Tu tập như thế nào để Lý , Sự viên dung.

SHARE:

Tôi thấy ngày nay rất nhiều người tu tập các Pháp môn như: Thiền, Tịnh , Mật rất nhiều năm công phu. Khi họ gặp gỡ trao đổi với nhau thì thao thao bất tuyệt về Lý Tánh, thế nhưng khi gặp (đối cảnh) với sự việc thì phiền não vô cùng. Vậy người tu phải thực hành  thế nào để Lý và Sự viên dung? Nhờ Thiện Tri Thức hướng dẫn dùm, cảm ơn rất nhiều.

Trả lời

Bạn thân mến, câu hỏi của bạn rất thực tế và thiết thực.
Đầu tiên chúng ta nói tới Lý và sự.

Thứ nhất: lý sự ở mức tương đối.
Thông thường chúng ta hiểu lý sự như:
Lý là nói về lý thuyết mà mình hiểu trong Phật giáo, trong những pháp môn mà mình học, mình hiểu rồi mình nói lại những điều mình đã hiểu, nói được như vậy, thông thường chúng ta hay hiểu và gọi là nói lý.
Và sự là thực tế cuộc sống, thế giới hình tướng mà chúng ta đang sống đang trải qua hằng ngày, có thế là đời sống ở chùa nếu mình đang ở chùa, và ở xã hội nếu mình đang sống trong xã hội. Sự là chân lý qui ước, là tục đế, thế giới tương đối. Đây là thế giới hiện tượng.

Thứ hai, lý sự tuyệt đối, trong kinh điển thường hay đề cập.
Lý là Lý tánh, là bản tánh nền tảng của tâm, người nhận ra lý tánh hay bản tánh thường hay gọi là đốn ngộ như câu: “Lý tuy đốn ngộ nhưng sự phải tiệm tu”.
Ngộ lý tánh này là một kinh nghiệm qua thời gian thực hành, khi tâm thức không còn bị che chướng hành giả sẽ nhận ra tâm nền tảng, hay gọi là ngộ bản tánh của tâm. Trong kinh điển ngữ lục nói đến rất nhiều, nhưng chúng ta nếu không thực hành miên mật một pháp nào cho tâm thức hết bị dính mắc, hết che chướng, thì cũng không thể nào có kinh nghiệm ngộ xảy ra. Cho nên kinh nghiệm về vô tâm vô niệm hay nhận ra lý tánh này là rất quan trọng.

Theo bốn pháp giới trong kinh Hoa Nghiêm, thì pháp giới thứ hai là Lý Pháp Giới,là thế giới của tánh, hay tánh Không, pháp tánh, Phật tánh, Như Lai Tạng…
Pháp giới thứ ba là Lý Sự vô ngại pháp giới: là thế giới tương thông, tương nhập giữa sự và lý.
Nói cho dễ hiểu, ở Lý Pháp Giới hành giả nhận ra tâm giải thoát. Và Lý Sự vô ngại pháp giới là tâm giải thoát mà cảnh cũng giải thoát, tức tánh giải thoát mà các hiện tượng hình tướng về mặt tục đế cũng giải thoát.
Tuy nhiên trong thực tế thực hành, một hành giả chứng ngộ, lúc đầu chỉ nhận ra tâm giải thoát, nhưng chưa thể trong mọi hoạt dụng đi đứng nằm ngồi hay nhận biết các hiện tượng cũng giải thoát.

Vì vậy, bạn thấy sẽ có hai trường hợp xảy ra:
Thứ nhất, là người nói lý mà mình hiểu, dù có tu bao lâu, mà chỉ hiểu chớ chưa phải là kinh nghiệm chứng ngộ, thì khi gặp sự, những nghịch cảnh sẽ không thể nào chạy thoát phiền não.
Thứ hai, cũng có người nhận ra Lý giải thoát, nhưng họ chỉ an trụ trong tánh giải thoát mà không cởi mở lòng mình để nhận biết tâm giải thoát rộng hơn tức sự cũng giải thoát. Thì người này cũng không thể chịu nổi biến động của nghịch cảnh. Tuy nhiên họ có chỗ an trú tức kinh nghiệm giải thoát mà họ đã nhận được.

Câu hỏi của bạn thiết thực ở chỗ làm sao thực hành để cho Lý Sự viên dung?
Khi là Lý thì tịch diệt vắng lặng, trong sáng, không một vật, tuyệt đối; còn sự thì tương đối, lay động, sinh diệt.
Trên phương diện thực hành, kinh nghiệm đầu tiên là chúng ta phải có kinh nghiệm về Lý giải thoát. Bất kỳ pháp môn nào: tham thiền, trì chú, niệm Phật, nếu khi chúng ta nhận ra tâm rỗng rang nhưng đồng thời tâm cũng sáng tỏ. Chúng ta phải thật sự kinh nghiệm điều này nơi thực hành, không phải là những chữ nghĩa mà chúng ta đang nói ở đậy mà phải trực tiếp nhận ra nó trong thực hành là chúng ta đã nhận ra Lý giải thoát. Cũng có thể gọi đây là giải thoát trong thiền định, hay tâm an định.
Bước thứ hai, là hậu thiền định, tức là khi tâm chúng ta có khởi tưởng trở lại sau khi nhận ra tâm rỗng rang sáng tỏ. Chúng ta phải nhận ra khi tâm khởi tưởng, cái gì là chung cho cả khi tâm an định và khi tâm có tư tưởng, cái gì là bất biến và luôn có mặt khi tâm cả lúc an định cả lúc có tư tưởng? Thấy được cái thấy này, hay nhận thức chính điều này là bạn có một cái thấy bắt đầu của lý sự vô ngại. Bạn nhận thấy tâm an định là giải thoát, bạn cũng nhận ra khi khởi tưởng là giải thoát, tức là bạn có một cái nhìn hợp nhất giữa tịnh và động.
Về mặt thực hành là như vậy, nhưng từ bước thứ nhất qua bước thứ hai, yếu tố ảnh hưởng rất nhiều thúc đẩy cho người tu nhận thấy chuyển từ tánh giải thoát sang tướng giải thoát là Bồ Đề tâm.
Một hành giả thiếu Bồ Đề tâm sẽ chỉ thấy tánh giải thoát, hay giải thoát trong tịch lặng yên tĩnh của tâm, họ rất khó thấy tư tưởng giải thoát.
Khi đã làm quen với cái thấy này trong tham thiền, mở rộng ra bạn dễ dàng thấy mình đi đứng nằm ngồi gì cũng chỉ có một vị giải thoát. Rồi bạn làm quen nó trong khi nín khi nói, khi gặp những trở ngại nhỏ, khi bất thần cơn giận nổi lên vì tập khí cũ, và đến những biến động lớn … tất cả là một quá trình làm quen rất kiên trì, một quá trình chánh niệm phát triển cùng với Bồ Đề tâm. Nếu bạn thực hành như vậy thì lý với sự sẽ đi đôi với nhau, sự tới đâu thì lý tới đó, lý kiểm soát sự, sự hiển bày lý.

Đó là một cách thực hành mà Thientrithuc giới thiệu, có thể có nhiều cách khác nữa. Hay nhất là chúng ta được dẫn dắt bởi một vị thầy có kinh nghiệm, vị thầy sẽ là người chúng ta an tâm bởi sức sống của ông. Và chính thầy là người biết chúng ta có thật sự có kinh nghiệm về bản tánh hay không, chính thầy dạy chúng ta làm những gì để cho tâm rộng hơn sau khi ngộ, chính thầy sẽ là người chỉ chúng ta lập hạnh sau khi ngộ. Cho nên có một vị thầy chúng ta sẽ tránh được bệnh nói lý mà sự thì không thực hành được.
Cảm ơn bạn có một câu hỏi rất hay, chào bạn.

SHARE:

Trả lời