đức Phật A Di Đà tràn khắp và các hình tướng này tan hòa vào trong chúng ta giống như các hạt mưa thấm nhuần vào trong chúng ta, và khi đó chúng ta trở thành đức Phật A Di Đà, và tứ vô lượng tâm sẽ khởi sinh trong dòng tâm thức của chúng ta. Chúng ta quán tưởng các vị Hộ Phật là biểu tượng của tâm Bồ Đề và các vị Hộ Phật tan hòa vào tâm của chúng ta giống như những giọt nước mưa thấm nhuần trong tâm. Và cái quan trọng là làm sao để có thể phát khởi được tình yêu thương và lòng bi mẫn, phát khởi được tứ vô lượng tâm khi chúng ta quán tưởng ruộng công đức và quán tưởng các Ngài hòa tan vào trong chúng ta.
Câu hỏi 4:  Xin Rinpoche chỉ cách hành trì OM AH HUNG bằng hơi thở.
Khi chúng ta tu tập OM AH HUNG bằng hơi thở, chúng ta hít vào, thở ra, thì đừng suy nghĩ quá nhiều mà hãy trụ tâm và khí của chúng ta ngay nơi rốn và nghĩ rằng ngay tại nơi rốn có một ngọn lửa nhỏ cùng với chủng tự của vị Hộ Phật. Khi chúng ta hít vào, chúng ta đẩy khí xuống rốn, và chúng ta quán tưởng khí đó tan hòa vào ngọn lửa nhỏ ở nơi rốn.
Và khi chúng ta thở ra cùng với âm HUNG, chúng ta thở ra những hơi thô nhiễm—chỉ  thở ra các khí trược thôi chứ không đẩy toàn bộ khí ra ngoài. Phải nghĩ rằng các khí thanh tịnh và tinh túy của các khí thanh tịnh đã tan vào trong ngọn lửa rồi. Ngọn lửa đó cũng giống như lửa trí tuệ, có rất nhiều sức mạnh để có thể đốt cháy toàn bộ nghiệp chướng của chúng ta. Ngọn lửa đó có sức mạnh của Bồ Đề Tâm, và có sức mạnh của chư Phật trong ba thời. Trong quá khứ chúng ta đã tạo rất nhiều ác nghiệp thông qua tâm chấp ngã, và bây giờ ngọn lửa đó chính là biểu tượng của Bồ Đề Tâm. Ngọn lửa đó cũng giống như ngọn lửa ở cuối đại kiếp có thể thiêu rụi toàn bộ vũ trụ. Thiêu rụi toàn bộ vũ trụ ở đây có nghĩa là thiêu rụi toàn bộ tâm chấp ngã và cảm xúc ô nhiễm của chúng ta. Ngọn lửa này cũng có thể làm như thế.
Lẽ dĩ nhiên không đơn giản, nên khi chúng ta tu tập OM AH HUNG thì cứ phải kiên trì tập đi tập lại. Sau khi chúng ta tu tập, thì các các cảm xúc ô nhiễm vẫn có thể lại trồi lên, và rồi chúng ta lại vẫn tạo những nghiệp ác, sau đó thì chúng ta lại phải sám hối và lại hành trì tiếp. [Tuy là cứ gặp đi gặp lại chướng ngại như thế,] bởi vì chúng ta đã tạo rất nhiều ác nghiệp [nên không thể nhanh chóng thành tựu hay tịnh hết nghiệp] nhưng chúng ta cứ phải tiếp tục tinh tấn tu đi sửa lại. Theo truyền thống [Hiển giáo], có pháp sám hối “Sodjong” để phục hồi giới nguyện, ví dụ như sám hối mỗi tháng hai lần, hay sám hối sáu thời trong một ngày, nghĩa là ba lần ban ngày và ba lần ban đêm; chúng ta cứ phải tiếp tục kiên trì như thế.
Thêm vào đó, mỗi khi chúng ta tưởng nghĩ đến toàn bộ chúng sinh thì điều đó cũng có nghĩa là chúng ta đang phục hồi giới nguyện. Sự tịnh hóa tốt nhất là hướng tâm của chúng ta đến toàn bộ chúng sinh. Bởi vì chỉ có một tâm hoàn toàn vị tha như vậy mới có thể tịnh hóa được hết những che chướng và nghiệp ác của chúng ta. Và khi chúng ta cứ tiếp tục tu đi sửa lại cho thật thuần thục, sám hối tịnh hóa rồi lại sám hối tịnh hóa, thì cũng giống như chúng ta tích lũy các bông hoa tuyết. Ý Thầy nói cứ một chút một chút rồi dần dần sẽ ngập đầy tuyết và đó là cách chúng ta tích lũy công phu tịnh hóa. Thầy nói là thật sự trong toàn bộ thời gian mà chúng ta có  thì tâm ô nhiễm của chúng ta lại rất nhiều, nó chiếm đến 90% toàn bộ thời gian của chúng ta, trong khi tâm thanh tịnh, tâm tràn đầy tình yêu thương, tâm Bồ Đề của chúng ta lại thực sự rất nhỏ bé, nhiều khi chỉ có được 10% trong toàn bộ thời gian mà thôi. Mà 10% thì quá ít, không đủ! Nên cứ phải liên tục, liên tục sám hối và liên tục tịnh hóa, liên tục phục hồi giới nguyện và phát tâm Bồ Đề.
Thầy lại dặn thêm  là Thầy thấy chúng ta có nhiều các món Pháp bảo muốn Thầy gia trì. Thầy nói rằng bản thân Thầy và các Lạt Ma cũng đã tặng cho chúng ta những món quý giá, nhưng đừng tích lũy quá nhiều những thứ ấy, đừng tích lũy quá nhiều các món Pháp bảo này! Nếu cần thì chỉ cần giữ một chuỗi tràng để tu tập, còn những gì còn dư thì nên tặng cho người khác, tặng cho những người bạn có tín tâm và đang mong muốn tu tập. Nên giữ chuỗi tràng và sách mà thôi, còn tất cả những thứ còn lại nên tặng cho người khác. Làm được vậy thì nghĩa là chúng ta đang thực hành hạnh Bố Thí, mà hạnh Bố Thí có một sức mạnh to lớn. Chúng ta nên tặng cho những người khác những Pháp bảo này để họ có thể tu tập. Thầy nói Thầy đã tặng cho các bạn Pháp bảo, và nếu các bạn lại tặng lại cho những người có tín tâm thì tức là các bạn đang luân chuyển quà tặng, ban tặng Pháp bảo cho mọi người, thực hành hạnh pháp thí cho mọi người, và như vậy thì sẽ mang lại lợi lạc vô cùng to lớn.
Câu hỏi 5:  Xin Rinpoche chỉ cách bắt ấn kiết trong khi trì chú Bạch Quan Âm (White Tara).
Thầy nói không cần bắt ấn kiết trong khi trì chú Bạch Quan Âm. Ấn kiết không quan trọng bằng tâm. Thủ ấn [kết ấn bằng tay] không quan trọng bằng tâm ấn!
 
 Ina Dhargye thông dịch qua Anh ngữ tại Singapore vào ngày 18/8/2014. Tâm Bảo Đàn thông dịch qua Việt ngữ. Trần Lan Anh nghe lại và chép lại từ băng thu âm, nhuận văn và hiệu đính lần đầu vào ngày 8/25/2014. Tâm Bảo Đàn nhuận văn và hiệu đính lần nhì vào ngày 8/27/2014. Nguyện sám hối mọi sai sót trong khi thông dịch và hiệu đính trước Bổn sư Garchen Rinpoche và đại chúng.

KHAI THỊ CỦA ĐẠO SƯ GARCHEN RINPOCHE DÀNH CHO ĐOÀN PHẬT TỬ NGƯỜI VIỆT NAM

VÀO NGÀY 18/8/2014 NHÂN DỊP THAM DỰ PHÁP HỘI A DI ĐÀ TẠI SINGAPORE

 

Nguồn: KRIKUNG KAGYUD VIETNAM

SHARE:

Để lại một bình luận