18 – TRÙNG TRÙNG DUYÊN KHỞI

SHARE:

Như toàn bộ Phật giáo, Kinh Hoa Nghiêm cũng đặt nền trên duyên khởi:

“Tất cả các pháp nhân duyên sanh
Thể tánh chẳng có cũng chẳng không
Ở nơi nhân duyên và sanh khởi
Trong đó đều trọn không chấp trước.
Không có pháp sắc, pháp vô sắc
Cũng không pháp tưởng, pháp vô tưởng
Pháp có pháp không thảy đều Không
Rõ biết tất cả vô sở đắc.

Bồ-tát chẳng hoại một pháp nào
Cũng chẳng diệt hoại tánh các pháp
Hiểu rõ các pháp như bóng, vang
Đối với tất cả đều vô trước”.
(Phẩm Thập hồi hướng, thứ 25).

Duyên khởi của Hoa Nghiêm không chỉ là: duyên khởi nên là Không; mà: vì tánh Không nên có duyên khởi. Duyên khởi là duyên khởi từ tánh Không và của tánh Không. Không chỉ là: vì sắc vô tự tánh nên quy kết sắc về tánh Không (sắc tức là Không); mà còn là: tánh Không là nền tảng để có duyên khởi, nên sắc tuy khởi mà vô tự tánh (Không tức là sắc).

Thế nên duyên khởi của Hoa Nghiêm là một thế giới sống động và đa dạng phi thường. Đó là một ý nghĩa của trùng trùng duyên khởi. Trùng trùng duyên khởi vì là duyên khởi từ tánh Không và của tánh Không.

Các pháp duyên khởi từ trong tánh Không và quang minh nên duyên sanh mà là tánh Không, động mà bất động, sanh mà vô sanh:

“Các pháp không đâu đến
Cũng không có tác giả
Cũng không từ đâu sanh
Thức chẳng thể phân biệt.
Tất cả pháp không đến
Vì thế nên không sanh
Vì là không có sanh
Nên cũng không có diệt.
Tất cả pháp vô sanh
Tất cả pháp vô diệt
Nếu biết được như vậy
Người này thấy được Phật.
Vì các pháp vô sanh
Nên không có tự tánh
Phân biệt biết như vậy
Người này đạt thâm nghĩa”.
(Phẩm Dạ-ma cung kệ tán, thứ 20).

Như đã nói ở trước, kinh Hoa Nghiêm là tánh khởi. Như thế có nghĩa là pháp giới Hoa Nghiêm từ tánh Không đồng nhất với quang minh mà khởi. Từ tánh Không mà khởi nên vô sanh, vô ngại và như huyễn.

Khi duyên khởi là từ và trong tánh Không, mà tánh Không thì tự do vô ngại nên duyên khởi ở đây cũng tự do vô ngại. Nếu duyên khởi theo cái nhìn bình thường là duyên khởi theo tuyến tính, A duyên khởi ra B, B duyên khởi ra C…, thì duyên khởi ở đây là duyên khởi nhiều chiều, theo tất cả mọi chiều, duyên khởi lẫn nhau, tương tác lẫn nhau. A duyên khởi tương tác với B, C, D… cho đến vô tận, đồng thời B, C, D, E… cũng duyên khởi tương tác ngược lại với A. Sự duyên khởi này không có ngăn ngại nào cả (vì đều là tánh Không, vô tự tánh), nghĩa là không ngăn ngại bởi thời gian và không gian, do đó duyên khởi là đồng thời, đồng khởi ở khắp cả.

Khi tất cả các pháp vô ngại với nhau, chúng hiển bày một pháp giới sự sự vô ngại, hay trùng trùng duyên khởi, nhiếp nhập lẫn nhau:

“Tất cả cõi nước vào một cõi nước, một cõi nước vào tất cả cõi nước. Vô lượng cõi Phật đều thanh tịnh khắp”. (Phẩm Thập địa, thứ 26).

Sự vô tự tánh, cùng có mặt trong sự phụ thuộc lẫn nhau, một phụ thuộc vào tất cả, tất cả phụ thuộc vào một, một có mặt nơi tất cả, tất cả có mặt nơi một, đây là pháp giới sự sự vô ngại.

“Biết rằng do một nên có nhiều
Và có một bởi vì có nhiều
Tất cả các pháp không chỗ trụ
Chỉ do hòa hợp mà sanh khởi”.
(Phẩm Tu-di đảnh kệ tán, thứ 14).

Pháp thân tánh Không vô ngại này ứng hiện ra tất cả sắc tướng như gương hiện bóng, bóng ấy cũng vô tự tánh như tánh Không, do đó, các bóng vô ngại và phản chiếu lẫn nhau. Bóng và gương bình đẳng là vô tự tánh, Ứng thân hay Hóa thân bình đẳng với Pháp thân vô sanh và vô tác:

“Pháp thân đồng hư không
Vô ngại, vô sai biệt
Sắc hình, bóng phản chiếu
Vô số tướng biểu hiện.
Ảnh phản chiếu không chỗ
Vô tánh như hư không
Người trí huệ rộng lớn
Rõ thấu tánh bình đẳng.
Thân Phật không thể nắm
Vô sanh cũng vô tác
Ứng vật khắp hiện tiền
Bình đẳng như hư không”.
(Phẩm Như Lai hiện tướng, thứ 2).

Tánh Không cũng là quang minh, bất khả phân với quang minh. Duyên khởi từ và trong quang minh nên sự vật được gọi là “ảnh hiện”:

“Hoặc dùng ức cõi nước
Trang nghiêm nơi một cõi
Những hình tướng chẳng đồng
Đều như bóng ảnh hiện.
Bất khả thuyết cõi nước
Trang nghiêm nơi một cõi
Mỗi vật phóng quang minh
Do nguyện lực của Phật.


Phật phóng đại quang minh
Đầy Hóa Phật trong đó
Quang minh chiếu mọi nơi
Khắp cùng cả pháp giới”.
(Phẩm Hoa tạng thế giới, thứ 5).

Kinh thường lấy thí dụ tấm gương, ngọc ma-ni chiếu ra năm màu, lưới ngọc của trời Đế Thích, mặt trời mặt trăng hiện bóng trong nước… để làm rõ sự ảnh hiện, phản chiếu này. Lưới trời Đế Thích là một màn lưới làm bằng vô số viên ngọc. Vì ngọc thì trong suốt nên chúng phản chiếu lẫn nhau. Hãy tưởng tượng vũ trụ này là màn lưới ngọc ấy và mỗi vi trần là môt viên ngọc sáng như gương. Khi đứng trước vũ trụ làm bằng những vi trần ngọc sáng như gương ấy, hình ảnh của chúng ta hiện bóng khắp trong mỗi vi trần gương ngọc, và mỗi vi trần gương ngọc lại phản chiếu lẫn nhau, thành ra một thế giới trùng trùng ảnh hiện.

Một hạt ngọc vi trần chứa tất cả hạt ngọc. Tất cả hạt ngọc phản chiếu trong một hạt ngọc. Mỗi hạt ngọc gương nhân lên với tất cả hạt ngọc gương, bóng ảnh nhân lên với tất cả bóng ảnh, và lại tái nhân lên (trùng trùng) cho đến vô tận.

Đứng trước pháp giới lưới ngọc như vậy, người ta có thể hiểu câu nói, “Tất cả là một, một là tất cả”.

Sự tái phản chiếu trùng trùng này là duyên khởi, nhưng duyên khởi đồng thời, đồng hiện, nghĩa là không có thời gian, bất động, không có tướng đến và đi:

“Như Lai thanh tịnh diệu Pháp thân
Tất cả ba cõi không gì sánh
Vì ngoài đường ngôn ngữ thế gian

Bởi vì phi hữu, phi vô vậy.

Dầu không chỗ y mà ở khắp
Dầu đến tất cả mà không đi
Như vẽ trong không, cảnh trong mộng
Phải quán thân Phật là như vậy”.
(Phẩm Nhập pháp giới, thứ 39)

Sự phản chiếu trùng trùng này không chỉ đối với sự vật, với không gian mà cũng với thời gian (ba đời trong một niệm) và không gian phản chiếu trong thời gian, thời gian phản chiếu trong không gian:

“Vô lượng kiếp nhập vào một kiếp
Hoặc một kiếp nhập vào nhiều kiếp
Khác biệt của tất cả biển kiếp
Hiện rõ trong cõi nước mười phương.
Sự trang nghiêm của tất cả các kiếp
Ở trong một kiếp đều hiện thấy
Hoặc sự trang nghiêm của một kiếp
Vào khắp tất cả vô biên kiếp”.
(Phẩm Thế giới thành tựu, thứ 4).

Duyên khởi trong kinh Hoa Nghiêm là duyên khởi trong pháp tánh vô ngại, nên duyên khởi của một sự là duyên khởi của tất cả và tất cả duyên khởi trong một sự. Pháp giới là vô ngại nên duyên khởi là đồng khởi, đồng thời và đồng hiện.

Kinh Hoa Nghiêm không chỉ nói đến sự vô tự tánh, bất khả đắc, vô sở hữu của tánh Không, mà chủ yếu là nói đến sự xuất hiện trên và trong nền tảng tánh Không ấy, đây là thế giới Diệu Hữu, hay pháp giới trùng trùng vô tận. Thế giới Diệu Hữu ấy, pháp giới vô ngại trùng trùng vô tận ấy chính là giải thoát vì không có thời gian (đồng thời) và không có không gian (đồng hiện).

Trong pháp giới vô ngại như vậy, mỗi một sự vật phản chiếu tất cả mọi sự vật khác, mỗi một sự vật có đủ mọi sự vật khác. Như thế, mỗi một sự vật là trọn vẹn, hoàn hảo, viên mãn. Sự hoàn hảo, viên mãn này có ở khắp nơi chốn, khắp mọi thời gian. Đây là sự viên mãn bình đẳng khắp của pháp giới Hoa Nghiêm.

“Trong một vi trần nhiều biển cõi
Chỗ nơi riêng khác đều nghiêm tịnh
Vô lượng như vậy vào một cõi
Mỗi mỗi khác nhau không xen tạp.
Trong mỗi vi trần vô lượng Phật

Tùy tâm chúng sanh khắp hiện tiền
Tất cả cõi nước đều cùng khắp
Phương tiện như vậy không sai biệt.
Trong mỗi trần những cội Bồ-đề
Nhiều thứ trang nghiêm đều thòng rủ
Mười phương cõi nước đều đồng hiện
Tất cả như vậy không sai biệt”.
(Phẩm Thế giới thành tựu, thứ 4).

Như vậy vũ trụ là pháp giới viên dung vô ngại. Viên là tròn vẹn, viên mãn của mỗi một vi trần. Dung là dung thông, dung chứa. Sự viên mãn của một vi trần dung thông, dung chứa sự viên mãn của tất cả mọi vi trần khác, nghĩa là dung chứa toàn bộ vũ trụ một cách không ngăn ngại.

Sự trọn vẹn, viên mãn của mỗi vi trần, mỗi sự vật chính là sự trang nghiêm, sự thiêng liêng của vi trần, sự vật ấy. Đây cũng là một trong những ý nghĩa của tên kinh Hoa Nghiêm: thế giới là sự trang nghiêm, sự thiêng liêng do được trang hoàng bằng những vi trần và những sự vật viên mãn tượng trưng là những đóa hoa. Sự trang nghiêm, thiêng liêng ấy là trùng trùng vô tận “như lưới báu của Thiên đế”:

“Những cõi rộng lớn ở mười phương
Đều hiện vào trong thế giới này
Dầu thấy mười phương hiện trong đây
Mà thật không vào cũng không đến.
Một hệ thế giới vào tất cả
Tất cả vào một cũng không thừa
Thể, tướng như cũ không đổi khác
Vô đẳng, vô lượng đều cùng khắp.
Trong vi trần của tất cả cõi
Đều thấy Như Lai hiện trong đó”.
(Phẩm Hoa tạng thế giới, thứ 5).

Trong pháp giới viên dung vô ngại và trùng trùng ảnh hiện như vậy, nếu ở thế giới nào có người đưa lên một cái hoa, thì vì tính cách viên dung vô ngại của pháp giới, cái hoa ấy đồng thời đồng hiện ở tất cả các thế giới. Thế nên kinh nói, “Có thể dùng một bông hoa để trang nghiêm tất cả thế giới mười phương”. (Phẩm Thập hồi hướng, thứ 25).

Pháp giới Hoa Nghiêm ấy đang hiện hữu ngay trong khoảnh khắc hiện tại trước mắt chúng ta. Tất cả kinh Hoa Nghiêm với tất cả những pháp tu đều chỉ có mục đích đưa chúng ta nhập vào khoảnh khắc hiện tại ấy. Pháp giới Hoa Nghiêm hiện hữu trong khoảnh khắc hiện tại vì nó vốn ở nơi tâm chúng ta:

“Như tâm, Phật cũng vậy
Như Phật, chúng sanh đồng
Phải biết Phật cùng tâm
Cả ba không sai khác”.
(Phẩm Dạ-ma cung kệ tán, thứ 20).

Và nó luôn luôn sẵn đủ nơi chúng ta:

“Trí huệ Như Lai không chỗ nào là chẳng đến. Không một chúng sanh nào mà chẳng có đủ trí huệ Như Lai, chỉ do vọng tưởng điên đảo chấp trước nên không chứng được. Nếu lìa vọng tưởng thì nhất thiết trí, tự nhiên trí, vô ngại trí liền hiện tiền”. (Phẩm Như Lai xuất hiện, thứ 37).

Khi tương ưng được phần nào với Tâm Phật ấy, chúng ta bắt đầu thấy lời kinh Nhật tụng trở thành hiện thực:

“Con trong đạo tràng như lưới ngọc
Mười phương chư Phật ảnh hiện trong
Thân con ảnh hiện trước chư Phật
Đầu mặt dưới chân quy mạng lễ”.

SHARE:

Trả lời