SHARE:
Linh nguyên minh hạo khiết
Chi phái ám lưu chú
Chấp sự nguyên thị mê
Khế lý diệc phi ngộ
Nguồn linh sáng trong veo
Chi phái thầm tuôn trào
Chấp sự vốn mê muội
Khế lý đã ngộ đâu
Mạch nguồn là một cái gì đó tuyệt diệu, không thể mô tả bằng lời, không ngôn ngữ nào có thể chạm đến. Điều Đức Phật nói đến là mạch nguồn của giáo lý, siêu việt mọi so sánh xấu tốt. Điều này rất quan trọng. Những gì mà tâm quý vị có thể nắm bắt và hình thành khái niệm đều không phải là mạch nguồn. Mạch nguồn là điều mà chỉ một vị Phật mới biết được.
Linh nguyên minh hạo khiết – Nguồn linh sáng trong veo. Mạch nguồn là một cái gì đó tuyệt diệu, không thể mô tả bằng lời, không ngôn ngữ nào có thể chạm đến. Điều Đức Phật nói đến là mạch nguồn của giáo lý, siêu việt mọi so sánh xấu tốt. Điều này rất quan trọng. Những gì mà tâm quý vị có thể nắm bắt và hình thành khái niệm đều không phải là mạch nguồn. Mạch nguồn là điều mà chỉ một vị Phật mới biết được. Chỉ khi toạ thiền quý vị mới có nó. Dù vậy, quý vị tu tập hay không tu tập, quý vị liễu ngộ hay không liễu ngộ, có cái gì đó vẫn luôn tồn tại, trước cả khi ta nhận ra nó, đó chính là mạch nguồn. Đó không phải là những gì quý vị có thể nếm. Mạch nguồn đích thực không đậm đà hương vị mà cũng không vô vị.
Câu cuối cùng trong đoạn này ngài Thạch Đầu nói:
Khế lý diệc phi ngộ
Khế lý đã ngộ đâu
Thế thì liễu ngộ chân lý cũng không phải là ngộ đạo. Thường thì chúng ta cảm giác rằng chân lý là điều mà chúng ta nên nhận thấy hoặc luận ra. Nhưng trong đạo Phật đó không phải là chân lý. Chân lý là cái gì đó siêu việt mọi khả năng biểu đạt, siêu việt tư tưởng. Chân lý cũng có thể là “mạch nguồn tuyệt diệu”, tuyệt diệu vượt lên khả năng của ngữ ngôn. Đó là mạch nguồn của mọi chúng sinh.
Nhân tiện, khi chúng ta nói “chúng sinh”, “chúng sinh” bao gồm cả tư tưởng lẫn những gì chúng ta nhìn thấy. Thường thì khi chúng ta nói “chân lý”, chúng ta muốn nói đến một nguyên lý cơ bản. Việc mặt trời mọc ở phương Đông và lặn ở phương Tây, hay trái đất xoay theo một hướng cố định nào đó là chân lý. Nhưng trong đạo Phật, đó không phải là chân lý tuyệt đối; nó cũng là “chúng sinh”, chúng sinh này nằm trong tâm rộng lớn. Bất cứ điều gì có trong tâm quý vị – lớn hay nhỏ, tốt hay xấu – đều là một chúng sinh. Nếu quý vị nghĩ về một điều gì đó theo khía cạnh đúng sai, quý vị có thể sẽ nói “Đây là một chân lý bất diệt”. Nhưng đối với chúng ta, ý tưởng về một chân lý bất diệt vẫn còn nằm trong phạm trù chúng sinh, vì nó đơn giản chỉ tồn tại trong tâm chúng ta.
Chúng ta không phân biệt kỹ càng giữa những gì tồn tại bên ngoài chúng ta và những gì tồn tại trong tâm chúng ta. Quý vị có thể nói điều gì đó tồn tại bên ngoài mình, quý vị có thể cảm giác đúng là như vậy, nhưng điều này không đúng. Khi nói “Có một dòng sông”, dòng sông ấy đã ở trong tâm quý vị. Một người nhanh nhảu sẽ nói “Dòng sông ở đằng kia”, nhưng nếu nghĩ thêm về điều này, quý vị sẽ thấy dòng sông tồn tại trong tâm dưới dạng một tư tưởng. Thấy mọi vật tồn tại ngoài mình là một lối hiểu về mọi vật rất hời hợt, ấu trĩ và nhị nguyên.
Câu “Linh nguyên minh hạo khiết” – Nguồn linh sáng trong veo, muốn đề cập tới lý. Lý là mạch nguồn của giáo lý siêu việt ngữ ngôn. Mạch nguồn chân thật, lý, vượt lên trên khả năng tư duy của chúng ta; nó thanh khiết không một vết nhơ. Khi mô tả nó, quý vị đã đặt nó trong một giới hạn rồi. Cũng giống như quý vị làm nhơ chân lý vậy. Tâm Kinh nói, “không sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp…” – đó chính là lý.
Câu tiếp theo là “Chi phái ám lưu chú” – Chi phái thầm tuôn trào, hay “Những nhánh sông thầm trôi”. Chi phái có nghĩa là những chi nhánh. Ngài Thạch Đầu dùng từ “chi phái” như một thủ pháp nghệ thuật: hai câu thơ có mỹ cảm hơn và hai từ “nguồn linh” và “chi phái” đối nhau. Nguồn linh thuộc về bản thể nhiều hơn, trong khi chi phái thiên về hiện tượng hơn. Nói “bản thể” hay “hiện tượng” đều không hoàn toàn đúng, nhưng tôi phải tạm nói như vậy. Vì thế cần phải nhớ hai thuật ngữ lý và sự. Sự, được nhắc đến trong câu thứ ba, đề cập đến hiện tượng – những gì quý vị có thể thấy, nghe, ngửi, nếm và cả nhửng đối tượng như tư tưởng hay ý tưởng. Những gì mà ý thức chúng ta có thể xác định được đều là Sự. Những gì vượt ra ngoài ý thức của chúng ta – bản chất thực tại – chính là Lý.
Trong bóng tối, những chi nhánh toả ra lan chảy khắp nơi, cũng giống như nước vậy. Mặc dù chúng ta không để ý tới nước, nước có ở đó. Nước có trong cơ thể của chúng ta và có trong thân cây; ở đâu cũng có nước. Cũng như vậy, mạch nguồn tinh khiết có khắp mọi nơi. Bản thân mỗi chúng sinh là mạch nguồn tinh khiết, và mạch nguồn tinh khiết là mỗi chúng sinh. Không phải là hai sự vật khác nhau. Không có sự khác biệt giữa lý và sự, mạch nguồn tinh khiết và chi nhánh. Chi nhánh là mạch nguồn tinh khiết và mạch nguồn tinh khiết là chi nhánh. Mạch nguồn tinh khiết chảy khắp nơi cho dù quý vị không biết tới nó. Sự “không biết” này chính là cái chúng ta gọi là “bóng tối”, và đây là một điều rất quan trọng.
“Chấp sự nguyên thị mê” – Chấp sự vốn mê muội. Chấp sự có nghĩa là dính mắc vào những gì quý vị thấy. Khi hiểu mỗi chúng sinh đều khác biệt nhau, quý vị nhìn mỗi chúng sinh như một thực thể đặc biệt và thường thì quý vị dính mắc vào điều gí đó. Tuy vậy, ngay cả khi quý vị thông hiểu sự thật rằng mọi sự vật đều chỉ là một, điều đó không phải lúc nào cũng là giác ngộ. Nó có thể là giác ngô, nhưng không phải lúc nào cũng là như thế. Nó có thể chỉ là một sự thông hiểu trên bình diện tri thức. một người đã giác ngộ không bỏ qua mọi việc nhưng cũng không dính mắc với điều gì, kể cả khi điều đó là chân lý. Không có sự thật nào khác với sự hiện hữu của mỗi chúng sinh. Tự thân mỗi chúng sinh là chân lý. Quý vị có thể nghĩ rằng có một chân lý nào đó vận động đằng sau mỗi chúng sinh, điều khiển và dẫn dắt mọi sự. Chân lý này, quý vị có thể nghĩ, cũng giống như chân lý về trọng lực. Nếu mỗi trái táo là một chúng sinh thì phía sau trái táo là một chân lý tác động lên chính trái táo, như trọng lực chẳng hạn. Hiểu mọi việc theo cách ấy không phải là giác ngộ. Dính mắc vào chúng sinh, tư tưởng, hay thậm chí là vào giáo lý của Đức Phật và nói rằng, “Giáo lý của Đức Phật nói thế này”, là vẫn còn chấp vào sự. Đây là cốt lõi của Tham Đồng Khế.
“Khế lý diệc phi ngộ” – Khế lý đã ngộ đâu. Liễu ngộ chân lý cũng chưa phải là ngộ. Tốt nhất là đừng nói năng gì cả. Khi tôi dịch từ “lý” sang tiếng Anh, nó đã thành “sự” rồi. Thật sự thì ngộ không phải là điều quý vị có thể cảm nghiệm. Ngộ siêu việt khả năng cảm nghiệm của quý vị. Nếu một người nói, “Tôi đã đạt ngộ”, thì đã sai rồi. Nó chứng tỏ người đó đã dính mắc vào một ý tưởng nào đó về ngộ. Đó là mê, Đồng thời, nếu quý vị cho rằng ngộ nằm ngoài khả năng cảm nghiệm của chúng ta, rằng chúng ta không thể trải nghiệm nó; tuy vậy, giác ngộ vẫn tồn tại. Vì thế quý vị không thể nói có giác ngộ hay không có giác ngộ. Ngộ không phải là điều mà quý vị có thể nói có hoặc không có. Và cùng lúc, những gì quý vị có thể cảm nghiệm cũng chính là giác ngộ.
Trong bài giảng trước tôi đã nói về cuộc tranh chấp gay cấn vào thời ngài Thạch Đầu giữa Thiền đốn ngộ và Thiền tiệm ngộ. Pháp Bảo Đàn Kinhcủa Lục Tổ phản bác lối Thiền tiệm ngộ của ngài Thần Tú và tuyên bố thiền của Lục Tổ là Thiền đốn ngộ. Theo Pháp Bảo Đàn Kinh, có vẻ như chỉ ngồi thiền mà thôi thì không phải là tu tập chân chánh.
Nhưng có thể đó không phải thực sự là lời của Lục Tổ. Thật sự thì đường lối thiền của Thần Tú và của Lục Tổ không khác nhau là bao Pháp Bảo Đàn Kinh được biên soạn ngay sau khi Lục Tổ thị tịch, và có thể năm mươi năm sau những phê phán đối với lối thiền của ngài Thần Tú đã được một trong những đệ tử của Lục Tổ là Hà Trạch Thần Hội hoặc đệ tử của Hà Trạch Thần Hội đưa thêm vào. Hà Trạch Thần Hội là một thiền sư vĩ đại. Ngài là người rất năng nổ và tích cực chỉ trích đường lối tu tập mà ngài Thần Tú vạch ra, nhưng có thể ngài đã không quá gay gắt như những gì mà Pháp Bảo Đàn Kinh chuyển tải.
Hà Trạch Thần Hội hoặc đệ tử của ngài có thể cũng đã đưa vào Pháp Bảo Đàn Kinh câu kệ đã trở nên nổi tiếng:
Bồ đề vốn không cội
Gương báu vốn không đài
Xưa nay không một vật
Chỗ nào nhiễm trần ai.
Có thể vì đây không phải là một bài kệ hay nên đã bị nhiều người chỉ trích và cho rằng Lục Tổ thật sự không thể làm một bài kệ như vậy.
Vào thời ấy, việc sở hữu một bản Pháp Bảo Đàn Kinh là một vinh dự.Pháp Bảo Đàn Kinh có rất nhiều dị bản, và trong dị bản cổ nhất không có bài kệ này và cũng không có cả những đoạn chỉ trích dòng thiền của ngài Thần Tú.
Vì thế, một trong những mục đích của Tham Đồng Khế là làm sang tỏ sự hiểu biết sai lệch về Thần Tú, người bị ám chỉ là chấp mắc vào các nghi lễ cũng như chỉ trau dồi học vấn. Học vấn thuộc về sự. Lý là điều chỉ có thể cảm nhận được qua sự tu tập. Quý vị có thể nghĩ học vấn là lý, nhưng đối với chúng ta thì không phải như vậy. Việc tu tập của chúng ta là để trực nhận hoặc liễu ngộ và chấp nhận lý. Nhưng mặc dù quý vị toạ thiền và nghĩ rằng đó là lý hay là chứng ngộ lý, nhưng theo Tham Đồng Khế thì không phải lúc nào cũng là như vậy. Chỉ hiểu chừng đó thôi là đã hiểu toàn bộ bài tụng Tham Đồng Khế rồi.
Những câu đầu tiên trong bài tụng là phần dẫn nhập. “Tâm Đại Tiên Tây Trúc, mật truyền Tây và Đông”. Ở đây “Đại Tiên” cũng có thể mang ý nghĩa là một ẩn sĩ. Vào thời của Thạch Đầu Hy Thiên, có rất nhiều ẩn sĩ Đạo giáo tự hào vì có phép thần thông và luyện thuốc tiên để được trường thọ. Họ không mấy quan tâm đến Phật pháp và không thể hiểu tại sao thiền tập lại cần thiết đến thế. Đây cũng là câu hỏi mà thiền sư Đạo Nguyên đã đặt ra. Nếu tất cả chúng ta đều có tánh Phật thì tại sao lại cần phải tu? Đạo Nguyên đã trăn trở rất nhiều cũng vì như vậy. Ngài không thể quyết nghi điều này dựa trên sở học.
Khi nào thật sự biết mình, quý vị sẽ nhận ra thiền tập cần thiết đến mức nào. Trước khi biết mình đang làm gì, quý vị không biết tại sao mình tu tập. Quý vị nghĩ mình hoàn toàn tự do, rằng tất cả những gì quý vị làm đều là sự lựa chọn của mình, nhưng trên thực tế quý vị chỉ đang tạo ra nghiệp cho bản thân mình và cho mọi người. Không biết mình đang làm gì, vì thế quý vị không nghĩ rằng cần phải toạ thiền. Nhưng chúng ta phải trả những món nợ của riêng mình; không người nào khác có thể trả món nợ của chúng ta. Đó là tại sao cần phải tu tập. Để hoàn tất trách nhiệm của mình, chúng ta tu tập. Chúng ta phải làm như vậy. Nếu không tu tập, quý vị không thể trở nên tốt hơn mà còn gây rắc rối cho những người khác. Không hiểu biết điều này, quý vị sẽ nói “Tại sao cần phải toạ thiền?”. Hơn thế nữa, khi nói “Chúng ta có Phật tánh”, quý vị có thể nghĩ rằng Phật tánh cũng giống như hạt châu nơi chéo áo. Hạt châu là sự, không phải là lý. Chúng ta luôn luôn ở trong thế giới của sự mà không hề nhận ra lý.
Có một điều nữa mà tôi rất quan tâm. Theo truyền thống, như quý vị cũng có thể đã biết, các Phật tử nói rằng đạo Phật sẽ không mãi mãi tồn tại. Kinh văn đưa ra rất nhiều thời hạn, nhưng thường thì người ta nói rằng 1.500 năm sau khi Phật diệt độ, Phật pháp sẽ hoại diệt.
Theo kinh điển, trong năm trăm năm đầu tiên, vào thời của các đệ tử và đệ tôn của đức Phật, sẽ có những vị thánh tăng cũng như đức Phật vậy. Đây là thời chánh pháp. Trong năm trăm năm sau đó, sẽ có người toạ thiền và tham học Phật pháp. Đây là thời tượng pháp. Trong thời mạt pháp bắt đầu từ một ngàn năm sau khi Phật diệt độ, học nhân sẽ không giữ giới, họ sẽ đọc tụng kinh điển nhưng sẽ không hứng thú toạ thiền. Người thực hành thiền tập và thông hiểu giáo lý rất khó tìm. Điều này thật đúng. Người tu ngày nay không giữ giới.
Còn trong thời mạt pháp, con người thích luận bàn về sắc – không mà thật sự chẳng hiểu gì về sắc – không cả. Chúng ta nói về không, và quý vị có thể cho rằng mình hiểu về điều đó; nhưng dù quý vị có thể giảng giải về điều đó khá lưu loát chăng nữa, điều đó vẫn là sự, không phải là lý. Tánh không thật sự phải được trực nghiệm – không phải là trực nghiệm, mà phải liễu ngộ – qua việc tu tập nghiêm cẩn. Vì thế, mục đích của bài tụng Tham Đồng Khế là soi sáng để ta thấy được không là gì, sắc là gì, bóng tối là gì, ánh sáng là gì, nguồn chân thật của giáo pháp là gì, và những chúng sinh được nâng đỡ bởi nguồn chân thật này thật sự là gì.
Tôi mượn một cuốn sách của Masa, vợ của thi sĩ Gary Snyder. Cuốn sách viết về Sangaikyo, một trường phái thuộc tông Chân Ngôn tại Nhật Bản. Cuốn sách nói rằng một ngàn năm sau khi đức Phật nhập diệt, sẽ có hai loại người tu: ngây thơ và không biết hổ thẹn. Cuốn sách này lý giải những gì mà người tu đang làm tại Mỹ và tại Nhật Bản. Nghiêm túc mà nói, cả người tu Mỹ lẫn người tu Nhật đều không giữ giới. Chúng ta ăn cá và giết hại động vật. Nhưng tại Mỹ quý vị ngây thơ, không biết mình thật sự đang làm gì khi quý vị phá giới. Ở Nhật Bản chúng tôi không biết hổ thẹn vì chúng tôi biết rõ mình đang làm gì khi phá giới. Những người thật sự ngây thơ thì có vẻ như không biết hổ thẹn, nhưng thật sự thì không phải như vậy.
Vì thế quý vị có thể hỏi, “Đại ý Phật pháp là gì?”. Nếu không hiểu, quý vị sẽ bị buộc phải hỏi hoài, “Nó là gì? Nó là gì?”. Quý vị chỉ đang đi tìm cái mà mình có thể hiểu mà thôi. Đó là một lỗi lầm rất lớn. Chúng ta không tồn tại theo cách ấy. Thiền sư Đạo Nguyên nói, “Không cánh chim bay nào biết được giới hạn bầu trời, không chú cá nào đến được nơi tận cùng biển cả”. Chúng ta tồn tại trong vũ trụ vô hạn. Chúng sinh thì vô biên còn phiền não thì vô tận, nhưng chúng ta vẫn phải cố tinh tấn, giống như chim bay và cá lội vậy. Vì thế thiền sư Đạo Nguyên nói “Chim thì bay như chim, cá thì lội như cá”. Đó chính là Bồ-tát đạo, và đó cũng là cách mà chúng ta tu tập.
Theo ngài Đạo Nguyên, khi chúng ta nhìn và hiểu mọi việc theo cách này, chúng ta không phải là những người sống thời mạt pháp. Sự tu tập của chúng ta lúc đó không còn bị giới hạn bởi thời gian và không gian nữa. Đạo Nguyên nói, “Phật luôn ở ngay đây”. Bằng một cách nào đó, đạo Phật vẫn tồn tại, và khi chúng ta thật sự hiểu đức Phật muốn nói gì, chúng ta đang ở trong thời chánh pháp.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS