BỐN ĐIỂM CHÍNH YẾU THÂN, NGỮ, TÂM VÀ PHÁP THÂN

SHARE:


Kho Tàng Tâm của các Bậc Giác Ngộ- Dilgo KHYENTSE
Việt dịch: An Phong và Đương Đạo – Thiện Tri Thức, 2000

1. LỜI MỞ ĐẦU CỦA DALAI LAMA
2. LỜI NÓI ĐẦU CỦA NHỮNG DỊCH GIẢ
3. LỜI CÁM ƠN CỦA NHỮNG DỊCH GIẢ
4. DẪN NHẬP
5. NHỮNG BÀI KỆ MỞ ĐẦU
6. KÍNH LỄ
7. ĐỘNG LỰC CỦA TÁC GIẢ TRONG VIỆC BIÊN SOẠN BẢN VĂN NÀY
8. PHẦN MỘT – NHỮNG KHUYẾT ĐIỂM THỜI ĐẠI SUY THOÁI CỦA CHÚNG TA
9. PHẦN HAI: Con đường của những kinh điển
10. QUY Y
11. TƯ TƯỞNG GIÁC NGỘ
12. TỊNH HÓA
13. CÚNG DƯỜNG
14. GURU YOGA
15. PHẦN HAI: Con đường của những tantra
16. QUÁN ĐẢNH
17. TRI GIÁC THANH TỊNH
18. GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN
19. THÂN KIM CƯƠNG
20. NGỮ KIM CƯƠNG
21. TÂM KIM CƯƠNG
22. SAU THIỀN ĐỊNH
23. BẢN TÁNH CỦA TÂM THỨC
24. BỐN YOGA: NHẤT NIỆM, ĐƠN GIẢN, MỘT VỊ, KHÔNG THIỀN ĐỊNH
25. SỰ CHUYỂN HÓA NHỮNG GIÁC QUAN, THỨC TÌNH PHIỀN NÃO VÀ CÁC UẨN
26. SÁU ĐỐI TƯỢNG CỦA GIÁC QUAN
27. NĂM THỨC TÌNH PHIỀN NÃO (Sân hận, Kiêu mạn, Tham lam, Ghen ghét, Vô minh)
28. NĂM UẨN (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức)
29. BỐN ĐIỂM CHÍNH YẾU THÂN, NGỮ, TÂM VÀ PHÁP THÂN
30. KẾT LUẬN BÀI GIẢNG THỨ HAI
31. PHẦN BA QUYẾT TÂM GIẢI THOÁT KHỎI SANH TỬ
32. BUÔNG BỎ NHỮNG HOẠT ĐỘNG SANH TỬ (Những hành động, Nói năng, Đi đây đó, Ăn , Suy nghĩ , Những sở hữu, Ngủ )
33. NHU CẦU KHẨN THIẾT PHẢI THỰC HÀNH LÀM CHỦ TÂM THỨC
34. NHỮNG BÀI KỆ KẾT THÚC HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC
35. CHÚ THÍCH
36. VỀ Patrul Rinpoche (1808-1887)
37. VỀ Đức Dilgo Khyentse Rinpoche (1910-1991)

Bốn điểm chính yếu về Thân, Ngữ, Tâm và Pháp Thân

Thân

60. Tin thân thể là cứng đặc là điều gây ra tình trạng nô lệ ;
Nếu con nhận biết nó là hóa thần, xuất hiện nhưng trống không, nó là Quán Thế Âm – Không có cái gì khác ngoài Khasarpani Cao Cả.
Trong sự nhận biết thân thể hóa thần, xuất hiện mà trống không, hãy trì tụng thần chú sáu âm.

Chính tri giác bình thường của chúng ta về thân thể như là một cơ cấu cứng đặc của xương và thịt khiến nó thu hút khổ đau như một nam châm. Nhưng bằng cách tu hành những thực hành quán tưởng và trì chú, các bạn học cách phá tan sự trụ chấp của các bạn vào tính cứng đặc của thân ; bằng cách tu hành tri giác thân các bạn như là thân trí huệ vô sanh, vô biên của Quán Thế Âm, các bạn có thể đạt đến trạng thái vượt thoát khỏi khổ đau. Thân thể của Quán Thế Âm, toàn khắp như bầu trời, thì chẳng phải thịt và máu cũng chẳng phải là cái gì cụ thể như một bức tượng. Hơn nữa, nó trong suốt như một cầu vồng, xuất hiện rõ ràng nhưng trống không và không có bản chất gì. Còn hơn nữa, Quán Thế Âm không chỉ là một hình ảnh – ngài đang sống, sáng rỡ với trí huệ, tình thương và thần lực, trả lời cho bất cứ ai chỉ làm một cử chỉ cầu nguyện hay trì tụng một biến manÏi.

Ngữ

61. Ý niệm hóa lời nói và âm thanh là điều gây ra vọng tưởng ; Nếu con nhận biết nó là thần chú, âm vang nhưng trống không, nó là Quán Thế Âm – Không có cái gì khác ngoài Tiếng Rống của Sư Tử Thiêng Liêng. Trong sự nhận biết âm thanh là thần chú, hãy trì tụng thần chú sáu âm.

Khi sự quán tưởng thân hóa thần của các bạn rõ ràng và ổn định, trì chú, như được diễn tả trong đoạn về ngữ kim cương, sẽ nâng cao thêm sự thực hành của các bạn. Chữ thứ nhất của thần chú Quán Thế Âm, OMÏ, tiêu biểu năm trí huệ ; như chữ của tốt lành, nó bắt đầu của hầu hết thần chú. MANÏI nghĩa là “hạt ngọc”, PADME nghĩa là “hoa sen”, và HŪMÏ là chữ bày tỏ và khẩn cầu sự toàn giác của Quán Thế Âm. Toàn bộ thần chú có thể chuyển dịch thành : “Ngài, Hạt Ngọc Hoa Sen, xin hãy ban cho toàn giác của ngài.” Bằng cách lập lại danh hiệu ngài trong thần chú sáu âm, các bạn nhớ đến và cầu khẩn những phẩm tính vô biên của ngài, như thể các bạn đang kêu gọi ngài từ khoảng cách xa. Để trả lời, lòng đại bi của ngài biểu lộ không phải dụng công tác ý, đáp ứng mọi mong muốn của các bạn.

Để ban phước gia bị những chúng sanh, Quán Thế Âm đã quán đảnh trao truyền quyền lực cho thần chú của ngài thành giống như chính bản thân ngài. Nó là âm vang của tánh Không vô sanh. Được viết ra, thần chú giải thoát bởi sự thấy ; như là âm thanh nó giải thoát bởi sự nghe ; khởi lên trong tâm thức, nó giải thoát bởi sự nhớ niệm ; đeo trên thân, nó giải thoát bởi sự xúc chạm. Nếu các bạn làm cho mình quen tri giác mọi âm thanh như thần chú, các bạn sẽ không cảm thấy sợ hãi khi các bạn nghe những âm thanh kinh khủng của trung ấm. Qua thần chú của ngài, Quán Thế Âm thực hiện hoạt động bao la và bi mẫn của ngài trên một phạm vi vô cùng. Thế nên với sùng mộ nhiệt thành, nghe mọi âm thanh của vũ trụ như tiếng phản hồi của thần chú, hãy trì tụng thần chú sáu âm.

Tâm thức

62. Bám chấp vào những tri giác của tâm thức như là thật là sự mê lầm tạo ra sanh tử ; Nếu con để cho tâm thức trong trạng thái tự nhiên của nó, tự do với những tư tưởng, nó là Quán Thế Âm – Không có cái gì khác ngoài sự Thoải Mái Thiêng Liêng trong Tâm Tối Hậu. Trong tâm tối hậu, Pháp thân, hãy trì tụng thần chú sáu âm.

Người ta thường nói, “Hãy thiền định ! Hãy thiền định !” nhưng trừ phi các bạn đã thiết lập một cái hiểu vững chắc và không sai lầm về cái thấy tánh Không, cái gì là điểm để thiền định ? Không nhận biết bản tánh trống không của tâm thức chính là nguồn gốc đích thật của sanh tử. Bản tánh trống không này, với lòng bi nội tại vốn có của nó, được nhận biết khi tâm thức, tự do với những ảnh hưởng của tư tưởng, thức tỉnh với tánh giác đơn giản của cái hiện tại.

Thả lỏng dây cương, những tư tưởng tạo ra toàn bộ sanh tử. Không được nghiên cứu, khảo sát, chúng giữ lại những hình tướng biểu kiến của chúng và do đó sức mạnh để kéo dài sanh tử của chúng. Tuy nhiên không có tư tưởng nào, tốt hay xấu, có được hiện hữu sờ nắm được dù nhỏ nhất. Không có ngoại trừ nào, những tư tưởng đều hoàn toàn trống không, như một cầu vồng dù có xuất hiện rực rỡ và sống động năm màu trên bầu trời, cũng chẳng thể nào nắm bắt, mặc lấy như áo quần hay được dùng theo cách nào khác. Tánh Không tuyệt đối không biến đổi bởi bất kỳ thứ gì, ngay cả khi nó bị che đậy với cái thấy do những che ám mặt ngoài. Thật vậy, những che ám này không phải là những thứ có thật cần phải dẹp bỏ, bởi vì khoảnh khắc chúng ta nhận ra bản tánh trống không của chúng thì chúng biến mất hoàn toàn. Khi sự mê vọng của những tư tưởng che ám biến mất, tâm thức trở lại tự do và thanh tĩnh, an trụ trong tự tánh của nó một cách không khởi sức. Đây là ý nghĩa của danh hiệu Thoải Mái Trong Tâm Tối Hậu của Quán Thế Âm.

Bầu trời không bao giờ bị quấy nhiễu hay thay đổi bởi sự hợp tan của những đám mây. Bầu trời không nuôi hy vọng những cầu vồng sẽ khởi lên cũng không chịu thất vọng nếu chúng không khởi. Tâm kim cương của Quán Thế Âm không hề rời khỏi bản tánh tuyệt đối, bất kể hoạt động từ bi cho chúng sanh của ngài có rộng rãi hay tỏa khắp bao nhiêu. Xuất hiện cho chúng sanh trong vô vàn cách, trong thật tế ngài không bao giờ lìa khỏi tánh Không.

Quán Thế Âm là một với bản tánh bổn nhiên của tự tâm chúng ta ; chớ tìm ngài ở đâu khác. Để chứng ngộ bản tánh này trong chính các bạn, hãy thỉnh cầu và nhận lãnh những lời dạy với lòng sùng mộ cảm thông sâu sắc và không giả tạo, rồi tham thiền chiêm nghiệm và đồng hóa chúng vào hiện thể của các bạn. Cuối cùng, các bạn sẽ thành tựu chứng ngộ tối hậu. Mọi khuynh hướng nghiệp và phiền não che ám sẽ tan biến, và các bạn sẽ biết trực tiếp tánh Không của tất cả hiện tượng. Đến điểm này các bạn sẽ thoải mái trong một trạng thái nghỉ ngơi, xa hẳn những hành hạ của sanh tử. Giống như một ông già thanh tĩnh xem những đứa bé đang chơi, các bạn sẽ nhìn thấy với sự bình đẳng thản nhiên trò chơi biểu diễn hằng hằng biến chuyển của những hiện tượng không thực.

Nếu các bạn thấy khó khăn khi quán tưởng những hóa thần với những trang sức, sự phóng ra ánh sáng, và mọi chi tiết khác, hãy đơn giản duy trì, giữ gìn sự nhận biết trạng thái bổn nhiên ; đây là yoga-tâm về Pháp thân và của Pháp thân. Xem mọi sự khởi lên trong hương vị đơn nhất của thực tại tuyệt đối, hãy trì tụng thần chú sáu âm.

Pháp thân

63. Mọi sự vật hiện hữu là dòng tương tục thanh tịnh bổn nhiên của Pháp thân ; Nếu con gặp Pháp thân mặt đối mặt, nó là Quán Thế Âm – Không có cái gì khác ngoài Bậc Tối Cao Thiêng Liêng của Vũ Trụ. Trong dòng tương tục của thanh tịnh toàn khắp, hãy trì tụng thần chú sáu âm.

Quán Thế Âm và tất cả chư Phật trong mọi phương diện của các ngài, hoặc trên cấp độ Báo thân hay Hóa thân, đều khởi từ nền tảng của Pháp thân. Pháp thân là cảnh giới tuyệt đối và bao la vượt khỏi mọi tạo tác trí thức. Nó bao gồm trong bản tánh của nó tất cả phẩm tính giác ngộ của Phật tánh.(66) Nó là trí huệ bổn nguyên đã ở cùng chúng ta từ thời vô thủy. Trí huệ vốn sẵn có này có thể được nhận biết qua những thực hành thiền định về an định và quán chiếu. An định là sự làm bình lặng trạng thái ồn náo bình thường của tâm thức, và quán chiếu là sự khai triển của sự nhìn thấy rộng rãi hơn và sự chứng ngộ sâu xa hơn kèm theo. Khi an định và quán chiếu hòa lẫn không thể phân chia, Pháp thân được chứng ngộ.

Khi các bạn tiến bộ theo con đường Bồ tát, liên tục hộ trì sự thực hành trong cả thiền định lẫn sau thiền định, cuối cùng các bạn đạt đến địa thứ nhất(67) và đi vào con đường nhìn thấy ; gọi như thế bởi vì lần đầu tiên các bạn thực sự thoáng thấy thực tại tối hậu, bản tánh trống không của mọi sự vật. Kinh nghiệm này về tánh Không vẫn chưa đạt đến mức độ trọn vẹn của nó và phải được dần dần mở rộng qua mỗi mức độ liên tiếp nhau cho đến cuối cùng, tới địa thứ mười, khung dệt cấu thành của hai loại che chướng biến mất vĩnh viễn, và trí huệ kim cương bổn nguyên được hoàn toàn phát lộ. Các bạn đạt đến cái gọi là con đường không học nữa, mức độ của Phật tánh, nơi tâm thức là một với tâm trí huệ của Pháp thân. Người nào hoàn thành mức độ bất nhị này của giác ngộ thực sự hiện thân những lý tưởng cao nhất của tất cả trong ba cõi của cuộc sống.

Quán Thế Âm chính là Như Lai, tinh túy rốt ráo của Phật tánh, và mọi phẩm tính của Pháp thân sẽ khai triển không cần cố gắng qua sự trì tụng thần chú sáu âm của ngài.

SHARE:

Trả lời