LỜI BẠT Của Một Người Đệ Tử Của Tây Sơn Đại Sư

SHARE:

GƯƠNG THIỀN

(Thiền Gia Quy Giám)

 Tây Sơn Đại Sư ( 1520 ~ 1604 ) Tào Khê Thối Ẩn thuật

 Thị Giới: dịch Việt – THIỆN TRI THỨC 2016

1. Lời Đầu Bản Dịch Tiếng Việt
2. Lời Đầu Bản Dịch Tiếng Anh – Hyon Gak Sunim
3. Lời Đầu Bản Dịch Tiếng Hàn – Boep Joeng Sunim
4. Lời Tựa Của Tây Sơn Đại Sư
5. GƯƠNG THIỀN (Thiền Gia Quy Giám)
6. LỜI BẠT Của Một Người Đệ Tử Của Tây Sơn Đại Sư
7. CHÚ THÍCH

LỜI BẠT

Của Một Người Đệ Tử Của Tây Sơn Đại Sư

Bản văn trên được viết do ngài Do-Eun (Thiền sư Tây Sơn), một vị Thiền sư sáng chói thuộc tông phái Choye của Phật Giáo Đại Hàn.

 

Than ôi! Phật Giáo Đại Hàn đã suy thoái trên 200 năm. Những vị lãnh đạo Thiền tông và những vị chuyên về kinh điển khoanh vùng trong những quan điểm riêng. Những vị chuyên về kinh điển khai triển một khẩu vị cho những sự việc nhỏ hơn, và những vị nầy thì rất nhiều. Các vị nầy không biết có một con đường có thể giác ngộ từ bên trong, không nương tựa vào năm thừa giáo.

 

Trong khi đó, những người chuyên thực hành thiền quán thì chỉ tin vào sự thanh tịnh nguyên sơ nên coi thường vai trò của tiệm tu. Họ thường coi nhẹ việc thực hiện sự toàn giác sau khi đốn ngộ. Những vị chỉ tập trung vào việc tu tập thiền quán có thể không chú ý đến tác dụng của việc thực hành nhiều pháp môn để cho diệu dụng của giác ngộ được thuần thục và hoàn hảo.

 

Vì những lý do đó, vai trò của Thiền và Giáo thường bị lẫn lộn, như vàng và cát hòa trộn. Kinh Viên Giác nói: “Có người nói rằng vì con người sinh ra đã có Phật Tánh, và đã hoàn hảo, do đó ‘không có vô minh, không có giác ngộ’ nên quên mất nhân quả. Đó là cái thấy sai lầm. Lại có người cho rằng đốn ngộ là ảo tưởng vì vô minh chỉ được vượt qua bằng việc tu tập từ từ, do đó không nhìn thấy bản tánh chân thật không thay đổi của chính mình. Đây cũng là cái thấy sai lầm.”

 

Thật là nguy hiểm!

 

Vì sao truyền đạo lý nầy một cách đúng đắn rất khó khăn?

 

Truyền thống của chúng ta đang trên đường đi xuống như treo vạn cân trên một sợi tóc giữa hư không khi vị Lão Sư của chúng tôi ngồi viết tác phẩm nầy. Ngài dùng mọi thời gian rãnh rỗi trong mười năm chăn trâu ở núi Tây Sơn để kết tập. Ngài nghiền ngẫm năm mươi bộ Kinh và những sớ giải liên quan, và chỉ ghi xuống những giòng rõ ràng nhất và căn bản nhất mà ngài tìm thấy. Rồi ngài trực tiếp dạy cho chúng tôi, những đệ tử của ngài, cho chúng tôi thấy lòng thương yêu của một người chăn cừu đối với đàn cừu: Với lòng lân mẫn, ngài dạy ít lại cho những người vượt quá và thúc đẩy những người lười biếng và không theo kịp. Tất cả những việc làm đó của ngài chỉ với mục đích đưa họ đến cửa đại ngộ.

 

Tuy nhiên, đệ tử của ngài quá đần độn, cảm thấy khó khăn với những thời Pháp cao siêu khó hiểu của ngài. Do đó, vị Lão Sư cảm thương, thêm phần chú giải vào mỗi câu và sắp xếp theo thứ tự. Kết quả là tất cả các câu được nối lại thành một xâu, và máu huyết bắt đầu lưu thông, đem giáo lý sống động đến cho những người đệ tử nầy.

 

Bản văn chứa đựng tinh túy của tám mươi bốn ngàn bộ kinh và cốt tủy của năm phái Thiền. Mỗi chữ đều mở bày chân lý, mỗi câu đều phù hợp với giáo pháp mà ngài muốn chỉ bày. Học hỏi bản văn, người quá độ sẽ tìm thấy sự tiết điệu, người bị đình trệ sẽ vượt qua. Bản văn nầy quả thật là một tấm gương cho cả Thiền cũng như Giáo, một món thuốc rất hiệu nghiệm để đạt được hiểu biết chân chính và tác dụng của sự hiểu biết đó cho sự đốn ngộ cũng như việc tiệm tu.

 

Chúng ta nên biết rằng vị Lão Sư đã luôn luôn thận trọng tối đa khi nói về những vấn đề trong tác phẩm nầy. Giống như bước đi trên một lưỡi dao bén, ngài lo rằng chỉ một chữ hay nửa câu cũng có thể đưa đến hậu quả trong một bản văn như bản văn nầy. Vì vậy lưu hành rộng rãi hay vinh danh bản văn có thể là việc ngài muốn. Trong số những đệ tử của ngài, Thiền Sư Baek Un Bo Won sao chép và Đại Sư Byeok Chon Ui Cheon hiệu đính. Sau đó, những đệ tử khác như Đại Sư Jeong Wong, Đại Sư Dae Sang và Cheong Ha Boep Yung cung kính lễ bái và tán dương tác phẩm nầy là một tác phẩm không gì sánh. Cùng với sáu bảy vị tăng khác, họ quyên được đủ tiền khắc bản gỗ để lưu hành về sau. Bản văn được phổ biến rộng rãi để trả ơn phần nào cho lòng từ bi lớn lao trong việc giáo hóa khai ngộ của ngài.

 

Chân lý thâm sâu của đức Phật và giáo pháp vi tế của chư Tổ giống như biển lớn: Nếu muốn tìm viên ngọc quý giá trong miệng rồng lớn dưới đáy biển, thì phải vào biền lúc mặt đại dương như thế nào? Và cái gì sẽ giúp cho sự tìm kiếm? Nếu không có những phương tiện để di chuyển dưới biển giống như đi trên đất một cách tự tại thì không thể nào thực hiện ngoài việc ngồi trên bờ mà kêu oán.

 

Do đó sự thành tựu của vị Thầy chúng ta trong việc chọn lựa tinh túy của các lời dạy, và lòng từ bi của ngài trong việc khai ngộ chúng ta cao như núi và sâu như biển. Dù có nghiền xương cả ngàn lần, lấy thân mạng để đền đáp vạn lần cũng không thể đền đáp một chút xíu lòng từ mẫn bao la mà ngài đã ban cho chúng ta.

 

Chỉ đừng kinh nghi khi nghe và thấy những lời dạy nầy. Nếu đọc với lòng tôn kính và coi nó như kho tàng của mình, bản văn nầy sẽ trở thành một nguồn sáng dẫn đường, chẳng những cho đời nầy mà còn cho đời sau, đời sau nữa.

 

Những lời nầy được viết vào mùa Xuân niên hiệu Gimyo trều đại Manryeok (1579)

 

Tỳ kheo Yu Jeong, thuộc tông phái Choye Phật giáo Đại Hàn, kính lạy những lời dạy cốt tủy nầy được truyền từ Bổn Sư của chúng tôi, với lòng khiêm cung xin dâng những lời cuối cùng nầy.

 

SHARE:

Để lại một bình luận