PHỤ LỤC

SHARE:


CỐT TỦY CỦA ĐẠO PHẬT (THE ESSENCE OF BUDDHISM)
DAISETZ TEITARO SUZUKI (LINH-MỘC-ĐẾ THÁI-LAN)
Bản dịch: TRÚC THIÊN – TỦ SÁCH PHẬT HỌC AN TIÊM – 1968

1. MỤC LỤC
2. GIỚI THIỆU CỦA TÁC GIẢ
3. BÀI MỘT. PHÂN BIỆT VÀ VÔ PHÂN BIỆT
4. BÀI HAI. TÂM ĐẠI BI VÀ THẾ GIỚI HOA NGHIÊM SỰ SỰ VÔ NGẠI
5. PHỤ LỤC
6. VĂN NGHIỆP CỦA SUZUKI – Linh-Mộc-Đế Thái-Lan
7. GHI CHÚ

PHỤ LỤC

ĐẠI SƯ TEITARO SUZUKI
(Linh-Mộc Đế Thái Lan)
1870 — 1966

Bài của MARY FARKAS
Ai cũng biết Zen của Nhật Bản nguyên là Thiền Tông của Trung Hoa truyền sang, mà nói đến Zen hay Thiền là nói đến phần tinh túy nhất, siêu việt nhất của Đại thừa Phật giáo.

Đa số những học giả Âu Mỹ, cách nay độ trăm năm khi nói đến Phật giáo, chỉ biết có Nam Tông. Điều ấy dễ hiểu với sự lệ thuộc của các nước Nam Tông vào chính quyền nhiều đế quốc Tây phương, nhất là Anh.

Rồi đến khi họ biết còn có một tông phái Phật giáo nữa là Bắc Tông, thì một phần bị ám ảnh bởi những lời phê bình quá nghiêm khắc nếu không nói là kỳ thị của Nam Tông, một phần khác vì thiếu tài liệu tham khảo, họ cũng theo đường lối chê bai của tu sĩ, học giả hệ thống Ba Li mà khinh thường hoặc lên án Đại Thừa là hệ thống Bắc phạn (Sanscrit).

Đã đành trước Suzuki có một ít học giả cố trình bày cho Tây phương biết thế nào là những quan điểm của Đại Thừa, nhưng kết quả không có là bao. Thành thật mà nói, nếu không có Suzuki thì cái tinh hoa và cái siêu đẳng của Đại Thừa đến ngày nay vẫn còn mai một. Ấy cũng vì các tiền bối của Suzuki không có đầy đủ những yếu tố làm cho vị Đại sư này thành công. Ngoài cái học lực rộng như biển — Suzuki biết Hán văn, Phạn ngữ, Tây Tạng, Anh ngữ, Pháp ngữ 一 Đại sư còn một điểm đặc biệt là hành giả, một hành giả đã đi sâu vào nẻo Đạo, đã thu thập nhiều ấn chứng, khiến Đại sư “tâm thông cập thuyết thông”. Đã thuyết thống lại thêm trình bày theo thể cách Âu Mỹ, bằng chính ngôn ngữ của họ với một nghệ thuật tinh vi, những sách của Đại sư đã làm phát khởi một phong trào nghiên cứu rất có lợi cho Đại Thừa và mỗi lúc mỗi lôi cuốn thêm thành phần trí thức. Công của Đại sư thật là vĩ đại. Để kỷ niệm một bực chơn tài có thể nói đã hiến trọn đời mình cho công cuộc xướng minh Đại Thừa Giáo, chúng tôi cho dịch đăng sau đây bài của Mary Farkas, trích ở nguyệt san “Zen Notes” vừa nhận được do Đệ Nhất Thiền Víện Hoa Kỳ (The First Zen Institute of America) xuất bản (Vol. XIII. No. 7, July 1966). T.Q.

Khuôn mặt nổi bật nhất của Thiền hiện đại đã lặng lẽ qua đời ngày 12 tháng 7 năm nay (1966) ở Nhật là nơi ông đã sống từ năm 1958. Nếu lấy năm l866 mà kể là năm Nhật bản bắt đầu nhìn về phương Tây và tư tưởng Nhật bắt đầu chuyển hướng về cùng một phía, thì cuộc đời của Đại sư Suzuki có thể nói là đã đi suốt thế kỷ đầu của cuộc chuyển hướng ấy. Trong mọi thời đại, Đại sư là người có đại công làm cho Tây phương hiểu được tư tưởng xứ Phù tang.

Mặc dầu Đại sư được nổi tiếng với lối ba chục cuốn sách bằng Anh Ngữ và nhiều bài báo, các tác phẩm ấy ít nói gì về đời tư hay những tư tưởng riêng của Đại sư, đối lập với những tư tưởng triết học hay tôn giáo. Tạp chí The Middle Way37 tháng 11 năm 1964, có kể lại “Những ký ức đầu tiên” do chính Đại sư viết, nhưng ngoài tập hồi ký linh hoạt và cảm động này, tôi không thể nhớ lại một chi tiết nào mà Suzuki đã tiết lộ về những hành trì của ông.

Trong phần dẫn nhập của cuốn The Essentials of Zen Buddhism38 một vài nét chính của đời ông được nêu lên. Đây là một tập hiệp tuyển những trước tác của Suzuki, do Bernard Philipps chọn lọc và ấn hành, và do chính Đại sư duyệt lại, xuất bản ở Nữu Ước năm 1962 (Nhà xuất bản E.P. Dutton). Tài liệu nầy đã làm căn cứ cho vài sự kiện nêu ra ở đây, với tính cách gần như một tiểu sử chính xác nhất, được viết bằng Anh ngữ về Đại sư từ trước đến nay. The Essentials là một cuốn sách dễ hiểu, chọn lọc, mà mục đích là giới thiệu những quan điểm của Suzuki về  Thiền. Tiến sĩ Philipps từ lâu đã là một nhà giáo dục trong địa hạt tôn giáo và triết học, bởi thế cuốn sách này có lẽ là cuốn chỉ nam tốt nhất cho những ai muốn nghiên cứu tư tưởng của Suzuki trong một tương lai gần đây.

Vì Zen đtrợc chấp nhận ở Nhật, nghĩ không cần thiết nhiều sự “giới thiệu” Thiền với công chúng Nhật. (Tiến sĩ Suzuki được mời giảng cho Thiên Hoàng nghe về “Tinh túy của Phật giáo” vào những ngày 23 và 24 tháng 4 năm 1946. Năm ấy Hội Phật giáo Luân Đôn có ấn hành một tập ghi lại những buổi giảng của ông). Trước khi Suzuki bắt đầu trình bày Thiền cho Tây phương, không một người Nhật nào trên thực tế đã thử làm việc đó. Kaiten Nukariya, trong một tác phẩm nhan đề The Religion of Samurai39, xuất bản năm 1913, thật ra có thử làm, nhưng không thành công một cách sâu rộng. Như tiến sĩ C.G. Jung nói trong lời giới thiệu cuốn An Introduction to Zen  Buddhism40 của Suzuki, cố gắng của Nukariya không làm cho chúng ta hiểu được cái phát huệ gọi là “Satori” (đề tài chính của Suzuki khi trình bày). Satori (Ngộ) là lý do tồn tại của Thiền, không có Satori thì không có Thíền. Nukariya luận giải với cái thuần lý (rationalism) của Tây phương mà ông thâm nhiễm quá sâu đậm, và chính vì thế mà sách của ông thiếu sức truyền cảm và chỉ có một tính cách xây dựng vô vị mà thôi. Một vài nhà trước thuật sau nầy đã theo con đường của Jung đề nghị: “Tốt hơn là để y nguyên cái lờ mờ bí hiểm của những giai thoại về  Thiền, càng nói ít về cái lờ mờ ấy, ý nghĩa nó càng nhiều”. Jung nói tiếp:
“Thật đỡ biết bao nếu người ta để cho mình tự thâm nhập trước cái bí hiểm tha phương ấy, và luôn luôn nhớ rằng Satori là một mầu nhiệm không thể tả, chính các vị Thiền sư mong muốn như thế. Theo sức hiểu biết của chúng ta, giữa những giai thoại của Thiền tông và cái chứng ngộ thoạt đến, có một vực thẳm; điều mà người ta họa may làm được là nêu lên sự có thể bắt một chiếc cầu trên vực thẳm ấy, đừng mong thực hiện được việc ấy trên thực tế”. Khi nhận xét như thế, Jung đã thêm mấy lời để bào chữa cho các nhà trước thuật về Thiền: “Nếu đã biết như vậy mà tôi cố ‘giảng giải’ những gì sau đây, tôi hoàn toàn ý thức rằng những gì tôi nói về ý nghĩa của Satori đều vô dụng. Dù sao, tôi không cưỡng được trước sức cám dỗ muốn lái cái tri kiến của Tây phương đến gần một cái tri kiến khác, công việc mà tôi biết khó khăn đến nỗi phải liều gánh trách nhiệm của một vài tội ác đối với tinh thần của Thiền.”

Quyển Japanese Buddhism (Phật giáo Nhật Bản) của Suzuki, do phòng Du Lịch Đông Kinh ấn hành lần đầu tiên năm 1938, trình bày cho người Tây phương thấy những gì mà người Nhật thời ấy cho là thú vị trong Phật giáo. Năm 1958, Suzuki thêm vào sách ấy những điểm đáng chú ý về Thiền. Lần hồi với thời gian, Thiền được đặt ngang hàng với Phật giáo Nhật bởi vì, đối với người ngoại quốc ngày nay, Thiền được xem gần như là “tinh hoa của nền văn hóa tế nhị nhất của người Nhật”, như Sir George Sansom đã nóỉ. Vì lẽ này, khi tái bản có hiệu chính, tên của sách được đổi lại là Zen and Japanese Buddhism41. Tôi xin ghi điều nầy: đứng ra trình bày Thiền cho Tây phương, tiến sĩ Suzuki đã trở thành người diễn đạt tư tưởng Nhật lỗi lạc nhất. Vì trong các tác phẩm của ông, chẳng những Đại sư giảng giải về Thiền, mà còn cho độc giả một cái nhìn tổng quát về những điểm đặc sắc nhất của nền văn hóa, mỹ nghệ và thủ công, và về những cái đặc biệt, độc đáo của dân tộc Nhật, như kiếm thuật, thủy mặc, bút thảo, trà đạo và thuật cắm hoa. Trong lối trình bày này, những cái xảo thuật cỏn con của Nhật đã trở thành như đồng nghĩa với Thiền, nhất là sau khi Suzuki cho xuất bản cuốn Zen Buddhism and Its influence on Japanese Culture42— có lẽ đây là tác phẩm lôi cuốn nhất của Đại sư, đối với phần đông độc giả. Cuốn sách này được Hội Phật Học Đông Phương ở Kyoto ấn hành lần đầu tiên năm 1938. Về sau, sách ấy được điều chỉnh và tái bản trở thành cuốn Zen and Japanese Culture43.

Năm 1936, Đại sư Suzuki diễn thuyết ở Đại Học đường Columbia, Một bà bạn trong đám chúng tôi, khi đi nghe ông giảng trở về đã tỏ ý thất vọng, nói rằng phần lớn bà chỉ nghe Đại sư nói về trà đạo mà thôi. Sokei-an (Tào Khê Am) đã nhận xét như sau: “Người Mỹ hễ nói đến Nhật là nói đến thuật pha trà, cho nên Đại sư đã lấy đề tài trà đạo. “  Những gì Đại sư có lẽ đã chọn để trình bày, nếu không bị ảnh hưởng bởi sự cân nhắc nói trên, ta có thể đoán được trong lời ngỏ của Đạt sư với hội viên của Thiền Viện (lúc ấy là Hội Phật giáo Mỹ quốc), nhân một cuộc diễn thuyết mà trước đó mấy ngày Đại sư đã nhận theo lời yêu cầu của Sokei-an. Hôm ấy, Suzuki nói về lịch sử Phật giáo và sự khác biệt giữa hai nền Phật giáo Ấn-Hoa, một đề tài được Đại sư đặc biệt chú ý, Lúc ấy, như Giáo sư Tsunoda đã nhận xét, Đại sư đã có 16 cuốn sách trong thư viện trường Columbia. Về Thiền, những sách đầu tiên lôi cuốn sự chú ý của người Mỹ là (theo thứ tự):
Essays in Zen Buddhism đợt một (1927), Essays đợt hai (1933) và đợt ba (1934), An Introduction to Zen Buddhism (1934), The Training of the Zen Buddhist Monk (1934), Manual of Zen Buddhism (1935) và Zen Buddhism and Its influence on Japanese Culture (1938).

Những tác phẩm ấy thật đã đặt nền tảng cho kiến thức Tây phương về Thiền. Hình ảnh Thiền trình bày trong đấy chính là những gì thu hút độc giả Tây phương đến với Thiền. Trái với sự nghiên cứu Thiền ở Nhật (Thiền chớ không phải công án) thường thiên về giáo lý Đại thừa, về kinh điển và về lập trường triết lý của các tông, các phái, cái tinh túy của Suzuki trình bày là một thứ Thiền tích cực, diện đối điện, và của Satori (giác ngộ). Vì là một văn sĩ chuyên nghiệp, Đại sư bắt buộc phải trình bày một đề tài có thể lôi cuốn độc giả. Nếu tất cả những tác phẩm của Đại sư đều như những cuốn Lankavatara Sutra (Lăng Già Kinh), l932, Studies in the Lankavatara (Nghiên cứu Kinh Lăng Già), 1930, là những sách chỉ dành cho học giả, câu chuyện về Thỉền ở Mỹ ắt đã là một câu chuyện khác hẳn, Những tác phẩm bằng Anh văn của Suzuki được viết vào thế kỷ trước. Một là bản dịch cuốn The Gospel of  Buddha (Phúc Âm của Phật Đà) mà Paui Carus đã sưu tập. Quyển thứ hai, A New Interpretation of Religion (Tôn  Giáo Tân Giải), chứa đựng một tuyên thuyết mà nghĩ hàng Phật tử nên tin tưởng, căn cứ trên một bài văn phúng thích (pamphlet) mà Soyen Shaku (Thiền sư Chiếu Nguyên Giác) đã mang từ Mỹ về, nhân chuyến đi dự Đại hội Tôn giáo Thế giới hồi năm 1893. Chính nhờ Soyen mà Suzuki, vào năm 37 tuổi, được sang Mỹ làm việc cho Paul Carus ở La Salle, tiểu bang Illinois, là nơi Đại sư lưu lại hơn 10 năm. Suốt thời gian này, ông đã viết cho tạp chí Monist, phiên dịch ra Anh văn nào Đạo Đức Kinh của Lão Tử, nào những bài thuyết đạo của Soyen Shaku cho dân chúng Mỹ nghe, nào bộ Đại Thừa Khởi Tín Luận của Ashvaghosha (Bồ Tát Mã Minh). Đại sư cũng có viết quyển A Short History of Early Chinese Philosophy (Trung Hoa Cận Đại Triết Học Lược Sử) và quyển Outlines of  Mahayana Buddhism (Đại Thừa Phật Giáo Cương Yếu).

Quyết định trở thành một nhà văn của Suzuki dường như bắt nguồn từ ảnh hưởng của ông cụ thân sinh, vốn là một học giả và một văn sĩ bậc trung, tác giả của một quyển sử ngắn về Âu châu. Thật ra, thân phụ Đại sư là một y sĩ, như ông nội và ông cố của Đại sư. Tất cả đều chết sớm. Trường hợp hơi bất thường này chính là lý do thúc đẩy Suzuki quay về với Thiền. Trong quyển Ký Ức Ấu Thời, chính Suzuki đã viết:
“Dĩ nhiên, vào thời ấy, chuyện chết yểu không phải là chuyện hi hữu, tuy nhiên trường hợp mất sớm của một y sĩ dưới chế độ phong kiến cổ thời thật là một sự bất hạnh gấp đôi, bởi lẽ tiền phụ cấp lãnh nơi nhà chúa bị ngưng phát. Gia đình tôi, mặc dù thuộc hàng hiệp sĩ, lúc sinh thời của thân phụ tôi đã nghèo túng nay càng thiếu thốn hơn (lúc ấy tôi mới sáu tuổi), vì những khó khăn về kinh tế mà giai cấp hiệp sĩ gặp phải sau ngày chế độ phong kiến bị bãi bỏ.

“Vào thời ấy, mất cha có thể là một sự mất mát lớn lao hơn bây giờ, vì tất cả đều tùy thuộc vào người cha như vị chủ tể trong gia đình, tất cả những bước quan trọng, hoặc thuộc giáo dục, hoặc khi phải tìm một chỗ đứng trong cuộc đời, v.v. tất cả phải do cha định đoạt. Tôi đã mất tất cả những điểm tựa ấy, và khi tôi lên 17 hay l8 tuổi, những bất hạnh dập dồn làm cho tôi bắt đầu suy nghĩ về nghiệp báo của tôi, Tại sao tôi đã phải gánh chịu những thiệt thòi ấy ngay ở ngưỡng cửa cuộc đời?

“Tâm niệm của tôi khởi sự quay về với tôn giáo và triết học, và vì gia đình tôi thuộc về phái Thiền Lâm Tế  (Rinzai), tự nhiên tôi đã hướng về Thiền để tìm câu giải đáp cho những thắc mắc riêng tư”. Như Sokei-an là người đã bắt đầu thiên về tôn giáo và triết học trong những ngày theo học cấp đại học ở Tokyo, Suzuki đã phối hợp việc nghiên cứu Thiền tông với công phu đèn sách ở nhà trường. Đại sư khởi sự thọ giáo với Imagita Kosen (mà Đại sư có viết một tiểu sử bằng Nhật văn), lúc ấy đang trụ trì chùa Enkakuji ở Kamakura (Khiêm Thượng), cách Tokyo chừng 30 dặm Anh. Vào buổi tham kiến lần thứ hai, Kosen dạy Đại sư về tham cứu công án Sekishu (tiếng vỗ của một bàn tay)44. Lúc ấy Suzuki 21 tuổi còn Kosen 76 (ngài là một đại nhơn, về vóc vạc luôn cả về nhân cách.) Một năm sau, Kosen liễu đạo và vị đồ đệ thân tín nhất của ngài, Soyen Shaku (Chiếu Nguyên Giác Thiền Sư) lên kế  vị, Ngài tân trụ trì này trở thành thầy của Suzuki và cái công án trước kia được ngài đổi ra thành Vô45. Suzuki phải công phu khó nhọc suốt bốn năm tròn mới đạt đến, chưa phải là sự chứng ngộ, mà cái tia sáng đầu tiên gọi là  Kensho (Kiến chiếu).

Mùa xuân 1892, lúc tiếp dạy Suzuki, Soyen Shaku mới vừa từ Tích lan trở về, Sau khi theo học giáo lí Nguyên Thỉ và đỗ được bằng giảng sư. Lúc ấy Soyen 25 tuổi. Soyen cũng có theo học tại Đại học đường Keio nhiều môn học Tây phương. Đây là một việc làm hy hữu ở thời ấy, đối với một Thiền sư.

Theo Suzuki, nhiều người đã chỉ trích Soyen về cái học hướng ngoại ấy, kể cả Kosen. Kosen bảo Âu học sẽ không có ích lợi gì hết. Nhưng vì Soyen là một người cả quyết, chẳng những ngài không chú ý đến sự chỉ trích đó mà còn quyết định đi Mỹ năm 1893 để rồi trở lại đấy ở lâu hơn. Chính trong chuyến đi sau này, Suzuki đã theo làm thông dịch viên.

Suzuki đã nói nhiều về ấn chứng Satori (Ngộ) trong sách của ông, không phải một cách tổng quát mà nhấn mạnh về cái ấn chứng của riêng ông. Sau một cuộc “tranh đấu trường kỳ”, vào tháng 12 năm 1896, Suzuki ở vào giai đoạn khủng hoảng cực độ trong công phu giải quyết công án đầu tiên. Đại sư viết: “Khi rốt cuộc mọi sự đã sắp đặt xong để đi Mỹ giúp Tiến sĩ Carus phiên dịch Đạo Đức Kinh, tôi nhận ra rằng mùa đông năm ấy là dịp cuối cùng để cho tôi giải ra công án —cuối cùng vì nếu không thì chẳng biết bao giờ tôi giải được. Tôi cần phải đặt vào công phu tất cả nỗ lực tâm linh của tôi.

“Cho đến khi ấy, tôi đã luôn luôn ý thức rằng Vô vẫn ở trong tâm trí tôi, nhưng khi tôi còn ý thức về Vô thì điều ấy có nghĩa là tôi tự tách ra khỏi Vô, và, như vậy thì không phải ‘chánh định’. Nhưng vào ngày thứ năm, sau khi tập trung tư tưởng, tôi ngưng ý thức về Vô. Tôi với Vô là một, tôi đã đồng nhất với Vô cho đến nỗi không còn một hở hang nào giữa Vô và ý thức của tôi. Đây đích là trạng thái tam – ma – đề hay chánh định.

“Nhưng định không chưa đủ. Bạn phải ra khỏi trạng thái ấy, phải tỉnh dậy từ trạng thái ấy và sự thức tỉnh chính là Bát Nhã. Phút ra khỏi trạng thái định và nhận thấy cái ấy là cái gì, chính đó là Satori, là Ngộ. Khi tôi ra khỏi trạng thái định thì trong khoảng thời gian ấy, tôi nói: ‘Tôi thấy, nó đây rồi!’”

Từ Hoa Kỳ, Suzuki trở về Nhật Bản năm 1909, Ông ra làm Giáo sư Anh ngữ tại Đại học đường Per ở Đông kinh, và cũng dạy luôn ở Đại học đường Tokyo Imperial. Năm 1911, ông kết hôn với một thiếu nữ Mỹ, Beatrice Lane, là người cũng thiết tha như ông về Phật giáo và là tác giả của nhiều bài báo cùng một ít sách về đạo Phật. Quyển Mahayana Buddhism (Đại Thừa Phật Giáo) của Bà xuất bản năm 1938 (bà mất năm 1939) đã được tái bản lần thứ ba năm 1959.

Trong hơn mười năm nữa, Suzuki tiếp tục thọ giáo với Thiền sư Soyen Shaku (Chiếu Viên Giác) đến lúc Thiền sư viên tịch.

Suzuki thường cư trú tại Engaku-ji, trừ khoảng thời gian từ 1930 trở đi là lúc ông phải về ở Kyoto để làm giáo sư môn triết lý tôn giáo tại Đại Học Đường Otani. Tại thành phố này, Đại sư Suzuki, vào năm 1921 lập tờ tạp chí The Eastern  Buddhist (Đông phương Phật tử), trong đó ông đã đăng lần đầu tiên những bài về sau làm nền tảng cho các sách do ông xuất bản. Những tác phẩm quan trọng bằng Anh văn của Đại sư đã được xuất bản trong một thời 12 năm, bắt đầu với cuốn Essays in Zen Buddhism, đợt I (1927). Tiếp theo là các quyển Studies in the  Lankavatara (1930), The Lankavatara Sutra (1932), Essays in Zen Buddhism, đợt II (1933) Essays in Zen Buddhism, đợt III (1934) (Bà Sasaki đã bản thân đọc sửa bản thảo), The Training of Zen Buddhist Monk (1934), An Introduction to Zen Buddhism (1934), Manual of Zen Buddhism (1935), Zen Buddhism and Its influence on Japanese Culture (1938), Năm 1936, như đã nói ở phía trước, Suzuki sang Hoa Kỳ và Anh quốc, và đã diễn thuyết tại hai nước ấy.

Trong thời thế chiến, Suzuki sống yên tịnh ở Kamakura (Khiêm Thượng). Sau đại chiến, công ty Rider khởi sự xuất bản toàn bộ tác phẩm bằng Anh văn của Đại sư cho Hội Phật giáo Luân Đôn. Năm 1949, ông lại xuất dương qua các nước Tây phương. Sau hội nghị các triết gia Đông Tây tại Hạ uy di, ông giảng dạy tại Đại Học Đường Hạ uy di một năm. Đến 1950, ông sang dạy tại Claremont College ở tiểu bang California, rồi đi châu du các trường Đại học Hoa kỳ dưới sự bảo trợ của cơ quan Rockefeller.

Đại sư Suzuki bị những thiền gia “cố chấp” chỉ trích về lập trường dễ gây tranh luận mà Đại sư đã nêu lên trong quyển Zen and Japanese Buddhism (Thiền và Phật giáo Nhật bản), xuất bản năm 1958, ngay ở chương đầu, với câu hỏi: “Zen là gì? Không phải là Thiền định mà là Bát Nhã”. Chương ấy không binh vực sự chối bỏ công phu thiền định như một một việc làm không cần thiết, như có người chủ trương, mà thật ra nhấn mạnh về sự khai mở trí Bát Nhã là một hình thái trực giác cao tột sẵn có trong mỗi người chúng ta. Bát Nhã cao quí hơn trạng thái tập trung tư tưởng là Thiền định, mà đặc điểm là đưa đến sự đánh thức một sức mạnh tâm linh cao độ và tiếp xúc ngay với cái Chân Thể. Ở đây, Suzuki chỉ trình bày lập trường của Lục Tổ, và về sau Đạt sư còn nói lại trong quyển The Zen Doctrine of No Mind (Thiền hay Pháp môn Vô Niệm), xuất bản năm 1949 (London, Riđer), và về sau nữa còn đềcập đến trong những tập thuộc bộ Zen Buddhism do William Barrett xuất bản tại Nữu Ước năm 1956. Đại sư Suzuki đã kết luận:
“… Cứ theo các lời tuyên thuyết ấy (liên hệ đến việc Thiền tông nhấn mạnh về điểm cần phải đạt Huệ) thì rõ ràng Thiền tông không tự tách ra khỏi công phu nhập định, và cái mà Thiền tông muốn đề cao là việc cần phải đạt đến giác ngộ, và như vậy thì Thiền tông chẳng những theo sát gương sáng của đức Phật mà còn đi đúng với giáo pháp của Ngài. Không ai chối cãi rằng Thiền định là một bước quan trọng về hướng chứng Huệ, nhưng Thiền tông không tin rằng Thiền định là phương tiện duy nhất để đi đến mức cứu kính chung cho toàn bộ pháp môn Phật giáo.”

Để tỏ rõ quan điểm của mình, Suzuki đã nói trong mấy trang sau của Zen Buddhism: “Trước Lục Tổ Huệ Năng, Thiền định có vẻ như cách biệt với Bát Nhã (hay Huệ). Tuy không phải không biết sự quan trọng của Bát Nhã, các Tổ thừa kế hình như vô tình đã tự khép mình cho thích hợp với truyền thống Ấn độ. Sự thật, các Tổ không bao giờ xem thường Bát Nhã, song le các Tổ không thể nhấn mạnh một cách rõ rệt, có ý thức và quyết liệt như Lục Tổ, về  sự tối quan trọng của Bát Nhã đối với Thiền định”.

Tuy một đôi khi Suzuki được xem như người đối lập với “khối” Thiền gia chủ trương lấy Thiền định làm phương tiện đạt Huệ quan trọng nhất, Đại sư vẫn là người có tọa thiền. Chính tôi đã nhờ Bác sĩ Stunkard mà biết được câu truyện sau đây. Stunkard là bác sĩ tư của Suzuki; nhân một buổi khám bệnh thường lệ, ông không khỏi nhận thấy các sớ thịt phía dưới bụng của Đại sư nổi lên cứng rắn, giống như ở các nhà sư tọa thiền. Bác sĩ hỏi tại sao vậy, Suzuki trả lời: “Đó là một thói quen”.

Trong quyển “Early Memories”, Suzuki đã nhắc đến câu truyện sơ ngộ với “thói quen” ấy. Một ông giáo của trường Suzuki học lúc nhỏ là một pháp tử của Kosen lmagita Roshi. Một hôm, nhà mô phạm ấy, lúc đó đã già, tặng cho chú nhỏ Suzuki một bản sao sách Hakuin’s Orategama (hiện nay đã được Tiến sĩ Shaw dịch ra Anh văn dưới nhan đề  “The Embossed Tea-Kettle” (Cái Ấm Chè Điêu Khắc). Vì muốn hiểu rõ hơn ý nghĩa của sách, Suzuki quyết định đi tìm Thiền sư Setsumon ở cách đó khá xa. Nhắc lại việc này, Đại sư Suzuki viết: “Tôi tới bái yết Thiền sư mà không được một lời giới thiệu của ai cả, nhưng các vị tăng ở chùa sẵn lòng thâu nhận tôi ngay. Các vị nói với tôi rằng Thiền sư đi vắng, tuy nhiên tôi có thể tập tọa thiền trong một phòng của chùa nếu tôi muốn. Các vị dạy tôi cách ngồi, cách thở, rồi bỏ tôi ngồi một mình sau khi dạy tôi cứ thế mà tiếp tục. Sau một đôi ngày, Thiền sư trở về, họ đưa tôi đến yết kiến Ngài. Thuở ấy tôi thật tình không biết gì về Thiền và không có một ý niệm gì về nghi thức của nhà Thiền. Họ chỉ dặn tôi ra bái yết Thiền sư và tôi tuân lời, mang theo bản sao sách Orategama.

“Tập sách này được bố cục bằng một văn phạm giản dị, nhưng có vài danh từ khó về Thiền tông mà tôi không hiểu được, nên tôi nhờ Thiền sư cắt nghĩa. Ngài tỏ ra giận dữ và nói với tôi: “Sao ngươi lại hỏi ta những điều ngu xuẩn như thế?” Tôi bị đuổi về phòng không được một lời chỉ giáo nào khác hơn là lịnh tiếp tục ngồi kiết già…”

Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với Đại sư Suzuki là tháng 8 năm 1950. Khi được Nyngen Senzaki, một đệ tử của Soyen Shaku cho biết là tôi đang có mặt tại California, Đại sư bèn gọi tôi đến và tôi đã gặp Đại sư vào một buổi xế chiều. Một điều làm cho cả Đại sư và ngài Nyngen Senzaki lưu tâm đặc biệt là việc Sư Sokei-an (Tào Khê Am) liễu đạo bất ngờ vào năm 1945. Mặc dầu Sư lúc ấy đã 63 tuổi, Suzuki và Senzaki vẫn tỏ ý tiếc rằng sư đã qua đời quá sớm.

Đến mùa thu năm ấy, Suzuki đến Nữu Ước và tại đây, Ô. Lawrence B. Chrow đã sắp đặt cho Đại sư có dịp diễn thuyết 12 lần ở Church Peace Union, nhờ sự trung gian của Ô. Atkinson cầm đầu tổ chức ấy. Nhơn tiện cũng nên biết rằng đây là nhóm Cơ đốc ở Hoa kỳ lần đầu tiên đã đón tiếp một diễn thuyết gia của Phật giáo. Một nhóm khác, thuộc phái Quaker ở Pendle Hill, tiểu bang Pensylvania, cũng đã tỏ vẻ để ý đến Đại sư Suzuki và những người Phật tử khác từ Nhật Bản đến.

Nhờ có buổi diễn thuyết của Đại sư kéo dài đến ngày 13-1-1951 mà tập hợp được một số thính giả để về sau tổ chức một cuộc hội thảo tại Đại học đường Columbia. Đây là tiểu tổ đầu tiên cho công việc phổ biến Thiền tông từ hàng thượng lưu trí thức (bác sĩ thần kinh học, nghệ thuật gia, văn sĩ, tư tưởng gia) đến hàng “tân hiện sinh” (beatniks) và sinh viên. Tôi có dự thính vài buổi thuyết trình tại Đại học đường Columbia, và đề tài chính vẫn là đề tài mà Đại sư Suzuki đã thuyết trình, vào lần thứ hai, cho Thiên Hoàng nghe hồi năm 1946, tức là vấn đề: “Yếu lý Phật giáo”.

Đại sư nóỉ: “Lâu đài nguy nga của Phật giáo được xây dựng trên hai trụ cột căn bản: Đại Trí, hay Bát Nhã ba la mật (Maha Prajna), và Đại Bi (Maha Karuna).” Những lời sau đây mà Đại sư đã tâu lên Thiên Hoàng có thể làm cho các thính giả Tây phương hiểu được phần tinh yếu của cái mà Đại sư muốn nhắn gửi đến họ:
“Cứu cánh của triết lý Đạo Phật là phải đạt đến quan niệm “sự sự vô ngại” của Hoa Nghiêm tông. Theo tôi hỉểu, đó là  mức độ cao nhất của tư tưởng Đông phương mà trí huệ của người Phật tử phải đạt đến, và đó cũng là phần đóng góp của nước Nhật cho nền triết học thế giới.” (Bà Sasaki có viết một toát yếu về lý thuyết nói trên trong một tập sách nhỏ nhan đề “Zen, a Religion” (Thiền, một Tôn giáo).

Trong sáu năm tiếp theo đó Suzuki đã trở thành một danh nhân thế giới, hình ảnh được đăng trên các báo và được báo Time tán dương. Con người vóc bé nhỏ, mang pháp hiệu “Daisetz” (Đại khiêm tốn), đã thu hút được óc tưởng tượng của người phương Tây, làm cho họ cảm thấy nơi Đại sư sự thể hiện hình ảnh một vị Thiền sư mà Suzuki đã gắng tạo ra trong tâm trí họ.

Tạp chí The Sciences, xuất bản tháng ba năm 1966 đã thuật cách Đại sư hành thiền và câu truyện được công chúng thừa nhận.
Sau đây một đoạn bài báo của The Sciences:
“Trạng thái tâm thức mà các nhà huyền bí gọi là Thiền định, tánh chất nó như thế nào? Trạng thái ấy khác với trạng thái tỉnh giấc hay ngủ mê ra sao?
“Sự thâm hiểu các dị biệt ấy có thể trình bày nương vào một giai thoại sau đây về Đại sư Suzuki. Năm 86 tuổi, Đại sư có dự thính một buổi diễn thuyết về Thiền và Phân tâm học. Trong một đoạn quá đặc biệt kéo dài, Đại sư ngồi yên lặng, đôi mắt nhắm lại, xem vẻ như đã ngủ. Đột nhiên, một ngọn gió nhẹ thổi qua, làm các tờ giấy trên bàn bay lung tung xung quanh các người ngồi bên cạnh đang mở mắt tỉnh táo. Chớp nhoáng, tay Đại sư, đưa ra bắt các giấy ấy và đặt lại trên bàn cẩn thận, trong lúc các người ngồi cùng bàn không có một phản ứng nào kịp thời.”

Hiện nay, cái tài thiếp ngủ bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào của Đại sư Suzuki được nhiều người Nhật và một ít người nước khác chia sớt. Mặc dầu khả năng ấy được các nhà nghiên cứu mô tả như là “nhập định”, nó chắc có chỗ liên quan với một hiện tượng được Gay Gaer Luce và Julius Segai thuật lại trong một quyển sách gần đây tựa là “Sleep” (Giấc ngủ). Hai tác giả ấy đã tự hỏi phải chăng cái tài ngủ dễ dàng và tùy ý muốn ấy là một đặc ân trời ban cho ai nấy được. Họ còn nói rằng dân của bộ lạc man rợ Yahagans có thể thiếp ngủ dễ dàng, nhưng vẫn tỉnh táo để quan sát. Những dân của bộ lạc ấy muốn ngủ là ngủ, nhưng cũng tỉnh giấc mau chóng. dễ dàng và tỉnh táo ngay. Mặc dầu ngủ, họ như tuồng theo dõi các sự việc, để rồi khi thức tỉnh, họ tỏ ra hiểu biết tường tận tất cả những gì đã xảy ra trong lúc họ ngủ.

Một giai thoại trong buổi diễn thuyết do Ô. Erich Fromm tổ chức tại Mễ tây cơ và về sau được ông viết lại trong quyển Zen and Psychoanalysis (Thiền và Phân tâm học), mà tôi thích thú rất nhiều đã được Ô. Albert M. Stunkard, Khoa trưởng Thần Kinh Học tại Đại học đường Pensylvania và là người đã học Thiền khá lâu, kể lại như sau. Có người hỏi ý kiến của Đại sư về xu hướng của con người muốn đi ngược dòng thời gian để trở thành đứa nhỏ ngồi trên đầu gối mẹ, rồi đứa bé ấy lại muốn nhỏ hơn nữa để nằm trong bụng mẹ như lúc còn trong thai. Theo lời thuật lại, Đại sư đã trả lời như sau: “Tôi đang tưởng đến con người mong trở thành một đứa nhỏ ngồi trên gối mẹ, rồi mong trở thành một hài nhi, và tôi đang tưởng đến đứa hài nhi mong được nằm trong lòng mẹ và tôi đang… Khoái thay cho hài nhi ấy!”

Từ tuổi tứ tuần, Suzuki đã nổi danh, nhưng ông chưa được lúc nào gọi là giàu có. Sống trong cảnh hàn vì từ lúc nhỏ, Suzuki đã phải nghỉ học một dạo vì không tiền trả học phí. Sau đó, nhờ một người anh giúp đỡ, ông đã đi học lại. Lúc ấy, trong một cuộc mạn đàm với hai người bạn thân, Kitaro Nishida và Yakichi Ataka, cả ba đều bàn tính đến tương lai. Nishida có tham vọng trở nên một nhà triết học (mộng này đã thực hiện và ông đã thành một nhà triết học danh tiếng), Suzuki thì muốn thành một văn sĩ, còn người bạn thứ ba thì muốn thành một nhà kinh doanh giàu có để giúp hai bạn kia. Trên thực tế, Yakichi Ataka đã giữ lời hứa. Trong bài tựa sách Essays đợt I, Suzuki đã tâm sự rằng việc xuất bản thành sách những tác phẩm đầu tiên này là nhờ sự tận tình ủng hộ về vật chất lẫn tinh thần của Yakichi Ataka ở Osaka, người bạn cố tri đã không quên lời hứa nửa thật nửa đùa của lúc thiếu thời, là ra đời, anh em giúp đỡ nhau.

Trong bài tựa ấy, Đại sư Suzuki đã cho mục đích của ông khi viết về Thiền như là một “cố gắng thô sơ để trình bày Thiền theo quan điểm thông thường của thế nhân và như một đạo thống trực tiếp của lòng tin Phật tử hợp với lời tuyên bố của đức Phật, hay đúng hơn, hợp với sự tu chứng của đức Phật. Tôi hy vọng đã thắng phục được một vài khó khăn thường làm cho chúng ta không thấu đáo được tư tưởng của Thiền tông. Tôi đã thành công đến mức độ nào hay đã thất bại hoàn toàn? Lẽ đương nhiên, xin để bạn đọc phê phán.”

Riêng tôi là người đã lãnh hội được phần nào tám mươi năm Thiền nghiệp của Suzuki, tôi nghĩ chỉ có thể đem lời của Zuigan Goto Roshi nói với Vanessa Coward để kết luận: “Ông đã dẫn nhiều người đến cửa”.

Tạp chí Từ Quang
(số 170-171 và 172 tháng 10, 11, 12-1966)

SHARE:

Trả lời