KHÔNG CHỖ TRỤ MÀ HÀNH BỐ THÍ

SHARE:

Kinh:

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bồ tát ở nơi pháp hãy không chỗ trụ mà hành bố thí. Nghĩa là chẳng trụ sắc mà bố thí, chẳng trụ thanh hương vị xúc pháp mà bố thí.

Tu Bồ Đề! Bồ tát nên như vậy mà bố thí, chẳng trụ nơi tướng. Vì sao thế? Nếu Bồ tát không trụ nơi tướng mà bố thí, thì phước đức đó chẳng thể nghĩ lường.

Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Hư không phương Đông có thể nghĩ lường chăng? Thưa không, bạch Thế Tôn.

Tu Bồ Đề! Hư không phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn phương phụ, phương trên phương dưới có thể nghĩ lường chăng? Thưa không, bạch Thế Tôn.

Tu Bồ Đề! Bồ tát không trụ tướng mà bố thí phước đức cũng lại như vậy, không thể nghĩ lường.

Tu Bồ Đề! Bồ tát chỉ nên như lời dạy mà trụ. 

Bố thí là cái đầu tiên trong sáu ba la mật. Bố thí đại diện cho mọi hạnh của Bồ tát. Để trả lời câu hỏi của ngài Tu Bồ Đề, “Nên làm sao trụ?”, Đức Phật trả lời “Không trụ tướng mà bố thí”.

‘Nên trụ vào đâu, nên định vào đâu’, được trả lời là, ‘không trụ vào tướng, không định vào tướng, nghĩa là nên không trụ vào đâu cả, không định vào đâu cả, khi ấy tức là trụ vào tánh Không, định vào tánh Không, như hư không bao la chẳng thể nghĩ lường. Đó là giải thoát.

Không trụ nơi tướng, ngay lúc đó là đang trụ nơi tánh, ngay lúc đó là thấy tánh hay ngộ tánh, ngay lúc đó là sống tánh hay nhập tánh.

“Chẳng trụ sắc thanh hương vị xúc pháp mà bố thí”, đây là con đường của Bồ tát. “Chẳng trụ sắc thanh hương vị xúc pháp”, là con đường tu định cuối cùng dẫn đến diệt thọ tưởng định của bậc A La Hán. Còn “chẳng trụ thanh hương vị xúc pháp mà bố thí” thì đây là con đường Bồ tát, không trụ nhưng vẫn hành Bồ tát hạnh, vẫn hoạt động trong thanh hương vị xúc pháp của sanh tử của chúng sanh. Con đường Bồ tát như vậy hợp nhất trí huệ thấu rõ tánh Không với phước đức độ chúng sanh, hợp nhất Trí và Bi.

Bố thí mà trụ tướng thì tâm ấy, hành động ấy bị cắt đứt trong các tướng thành từng phần sắc thanh hương vị xúc pháp và bị giới hạn bởi hai đầu chủ thể bố thí và đối tượng được bố thí. Còn bố thí mà không trụ tướng thì tâm ấy, hành động ấy không bị cắt đứt, chia chẻ, và không bị giới hạn bởi hai đầu chủ thể bố thí và đối tượng được bố thí. Tâm ấy, hành động ấy không bị cái gì hạn cuộc, bèn vô hạn như hư không. Tâm ấy, hành động ấy chính là thực tại tánh Không, không có tướng nào ngăn ngại. Đó là phước đức bao la như mười phương hư không, chẳng thể nghĩ lường.

Tánh Không đó được Kinh Đại Bát Nhã gọi là “Mẹ của chư Phật”. Nó cũng được gọi là Pháp thân, Phật tánh, Chân Như, Tự tánh, Niết Bàn, tánh Giác, tánh sáng, vô tận tạng, đại quang minh tạng… Nó là Nền tảng, Con đường tu hành, và Quả của tất cả tông phái Phật giáo.

Tánh Không là cái “không chỗ trụ”. Một khi ngộ nhập nó thì lúc đó có muốn trụ sắc thanh hương vị xúc pháp cũng chẳng thể được (bất khả đắc). Chẳng thể được vì nó không thể bị nhiễm ô, không thể trụ ở đâu cả, như hư không: hư không bao trùm, chứa đựng mợi sắc tướng, mọi sự vật, nhưng nó không trụ ở đâu cả, cũng không bị sự vật làm nhiễm ô, chướng ngại. Hư không muôn đời vẫn là hư không, chưa từng ô nhiễm, không vì có nhiều sự vật mà hẹp lại, không vì có ít sự vật mà rộng thêm. Tính cách không ô nhiễm này của tánh Không được ví với Kim Cương như trong nhan đề của Kinh.

Chẳng thể trụ còn một ý nghĩa nữa, là khi ngộ nhập tánh Không thì sắc thanh hương vị xúc pháp trở thành hoa đốm giữa hư không, lấy gì mà trụ?

Tánh Không này chính là bản tánh của tâm chúng ta. Chúng ta vẫn hằng sống với tâm không chỗ trụ, vốn tự giải thoát này như vậy đấy. Tâm không chỗ trụ như bầu trời, có những đám mây tư tưởng hay không, thì bầu trời vẫn là bầu trời, chưa từng nhiễm ô mà cũng chẳng hề ngăn ngại đám mây tư tưởng nào. Và mục tiêu của Kinh này là để chúng ta thấy nó, biết nó, và sống thường trực với nó, đó tức là giải thoát và giác ngộ.

Một điều nữa cần lưu ý. Ở trên có câu “chẳng trụ nơi tướng hoặc tưởng”. Ở đây có ba phạm trù: tướng, tưởng, và trụ. Thật tướng của tướng, tưởng, trụ là Vô tướng, Vô tưởng hay Vô niệm, và Vô trụ. Để tương ưng với thật tướng ấy, sự thực hành của tâm chúng ta cũng phải vô tướng, vô niệm, vô trụ thì tương ưng, đạt đến bản tánh của tâm.

3037525tfbrexd10r

Thực hành

Kinh Kim Cương Bát Nhã

Đương Đạo 

Thiện Tri Thức

SHARE:

Trả lời