LẮNG NGHE MỌI NGƯỜI

SHARE:

💙💙💙

      • RALPH G. NICHOLS nổi tiếng với những bài báo và bài giảng về các vấn đề trong truyền thông. Ông từng là Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Truyền thông.
      • LEONARD A. STEVENS là tác giả tự do và chuyên gia tư vấn kỹ năng thuyết trình cho nhiều công ty lớn, đồng thời là hội viên Hiệp hội Phát triển Quản lý New York.

Nichols và Stevens là đồng tác giả cuốn sách Are you Listenning? (tạm dịch: Bạn có đang lắng nghe?)

—💙💙💙—

Ở nhiều mức độ và cách thức khác nhau, khả năng lắng nghe của chúng ta chịu ảnh hưởng từ cảm xúc. Nói một cách bóng bẩy, chúng ta có xu hướng chối bỏ về mặt tâm lý những gì chúng ta không muốn nghe. Mặt khác, khi ai đó nói những điều chúng ta đặc biệt thích nghe, chúng ta sẽ mở rộng đôi tai, chấp nhận mọi thứ – sự thật, một nửa sự thật hoặc cả những điều hư cấu.

Có thể nói rằng cảm xúc chính là bộ lọc của đôi tai, có lúc chúng khiến chúng ta “điếc đặc” và những lúc khác lại tạo cho chúng ta cảm giác việc lắng nghe quá dễ dàng. Nếu chúng ta phải nghe một điều trái với định kiến, quan niệm, niềm tin, tập quán hay phức cảm của riêng mình, bộ não sẽ trở nên bị kích thích quá mức khiến chúng ta không thể lắng nghe đúng cách. Theo cơ chế tâm lý, chúng ta sẽ tìm bằng chứng phủ nhận những gì nghe được, đặt ra các câu hỏi khiến người nói cảm thấy lúng túng, hay đơn giản là quay về với các suy nghĩ của riêng mình.

Lấy một ví dụ như sau:

Một kế toán của công ty tới phòng Tổng Giám đốc và nói rằng: “Tôi vừa nghe thông tin từ Cục thuế nội địa là…” Vị Tổng Giám đốc đột nhiên thở gấp và nghĩ “Cái cục thuế chết tiệt! Sao họ không để cho mình yên vậy? Hằng năm chính phủ vẫn vắt lợi nhuận của công ty tới mức mà…” Mặt đỏ bừng, đầu óc quay cuồng, ông ta nhìn chằm chằm ra ngoài cửa sổ. Cái tên “Cục Thuế Nội địa” khơi lên những cảm xúc căng thẳng khiến ông ta không thể lắng nghe.

Trong khi đó nhân viên kế toán chỉ muốn thông báo đây là cơ hội tiết kiệm được 3.000 đô-la cho năm nay, nếu vị Tổng Giám đốc chấp nhận cho triển khai một số việc đơn giản.

Vị Tổng Giám đốc đang nóng giận đáng lẽ có thể nghe ra sự việc nếu nhân viên kế toán nhấn mạnh vừa đủ, tuy nhiên anh ta lại không làm được điều đó.

Cảm xúc khiến việc lắng nghe trở nên dễ dàng khi những điều chúng ta nghe thấy hỗ trợ cho các cảm xúc sâu sắc bên trong của chúng ta. Khi chúng ta nghe thấy những điều này, các rào cản tinh thần bị xóa bỏ và mọi thứ được chào đón. Chúng ta sẽ ít thắc mắc về những gì nghe được, cảm xúc đã dập tắt khả năng phản biện. Tư duy giảm xuống mức tối thiểu bởi vì chúng ta đang nghe những suy nghĩ đã được ấp ủ trong nhiều năm phù hợp với cảm xúc bên trong. Chúng ta cảm thấy thoải mái khi nghe một ai đó nói về những suy nghĩ này, vì vậy chúng ta ngồi yên thưởng thức một cách lười nhác.

Chúng ta có thể làm gì với những bộ lọc cảm xúc này? Giải pháp không hề dễ dàng trên thực tế, mặc dù có thể được gói gọn trong một lời khuyên đơn giản sau: “Hãy nghe cho trọn vẹn”

Nguồn: google image

Sau đây là hai gợi ý hữu ích giúp mọi người tập luyện:

  1. Không vội đánh giá – Đây là một trong những nguyên tắc học tập quan trọng nhất, đặc biệt là khi học bằng đôi tai. Nó đòi hỏi phải kiểm soát bản thân, đôi khi đòi hỏi nhiều hơn chúng ta có thể, nhưng nếu kiên trì luyện tập, nó sẽ trở thành một thói quen có giá trị. Khi lắng nghe, mục tiêu chính là hiểu rõ từng ý của người nói. Việc phán xét và quyết định nên được giữ lại cho đến khi câu chuyện kết thúc. Lúc đó và chỉ khi đó, chúng ta mới xem lại những ý kiến chính của người nói và đánh giá chúng
  2. Tìm kiếm bằng chứng phủ định – Khi lắng nghe, chúng ta thường sẽ tìm kiếm các bằng chứng chứng minh mình đúng với những gì chúng ta tin tưởng mà ít khi làm điều ngược lại. Tìm kiếm bằng chứng phủ định bản thân là điều không hề dễ dàng, vì nó đòi hỏi tư duy khoáng đạt và tầm nhìn rộng lớn thực sự. Tuy nhiên, một phần quan trọng trong lắng nghe thấu hiểu nằm ở việc tìm kiếm các bằng chứng phủ định cái mà chúng ta nghe được. Nếu chú tâm tìm kiếm những luận điểm cả hai chiều thuận và nghịch, chúng ta sẽ giảm thiểu nguy cơ bỏ lỡ những gì mà đối phương nói.

SHARE:

Trả lời