SHARE:
Thế nào là chỉ quán đồng thời? Xin Thiện Tri Thức chia sẽ kinh nghiệm tu tập! Chân thành cảm ơn.
Trả lời
Bạn thân mến, chỉ và quán là hai yếu tố của một tâm giải thoát. Hai yếu tố đó là: chỉ là phương diện lặng lẽ, yên lắng, dừng dứt, an định; quán là sự sáng tỏ của tâm, sự sáng tỏ này bắt nguồn từ tâm an định thuần khiết trong sáng yên lắng của chỉ. Chỉ quán đồng thời chính là sự đồng hiện của tâm an định thuần khiết sáng tỏ, tâm hiện diện chỉ một vị giải thoát.
Ngài Huệ Năng gọi chỉ quán là Định Huệ, và chỉ quán đồng thời với ngài được gọi là Định Huệ đồng học, ngài dạy:
“Thiện tri thức! Pháp môn đây của ta lấy định huệ làm căn bản. Đại chúng chớ mê mà nói định và huệ riêng khác. Định và huệ là một thể, chẳng phải là hai. Định là thể của huệ, huệ là dụng của định, ngay lúc huệ thì định ở trong huệ, ngay lúc định thì huệ ở trong định. Nếu biết nghĩa đây tức là định huệ đồng học.”
Từ các định nghĩa trên chúng ta rút ra một kinh nghiệm về tâm có cả chỉ quán đồng thời là: khi tâm sáng tỏ thì tâm phải an định, và khi tâm an định thì tâm phải sáng tỏ thấu suốt, đây là hai mặt không thể tách rời của một tâm hay chỉ quán đồng thời.Việc thực hành chỉ quán đồng thời có hai mức độ tương đối và tuyệt đối.
Thực hành tương đối là chỉ “biết”, chúng ta nhận thấy mọi biểu hiện trong cuộc sống của mình là sự giao tiếp giữa căn và trần, căn gồm: mắt tai mũi lưỡi thân ý, tiếp xúc với trần là: sắc thanh hương vị xúc pháp.
Trong sự giao tiếp này, nhìn thấy tư tưởng bên trong là ý thấy pháp trần (tức là chúng ta nhận biết được tâm có khởi tưởng hay không có khởi tưởng bên trong), còn các nhận thức khác đều xảy ra giữa căn tiếp xúc với trần bên ngoài.
Sự tiếp xúc này có hay không có diễn ra đều xảy ra trong một khả năng “biết”, có một sự hiện hữu không bao giờ thiếu của biết trong sự tiếp xúc này, biết thông qua mắt là thấy vật, thông qua mũi là ngửi mùi, thông qua tai là nghe âm thanh, thông qua ý là nhận thấy tâm khởi tưởng…và chúng ta để ý cho kỹ khi căn không tiếp xúc với trần thì biết vẫn hiện hữu, biết mà không cần có đối tượng.
Chỉ biết, vốn biết; cái biết có hay không có đối tượng này vẫn hiện diện đó là chỉ quán đồng thời. Trong kinh Lăng Nghiêm Phật dạy ngài A Nan: “Lìa tiền trần mà có tự thể phân biệt đó chính là Chân tâm của ông”; tức là cái biết có cả khi có tiền trần và khi không có tiền trần, chúng ta phải tự quan sát để nhận ra cái biết chưa từng sanh chưa từng diệt này, nó luôn luôn hiện diện; nhưng chúng ta chạy theo cái biết khi có duyên là có biết, khi không có duyên là không biết; cho nên chúng ta đánh mất khả năng thường biết và chúng ta trôi lăn theo cái biết có sanh có diệt theo cảnh, theo trần.
Cái biết luôn luôn hiện diện và ứng hiện ra sáu căn khi giao tiếp với sáu trần, tại sao chúng ta không thể nhận ra và sống với chính nó? Chúng ta rất khó nhận ra cái biết thuần chơn hay chỉ quán đồng thời này, do đó ban đầu chúng ta chỉ thực hành là sự biết tương đối, biết có tác ý.
Tại sao gọi là thực hành tương đối và tuyệt đối?
Chúng ta thực hành còn trong tương đối vì khi chúng ta nhận thức được vấn đề tương quan của tâm với trần và tâm tương quan với cảnh, lúc này chúng ta nhận ra được khả năng biết hiện diện của tâm. Chúng ta tin điều này và thường nhớ về tâm ở mức độ biết, nhưng nó chưa phải là chỉ quán đồng thời, bởi vì chúng ta còn có tác ý để dụng tâm, nhưng chúng ta không có con đường nào khác ngoài khả năng thực hành này.
Chúng ta đã xác định được tánh giác chính là cái biết, tự biết hay Vô tâm mà biết, nhưng trên thực tế, lúc đầu chúng ta biết nhưng còn hữu tâm chớ chưa phải biết như tự biết của vô tâm.
Do đó, chúng ta tin và thường nhớ về khả năng biết này của tâm khi có tư tưởng, khi tâm tiếp xúc với cảnh. Phải thường xuyên thực hành trong bằng khả năng này.
Thực hành như vậy cho đến lúc nào đó tâm sẽ thuần, bạn sẽ nhận ra một khả năng tự biết của tâm, tâm tự biết không cần phải nhớ về, không cần bạn tác ý để thực hành nó, tâm hiện diện tĩnh lặng trong sáng, cái tự biết này đã hiện hữu từ trước, nhưng do tâm chúng ta nắm bắt dựa dẫm vào cái tôi cho nên nó che khuất khả năng biết giải thoát này.Sau đây là lời dạy của Tulku Urgyen Rinpoche, chúng ta đọc mà tự khám phá tâm chỉ quán hợp nhất như thế nào.
“Nếu bạn tin có cái gì gọi là tâm, thực ra nó chỉ là một niệm. Nếu bạn tin rằng không có cái gì gọi là tâm, thì nó chỉ là một niệm khác. Trạng thái tự nhiên của bạn, xa lìa bất cứ niệm nào về nó – đó là Phật tánh. Tâm tương tự như hư không, trong đó nó thì không có tự tánh, không phải vật chất gì. Không phải tuyệt diệu sao, khi một cái không tự tánh, không thực thể gì cả, vậy mà cũng có khả năng để kinh nghiệm?”
(Trích trong Thiền Tập, cư sĩ Nguyên Giác biên dịch, nxb Thiện Tri Thức)Chúng ta tự quán sát ở nơi nhận thức của mình để tìm ra “Cái không có tự tánh, không thực thể”, nhưng mà cái đó có “khả năng kinh nghiệm” mọi thứ diễn ra. Cái đó chính là chỉ quán đồng thời!
Một đoạn khác trong Cái Thấy và Thiền Định Đại Toàn Thiện:
“Sự nhận biết hiện tại thì trống rỗng, rộng mở và sáng tỏ; nó không phải là vật chất cụ thể, nhưng cũng không phải là không có gì cả.
Trống rỗng, nhưng hoàn toàn nhận biết, sáng tỏ, tỉnh thức.
Giống như thật kỳ diệu, không bởi cố gắng để nó trở nên nhận biết, mà là nhận biết tự có, sự nhận biết liên tục hoạt động.
Hai mặt này của sự nhận biết hiện tại hay Rigpa – tính trống rỗng của nó (chỉ) là tính nhận biết (sáng tỏ, quán) của nó – là không thể phân chia.
Trống rỗng và sáng tỏ (chỉ và quán) là không thể chia tách.
Chúng không có hình tướng, giống như không có gì cả, không nắm bắt được, không sinh ra, không mất đi (phương diện chỉ); nhưng thoáng đãng, sáng rõ, sống động (phương diện quán).
Không có gì cả, nhưng thật tuyệt diệu! Tất cả mọi thứ được kinh nghiệm một cách kỳ diệu.
Đơn giản là nhận ra nó.
Nhìn vào tấm gương huyền ảo của tâm và thưởng thức sự trình diễn kỳ diệu vô tận này”
(Đây là lời dạy của ngài Jamgon Kongtrul Lodro Thayé, người dịch Rangxi Sangbo)Cốt lõi của vấn đề là chúng ta phải có niềm tin về cái thấy chỉ quán đồng thời này là cái đã có sẵn, do trên cái thấy của chúng ta bị che chướng bởi chấp trước vào một cái ta, vì vậy ở cái thấy có trung tâm thấy và ngoại vi để thấy; cho nên chúng ta không nhận ra cái thấy có sẵn này.
Chúng ta có niềm tin và chúng ta phải thực hành luôn luôn trở về nhận biết cái thấy này (theo khả năng nhận thức của mình) hiện hữu, cho đến khi bạn bỗng dưng bắt gặp cái thấy của bạn đồng khít với những lời khai thị ở trên, lúc đó bạn biết được chỉ quán đồng thời.
Thực hành tuyệt dối
Khám phá ra chỉ quán đồng thời, và từ đó trở đi, thực hành là nhận biết chỉ quán đồng thời hiện diện trong mọi tình huống, là cách tu tuyệt đối.
Tuy nhiên trên thực tế, dù sự nhận diện mức độ tâm thật cao nhất theo khả năng khám phá của chúng ta, và thực hành là thường sống được ở mức độ tâm mà chúng ta đã nhận ra này. Tuy vậy, thói quen sống phóng dật hay quên để chạy theo lối sống cũ thường hay diễn ra, bao giờ cũng hình thành giữa sự nhớ và quên trong thực hành. Nhớ là chúng ta đang sống trong nhận thức mới, còn quên là chúng ta sống theo thói quen cũ bị che chướng bởi nghiệp.
Chúng ta phải cố gắng nỗ lực để thường nhớ về khả năng cao nhất mà chúng ta đã khám phá ra và chúng ta sống với khả năng này để làm quen với tâm giải thoát, ngược lại với thói thường buông lung.
Ngay cả người đã nhận ra chỉ quán đồng thời, họ cũng phải có một thời gian làm quen, gọi là hàm dưỡng; lần lần thì chúng ta mới thật sự an trú không cố gắng bằng tâm thật sẵn có này.
Mong bạn tinh tấn nỗ lực.
Chào bạn.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS