SHARE:
ĐẠI ẤN THIỀN XÓA TAN BÓNG TỐI CỦA VÔ MINH
Karmapa thứ Chín Wangchug Dorje với bình giảng khẩu thuyết của
Beru Khyentze Rinpoche – dịch từ tiếng Tây Tạng và biên tập bởi Alexander Berzin
Văn phòng Dịch thuật Thư Viện những Tác phẩm và Văn thư Lưu trữ của Đức Dalai Lama
Việt dịch: Đương Đạo – Nhà xuất bản Thiện Tri Thức, 2001 TTT-19-2545/09-01
Một phương pháp để giữ tâm là con có thể hướng tâm vào hơi thở như là căn cứ hay đối tượng cho nó. Hãy giữ hơi thở với sự thực hành hơi thở-cái bình và định tâm chuyên nhất vào nó không có tư tưởng lang thang. Nếu con không thể giữ hơi thở theo cách thở cái bình, con có thể dùng đối tượng khác như đếm hơi thở. Hãy đếm sự vào, ra và giữ lại của hơi thở. Đếm từ một cho đến hai mươi mốt vòng và dần dần tăng lên một trăm. Hướng tâm đến lỗ mũi và giữ sự chú ý trong việc đếm hơi thở, không để cho tâm lang thang nơi nào khác.
Nhưng nếu con không thể giữ hơi thở khi thân con đầy không khí và rồi buông thả nó (trong kỹ thuật giữ cái bình), trước hết con tống tất cả không khí ra trong ba hơi thở và rồi thở vào bao nhiêu không khí mà con có thể. Hãy đem nó xuống dưới lỗ rốn và khi con không thể giữ nó nữa, hãy buông thả nó và thở ra. Hãy làm điều ấy nhiều lần và không để cho tâm thức lang thang ở đâu khác.
Chú tâm vào hơi thở là cách hiệu quả khác để ổn định tâm thức. Như nói ở trên, tâm thức cỡi trên khí hay hơi thở. Bởi thế nếu có hơi thở nhiễu loạn, sẽ có nhiều tư tưởng lộn xộn. Nếu hơi thở bạn được thư giãn, yên lặng hay nắm giữ, tâm thức bạn cũng vậy.
Có vài loại thở. Thở đều đặn hay bình thường là loại bạn không có bệnh hay bị kích động. Loại trung là khi thở vào bạn giữ nhẹ hơi thở lại. Hơi thở cái bình là khi bạn thở vào, hãy thắt những cơ vòng và giữ hơi thở lại.
Loại thở sau chia làm mấy loại tùy theo nơi mà hơi thở được giữ. Hơi thở cái bình loại lớn được giữ giữa những trung tâm cổ họng và rốn, loại trung giữa tim và rốn và loại nhỏ ở rốn. Hơi thở cái bình bên trong được giữ ở bên trong, trong khi loại bên ngoài được giữ khi thở ra hết. Nói chung, hơi thở cái bình có bốn đặc tính (1) giữ hơi thở, (2) giãn bụng, (3) khả năng để cho hơi thở thoát ra hoặc ở những lỗ chân lông hay đi vào kinh mạch trung ương, và (4) khả năng để cho hơi thở được đẩy ra ngoài nơi đỉnh đầu qua kinh mạch trung ương khi đã được giữ rất lâu.
Hơi thở cái bình là một thực hành rất cao cấp và tiềm ẩn nguy hiểm. Guru của bạn thường dạy cho bạn chỉ sau khi bạn đã hoàn thành những sơ bộ đặc biệt gồm 100.000 lạy và v.v… Nếu bạn can thiệp sai vào hơi thở, bạn có thể làm cho những hệ thống năng lực mất quân bình, gây ra bứt rứt, hao tổn năng lực và loạn tưởng.
Nếu hôn trầm hay xao động xảy ra, hãy nỗ lực dùng những phương pháp để loại trừ chúng trong từng giai đoạn. Nếu con không thể an định tâm thức con vào những loại đối tượng đã kể ra, bấy giờ hãy dùng loại nào con thích hợp. Cá tính mỗi người không như nhau. Một số người nghe giáo lý hai, ba lần bèn có thể khai triển định tâm. Một số không thể làm như vậy dù đã thiền định nhiều. Nhưng nếu con nuôi dưỡng nó và không giải đãi, con chắc chắn khai triển được nó. Nhưng cũng cần có một Guru kinh nghiệm để giải tỏa những vấn đề của con, dẫn dắt con đến thành công…
Nuôi dưỡng thiền định của con theo cách này, con đi qua ba giai đoạn an định tâm thức. Thứ nhất giống như một thác dốc trên núi. Tư tưởng con thô và nhiều. Thứ hai tư tưởng thô chìm lặng (như mặt trời). Dù thỉnh thoảng vài tư tưởng thình lình đến, con nhận biết chúng thật sự là gì và ngay khi đó chúng lặng mất. Dòng thiền định của con trôi chảy nhẹ nhàng và vững chắc như một dòng sông uy lực. Cuối cùng tất cả mọi tư tưởng của con, cả thô và tế, đều chìm lặng (như mặt trời) và con an định trong một trạng thái vô niệm.
Giai đoạn thứ ba này cũng được ví như dòng sông đã hòa vào đại dương hay đứa con hội hợp với mẹ sau một xa cách lâu dài. Những tư tưởng của bạn là dòng sông hay đứa con và tâm là đại dương hay mẹ. Tất cả mọi loạn động và lo nghĩ đều được an định, mọi mờ tối đã chìm mất và bạn ở trong một trạng thái toàn hảo, nguyên sơ. Một diễn tả chi tiết hơn về chín giai đoạn định tâm có trong những tác phẩm của Asanga và Kamalasila. Trong đó có sự bàn luận về tám khả năng của tâm thức để loại bỏ năm chướng ngại của sự tập trung, cũng như những giải thích bốn loại chú tâm và sáu năng lực của tâm thức dùng để tiến bộ qua chín giai đoạn. Dù một phác họa như vậy có thể áp dụng ở đây, tác phẩm này không gồm nhiều chi tiết như vậy.
Bởi vì có thể an định tâm thức vào trong một trạng thái vô niệm của an lạc và sáng tỏ trong đó tâm con định tĩnh, tỉnh thức sống động, nguyên sơ và thanh tịnh, con cần tinh tấn kiên trì cho đến khi đạt được một sự an định như vậy. Dù sau khi con đã đạt đến một trạng thái như vậy, con phải thực hành để sự tương tục của nó không gián đoạn. Đây là điểm thứ sáu cho thiền định.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS