THỰC HÀNH ĐẠI TOÀN THIỆN TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

SHARE:

Không gian của trí tuệ bao la, không có khởi thủy và tự sáng tỏ này là nền tảng của hiện hữu –  sự khởi đầu và sự kết thúc của mọi hỗn độn. Sự hiện diện của tính giác trong trạng thái nguyên thủy không thiên vị đối với giác ngộ hay không giác ngộ. Nền tảng của hiện hữu này, vốn được biết đến như tâm bổn nguyên hay thanh tịnh, là cội nguồn mà từ đó mọi hiện tượng xuất hiện. Nó được biết đến như là mẹ vĩ đại, như thai tạng của mọi tiềm năng mà trong đó, mọi thứ khởi sinh và tan biến trong trạng thái tự hoàn thiện và tuyệt đối tự nhiên.

Thực hành thiền Đại toàn thiện trong cuộc sống hằng ngày chỉ đơn giản là phát triển một sự chấp nhận hoàn toàn và thảnh thơi, một sự rộng mở không giới hạn trước mọi hoàn cảnh.

 

Chúng ta nên nhận ra sự rộng mở này như là một sân chơi của những cảm xúc của chúng ta và quan hệ với mọi người mà không có sự giả tạo, cố gắng điều khiển hay sắp đặt kế hoạch.

 

Chúng ta nên trải nghiệm mọi điều một cách toàn thể, không bao giờ rút lui vào trong bản thân chúng ta như một con chồn giấu mình trong hố của nó. Sự thực hành này giải phóng vô vàn năng lượng vốn thường bị bó hẹp lại bởi tiến trình cố gắng duy trì những điểm quy chiếu cố định. Sự liên hệ quy chiếu là quá trình chúng ta rút khỏi kinh nghiệm trực tiếp trong cuộc sống hằng ngày.

 

Có mặt trong thời khắc hiện tại có thể ban đầu gây ra sự sợ hãi. Tuy nhiên, bằng việc đón chào những cảm xúc sợ hãi cùng với toàn thể sự rộng mở, chúng ta vượt qua những chướng ngại được tạo nên bởi những khuôn mẫu cảm xúc theo thói quen.

 

Khi chúng ta dấn mình vào thực hành khám phá không gian, chúng ta nên phát triển cảm giác mở rộng hoàn toàn chính chúng ta tới toàn thể vũ trụ. Chúng ta nên mở rộng bản thân chúng ta bằng sự đơn giản và trần trụi tuyệt đối của tâm. Đó là cách thực hành mạnh mẽ và thường xuyên để gỡ bỏ mặt nạ của sự tự bảo vệ.

 

Trong sự tham thiền của mình, chúng ta không nên phân tách giữa nhận thức và đối tượng của sự nhận thức. Chúng ta không nên giống như con mèo đang rình chuột. Chúng ta nên nhận ra rằng mục tiêu của tham thiền chẳng phải “đi sâu vào bản thể” của chúng ta hay rút lui khỏi thế giới. Sự hành trì nên được tự do và phi khái niệm, không bị gò bó bởi sự tự quán tâm  hay sự tập trung.

 

Không gian của trí tuệ bao la, không có khởi thủy và tự sáng tỏ này là nền tảng của hiện hữu –  sự khởi đầu và sự kết thúc của mọi hỗn độn. Sự hiện diện của tính giác trong trạng thái nguyên thủy không thiên vị đối với giác ngộ hay không giác ngộ. Nền tảng của hiện hữu này, vốn được biết đến như tâm bổn nguyên hay thanh tịnh, là cội nguồn mà từ đó mọi hiện tượng xuất hiện. Nó được biết đến như là mẹ vĩ đại, như thai tạng của mọi tiềm năng mà trong đó, mọi thứ khởi sinh và tan biến trong trạng thái tự hoàn thiện và tuyệt đối tự nhiên.

 

Mọi khía cạnh của hiện tượng là hoàn toàn trong sáng và rõ ràng. Toàn thể vũ trụ là rộng mở không chướng ngại –  mọi thứ thâm nhập lẫn nhau.

 

Nhìn mọi thứ trần trụi, rõ ràng và tự do khỏi những che ám, không có gì để đạt được hay chứng ngộ. Bản tính của hiện tượng xuất hiện một cách tự nhiên và thể hiện tự nhiên trong sự tính giác phi thời gian. Mọi thứ hoàn hảo như nó vốn là. Mọi hiện tượng xuất hiện trong sự duy nhất của chúng như là một phần của một nhịp điệu luôn thay đổi. Những nhịp điệu này sống động với ý nghĩa và tầm quan trọng tại mỗi thời khắc; tuy nhiên không có ý nghĩa gì nếu bám chấp vào những ý nghĩa đó ngoài thời khắc mà chúng thể hiện chính mình.

 

Đây là vũ điệu của năm đại mà trong đó vật chất là biểu hiện của năng lượng và năng lượng là biểu hiện của tính không. Chúng ta là biểu hiện cho sự giác ngộ của chính chúng ta. Bằng sự không cố gắng hay thực tập bất cứ điều gì, sự giải thoát hay giác ngộ đã có mặt ở đó rồi.

 

Hành trì thiền Đại toàn thiện mỗi ngày chỉ là bản thân cuộc sống mỗi ngày. Bởi trạng thái kém phát triển không tồn tại, do đó không cần thiết phải hành xử theo bất kỳ một cách đặc biệt nào hay cố gắng để đạt được bất kỳ điều gì ở trên hay ở dưới điều mà chúng ta đang là. Không nên có cảm giác phấn đấu để đạt tới một “mục tiêu tuyệt vời” hay một “trạng thái cao cấp” nào đó.

 

Cố phấn đấu đạt tới một trạng thái như vậy là một chứng loạn thần kinh, nó chỉ điều kiện hóa chúng ta và phục vụ cho việc làm chướng ngại dòng chảy tự do của Tâm. Chúng ta cũng nên tránh việc nghĩ về bản thân của chúng ta như những người không có giá trị –  chúng ta vốn tự do và không điều kiện. Chúng ta về thực chất đã giác ngộ và chẳng thiếu điều gì.

 

Khi dấn mình vào tham thiền, chúng ta nên cảm thấy nó tự nhiên như ăn, thở và đi vệ sinh. Việc đó không nên trở thành một sự kiện đặc biệt hay theo nghi thức, bị thổi phồng lên bởi sự hệ trọng và trang nghiêm. Chúng ta nên hiểu rằng thiền vượt hơn khỏi nỗ lực, thực hành, mục đích, mục tiêu và tính nhị nguyên của giải thoát và không giải thoát. Thiền luôn lý tưởng; không cần thiết phải sửa chữa bất cứ điều gì. Bởi bất cứ điều gì khởi lên đơn thuần chỉ là trò chơi của tâm thức như vậy, không có thiền không đạt yêu cầu và không cần thiết phải đánh giá những niệm tưởng là tốt hay xấu.

 

Do đó, chúng ta nên đơn giản chỉ cần ngồi. Đơn giản là ở lại tại vị trí riêng của bạn, trong điều kiện riêng của bạn đúng như nó vốn là. Hãy quên những cảm xúc tự ý thức, chúng ta không cần phải nghĩ “tôi đang thiền đây.” Sự hành trì của chúng ta nên phi nỗ lực, không căng thẳng, không cần cố gắng để kiểm soát hay gượng ép và không cần cố gắng để trở nên “an lạc”.

 

Nếu chúng ta nhận ra rằng chúng ta đang làm phiền chính bản thân mình bằng bất kỳ cách nào trong những cách trên, chúng ta dừng thiền và đơn giản là nghỉ ngơi, thư giãn một lúc. Sau đó, chúng ta lại tiếp tục hành thiền. Nếu chúng ta có “những trải nghiệm thú vị”  trong hay sau lúc hành thiền, chúng ta nên tránh làm chúng trở nên đặc biệt. Dành thời gian nghĩ về những kinh nghiệm chỉ đơn giản là một sự phân tâm và một sự cố gắng để trở nên mất tự nhiên. Những kinh nghiệm này đơn thuần là dấu hiệu của sự thực hành và nên được coi là những sự kiện thoáng qua. Chúng ta không nên cố gắng trải nghiệm lại chúng bởi như vậy chỉ làm sai lệch sự tự phát tự nhiên của tâm thức.

 

Mọi hiện tượng đều tươi mới một cách hoàn hảo, duy nhất tuyệt đối và hoàn toàn tự do khỏi tất cả những khái niệm về quá khứ, hiện tại và tương lai. Chúng được kinh nghiệm trong sự không có thời gian.

 

Dòng tương tục của sự khám phá mới, sự phát lộ và nguồn cảm hứng phát sinh tại mọi thời khắc chính là sự biểu hiện của sự sáng tỏ của chúng ta. Chúng ta nên học để thấy cuộc sống mỗi ngày như một mạn đà la – những viền tua sáng tỏ của kinh nghiệm, tỏa ra một cách tự nhiên từ bản tính rỗng không của bản thể chúng ta. Những khía cạnh của mạn đà la của chúng ta là các đối tượng hằng ngày trong kinh nghiệm sống của mình chuyển động trong điệu vũ hay trò chơi của vũ trụ. Bằng hình ảnh tượng trưng này, người thầy nội tại phát lộ ý nghĩa sâu sắc và tối hậu của bản thể. Do đó, chúng ta nên tự nhiên và không gò bó, chấp nhận và học từ mọi điều. Điều này cho phép chúng ta nhìn thấy mặt hài hước và mỉa mai của các sự kiện mà thông thường sẽ khiến chúng ta nổi cáu.

 

Trong thiền, chúng ta có thể nhìn xuyên qua những ảo tưởng về quá khứ, hiện tại và tương lai –  kinh nghiệm của chúng ta trở thành sự liên tục của cái bây giờ. Quá khứ chỉ là một ký ức không đáng tin cậu còn neo lại cho tới hiện tại. Tương lai chỉ là sự phóng chiếu về những quan niệm hiện tại của chúng ta. Hiện tại bản thân nó biến mất ngay khi chúng ta cố nắm bắt nó. Do đó, tại sao lại phải bận tâm với sự cố gắng thiết lập một ảo ảnh về nền tảng vững chắc?

 

Chúng ta nên tự giải thoát mình khỏi những ký ức về quá khứ và những định kiến về thiền. Mỗi thời khắc thiền đều duy nhất hoàn toàn và đầy tiềm năng. Trong những thời khắc này, chúng ta không thể đánh giá sự hành thiền của chúng ta theo kinh nghiệm quá khứ, lý thuyết khô cứng hay những lời khoa trương rỗng tuếch.

 

Đơn giản là dấn mình trực tiếp vào thiền trong thời khắc hiện tại này, với toàn thể hiện hữu của chúng ta, thoát khỏi do dự, chán ngán hay phấn khích, đó chính là giác ngộ.

 

Dilgo Khyentse Rinpoche – Dịch: Bảo Châu nhóm Bồ Đề Tâm

 

 

 

 

SHARE:

Trả lời