CHƯƠNG CHÍN: Một Giới Thiệu Vào Nền Tảng, Con Đường và Quả

SHARE:


Tánh Giác Lộ Toàn Thân
Tác Giả: Karma Chagmé với bình giảng của Gyatrul Rinpoche
Những Giáo Huấn Thực Hành về Sự Hợp Nhất của Đại Ấn và Đại Toàn Thiện
THIỆN TRI THỨC, 2003 TTT -31-2547/04-03

1. Lời Nói Đầu
2. CHƯƠNG MỘTMột Khẩu Truyền về những Lời Nguyện Quy Y và Bồ Đề Tâm Đại Thừa
3. CHƯƠNG HAI Những Câu Chuyện về những Hành Động và Hậu Quả của chúng
4. CHƯƠNG BA Những Hành Động và những Hậu Quả của chúng
5. CHƯƠNG BỐN Một Dẫn Nhập những Thí Dụ và Ý Nghĩa của chúng
6. CHƯƠNG NĂM Một Sự Nhận Diện Qua Văn Xuôi
7. CHƯƠNG SÁU Sự Nhận Diện Đại Ấn
8. CHƯƠNG BẢY Làm thế nào để theo Con Đường Nhảy Qua
9. CHƯƠNG TÁM Hướng dẫn trên Con Đường của Sự Chuyển Di
10. CHƯƠNG CHÍN Một Giới Thiệu Vào Nền Tảng, Con Đường và Quả
11. CHƯƠNG MƯỜI Bốn Cấp Bậc của Yoga
12. CHƯƠNG MƯỜI MỘT Làm sao Tiến Bộ theo những Địa và những Con Đường
13. CHƯƠNG MƯỜI HAI Kết Luận

Một Giới Thiệu Vào Nền Tảng,
Con Đường và Quả

Kính lễ đức Quán Thế Âm !

Đây là những giáo huấn thực hành sâu xa của Quán Thế Âm. Ở đây là một giải thích súc tích về nền tảng, con đường và quả, chúng là những phương pháp cho chúng sanh hoàn thành quả của sự thức tỉnh tâm linh. Về nền tảng, tâm của Phật được chứng ngộ và thể hiện bởi những bậc thánh không sai khác. Cách thế hiện hữu nguyên sơ của tất cả các hiện tượng là trí huệ bổn nguyên vốn sẵn. Nó thấm khắp tất cả các địa. Nó là bản tánh tinh khôi hiện diện trong dòng tâm của tất cả chúng sanh chúng ta, từ con sâu cái kiến đến chư Phật, không phân biệt tốt hay xấu, lớn hay nhỏ… Như thế, Kinh Định Vương nói, “Tinh túy của chư Như Lai thấm khắp tất cả chúng sanh”, và Tiểu Kinh về Niết Bàn đồng tình, “Tất cả chúng sanh được phú bẩm tinh túy của chư Như Lai”.

Đại Kinh về Niết Bàn nói :

Như bơ vốn có khắp trong sữa,
Cũng thế tinh túy của chư Như Lai thấm khắp tất cả chúng sanh.

Kinh Niết Bàn nói :

Tánh như là thanh tịnh,
Khắp tất cả chỗ, không phân biệt.
Như thế, mọi chúng sanh được phú bẩm
Tinh túy của chư Như Lai.

Tantra Sảnh Đường Kim Cương nói :

Không có vị Phật nào và không có chúng sanh nào
Ở ngoài viên ngọc tâm.

Tantra Hevajra nói :

Chúng sanh quả thật là chư Phật,
Nhưng họ bị che chướng bởi những vết dơ ngoại sanh.

Bạn tiến bộ trên con đường nhờ thực hành sự hợp nhất này của Đại Ấn và Đại Toàn Thiện, nó là phương pháp thành Phật trong một đời và với một thân, một khi bạn làm tan biến những vết dơ ký sinh này. Những Giáo Huấn Vĩ Đại nói :

Nhất tâm xảy ra khi một người tham thiền tập chú kinh nghiệm của nó, không phóng dật khỏi sự trong sáng sống động và vô nhiễm và sự vô niệm của tâm, và nhất tâm trụ trong dòng định và quán hợp nhất.

Ở cấp độ nhỏ của nhất tâm, có bốn áp dụng chánh niệm : (1) áp dụng chánh niệm về tính không hợp tạo, thoát khỏi tư tưởng về thân là tịnh hay bất tịnh ; (2) áp dụng chánh niệm về lạc không dơ nhiễm, không xem những cảm nhận là khổ hay vui ; (3) áp dụng chánh niệm về tâm, thoát khỏi mọi tạo tác ý niệm về tâm là thường hay vô thường ; (4) áp dụng chánh niệm về những đối tượng, cắt đứt những gán ghép về thực tại của niết bàn, không nghĩ đến những đối tượng là có một bản sắc riêng hay không.

Ở cấp độ vừa của nhất tâm, do đoạn trừ sự tự mãn và duy trì nhất tâm, (1) bạn không quy phục những tà kiến ; (2) ác hạnh, như chấp giữ những tà kiến, sẽ tự nhiên dứt ; (3) như một kết quả, những chứng ngộ sanh khởi tự nhiên từ bên trong ; (4) và sau đó, những phẩm tính tuyệt hảo tăng trưởng.

Ở cấp độ lớn của nhất tâm, bạn thực hành bốn nền tảng của những thần lực : (1) vắng mặt phóng dật là nền tảng của thần lực nguyện vọng, (2) vắng mặt của lười biếng là nền tảng của tinh tấn, (3) từ bỏ những yếu tố đối nghịch là nền tảng của thái độ cư xử, (4) nền tảng của thần lực của tâm nhờ duy trì chú ý. Lingje Repa nói :

Con đường tích tập gồm ba lần bốn, là mười hai.
Tiến bộ được làm với một chứng ngộ.

– Về năm con đường, cấp độ nhỏ của con đường tích tập, đánh dấu sự bắt đầu con đường Bồ tát, phối hợp chặt chẽ với bốn áp dụng chánh niệm. Bốn từ bỏ liên quan với cấp độ vừa của con đường tích tập và cũng liên hệ với nhất tâm vừa. Cấp độ lớn của con đường tích tập phối hợp với bốn nền tảng của thần lực. Tuy nhiên với sự tiếp cận của Dzogchen, bạn tiến bộ với một chứng ngộ. Nó gắn liền với tất cả mười hai chi phần của con đường tích tập. –

Nhờ sự chứng ngộ đó, (1) khả năng của lòng tin thì không gián đoạn ; như một kết quả, (2) khả năng tinh tấn là thường trực ; đưa đến (3) khả năng chánh niệm không quên ; samadhi liên tục là (4) khả năng của samadhi ; và (5) thực thể của trí huệ phân biệt được chứng ngộ với samadhi. Những cái ấy bao gồm nhất tâm lớn của con đường chuẩn bị, chúng thuộc về bản chất của hơi ấm (nỗn địa) và chót đỉnh (đỉnh địa). Có nói như vầy, “Với bản tánh của năm khả năng này thực tại bổn nhiên được quan sát thấy.”

Như một kết quả, (1) thần lực của lòng tin chiến thắng những tà kiến ; (2) thần lực của tinh tấn chiến thắng sự uể oải của tâm linh ; (3) thần lực của chánh niệm vượt thắng chểnh mảng ; (4) do đó, thần lực của samadhi chiến thắng bám chấp nhị nguyên vào những chủ thể và những đối tượng ; như một kết quả, (5) thần lực của trí huệ chiến thắng những hình tướng của những hiện tượng. Chúng thuộc về bản chất của nhẫn (nhẫn địa) và Pháp tối thượng (Thế đệ nhất địa). Từ nỗn địa đến thế đệ nhất địa đều thuộc về những giai đoạn của con đường chuẩn bị. Có nói :

Với bản tánh của năm thần lực vĩ đại này,
Những yếu tố đối nghịch được hàng phục.
Với một chứng ngộ bạn tiến bộ
Trong những thần lực và những khả năng của con đường chuẩn bị.

Những Giáo Huấn Vĩ Đại nói :

Từ sự sanh khởi của tự tâm vô sanh trong sáng, vô nhiễm, samadhi hoàn hảo chứng ngộ rõ ràng bản tánh cốt lõi của tâm bạn, nó giống như không gian, thoát khỏi những tạo tác ý niệm của ba hợp thể (người làm, hành động và đối tượng của hành động). Sự vắng mặt của nỗ lực là (1) yếu tố tinh tấn của thức tỉnh ; sự vắng mặt của đau khổ là (2) yếu tố hoan hỷ của thức tỉnh ; sự vắng mặt của những vết dơ là (3) yếu tố tịnh hóa của thức tỉnh ; sự vắng mặt của bất kỳ phân chia nào giữa sanh tử và niết bàn là (4) yếu tố phân biệt những hiện tượng của thức tỉnh ; sự duy trì không quên là (5) yếu tố chánh niệm của thức tỉnh ; và tâm phẳng lặng đối với mọi sự là (6) yếu tố bình đẳng của thức tỉnh. Như vậy, có nói : “Với một chứng ngộ người ta tiến bộ trong những yếu tố của thức tỉnh của con đường thấy.”

– Một điểm trọng yếu trong tư thế ngồi thiền bảy điểm là giữ xương sống thẳng, điều đó khiến cho những kinh mạch vi tế trong thân trở nên thẳng, và cho phép tâm an trụ tự nhiên trong trạng thái của chính nó. Giáo huấn cốt lõi về thiền định là không theo những hiện tượng sanh khởi. Phương diện tánh không của tất cả những gì xuất hiện với tâm là Pháp thân ; phương diện quang minh của những hiện tượng là Báo thân ; và phương diện của lòng bi thấm khắp ngấm ngầm trong những hiện tượng là Hóa thân.

Ở trên là sáu trong bảy yếu tố của giác ngộ, chúng ở trong con đường thứ ba, con đường thấy. Trong những giai đoạn trước, khi bạn trau dồi sự hoàn thiện của nhẫn nhục và tinh tấn, nỗ lực là chính yếu ; nhưng trong phần thực hành này, sự vắng mặt hoàn toàn nỗ lực là yếu tố tinh tấn của giác ngộ. Yếu tố thứ bảy, sự mềm dẻo, liên kết chặt chẽ với sự không nỗ lực của hiện diện đơn giản tự nhiên, thoát khỏi mọi tạo tác ý niệm, bị bỏ khỏi danh sách trên. –

Dù một số đa dạng những hiện tượng xuất hiện, chúng đều là “một vị” của tự tâm ; và mọi nhị nguyên ta-người, sanh tử-niết bàn đều một vị. Sự chứng ngộ của một vị là (1) chánh kiến, cái thấy hoàn hảo, xa lìa những cực đoan ; vì nó siêu vượt trí năng, nó là (2) tư tưởng chân chánh, hoàn hảo ; vì nó không thể diễn tả, nó là (3) chánh ngữ, lời nói hoàn hảo ; vì nó không dứt, nó là (4) chánh niệm ; tự do là sự duy trì (5) chánh mạng ; vì thành tựu mục đích vĩ đại, nó là (6) nỗ lực ; bởi vì công việc trọn vẹn nó là (7) sự kết thúc của hành động (chánh nghiệp) ; và không có sự phân biệt giữa nhập định và trạng thái sau thiền định, nó là (8) chánh định toàn hảo như kim cương.

Với một chứng ngộ người ta tiến bộ
Theo tám cấp độ thánh trên con đường 
thiền định.

– Đây là sự giải thích Bát Chánh Đạo theo Dzogchen, liên kết với con đường thiền định, con đường thứ tư trong năm con đường. Về một vị của tất cả các hiện tượng, bạn thấy tất cả những xuất hiện như sự phô diễn của tánh giác, không tách lìa khỏi tánh giác của bạn. Phẩm tính không dứt của nó được gọi là nhớ tưởng hoàn hảo (chánh niệm), nghĩa là mọi phân mảnh của tánh giác hoàn toàn tan biến. Sự duy trì chánh mạng không gì khác hơn là sự giải thoát của bạn.

Những đoạn trước của con đường, sự vắng mặt của nỗ lực được nhấn mạnh, nhưng ở cấp độ này nỗ lực lại được triệu hồi, nhưng hơn là nỗ lực quy ước, đây là sự phô diễn tự nhiên, tự phát của hoạt động khởi từ trạng thái của tánh giác tự tịnh tự định. Đó gọi là “nỗ lực tối hậu” so với nỗ lực tương đối. –

Những Giáo Huấn Vĩ Đại nói :

Bất cứ nơi nào bạn không nhìn theo “có” và “không có”, tự tâm bạn liên tục sanh khởi như tịnh quang, không trụ trong bất cứ cái gì như một đối tượng hay tác nhân thiền định. Đó là sự tham thiền của không-thiền định…

Pháp thân quả của tịnh quang,
Hai sắc thân, tự động khởi lên,
Tự tánh thân không phân chia,
Và đại lạc thân –
Phật là bản tánh của năm hiện thân…

Nhờ gặp gỡ vị thầy tâm linh như Phật, người ta đạt đến (1) con đường tích tập. Nhờ sự sanh khởi của xác tín vào những cầu xin của mình, có (2) con đường chuẩn bị. Sự sanh khởi của chứng ngộ nhờ những ban phước là (3) con đường thấy. Sự tăng trưởng của nó là (4) con đường thiền định. Sự vắng mặt của bất kỳ phân chia nào giữa quân bình thiền định (nhập định) và trạng thái sau thiền định là (5) con đường kết thúc.

Sự biểu lộ của tự tâm mình là (1) Hoan Hỷ địa ; do đây có sự loại bỏ những vết dơ của phiền não là (2) Ly Cấu địa ; tịnh quang vốn sẵn là (3) Phát Quang địa ; (4) Diệm Huệ (Huệ Rạng Rỡ) địa được gọi như vậy bởi vì những phẩm tính của một vị Phật hiển lộ ở đây ; (5) Nan Thắng địa vì nó sâu xa và chiều sâu của nó khó dò thấu ; (6) Hiện Tiền địa vì trí huệ bổn nguyên của tự tâm trở nên biểu lộ ; (7) Viễn Hành địa vì vượt khỏi sanh tử ; (8) Bất Động địa vì người ta không bị lay chuyển bởi vết dơ của sự quan tâm đến mình ; (9) Thiện Huệ địa vì sự tròn vẹn của trí huệ ; (10) sự hoàn thiện, viên mãn của sức mạnh chứng ngộ là địa thứ mười, Pháp Vân địa ; sự sanh khởi của những xuất hiện hình tướng tức là Pháp thân là (11) địa thứ mười một ; phụng sự nhu cầu cho thế gian mà không có nguyện ước là (12) địa thứ mười hai ; sự tròn đầy của cái tối hậu là (13) địa thứ mười ba ; và sự siêu vượt khỏi trí năng, với vô tâm, là (14) địa thứ mười bốn, đại lạc.

Bây giờ đây là nghĩa của những lời dạy của những vị thầy về những kinh nghiệm và chứng ngộ của bốn yoga : (1) trong yoga của kinh nghiệm, có một sự hòa nhập của lạc, trong sáng và vô niệm của sự vững chắc thiền định. Chừng nào bạn còn chuyên chú vào đây, bạn hoàn thành quán đảnh truyền pháp, và đó là nhất tâm của kinh nghiệm. Trong trạng thái này, khi an trụ trong tánh không, nếu sự chứng ngộ của bạn về tánh không thoát khỏi tạo tác ý niệm, đó là (2) thoát khỏi những tạo tác ý niệm qua kinh nghiệm. Vị đồng nhất của hạnh của bạn trải qua trạng thái sau thiền định không gián đoạn vì những duyên, là (3) một vị của kinh nghiệm.

– Lạc, trong sáng, vô niệm và một vị của kinh nghiệm thuộc về con đường tích tập. –

Lâu trước đó, sự xảy ra một trạng thái thường trực của (4) không-thiền định là con đường chuẩn bị. Rồi sự siêu vượt khỏi thế tục là con đường thấy và con đường thiền định. Người ta thoát khỏi tám khuyết điểm, gồm quan điểm chính thức trước kia về thiền thứ tư, nghiên tầm và phân tích của thiền thứ tư, thích và không thích, vui và buồn, những dao động của chánh niệm và tỉnh giác, và những chuyển động của năng lực sinh khí. Người ta hòa lẫn với nhất tâm, và tức khắc và đồng thời người ta hoàn thành tri giác trực tiếp về Bốn Chân Lý Cao Cả. Đó là không-thiền định thực nghiệm (hay qua kinh nghiệm), cũng được gọi là yoga của nhất tâm trong bốn yoga của chứng ngộ.

Vào lúc này người ta đạt được trí huệ nhận rõ những hiện tượng hòa nhập với bản tánh của samadhi ; và người ta không ngừng ở trong chánh niệm cho đến khi thức tỉnh tâm linh, trong khi nhiệt thành dấn thân vào thực hành. Tâm và những đối tượng của nó được tịnh hóa cao độ. Có sự hoan hỷ phi thường trong sự đáp ứng nhiều cho những nhu cầu của chính mình và những người khác. Người ta thường trực tham dự vào trong kinh nghiệm của sự bình thản độc đáo và vĩ đại thoát khỏi uể oải hôn trầm. Nếu người ta không kinh nghiệm những phẩm tính này, đó có thể là kinh nghiệm, nhưng không phải là chứng ngộ Đại Ấn.

Bấy giờ con đường thấy được đạt đến, và sự làm quen với cái thấy đích thực ấy là con đường thiền định. Bản tánh cốt lõi của định xuất hiện, nó giống như không gian trống trải, trong đó những cực đoan của sanh tử và bình an biến mất. Những hiện tượng hợp tạo xuất hiện như những huyễn hóa và những giấc mộng, và người ta thâm nhập trí huệ bổn nguyên vô niệm. Trong trạng thái sau thiền định như huyễn, người ta thành thục, tịnh hóa và tinh lọc những chúng sanh một cách triệt để ; và bằng cách làm như vậy, người ta thành tựu hiểu biết về hiện tượng (sai biệt trí). Khi sức mạnh của trí huệ ba la mật được hoàn thiện ở địa thứ sáu, người ta thoát khỏi những tạo tác ý niệm, và người ta xa lìa thái độ sợ và tránh sanh tử hay bình an. Khi những vết dơ của tâm đã được xóa tận gốc, người ta đi vào chỗ trú ngụ bí mật của tất cả chư Phật. Khi đạt được đến địa thứ tám, người ta không còn thấy sanh tử và bình an là hai, và người ta không bị lay chuyển bởi sự nhận biết tánh như hoặc những dấu hiệu của quả ; thế nên đây gọi là “vị duy nhất” bậc lớn.

– Trong trạng thái sau thiền định như huyễn, người ta tịnh hóa tri giác của mình về thực tại, cho nên môi trường chung quanh được thấy là một cõi Phật, và những chúng sanh ở môi trường đó là những vira và những dakini. –

Sự đạt đến thức tỉnh tâm linh thì thoát khỏi những sự hình thành trước kia của nghiệp dơ nhiễm trong tâm thức, thoát khỏi bệnh tật của những khuynh hướng thói quen vi tế, thoát khỏi nghiệp thuộc về bản chất của tâm và trong một sự quá độ, không thể quan niệm nổi, nó thoát khỏi sự xuất hiện của chuyển di vào cái chết. Đó là không-thiền định, và đó là cùng đích. Khi một thực tại như vậy được đạt đến, người ta có thể hay không thể gán cho nó tên của một con đường. Nó được bàn luận về những cái tên trong bốn yoga.

– Khi đạt đến trạng thái Phật quả không thể nghĩ bàn, người ta thoát khỏi những hình thành trước kia của tâm thức ; thoát khỏi nghiệp dơ nhiễm của tâm, đến độ người ta không có ý nghĩ thậm chí làm những hoạt động thanh tịnh. Hành động của người ta không được suy nghĩ trước hay hình dung trước, và người ta thoát khỏi những dấu vết vi tế nhất của những phiền não của những khuynh hướng thói quen. Vì Phật quả hoàn toàn vượt khỏi chuyển di, người ta cũng thoát khỏi sự xuất hiện của chuyển di vào cái chết, bởi vì trạng thái không thiền định, Phật quả, là cùng đích của mọi con đường. –

Những địa cũng có thể so sánh với sự tiến triển của bốn quán đảnh của con đường mật chú. Đức Naropa cũng xác nhận điều này cho Sandapa Rošlpey Dorje :

Sự chứng ngộ thứ nhất của Đại Ấn
Bao gồm quan sát
Khởi tưởng ngoại sanh.
Sự rời khỏi vô minh
Bao gồm sự chứng ngộ tánh giác trong sáng và không có bám nắm
Được gọi là làm chủ tánh giác.
Khi năm độc có mặt như năm trí huệ bổn nguyên,
Đó được xác nhận là quán đảnh cái bình.
Những phô diễn không ngừng
Xuất hiện không có sự thiên chấp.
Như thế, lạc sanh khởi từ trạng thái tánh không,
Và điều đó được xác nhận là quán đảnh của sáng tỏ, cái thứ hai.
Trí huệ bổn nguyên vốn sẵn
Là trạng thái của không gian của lạc và tánh không không thể phân chia.
Một vị hợp nhất của cấp độ lớn
Được kinh nghiệm như đại lạc của những xuất hiện và tâm.
Điều đó được giải thích là quán đảnh của trí huệ bổn nguyên.
Quán đảnh thứ ba được tổng hợp
Trong tâm không thể phân chia.
Khi tự tâm thanh tịnh như bầu trời,
Không có sự phân biệt giữa định và sau thiền định.
Sự hợp nhất của hai chân lý là quán đảnh thứ tư.

Những Câu Hỏi của Hoàng Hậu Kaparabhuja với Đại Bà La Môn Saraha nói :

Tỉnh giác nhất tâm là quán đảnh cái bình ;
Lạc, thoát khỏi những tạo tác ý niệm, là quán đảnh bí mật ;
Cái thứ ba là sự hợp nhất với bình đẳng ;
Và không-thiền định là cái thứ tư.

– Người ta có thể xem tỉnh giác nhất tâm liên hệ với quán đảnh cái bình, hoặc như sự chứng ngộ tánh giác của mình hay như sự hợp nhất của định tĩnh và quán chiếu tánh giác.

Sự quán đảnh thứ tư là quả của ba cái trước. Nó sanh khởi tự nhiên và tự phát không có cố gắng nào. Nó đơn giản là cái thấy Pháp thân – cái một vị của toàn thể sanh tử và niết bàn. Tại sao bấy giờ lại cần một quán đảnh như vậy ? Vì nó tác động để tịnh hóa thân, ngữ, tâm. Quán đảnh thứ tư là sự không thể phân chia của ba quán đảnh trước và tịnh hóa mọi phiền não và che chướng. –

Cách mà bốn yoga của chứng ngộ liên hệ với những địa và những con đường theo Đức Rangjung Dorje được dạy trong Những Giáo Huấn Vĩ Đại :

Nhất tâm là hai con đường tích tập và chuẩn bị ;
Thoát khỏi tạo tác ý niệm là con đường thấy ;
Con đường thiền định đi từ ‘một vị’ lên đến cấp độ vừa của ‘không thiền định’.
Cấp độ lớn của không thiền định là sự thức tỉnh tâm linh toàn hảo.

Bạn có thể hỏi, “Nếu có nhiều người đã đạt đến những địa và những con đường, tại sao họ có vẻ thiếu những đặc trưng và phẩm tính của những trạng thái ấy ?” Cho dù chứng ngộ đã khởi sanh, những phẩm tính ấy có thể còn vắng mặt. Như một thí dụ, một con garuda (kim xí điểu) đã mọc cánh khi còn trong trứng, nhưng còn vỏ trứng nên chưa thể bay. Cũng thế, dù những phẩm tính ấy không xuất hiện với những người khác, trong trạng thái trung ấm, pháp thân sẽ đáp ứng những nguyện vọng của người đó ; và rồi chắc chắn hai sắc thân sẽ xuất hiện cho những người khác. Dù hiểu biết giác ngộ đã tăng trưởng bên trong, như ngọn đèn dấu trong một cái bình, tri giác siêu giác quan v.v… bị che phủ bởi sự tệ lậu do thân thể, giống như một cuống thối. Sự mê mờ nhỏ hiện có bây giờ sẽ tan biến trong trạng thái trung ấm.

Đó là sự đồng thuận giữa những vị Tổ Kagyu.

Có nói rằng sau khi Phật nhập diệt, không có những dấu hiệu (của chứng ngộ) cho đến khi người ta đạt đến A La Hán. Kinh Tiên Tri về Maitreya nói :

Những vị tăng rơi vào hoang mang, nói rằng “Vị tăng Ajita này được tiên tri sẽ là vị Phật thứ năm của kiếp may mắn này, nhưng ngài không có những dấu hiệu hay phẩm tính tuyệt hảo, làm sao ngài có thể thành Phật Di Lặc (Maitreya) ?”

Bởi thế, rõ ràng mức độ chứng ngộ không thể được phán đoán theo sự có mặt hay không những dấu hiệu và những phẩm tính tuyệt hảo. Nghĩa xác định được nêu lên bởi Đức Phagmo Drušpa :

Không cần phải nghi ngờ điều này :
Đất không thể ấm lên
Ngay khi mặt trời mới mọc,
Nhưng nó ấm dần vì những tia sáng chiếu soi.
Những nhu cầu và mong muốn của người ta không được đáp ứng
Ngay khi người ta tìm thấy một viên ngọc,
Nhưng chúng được ban cho nếu những cúng dường và cầu khẩn được làm.
Dù một đứa bé không khác gì một con người,
Nó không thể mạnh mẽ ngay khi được sanh ra ;
Hơn nữa, nó còn phải học nhiều chuyện với sự huấn luyện dần dần.
Cũng thế, dù thực tại chân lý được thấy,
Mà không có sự làm quen, thì những phẩm tính không sanh khởi ;
Nhưng với sự làm quen, cái tối thượng được thành tựu.
Tất cả tám thành tựu (siddhi) thế gian vĩ đại và v.v…
Sanh khởi theo một cách duyên sanh.
Dưới ảnh hưởng của chúng, với sự tự phụ kiêu căng,
Người ta bị hủy hoại bởi sự sanh khởi của tri giác siêu giác quan ;
Bởi vì người ta không học cái thành tựu tối thượng, người ta bị che ám bởi điều đó.
Tất cả chúng sanh như chư thiên v.v…
Có những thần lực kỳ diệu, theo nghiệp, không thể tưởng tượng ;
Nhưng không có cái nào trong đó được nói là những nguyên nhân của giải thoát.
Ở đâu có những tính cách và dấu hiệu
Trong sự tắt mất của sự phân chia chân lý và mê lầm ?
Tuy nhiên có những nghi ngờ sanh khởi về điều đó.

Kyemé Zhang nói :

Khổ đau không tan biến
Ngay khi bạn chứng ngộ bất nhị.
Và dù những phẩm tính và khả năng tuyệt hảo chưa sanh khởi,
Có ai tự hạ thấp mình bằng cách nói rằng đây không phải là con đường thấy ?
Một khối băng không thể tan
Đất và đá không thể ấm
Khi mặt trời buổi sáng vừa mọc.
Nhưng ai có thể nói đó không phải là mặt trời ?

Bởi vì chúng ta mong mỏi thức tỉnh tâm linh như quả của kinh và tantra, chúng ta không nên xem trọng quá sự có mặt hay vắng mặt của những dấu hiệu và phẩm tính vô thường. Nhờ năng lực của nghiệp, những loại tri giác siêu giác quan và những thần lực phi thường nhưng ít giá trị cũng được tìm thấy ở một số ngạ quỷ, hồn linh của cây, đá, và những loài ăn thịt bay trên trời. Những dấu hiệu đã hoàn thành tri giác siêu giác quan chỉ nương dựa vào định cũng được tìm thấy ở những người không phải Phật giáo và đạo Bošn.

Như thế, Lingje Repa nói :
Người ta có thể làm chủ được tám thành tựu vĩ đại,
Nhưng ngoài sự kỳ diệu của chúng
Chúng chẳng giúp gì mấy cho giải thoát và giác ngộ.
Bây giờ nói về quả. Orgyen Rinpoche nói :
Trí Huệ Ba La Mật trong Tám Ngàn Bài Kệ nói : 

“Một vị Phật thực sự hoàn hảo đã đạt được trí huệ bổn nguyên, nó thì không ngăn ngại với tất cả hiện tượng.” Tại sao người ta được gọi là Phật ? Bởi vì người ta đã thức tỉnh khỏi trạng thái như ngủ của vô minh và tâm người ta bao trùm hai lãnh vực của hiểu biết, người ấy được gọi là Phật.

Ý nghĩa của “thức tỉnh khỏi giấc ngủ của vô minh” là sự loại trừ hoàn toàn hai che chướng, đã được giải thích ở trước. Câu “bao trùm của tâm những đối tượng của hiểu biết” ám chỉ sự toàn thiện của trí huệ bổn nguyên, cũng đã được nói ở trước.

Một vị Phật có ba hiện thân : Pháp thân, Báo thân và Hóa thân. Kinh Ánh Sáng Sắc Vàng Thiêng Liêng nói, “Tất cả chư Như Lai có ba hiện thân : Pháp thân, Báo thân và Hóa thân.” Pháp thân là Phật thực sự, vì Trí Huệ Ba La Mật trong Tám Ngàn Bài Kệ nói, “Chớ nhìn thấy Như Lai là sắc thân. Như Lai là Pháp thân.” Kinh Định Vương cũng nói : “Chớ nhìn Phật như là sắc thân.” Hai sắc thân là những hiện thân tạo ra bởi những ban phước của pháp thân, bởi tri giác của những người tu hành và những cầu nguyện. Hãy biết chúng xảy ra do sự kết hợp của ba cái này.

Bản luận này, Những Giáo Huấn Cốt Lõi của Quán Thế Âm : Sự Hợp Nhất của Đại Ấn và Đại Toàn Thiện, được hoàn thành trong mọi thực hành của chín thừa. Về nền tảng (địa), con đường và quả, Đại Thành Tựu giả Karmapaksi nói :

Với sự thấu hiểu những lời và nghĩa của chín thừa
Và với những ban phước của dòng Naropa,
Vị tham thiền Ranjung Dorje
Đã gặp Saraha trong một cái nhìn thấy thanh tịnh.
Sự phát lộ của chư Phật
Là một đại dương vô biên mà chiều sâu khó dò.
Một số người có khả năng cao, vừa và thấp
Đã tiến bộ và trở thành giác ngộ.
Khi họ chứng ngộ, những cá nhân đương thời
Được sánh với Phổ Hiền.
Dù người ta có đi hay không theo những địa và những con đường,
Hai mươi mốt giai đoạn của những địa và những con đường
Thấm khắp toàn bộ sanh tử và niết bàn.
Trong Akanista, thực tại toàn thiện, 
Mọi người đều toàn thiện.
Cách thức hiện hữu là Phổ Hiền, không gian tuyệt đối của những hiện tượng.
Trong đại toàn thiện Ati Yoga
Mọi thừa đều được vượt khỏi.
Mười sáu giai đoạn của những địa và những con đường
Đều vốn toàn thiện tự nhiên
Trong Akanista, thực tại toàn thiện.
Những dấu hiệu đặc biệt của con đường của quả,
Hiện diện tự nhiên không cố gắng,
Vốn toàn thiện trong trụ xứ Akanista của tự tánh giác.

Tinh Túy của chư Dakini nói :

Đây là sự đánh vào then chốt của ba chứng đắc :
Do đạt được Pháp thân vô sanh,
Tâm của con đạt được sự làm chủ Pháp thân.
Do đạt được Báo thân không dứt,
Tâm của con đạt được sự làm chủ Báo thân.
Do đạt được Hóa thân bất nhị,
Tâm của con đạt được sự làm chủ Hóa thân.
Tiêu chuẩn là những yoga của bốn tự tin…

Bạn đạt được tự tin không hướng vọng đến bất kỳ thức tỉnh tâm linh nào bên trên. Bạn xác quyết rằng lìa khỏi tánh giác của tâm bạn thì không có giác ngộ nào khác. Bạn đạt được tự tin trên sự xác quyết rằng tất cả những phẩm tính vĩ đại, những hoạt động giác ngộ và lòng bi của chư Phật là sự phô diễn tự nhiên của tánh giác của tâm bạn. Bạn xác quyết rằng tất cả những khổ đau của những địa ngục trong những trạng thái khốn cùng của hiện hữu bên dưới không là gì khác hơn những mê lầm vọng tưởng của chính tâm bạn. Do xác quyết rằng ba trạng thái khốn khổ của hiện hữu, những địa ngục nóng và lạnh, khổ đau và cuộc đời của bạn là những phô diễn của mê lầm của vô minh, bạn thành tựu sự tự tin thứ hai và thứ tư không trở lại vòng sanh tử nữa. Ngay trên sự thể hiện quả, vắng tanh mọi hy vọng và lo sợ, bạn thức tỉnh trong bản tánh của năm hiện thân, năm trí huệ bổn nguyên, và bốn hoạt động giác ngộ ; và bạn trở thành bánh xe trang nghiêm của thân, ngữ, tâm, những phẩm tính và hoạt động giác ngộ. Bạn hoàn thành không ngừng nghỉ, tự phát những nhu cầu của tất cả chúng sanh cho đến khi sanh tử trống rỗng.

Những Giáo Huấn Vĩ Đại nói :

Sự thức tỉnh trọn vẹn được đạt đến ở cùng đích của không thiền định. Về việc này, do thành tựu sự hợp nhất tối thượng của định tĩnh và quán chiếu trong thực tại của bốn bình đẳng một vị của không gian tuyệt đối và trí huệ bổn nguyên, quả của pháp thân và hai sắc thân được hiện thành. Pháp thân là sự chứng ngộ bản tánh của quán chiếu, hay là quả cùng đích của bản tánh của vô niệm. Những sắc thân sanh khởi từ mặt hiểu biết về hiện tượng, hiểu biết này biểu lộ từ samadhi như huyễn v.v… Lại nữa, thoát khỏi những tạo tác ý niệm là Pháp thân ; và đáp ứng những nhu cầu của chúng sanh bằng bất cứ phương tiện nào thanh tịnh hay không thanh tịnh cần để huấn luyện họ là sắc thân. Về điểm này, không thích hợp phải phân chia ba thân, bốn thân… Bấy giờ, không lìa khỏi pháp thân cho lợi lạc của riêng bạn, những nhu cầu của chúng sanh được đáp ứng bởi hai sắc thân, chúng dành cho sự lợi lạc của những người khác. Nhờ bốn loại hoạt động giác ngộ, mọi nhu cầu của tất cả chúng sanh vô biên được đáp ứng. Họ được hướng dẫn dần dần trên con đường phù hợp với những cấp độ thọ nhận cá nhân. Đây là phương pháp tối thượng để hiện thực hóa, trong một đời, với một thân và trên một chỗ ngồi, thực tại Đại Ấn, trí huệ bổn nguyên vốn sẵn, nó là bản tánh của ba thân và năm trí. Do phát hiện phương pháp này, tất cả những thành tựu tối thượng và thế gian được hiển bày một cách không cố gắng từ dòng tâm của đệ tử. Trí huệ bổn nguyên của Đại Ấn sanh khởi trong dòng tâm của họ ; trạng thái giác ngộ toàn thiện được hiện thực, và bằng đường lối Đại Ấn của hoạt động giác ngộ người ta đạt đến thần lực kỳ diệu để đem tất cả chúng sanh đến con đường trưởng thành và giải thoát.

– Trong những tu viện Gelug những vị tăng thường tranh luận có chỗ nào không có Phật hay chăng, và câu trả lời dĩ nhiên là Phật hiện diện ở khắp cả. Điều này có thể gợi ý rằng bạn là một vị Phật. Nhưng nếu bạn tự hỏi, “Tôi có là một vị Phật hay không ?” nghi ngờ chắc sẽ khởi. Nhưng khi hỏi, “Chư Phật có hiện hữu không ?” Khó mà nói chư vị có hiện hữu hay không. Về con người của bạn, nó có hiện hữu hay không ? Bằng cách theo đuổi những hàm ý về cái thấy rằng Phật hiện diện ở khắp cả, bạn đến Đại Toàn Thiện, nó thoát khỏi những tạo dựng của tâm thức về có hay không.

Cái thấy này ngược với khuynh hướng phê phán những người khác của chúng ta. Chúng ta nghĩ mình có thể đánh giá người khác, dù chúng ta không ở một vị trí để phê phán con người. Thật ra, chỉ một vị Phật mới đủ khả năng đánh giá mức độ trưởng thành tâm linh hay chứng ngộ của người ta. Cái thấy này cũng ngược với quan niệm của chúng ta về những cực đoan khác : dơ sạch, tăng giảm v.v… Nhận biết Phật hiện diện đồng nhất ở mọi chỗ và trong mọi sự, những gán ghép quy ước của chúng ta lên thực tại hoàn toàn vỡ tan. –

Nghĩa Bên Trong Sâu Xa nói :

Từ mạn đà la của hiện thân như hư không của Phật và trí huệ bổn nguyên như mặt trời
Phô diễn những sắc thân trong tất cả các thế giới mười phương.
Ngữ của người, như âm thanh trống trời, không bao giờ không âm vang ;
Và nghe được không cần cố gắng bởi tất cả chúng sanh khắp cả không gian.
Tâm người, như viên ngọc như ý, với trí huệ bổn nguyên vô tâm
Đồng thời, không có những tạo tác ý niệm đáp ứng những mong mỏi của những ai còn lệ thuộc vào những tạo tác ý niệm.
Dù người có đi vào với chúng sanh và phiền não, người không nhiễm ô.
Như thế, tôi kính cẩn cúi lạy người, bậc Chiến Thắng tự-sanh.

SHARE:

Trả lời