Thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như thế

SHARE:


BÁT NHÃ TÂM KINH THIỀN GIẢI
ĐƯƠNG ĐẠO
IN LẦN THỨ NHẤT 1981
IN LẦN THỨ HAI NXB. THIỆN TRI THỨC 2002

1. DẪN NHẬP
2. MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH
3. HÀNH GIẢI
4. Ma Ha
5. Bát-nhã Ba-la-mật-đa
6. Tâm Kinh
7. Quán Tự Tại Bồ-tát
8. Khi hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa
9. Chiếu kiến năm uẩn đều Không
10. Vượt qua mọi khổ ách
11. Xá-lợi Tử!
12. Không chẳng khác sắc
13. Sắc tức là Không, Không tức là sắc
14. Thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như thế
15. Xá-lợi Tử! Thế nên mọi pháp là Không tướng, không sanh không diệt, không cấu không tịnh, không tăng không giảm.
16. Thế nên trong Không, không có sắc, không có thọ tưởng hành thức, không có mắt tai mũi lưỡi thân ý, không có sắc thanh hương vị xúc pháp, không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới, không có vô minh, cũng không có hết vô minh, cho đến không có lão tử, cũng không có hết lão tử, không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo, không có trí huệ cũng không có chứng đắc.
17. Do vô sở đắc, Bồ-tát y vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa, tâm vô quái ngại, do vô quái ngại không mọi điên đảo, rời xa mọi điên đảo mộng tưởng, rốt ráo Niết-bàn
18. Ba đời chư Phật, do y vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa, đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác
19. Thế nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa là đại thần chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú, hay trừ tất cả khổ, chân thật bất hư
20. Nên thuyết Bát-nhã Ba-la-mật-đa chú, tức thuyết chú rằng Gaté gaté, paragaté, parasam-gaté, Bodhi svaha

Thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như thế

1. Thọ tưởng hành thức lại cũng như sắc, không có tự tánh, rỗng không, đều tức là Không. Chúng có mà không thật có nên là Giả huyễn. Cuối cùng sắc thọ tưởng hành thức là sắc thọ tưởng hành thức Như, đó là Trung Đạo đệ nhất nghĩa.

2. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Một tinh minh chia làm sáu phần hòa hiệp.” Tinh minh là Tự Tánh Chân Không Như Lai Tạng. Sáu phần hòa hiệp là sáu căn, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Tinh minh là thể, sáu căn là dụng. Thể vốn là Chân Không Như Lai Tạng, nên dụng là sáu căn cũng là Chân Không Như Lai Tạng. Không những sáu căn mà sáu trần cũng là Như Lai Tạng. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Như Lai Tạng “phi” tất cả mà cũng “tức” tất cả.” Lại nói: “Một căn đạt viên thông, sáu căn đều có thể dùng lẫn nhau.” Nghĩa là khi một dụng đã trở về thể Chân Không thì năm dụng kia đều cùng về và trở thành diệu dụng của thể Chân Không.

Cho nên một khi đạt đến Tự Tánh Chân Không Như Lai Tạng thì tất cả đều biến thành Như Lai Tạng, vũ trụ trở thành pháp giới, sanh tử trở thành Niết-bàn, sáu căn thanh tịnh, sáu trần, sáu thức thanh tịnh, từ một thế giới cho đến tất cả thế giới đều thanh tịnh.

3. Một nhà sư đến Tổ Quy Sơn. Tổ hỏi: “Ông tên gì?”
Nhà sư đáp: “Dạ tên Quy Chân.”
Tổ hỏi: “Quy Chân ở đâu?” (ý nói Chân Tâm ở đâu?)
Sư không đáp được, bèn xuống núi thì gặp Ngưỡng Sơn đang chăn bò ở đó, Ngưỡng Sơn hỏi lý do sao lại xuống núi mau thế. Nhà sư kể lại
Ngưỡng Sơn bèn nói: “Ông hãy lên núi lại, trả lời Tổ rằng: Ở trong mắt, trong tai, trong mũi, trong lưỡi.”
Nhà sư lên nói lại với Tổ như thế.
Tổ Quy Sơn bảo rằng: “Đây chẳng phải là lời của ông đâu, mà là lời của vị Thiện tri thức của năm trăm học chúng.”

* Có vị Tăng hỏi Thiền sư Quy Tĩnh về công án “Cây bách trước sân” của ngài Triệu Châu.
Thiền sư bảo: “Ta chẳng tiếc nói với người, chỉ sợ người không tin.”
Đáp: “Con đâu dám không tin lời Hòa thượng.”
Thiền sư bảo: “Ngươi nghe giọt mưa rơi trước thềm chăng?”
Vị tăng ấy hoát nhiên bất giác thốt lên tiếng: “Chao ôi!”
Thiền sư hỏi: “Ngươi thấy đạo lý gì?”
Tăng làm bài kệ. Thiền sư chấp nhận.

Chuyện này nhắc chúng ta nhớ đến chuyện một vị tăng hỏi một Thiền sư: “Thế nào là một giọt nước của Tào Khê?”
Thiền sư đáp: “Một giọt nước của Tào Khê là một giọt nước của Tào Khê.”
Ngay đây, vị tăng tỉnh ngộ.

* Khi Đức Phật giác ngộ dưới gốc Bồ-đề, Ngài thốt lên: “Đâu ngờ chúng sanh xưa nay vốn đã thành Phật.” (vốn có tri kiến của Như Lai.)

4. Đối với người thường, thấy sắc có khởi sanh rồi cho là có sắc diệt. Thấy có thức khởi lên rồi cho là có thức diệt. Vì thấy có sanh diệt như thế, rồi chạy theo sanh diệt ấy mà trôi lăn trong sanh tử.

Đối với người tu học Bát-nhã, không thấy có sắc khởi sanh, không thấy có sắc tiêu diệt, không thấy có thức sanh rồi diệt. Vì không thấy sanh diệt nên không theo sanh diệt đó mà chìm trong sanh tử. Khi thấy sắc, biết sắc là Không, tâm không nhiễm ô, tâm thức chẳng nhiễm ô thì tâm đó là Tự Tâm. Thức không vọng khởi thì toàn thức là Tánh. Ngài Mã Tổ nói: “Đạo không cần tu tập, chỉ cốt đừng ô nhiễm.”

Khi cảm thọ, biết thọ là Không. Thọ đã là Không thì mọi âm thanh sắc tướng đều lưu xuất từ Như Lai Tạng, mọi tiếng đều là tiếng Phật, mọi sắc đều là sắc Phật.

Đối cảnh hay không đối cảnh, vọng tưởng phân biệt không khởi. Vọng tưởng không khởi là Tâm vô niệm. Tâm vô niệm là Trí Bát-nhã, thường tịch diệt mà thường sáng soi, toàn khắp Pháp giới như gương lớn hiện muôn ngàn cảnh tượng. Trí Huệ đó, Duy Thức gọi là Đại Viên Cảnh Trí, tấm gương vô hạn hàm chứa mọi thế giới, mọi thánh phàm, mà không ô nhiễm vì mọi hình sắc đều như có như không.

Bài kệ ngộ đạo của tú tài Trương Chuyết:

“Quang minh tịch chiếu khắp hà sa.
Phàm thánh hàm linh chung một nhà
Một niệm không sanh toàn thể hiện
Sáu căn vừa động bị mây mờ
Đoạn trừ vọng tưởng càng tăng bệnh
Quy hướng Chân Như cũng là tà
Tùy thuận thế duyên, không chướng ngại
Niết-bàn sanh tử thảy không hoa”

Mọi chuyển động của tâm thức, dù nhỏ nhiệm đến đâu đều là hành. Chuyển động là sanh diệt. Tánh và tướng của hành là Không, như hoa đốm giữa trời. Như thế đang khi sanh tức chẳng sanh. Ở trong cái vắng lặng không sanh đó, tức là Niết-bàn tịch diệt hiện tiền.

Thức là gốc rễ sâu thẳm của mọi vô minh nơi con người. Thức phân biệt là sanh tử, thức không phân biệt thì toàn thức là Niết-bàn diệu tâm. Biết thức là Không, khi khởi thì như huyễn, biết mọi pháp có ra là do thức khởi động, thức không khởi động theo chiều hướng phân biệt chia cắt thì pháp giới tịch tịnh. Biết như thế, sáu căn, sáu trần, sáu thức đều như huyễn. Như huyễn vì do thức, đó là quán Giả, một trong ba pháp quán của Đại thừa.

Tóm lại, khi thấy sắc, không khởi sắc tưởng, khi thức khởi biết đó là hư vọng, tâm quá khứ, tâm hiện tại, tâm vị lai đều là bất khả đắc. Trong mọi thời sắc thọ tưởng hành thức đều không khởi không diệt. Nếu năm uẩn khởi lên, biết đó là rỗng không, như huyễn. Tâm sanh thì tất cả pháp sanh, tâm diệt thì tất cả pháp diệt. Tâm không sanh diệt là Chân Tâm Không Tánh.

SHARE:

Trả lời