SHARE:
BÀNG KHUÊ VĨNH TRÁC. Nói đến Bàng Khuê thiền sư, thì không thể không đề cập đến “Bất Sanh thiền” của ngài, đây là một loại thiền pháp khác với mọi người, nó làm cho người cảm thấy khoáng đạt vô hạn, khoát tịnh đạm bạc, nhưng lại giàu về Đại Chúng tính, trong tầm thường đã xen lẫn mùi vị đặc thù. Không giống thiền gia hiện đại, chỉ một mực dạy người ngồi thiền, chỉ ngồi thiền! Như tuồng nếu không trải qua hình thức ngồi thiền thì không thể nào liễu giải thiền được – như thế là bị câu nệ không thông, chẳng những thế còn làm cho người đi làm hằng ngày nhưng có nhân duyên với thiền càng ngày càng xa cách.
Bàng Khuê thiền sư đề xướng “Bất Sanh thiền”, người ta có thể tự hiểu rằng đây là loại thiền mà chúng ta có thể thực hành được, và qua nó, chúng ta có thể có đủ thuận duyên để tiến vào thế giới của thiền.
Bàng Khuê Vĩnh Trác ( 1622 – 1693), là một cao tăng của Lâm Tế Tông ở thời đại Giang Hộ. Ông chủ trương phế trừ công án, trực tiếp thâm nhập Phật tánh bất sanh bất diệt, đây tức là “Bất Sanh thiền” (Bàng Khuê thiền sư đã không tự xưng như vậy, mà do người hậu thế tặng cho danh xưng ấy). Lúc bấy giờ có rất nhiều vua chúa vì kính mộ dại danh của ngài mà theo quy y tam bảo. Tương truyền rằng, đệ tử theo ngài học pháp nhiều đến con số 5 vạn.
Nội dung dưới đây là tiết lục từ “Bàng Khuê thiền sư pháp ngữ tập” để thuyết minh “Bất Sanh thiền” của ngài, tạm dịch như sau Nay ta muốn nói với các vị rằng, có một món đồ vật mà chúng ta vừa sanh ra là đã có sẵn, vật ấy không gì khác hơn đó chính là một trái tim của Phật. Quả tim Phật này vốn vô sanh, hơn nữa nó linh minh đổng triệt. Bởi vì không sanh cho nên vạn sự được điều hòa đầy đủ. Bất sanh cho nên điều hòa đầy đủ điều đó chứng minh rằng: Nay các vị hướng về ta, khi chuyên tâm ngưng thần để nghe ta diễn giảng, tai các vị tuy cũng đồng thời nghe chim kêu ở phía sau, nhưng không có động niệm để phân biệt tiếng kêu đó là tiếng quạ hay chim sẻ kêu, đây tức là lấy Phật tâm bất sanh để nghe. Giống như vậy, vạn sự vạn vật vì bất sanh mà sẵn gồm đầy đủ tính điều hòa. Đây là chứng minh của sự bất sanh. Nếu khi đó có thể lấy Phật tâm bất sanh mà linh minh tự xử, mà quyết định không nghi, thì người ấy tức là Phật sống, là một đấng Như Lai. Bởi vì có thể lấy Phật tâm để tự xử nên tông môn của chúng ta được gọi là Phật tâm tông.
Các vị tại tọa, các vị ngồi hướng mặt về đây, đừng nên phân biệt những tiếng kêu phía sau là quạ hay chim sẻ, tiếng chuông hay tiếng trống, tiếng đàn ông hay tiếng đàn bà và tiếng người lớn hay tiếng trẻ nít v.v., các vị chỉ nghe mọi thứ tiếng, rõ ràng nhưng không phân biệt, đây tức là đức dụng tâm linh minh. Cái gọi là Phật tâm, là bất sanh linh minh vậy, đây tức là chứng minh của tánh linh minh.
Mọi người chúng ta sanh ra đều sẵn có “Phật tâm”. “Phật tâm” này trong danh tướng Phật học truyền thống gọi là “Phật tánh”, cũng tức là tánh có khả năng thành Phật, thể tánh thuần tịnh rỗng lặng, an lạc tuyệt đích. Dù là phàm phu như chúng ta, một khi sanh ra là đã sẵn có đủ Phật tánh, cho nên phàm phu cũng có thể thành Phật. Nếu nói ngược trở lại, nếu không có Phật tánh, thì phàm phu không thể nào thành Phật… đây là giáo nghĩa Phật giáo truyền thống.
Bàng Khuê thiền sư gọi “Phật tánh” là “Phật tâm của bất sanh” hoặc “Bất sanh”. Nếu nói rõ hơn, tức là ý nói “Phật tâm bất sanh bất diệt”, cũng có thể nói là “Phật tâm siêu việt sanh diệt”. Nhưng sở dĩ Bàng Khuê thiền sư không nói “Bất sanh bất diệt’, mà chỉ nói “Bất sanh”, bởi lẽ ngài lấy lý do như sau để thuyết minh:
Nhưng, ta sở dĩ nói “Bất sanh” mà không nói “Bất diệt” là bởi vật đã bất sanh thì làm gì có sự bất diệt? Đã nói bất sanh, cũng tức là nói rõ cái lý bất diệt, cho nên nói thêm bất diệt là vô ích. Từ xưa đến nay trong kinh luận đa phần gọi bất sanh bất diệt. Nhưng lại không chứng minh được đạo lý của nó, vì thế mọi người chỉ nhớ bất sanh bất diệt, mà không hiểu rõ một cách chắc chắn về lý lẽ bất sanh.
Mỗi con người chúng ta vì vốn có sẵn “Phật tâm bất sanh”, cho nên chúng ta có thể nghe được tiếng quạ kêu và tiếng chim sẻ kêu, “Như Thật tri kiến” như thế thì đối với những hình thái hiện hữu của vạn vật vật có thể tri kiến như thật, rõ rõ ràng ràng mà không phân biệt, Phật giáo gọi đó là giác ngộ. Nếu chúng ta có thể lấy “Phật tâm bất sanh” nầy để hiểu biết vạn vật trên thế gian, thế thì đâu còn có gì để phiền não và lo lắng?
Chỉ cần mọi người có thể cứu cực Phật tâm linh minh và bất sanh nầy mà quyết định không nghi ngờ Phật tam bất sanh của chính mình, thì có thể nói là từ hôm nay đến nhiều đời ở vị lai đích thị là Như Lai Phật sống. Nếu “Phật” chỉ là một danh tướng, như thế nếu người giác ngộ được lý bất sanh thì đó chính là ở nơi căn bản của chư Phật.
Phật tâm bất sanh là nguồn gốc của tất cả, cái mở đầu cho tất cả. Không có bất sanh, thì không có nguồn gốc của tất cả, vạn vật cũng không có cái gọi là mở đầu, cho nên nói Phật sanh bất sanh là căn bản của chư Phật.
Có thể nói, nếu có thể hiểu rõ chân nghĩa “Bất sanh” của Bàng Khuê thiền sư thì có thể thành Phật, thậm chí với sự hiểu biết tức là Phật rồi.
Các vị tại tọa hôm nay, không người nào là phàm phu tục tử. Bởi vì các vị tại tọa đều có một Phật tâm bất sanh. Nếu có ai tự cho mình là phàm phu thì xin mời ra ngoài! Để chúng tôi xem thử rốt cuộc là thế nào phàm phu, nhưng xin thưa đây quả thực là một việc tương đối ân hận…
Được rồi! Các vị tại tọa tuy không ai là phàm phu tục tử cả, nhưng nếu nay bạn từ chỗ ngồi đứng lên đi tới cửa, khi sắp bước qua ngạch cửa có người bước đến không những cản trở đường đi của bạn mà còn cố ý đụng ngã bạn nữa, bởi vậy mà bạn giận dữ, lúc bấy giờ lấy “Tâm của Tu La (1)” thay thế Phật tâm, như thế tức khắc từ Phật biến thành phàm phu.
Tất cả điên đảo mê vọng đều là như thế, vì tham lấy những việc lợi ích cho mình mà đấu tranh với người khác, lúc ấy Tu La tâm thay thế Phật tâm mà mê mất tự ngã, bất cứ lợi ích dù lớn đến đâu cũng đề vô bổ. Nếu có thể không tham, không mê luyến tự thân hoặc sự vật có lợi ích cho mình mà chỉ dựa theo Phật tâm tự xứ, bất kể ngoại tại sự vật thế nào, đều không thể mê mất tự ngã. Đây tức là cái gọi là lý do lấy Phật tâm bất sanh tự xứ. Vì thế nếu có thể quyết định liễu ngộ Phật tâm bất sanh, trong sự liễu ngộ ấy thật xứng đáng gọi là Phật sống Như Lai.
Tiếp đến chúng ta hãy xem vấn đáp giữa Bàng Khuê thiền sư và một vị tăng nhân. Nội dung vấn đáp tuy bị chê là hơi dài dòng, nhưng vì muốn độc giả có thể hiểu một cách đầy đủ rõ ràng phương pháp thực tiễn của điều gọi là “Bất Sanh thiền”, thế nên bút giả cố gắng không sử đổi và cắt giảm để nó hiện ra một cách hoàn chỉnh – (Dịch văn):
Tăng nhân hỏi rằng: “Tôi sanh ra tánh vốn nóng nảy, gia su nghĩ đủ cách cũng vô phương cải chánh cá tánh tôi. Tuy là tôi tự biết đó là một bệnh tương đối không tốt và cũng biết rằng không sửa không được, nhưng vì sanh tánh như thế nên bất cứ thế nào cũng vẫn không sao sửa nổi, hy vọng lần nầy có thể được sự chỉ thị của thiền sư mà cải tiến nó. Nếu thật có thể sửa được cái tật xấu nầy, tôi sẽ cả đời ghi tạc trong lòng, cảm kích vô tận”.
Thiền sư đáp rằng: “Đây là vấn đề lý thú. Không biết cái bệnh nóng nảy lúc nầy phải chăng ở trên mình ông, nếu có, xin mang ra đây để ta sử cho!”
Tăng thưa: “Hiện tại không có, không biết lúc nào nó sẽ đột nhiên phát tác”.
Thiền sư bảo: “Đủ thấy cái bệnh nóng nảy không phải do trời sanh ra! Bất cứ lúc nào và nơi đâu, khi nào nhân duyên tụ hợp thì nó tự nhiên phát sinh. Vì do tham đắm sắc thân của mình, việc gì cũng nghĩ mãi về sự vật ngoại tại. Bởi do dục niệm tư ngã quá mạnh nầy mà nóng nảy tự nhiên theo đó phát sanh. Vì thế nếu nói cái bệnh nóng nảy nầy là trời sanh, tức là đặt cha mẹ vào chỗ bất nghĩa, có thể nói đó là người đại bất hiếu. Phải biết rằng những cái mà cha mẹ đã cho chúng ta, ngoại trừ một tâm Phật ra thì đã không có bất cứ một cái gì khác. Bởi tự mình tham đắm sắc thân mà ra tư ngã, nếu cho rằng trời sanh như thế thì đã sai lớn và sai đặc biệt. Không có ý niệm tư ngã thì tự nhiên cái tánh nóng nảy cũng không biết từ đâu mà sanh, tất cả vọng tưởng điên đảo cũng thế. Bởi vì tham trước tự thân, cho nên có dục vọng tư ngã phát sanh và vì do ở sự che đậy của dục vọng ấy, mà đối với tất cả sự vật lại nẩy ra vọng tưởng điên đảo. Chúng sanh bởi vì tập tánh sử nhiên, mà cứ lầm cho rằng vốn là trời sanh như thế. Đã không phải chỉ một người bạn này như thế mà có thể nói hầu hết người đời đều có vọng tưởng điên đảo như vậy. Vọng tưởng thay thế Phật tâm, muốn dập tắt vọng tưởng thì lại thành ra lấy vọng mà đình vọng, bởi do kết quả tích trữ không ngưng của vọng niệm mà tạo thành tập khí không có xuất xứ, bỗng nhiên mang nó đổ cho thiên tánh mà cho rằng không phương cải chánh. Nhất thiết phải nhớ! Nên nhớ! Nhất niệm sanh mê thì ác nghiệp tự khởi, như nước chảy vào một cái lỗ thấp, một khi rơi vào tam ác đạo (2), e rằng trải qua vạn kiếp cũng không thể phục sanh. Ví như cho cái việc nguyên nó là ác, nhưng do vì đó là sở thích của mình nên một khi người khác chán ghét thì sanh lòng hận oán, hơn nữa, điên đảo thị phi, gọi ác là thiện. Hoặc vì tập khí tự tư, khiến cho nguyên là việc thiện nhưng vì mình ghét do đó một khi người khác vui thích, thì lại bảo rằng có gì để đáng mừng, hơn nữa, điên đảo thị phi, gọi thiện là ác.
Đối với tất cả sự vật bởi vì nhất niệm sanh mê mà điên đảo thị phi, không phân biệt được thiện ác, từ đó sau khi chết chắc chắn sẽ rơi vào con đường súc sanh, luân chuyển đến khi sanh vào trong loài chim, thú, trùng, cá và đợi đến khi chịu hết nghiệp báo lại rơi xuống địa ngục, mãi bị đọa đày chịu đụng vô lượng thống khổ, thiết nghĩ nếu muốn tái sanh vào cảnh giới loài người, cơ hội đó giống như chờ đợi hoa ưu đàm nở (3) rất là xa xăm mù mịt. Mỗi người tại tọa đều là những người đang rất hạnh phúc, đã được sanh ra làm người mà còn được nghe Phật pháp.
Nay mọi người ở đây còn nghe được Phật tâm bất sanh mà mọi người đều có, Phật tâm nầy vì bất sanh nên là đại pháp của linh minh, cũng như hoa ưu đàm nở thật quy, khó tìm. Nhưng nguyện mọi người vì thế mà hiểu rõ – chúng sanh bởi vì tham trược tự thân mà sanh mê, vì mê mà tạo nên tập khí làm cho chính mình nghĩ rằng trời sanh là thế — Sai lầm như thế nếu có thể quyết định lấy Phật tâm sự xứ mà không sanh mê nữa thì tốt biết dường nào. Nhưng, trên thực tế chúng sanh thường vì không thể mộ sự tôn quý của Phật tâm mà cứ chấp mê nên không giác ngộ. Nên biết, phàm phu kỳ thực chỉ là nhất thể, chẳng phải ở ngoài tâm thức còn có một món vật khác có thể khai ngộ thành Phật. Mong rằng mọi người có thể tỉ mỉ thể hội cái đạo lý nầy.
Nguyên nhân ông nóng nảy, là bởi khi sự vật ngoại tại không thuận theo tâm lý của ông, do sự ham muốn của tư ngã đã làm cho ông muốn gấp rút sửa đổi nó cho nên mới cảm thấy nóng nảy, giống như cái bệnh vì dục vọng tư ngã mà sanh nhưng lại cứ cố chấp cho là trời sanh, vì thế đã đặt cha mẹ vào chỗ bất nghĩa, có thể nói đó là người đại nghịch bất đạo. Còn nữa, nếu quả thật là do trời sanh, tất nhiên không giây khắc nào có thể lìa khỏi thân ông, thế thì muốn cải sửa cũng không thể được. Đã chứng minh rằng không phải trời sanh, đủ thấy vẫn là cái gì có thể sửa được.
Bệnh dễ nóng nảy này là bởi khi lục căn (4) đối với lục cảnh (5), do ở tham trước tự thân nên khi ngoại cảnh không vừa lòng thì cái
không vừa lòng lúc ấy tự nhiên hiển hiện. Nếu không phải nghĩ cho mình, thì tự nhiên cũng không có cái bệnh như thế phát sanh.
Hôm nay mọi người đều đã biết về đạo lý nầy, vậy hãy thử dùng thời gian một tháng để thử chiến thắng tự ngã và lấy Phật tâm bất sanh tự xứ xem sao! Nếu có thể hàm dưỡng, nuôi lớn thói quen lấy Phật tâm bất sanh tự xứ ấy và tin rằng mọi người chắc chắn có thể lần lần không bị ngoại vật mê hoặc mà sanh vọng niệm và nếu có thể thời thời khắc khắc đều đặt ở Phật tâm bất sanh, thì đó chính là Phật sống Như Lai hiện thế. Các vị tại toạ! Mọi loại ví dụ trước đây, hôm qua đã chết, mọi loại vị dụ hôm nay phát sanh. Thì cứ cho là hôm nay bắt đầu một cuộc hành trình mới mẻ của nhân sinh! Có lẽ đời người tự nó vốn có rất nhiều sự vật làm trở ngại các bạn nên khiến các bạn không thể cách nào nghe tin để đi vào thực tiễn, hiện nay cứ cho là thay đổi một nhân sinh mới, không lo không lắng, sau khi nghe đại pháp nầy, có thể phụng hành tức khắc, tất nhiên thành tựu sẽ đến.
Nếu dựa vào lời nói của Bàng Khuê thiền sư thì những việc ấy dường như chúng ta đều có thể làm được. Chúng ta hãy thử thực tập một tháng xem sao! Nếu giữa đường mà không may thất bại thì xin bắt đầu lại nữa. Tóm lại, việc làm cho con người mười phần vui vẻ, vì lẽ làm như vậy, không những có thể trừ được phiền não là không có thời gian đến thiền đường nên không học thiền được, mà hơn thế còn có thể ở trong sinh hoạt thường ngày đi vào thực tiễn của nó. “Bất sanh thiền” như thế không phải chính là một loại thiền pháp thích hợp với những con người hiện đại như chúng ta sao?
Chú giải (1): Giản xưng của A Tu La, là một loại quỷ thần thường chiến đấu với trời Đế Thích
Chú giải(2): Phật giáo đem thế giới chưa khai ngô nên bị luân hồi chia làm 6 đường, tức là thiên, nhân, tu la, súc sanh, ngạ quỷ và địa ngục. Trong ấy 3 đường súc sanh, ngạ quỷ và địa ngục là thế giới khổ đau không thể chịu nổi, cho nên gọi là “Tam ác đạo”
Chú giải (3): Trong truyền thuyết là loại thực vật cứ mỗi 3000 năm mới nở hoa một lần.
Chú giải (4): Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, Mắt là thị căn, tai là thính căn, mũi là xú (ngửi) căn, thiệt (lưỡi) là vị (mùi) căn. Thân là xúc (chạm) căn, ý là căn của tư duy suy nghĩ. Căn có nghĩa là năng sanh, như cỏ cây có căn nên có thể sanh nhánh và thân cây; thức dựa vào căn mà sanh, có nhãn căn thì có thể sanh nhãn thức, ngoài ra cứ theo đó mà suy.
Chú giải(5): Còn có tên là lục trần, tức là sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, vì thế lục cảnh là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, cảnh được tiếp xúc, là đối tượng của lục căn, nên gọi là lục cảnh.
BƯỚC VÀO THIỀN CẢNH
Tác Giả-HIROSACHIYA Dịch Giả-TT.Thích Viên Lý
Viện Triết Lý Việt Nam & Triết Học Thế Giới Xuất bản 1998
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS