Thế nên trong Không, không có sắc, không có thọ tưởng hành thức, không có mắt tai mũi lưỡi thân ý, không có sắc thanh hương vị xúc pháp, không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới, không có vô minh, cũng không có hết vô minh, cho đến không có lão tử, cũng không có hết lão tử, không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo, không có trí huệ cũng không có chứng đắc.

SHARE:


BÁT NHÃ TÂM KINH THIỀN GIẢI
ĐƯƠNG ĐẠO
IN LẦN THỨ NHẤT 1981
IN LẦN THỨ HAI NXB. THIỆN TRI THỨC 2002

1. DẪN NHẬP
2. MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH
3. HÀNH GIẢI
4. Ma Ha
5. Bát-nhã Ba-la-mật-đa
6. Tâm Kinh
7. Quán Tự Tại Bồ-tát
8. Khi hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa
9. Chiếu kiến năm uẩn đều Không
10. Vượt qua mọi khổ ách
11. Xá-lợi Tử!
12. Không chẳng khác sắc
13. Sắc tức là Không, Không tức là sắc
14. Thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như thế
15. Xá-lợi Tử! Thế nên mọi pháp là Không tướng, không sanh không diệt, không cấu không tịnh, không tăng không giảm.
16. Thế nên trong Không, không có sắc, không có thọ tưởng hành thức, không có mắt tai mũi lưỡi thân ý, không có sắc thanh hương vị xúc pháp, không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới, không có vô minh, cũng không có hết vô minh, cho đến không có lão tử, cũng không có hết lão tử, không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo, không có trí huệ cũng không có chứng đắc.
17. Do vô sở đắc, Bồ-tát y vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa, tâm vô quái ngại, do vô quái ngại không mọi điên đảo, rời xa mọi điên đảo mộng tưởng, rốt ráo Niết-bàn
18. Ba đời chư Phật, do y vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa, đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác
19. Thế nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa là đại thần chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú, hay trừ tất cả khổ, chân thật bất hư
20. Nên thuyết Bát-nhã Ba-la-mật-đa chú, tức thuyết chú rằng Gaté gaté, paragaté, parasam-gaté, Bodhi svaha

Thế nên trong Không, không có sắc, không có thọ tưởng hành thức, không có mắt tai mũi lưỡi thân ý, không có sắc thanh hương vị xúc pháp, không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới, không có vô minh, cũng không có hết vô minh, cho đến không có lão tử, cũng không có hết lão tử, không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo, không có trí huệ cũng không có chứng đắc.

1. Sắc thọ tưởng hành thức rỗng không nên chúng tràn đầy một Tánh Không. Trong Tánh Không, năm uẩn rỗng không, không có tự tướng riêng, nên tràn đầy Tánh Không, không có tánh riêng nào khác ngoài Tánh Không. Tánh và tướng giả hợp của chúng là Không nên trong Tánh Không đó, hoàn toàn không có năm uẩn. Như những giọt nước trong biển cả, không thể nói có riêng hạt nước nào.

Các pháp sắc thọ tưởng hành thức do nhân duyên sanh nên giả hợp. Nhân duyên đã là Không nên chúng là huyễn hợp, huyễn sanh. Khi sanh do thức vọng động, không thật có sanh. Khi diệt là do thức vọng diệt, không thật có diệt. Nên trong cái không sanh không diệt ấy chưa từng có sắc thọ tưởng hành thức sanh ra, huống hồ là diệt mất.

Như trên, kinh đã nói, mọi pháp đều Không tướng. Không tướng là thể sáng chiếu cùng khắp, tột không ngằn mé, trong đó tất cả mọi tướng vọng tưởng đều tiêu vong, nên nói là không có sắc cho đến không có Niết-bàn. Trong Tánh Không, ánh sáng của Tánh Không, tức là cái Không Tướng, triệt tiêu tất cả mọi hình tướng. Ánh sáng vô phân biệt của tự tánh triệt tiêu tất cả mọi phân biệt của tâm, ý, ý thức nên toàn thể pháp giới đều rỗng rang, thanh tịnh bình đẳng một vị.

Nói đến sáu căn thì sáu căn là dụng của Tự Tánh Chân Không. Thể đã là Chân Không thì dụng là sáu căn cũng là Không, rỗng rang thấu suốt. Nên đứng trong năm ấm vô minh mà nhìn thì thấy có sáu căn riêng rẽ. Ở trong Tánh Không mà thấy thì sáu căn đồng là Tánh Không nên không có sáu căn. Đứng ngoài nhìn thì thấy có nước có sóng. Đứng trong biển cả thì chỉ có nước không có sóng.

Căn là Không, trần là Không. Biết là Không thì thức không còn chỗ trụ. Thức vô trụ thì đó là Tâm Không vốn vô niệm. Căn trần thức đều rỗng rang, vô tướng thì toàn mười tám giới đều rỗng rang, vô tướng, đều là hiện trường của Tánh Không. Trong hiện trường của Tánh Không, không có mười tám giới.

Cho đến không có vô minh cũng không có hết vô minh. Mười hai nhân duyên bắt đầu từ vô minh mà khởi. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Tự Tâm chấp lấy Tự Tâm, Phi huyễn biến thành pháp huyễn.” Đó là vô minh. Vô minh là không biết đệ nhất nghĩa đế là Không, nên ở trong Tánh Không như như bất động đó, lại chấp thủ Tướng Không, thành ra có các tướng ngã tướng pháp. Đã có ngã có pháp thành ra có căn thân và thế giới. Từ đó vòng nhân duyên vô minh liên tục. Ở trong Tánh Không thì không có ngã, không có pháp nên không có vô minh. Trong Tánh Không lập nên một tướng Không thì tướng Không đó cũng bất khả đắc. Cái chấp vào tướng Không đó tức là vô minh, cũng bất khả đắc. Vô minh không có, bởi đâu tiêu diệt vô minh?

Có Tứ Đế vì có sanh tử. Trong Tánh Không, ngã pháp đều Không, sanh tử nương vào đâu mà an lập? Không có sanh tử thì chẳng có sự diệt sanh tử, chẳng có con đường dẫn tới Niết-bàn. Niết-bàn là vọng tưởng của sanh tử, như là nói: “Sẽ có trái chín của hoa đốm giữa hư không.” Tánh Không vốn là Niết-bàn, còn nương chỗ nào để lập nên Niết-bàn nào khác. Trong kinh Lăng Nghiêm, ngài Phú-lâu-na hỏi Phật: “Tại sao trong tánh Chân Như Không Tịch bỗng dưng lại sanh ra núi sông trời đất?” Thật ra trong Tánh Không, hư không còn chẳng sanh ra huống chi là các thế giới ở trong hư không đó. Chẳng qua chỉ là vọng tưởng chập chùng của thức.

Toàn Bát-nhã là Tánh Không, trong Tánh Không, tìm Bát-nhã chỗ nào? Tánh Không tự vốn là Không tròn vẹn sáng suốt, bình đẳng một vị, trong đó lập nên tướng chứng đắc Không ở chỗ nào? Niết-bàn không tịch vốn toàn vẹn là Niết-bàn, bình đẳng một vị, châu biến pháp giới không chỗ nào là không có, trong đó hở sót khoảng nào để dựng lập tướng Niết-bàn? Trong biển cả, lấy nơi nào để dựng riêng tướng một hạt nước.

Trong hư không, lấy đầu gậy điểm một điểm giữa hư không, cho đó là chỗ trụ của hư không. Lập ra một điểm tựa, một chỗ trụ của hư không như thế là vọng lập. Điều đó không thể có. Đó là điên đảo. Trong Quê Hương bình tịnh một màu, vọng lập ra một trú xứ rồi gọi đó là quê nhà, quê nhà lập thành đó cũng là giả tưởng, chỗ nào mà chẳng phải Quê Hương.

Trong kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật nói với chàng Diễn-nhã: “Cái đầu ông xưa nay vẫn thế, không phải vì soi gương mà được, không phải vì cất gương đi mà mất. Cho nên mất đi hay tìm được đều là điên đảo, vì xưa giờ nó vẫn là ông.” Kinh Viên Giác nói: “Mới hay chúng sanh đã vốn thành Phật xưa nay.”

2. Sở dĩ có tất cả pháp vì có tất cả các danh. Có tất cả tướng vì có tất cả các thức phân biệt. Không có thức phân biệt, tức là không có vọng tưởng, thì toàn thể pháp giới chỉ là Chân Không như như bất động.

Trong Tánh Không rỗng lặng sáng soi chỉ có Tánh Không bình đẳng một vị, không có tướng ta, tướng người, tướng cảnh giới, tướng chứng đắc. Đó là Nhất Tâm của chư Phật. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Toàn cả tam giới chỉ là Nhất Tâm.”

Một cách phân biệt hơn, đứng trong ba pháp Quán: Không, Giả, Trung, nghĩa là ba phương diện của thực tại thì:

Không: Trong Tánh Không, ngã và pháp đều Không, tất cả ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ mệnh tướng đều rốt ráo rỗng rang và vắng lặng. Trong Tánh Không quách nhiên, tịch diệt sáng soi, không có năm uẩn, không có thân tâm tướng, cũng không có cảnh giới tướng, cũng không có thế giới được kết hợp bởi thân tâm và trần cảnh (nhãn giới … ý thức giới), không có sanh tử, không có pháp xuất thế gian là Khổ, Tập, Diệt, Đạo, cũng rốt ráo không có pháp xuất thế gian thượng thượng là Sáu Ba-la-mật của Bồ-tát Đạo, không có trí huệ cũng không có chứng đắc.

Tóm lại tất cả pháp đều vô sở hữu và bất khả đắc. Vô minh không có, tận diệt vô minh chỗ nào? Sanh tử không có, bao giờ chấm dứt sanh tử? Nói diệt vô minh, chấm dứt sanh tử chẳng khác nào ngồi đợi hoa đốm giữa hư không kết thành trái rụng xuống để nhặt. Pháp thế gian đã không có được, pháp xuất thế gian cũng không thành. Ví như có người muốn vất đi khỏi thân mình một bộ áo lông rùa sừng thỏ.

Đây là điều được Thiền sư Đạo Hạnh đời Lý viết trong bài kệ (bản dịch tương truyền của Huyền Trang, Tổ thứ ba phái Trúc Lâm):
“Tác hữu trần sa hữu
Vi không nhất thiết không
Hữu không như thủy nguyệt
Vật trước hữu không không.”

(Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không
Kìa trông bóng nguyệt dòng sông
Ai hay không có có không thế nào)

Giả: Đã là Không, làm sao có sắc? Nên biết sắc đó cũng không thật có trong Tánh Không. Sắc không phải thật có mà cũng không phải không trơn. Như thế, sắc là huyễn sắc: Sắc tức là Không nên sắc là Chân Không. Không tức là sắc nên sắc là huyễn sắc.

Tất cả pháp đều vô sở hữu, nên như huyễn như mộng, như bóng trong gương, như trăng dưới nước, như dợn nắng, như biến hóa, không thể lấy cũng không thể bỏ.

Trung: Tất cả mọi pháp đều Không tướng, đều là thực tướng của Chân Không. Nên khi sắc không phải sắc thì sắc là Chân Sắc.

Trong kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật dạy Như Lai Tạng chẳng phải là gì tất cả, “phi” tất cả. Tiếp liền, ngài chỉ Như Lai Tạng “tức” là tất cả. “Phi” tất cả tức là “Tức” tất cả. Phi tất cả đồng thời Tức tất cả. Phi tất cả là Chân Không. Tức tất cả là Diệu Hữu.

Cho nên trong Tánh Không Chân Không mà Diệu Hữu đó, tướng nào cũng là thực tướng, tướng nào cũng là Như Lai Tạng. Trong Nhất Tâm không gì không phải là Tâm. Trong Phật không gì không phải là Phật.

Kinh Viên Giác nói: “Tánh Viên Giác thanh tịnh sáng suốt đã hiện ra, nên tâm thanh tịnh. Do tâm thanh tịnh nên sáu thức thanh tịnh, do sáu thức thanh tịnh nên sáu căn thanh tịnh, do sáu căn thanh tịnh nên sáu trần thanh tịnh, do sáu trần thanh tịnh nên bốn đại, mười hai xứ, mười tám giới và hai mươi lăm loài đều thanh tịnh”

“Vì các pháp thế gian thanh tịnh cho nên tất cả các pháp xụất thế gian thanh tịnh. Vì các pháp thế gian và xuất thế gian đều thanh tịnh nên một người thanh tịnh, do một người thanh tịnh nên nhiều người thanh tịnh, cho đến mười phương chúng sanh đều thanh tịnh”

“Vì một thế giới đã thanh tịnh nên nhiều thế giới thanh tịnh. Nhiều thế giới đã thanh tịnh nên cùng tận mười phương hư không trùm khắp ba đời, tất cả đều thanh tịnh, bình đẳng không động. Vì tất cả đều là Viên Giác vậy.”

Một Thiền sư nói: “Ba mươi năm trước, khi chưa tu, thì núi là núi, sông là sông. Khi đang tu, núi không là núi, sông không là sông. Giờ thì thấy núi vẫn là núi, sông vẫn là sông.”

Quả thật, khi từ bỏ tất cả thì ngay đó lại được tất cả vậy. Từ bỏ cho đến cả không chứng đắc. Không đắc vì xưa vẫn thế nay vẫn thế, mai sau vẫn thế. Đức Phật ra đời hay không vẫn thế, có hành giả hay không hành giả vẫn thế. Xưa nay rốt ráo một tâm đồng. Không đắc thì xưa nay vẫn thế.

3. Có người hỏi Thiền sư Thạch Đầu: “Thế nào là giải thoát?”
Đáp: “Ai trói buộc ngươi?”
Hỏi: “Thế nào là Tịnh Độ?”
Đáp: “Cái gì làm dơ ngươi?”
Hỏi: “Thế nào là Niết-bàn?”
Đáp: “Ai đem sanh tử lại cho ngươi?”

Thạch Đầu nói chuyện với Dược Sơn: “Ta trong ấy mũi kim mảnh bụi không lọt vào.”
Dược Sơn: “Con trong ấy như trồng hoa trên đá”

Có người hỏi Tổ Triệu Châu: “Con chó có Phật tánh không?”
Tổ đáp: “Vô.”
Sau này Vô trở thành công án. Trong Vô Môn Quan, tác giả kể lại, sau sáu năm kiên trì tham chữ Vô, một hôm, thoát nhiên phá thấu được chữ Vô này, đại ngộ. Thiền sư làm ngay bài tụng:
“Vô Vô Vô Vô Vô
Vô Vô Vô Vô Vô
Vô Vô Vô Vô Vô
Vô Vô Vô Vô Vô”

Mã Tổ nói: “Chẳng phải Tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật.”

Ngài Huệ Năng: “Xưa nay không một vật. Chỗ nào lấm bụi trần?”
(Bổn lai vô nhất vật. Hà xứ nhạ trần ai)

Huệ Khả, sau khi chặt tay để cầu pháp, hỏi Tổ Đạt-ma: “Xin Thầy an tâm cho con.”
– “Đưa tâm ngươi đây ta an cho.”
Huệ Khả ngẫm nghĩ hồi lâu, bạch: “Đệ tử tìm tâm hết rồi, rốt ráo chẳng thể được.”
– “Như thế là ta đã an tâm cho ngươi rồi đó.”

Huệ Trung thượng sĩ đời Trần nói:
“Người gõ vào biển thổi khúc vô sanh
Gái đá lên mây thổi kèn tất lật”

Phó Đại sĩ nói:
“Tay không cầm cán mai
Đi bộ lưng trâu ngồi
Ra đi, về quê cũ
Cầu trôi, nước chẳng trôi”

Đệ tử hỏi Huệ Trung thượng sĩ: “Pháp thân là gì?”
Ngài nói: “Bờ ao xem hai đứa. Dưới nguyệt vui ba người.”

Một đệ tử hỏi Thiền sư: “Trúc biếc thảy là Pháp thân, hoa vàng đều là Bát-nhã là thế nào?”
Thiền sư cầm cọng lông thổi.

Hoà thượng Tử Dung thầy của Thiền sư Liễu Quán nói với ngài:
“Long lanh nước chảy trên đèo
Ngựa đua dưới biển, thuyền chèo trên non.”

Thiền sư Liễu Quán đáp:
“Trâu đất gãy sừng thâu đêm rống
Đàn cầm dây đứt suốt ngày đàn”

Triệu Châu trên đường hành cước, tham kiến Đại Từ Hoài Trung, hỏi: “Thể của Bát-nhã là gì?”
Đại Từ lập lại: “Thể của Bát-nhã là gì?”
Tức thì Triệu Châu cười lớn bỏ đi.
Thời gian sau, Đại Từ thấy Triệu Châu đang quét sân liền hỏi: “Thể của Bát-nhã là gì?”
Triệu Châu liệng chổi, cười lớn bỏ đi, Đại Từ trở về phương trượng.
Thể của Bát-nhã là gì mà khi có ai hỏi, Thiền sư liền cười dài

Bài kệ ngộ đạo của Lục Tổ Huệ Năng nói:
“Nào ngờ Tự Tánh vốn tự thanh tịnh!
Nào ngờ Tự Tánh vốn bất sanh bất diệt!
Nào ngờ Tự Tánh vốn tự đầy đủ!
Nào ngờ Tự Tánh vốn không lay động!
Nào ngờ Tự Tánh sanh ra muôn pháp!”

Ngài Huệ Năng thấy cái gì mà cứ “Nào ngờ, nào ngờ” năm lần bảy lượt vậy? Lục Tổ thì như vậy, còn Tự Tánh của chúng ta, Tự Tánh ở đâu? – Ở trên lỗ mũi chớ đâu.

4. Muốn tương ứng với Tánh Không, tâm phải vô niệm. Tâm vô niệm thì Tánh Không hiện tiền. Tánh Không hiện tiền, tất cả căn trần thức giới, sanh tử, Niết-bàn đều tiêu vong. Tâm càng vô niệm thì Tánh Không càng sáng tỏ. Tánh càng phát sáng thì trần cảnh và thân tâm càng tiêu vong. Đó là điều Lục Tổ nói: “Niệm niệm tự thấy bổn tánh, tự tu tự hành, tự thành Phật đạo.”

Kinh Hoa Nghiêm nói về tu Bát-nhã:

“Quán mười hai nhân duyên từ vô minh cho đến lão tử, tất cả là khổ. Như thế chỉ có cây khổ tăng trưởng trọn không có ngã, không có ngã sở, không tác giả, không thọ giả. Nếu có tác giả thời có tác sự, không có tác giả thì không có tác sự. Trong đệ nhất nghĩa đế hoàn toàn bất khả đắc.”

“Bồ-tát dùng mười tướng như vậy biết các duyên khởi là vô ngã, vô nhân, vô thọ mạng, tự tánh không, không có tác giả, không có thọ giả, liền được môn Không giải thoát hiện tiền. Quán các hữu chi đều là tự tánh tịch diệt, rốt ráo giải thoát, không có chút pháp tướng sanh, liền được môn Vô Tướng giải thoát hiện tiền. Nhập Không, Vô Tướng rồi, không khởi tâm mong cầu, chỉ lấy Đại Bi làm đầu giáo hóa chúng sanh, liền được môn Vô Nguyện giải thoát hiện tiền.”

“Bồ-tát tu ba môn giải thoát như vậy, lìa ý tưởng ngã, lìa tưởng tác giả, tưởng thọ giả, lìa tưởng hữu vô. Bồ-tát như vậy quán sát các pháp hữu vi có nhiều lỗi ác, không có tự tánh, không sanh không diệt, mà hằng khởi Đại Bi chẳng bỏ chúng sanh, liền được Bát-nhã Ba-la-mật hiện tiền, gọi là Vô Chướng Ngại Trí Quang Minh.”

Kinh Tứ Thập Nhị Chương nói:
“Cúng dường một ngàn người thường không bằng cúng dường một vị Tu-đà-hoàn.
Cúng dường ngàn vị Tu-đà-hoàn không bằng cúng dường một vị Tư-đà-hàm.
Cúng dường ngàn vị Tư-đà-hàm không bằng cúng dường một vị A-na-hàm.
Nhẫn đến cúng dường ngàn vị A-na-hàm không bằng cúng dường một vị A-la-hán.
Cúng dường ngàn vị A-la-hán không bằng cúng dường một vị Bích Chi Phật.
Cúng dường ngàn vị Bích Chi Phật không bằng cúng dường một vị Vô Trụ, Vô Niệm, Vô Tu, Vô Chứng.”

Trung điểm pháp tu của ngài Lâm Tế và ngài Đức Sơn là Vô Sự. Nếu biết vô sự mà tu thì như Bàng cư sĩ nói: ‘Xách nước, bửa củi cũng là thần thông diệu dụng.” Thiền sư Quy Sơn nói: “Trong tất cả mọi thời, nói nín chỉ là việc bình thường, không phân biệt, không cần nhắm mắt bịt tai, tâm không nhiễm là được. Như thế là người vô sự.”

Quốc sư Thanh Lương nói: “Rộng rãi thênh thang, mặc dầu cho nó đi, mặc dầu cho nó đến, lặng tỏ soi thấu nguồn mạch. Hoặc nói hoặc nín cũng chẳng mất nhiệm mầu, động tịnh không lìa pháp giới. Nói về Chỉ, cả hai tâm cảnh đều dứt, tỏ biết mà vắng lặng. Nói về Quán, cả thảy đồng chiếu rạng, vắng lặng mà tỏ biết. Nói chứng thì không thể chỉ bằng ngôn ngữ cho người, người không chứng không thể biết.”

SHARE:

Trả lời