Kiến tánh

SHARE:

  • Kiến tánh là gì? Có thể diển tả trạng thái kiến tánh có thật, qua kinh nghiệm tu tập ?
  • Đây là thân của tôi. Đây là tâm ( sự suy nghĩ, phân biệt, so sánh, nhận xét…) của tôi. Vậy đâu là bản tánh, bản lai diện mục của tôi? Thân, tâm là vật thay đổi, không thật mà thấy, nhìn, sờ…được như thật. Còn bản lai diện mục được cho là cái Thật thì lại quá khó tìm?!!! Điều này thật khó hiểu
  • Làm sao để kiến tánh mà không bị che chướng thêm bởi kinh sách, từ ngữ…???
  • Một thầy thuốc giỏi thì tự nhận mình là thày thuốc giỏi có thể chữa bệnh cho mọi người. Sự tự nhận như vậy giúp bệnh nhân ở khắp nơi tự tìm đền để được giúp đở. Vậy tại sao những bậc kiến tánh lại mai danh ẩn tích?
  • Tôi đọc kinh Lăng nghiêm có một điểm chưa hiểu. Lúc ngài A nan suýt mang trọng tội Dâm. Khi Phật phóng một đạo hào quang mang ngài A nan và nàng Ma đăng già về. Tôi không thấy Phật la rầy gì cả? rồi Phật bằt đầu giảng kinh Lăng Nghiêm? Điều này được giải thích thế nào???

Chân thành cảm ơn các anh chị trong trang web thientrithuc.vn  Kính chúc quý anh chị luôn khoẻ mạnh. Kính chúc trang web ngày càng phát triển để mang lại những sự sáng tỏ trên đường đạo cho mọi người

Trả lời

Bạn thân mến, có những vấn đề mà chúng ta cần chia sẽ trong câu hỏi của bạn.

Thứ nhất, như thế nào là kiến tánh?
Tánh ở đây là Phật tánh, tánh Không, tánh Như, Như Lai Tạng tánh…
Tánh ở đâu? Chúng ta hãy trích một đoạn trong kinh lăng Nghiêm:

“A Nan, ông vốn chẳng biết trong Như Lai Tạng, tánh sắc là Chân không, tánh Không là chân sắc, thanh tịnh bản nhiên, toàn khắp pháp giới, tùy tâm chúng sanh ứng với lượng hay biết, chỉ theo nghiệp mà phát hiện.
Thế gian không biết, lầm cho là tánh nhân duyên và tánh tự nhiên. Đó đều là thức tâm phân biệt, so lường, chỉ có trên lời nói, toàn không có thật nghĩa.”

Từ đoạn kinh trên chúng ta rút ra một nhận thức: như bạn biết, đây là thân, đây là tâm…bạn hỏi đâu là bản tánh; thì, bản tánh chính là những biểu hiện của Như Lai Tạng sinh ra thành thân và tâm mà bạn đang bị dính mắc vào nó đó.
Vì Như Lai Tạng là cùng khắp pháp giới, tùy theo sự hay biết, theo nghiệp của chúng sanh mà ứng hiện; cho nên, ngay nơi tướng ứng hiện đó, chính là Như Lai Tạng; hay, ngay tướng chính là tánh.
Kiến tánh là phải thấy ngay nơi tướng chính tánh.
Cho nên Lục Tổ Huệ Năng có dạy:
“Phật pháp tại thế gian,
Bất ly thế gian giác
Ly thế gian để tìm giác ngộ
Như tìm lông rùa sừng thỏ”
Hay theo kinh Bát Nhã: “sắc tức thị Không, Không tức thị sắc”

Kinh nghiệm tu tập của những người thực hành được diễn đạt rất nhiều trong ngữ lục; vì, như chúng ta đã biết, từ Như Lai Tạng cùng khắp, theo nghiệp của chúng ta mà ứng hiện ra cả thân tâm và thế giới này; cho nên ở đâu, lúc nào hành giả cũng có thể nhận ra bản tánh của tâm, chỉ khi tâm hành giả tương thông, tâm không còn dính mắc vào các hình tướng; thì lúc đó chúng ta có thể phát hiện ra bản tánh của tâm đang ứng hiện.
Cho nên, khi sự trụ chấp dính mắc vào các tướng này; nhờ công phu tu hành bất cứ pháp môn nào của Phật giáo, bạn thôi dính mắc; tâm bạn tương thông với bản tánh, thì bạn sẽ nhận ra tướng chính là tánh, và bạn kiến tánh.

Theo thứ lớp, kinh nghiệm đầu tiên bạn nhận ra bản tánh khi tâm bạn thoát khỏi tư tưởng, hay nói đúng là bạn tham thiền hay trì chú, hoặc niệm Phật…, bạn nhận ra tâm mình an định nhưng tâm thật sáng tỏ – tâm bình thản. Khi bạn có kinh nghiệm như vậy là bạn đã nhận ra bản tánh của tâm ở trạng thái tĩnh.
Nếu người ta chỉ chú trọng ở trạng thái này, tức là nhận thấy giải thoát ngoài các tư tưởng, người ta an trú vào đây cho đến hoàn toàn giải thoát. Đó là một cách, có thể gọi đây là: “Giải thoát theo con đường hẹp”. Hành giả thấy giải thoát ngoài biến động của tư tưởng và các hình tướng, giải thoát chỉ cho tâm mà cảnh chưa thật sự giải thoát.

Kinh nghiệm thứ hai theo thứ lớp là từ cái thấy thanh tịnh và sáng tỏ này, người tu phải có kinh nghiệm và xác quyết về nó cho khá vững vàng.
Sau đó, hành giả không còn phân biệt: khi tâm an định là đúng và tâm xao động là không đúng (thường theo thói quen lấy bỏ, chúng ta khi biết được tâm an định sáng tỏ, chúng ta thường có thái độ cần phải duy trì tâm giải thoát này, chúng ta muốn tham thiền hay niệm Phật, trì chú,… mục đích là để kéo dài thời gian được ở trong cái thấy giải thoát này; đó là một lỗi mà ai ai cũng bị mắc phải, lỗi là mê Niết bàn)
Chúng ta không trụ chấp nơi tâm an định này, tâm chúng ta sẽ có khởi tưởng, bạn phải tự mình khám phá khi tâm có khởi tưởng như vậy; tâm bạn lúc an định và tâm lúc khởi tưởng, cái gì là bản tánh của tâm?
Chúng ta phải tự khám phá ra, cái gì mà như trong kinh dạy: không dơ, không sạch, không sanh không diệt, không tăng không giảm?
Khi mà bạn nhận ra bản tánh ở tâm an định, ở tâm khi có tư tưởng, thì bạn dễ dàng nhận biết nó ở các hình tướng bên ngoài, thấy cảnh là thấy tâm (tánh), có chỗ gọi là “Kiến sắc minh tâm”.
Cả ba trạng thái, khi tâm an định, khi tâm có tư tưởng, khi tâm có các hình tướng. Bạn phải tự nhận biết như thế nào là bản tánh; Như Lai Tạng đang ứng hiện ra các tướng đó, vậy Như Lai Tạng ở đâu? Đây là “Giải thoát rộng” hay chỗ mà thiền tông gọi là Kiến tánh.

Trong nhà thiền dạy là: “Tiệt hậu tái tô” (chết đi sống lại). Con người dính mắc của chúng ta phải qua một giai đoạn đột tử, thì cơ may nhận ra con người muôn thuở, hay bản lai diện mục mới thật sự được nhận biết.

Đó là trình tự nhận ra cái thấy theo thứ lớp thông thường, tuy nhiên, trong lịch sử tu tập, không phải ai cũng phải trải qua từng chặn như vậy. Có người đi thẳng vào nhờ một biến cố lớn, có người được sự khai thị chỉ bày của một vị thầy hay một thiện tri thức, có người nhờ tin và ở gần một vị thầy chứng ngộ bỗng một ngày nào đó học trò bị “lây” cái thấy của thầy… rất là đa dạng và phong phú, và cũng rất hấp dẫn và khó lường…

Từ giải thoát hẹp và giải thoát rộng chúng ta sẽ giải quyết một vấn đề mà bạn thắc mắc, tại sao các bậc giải thoát lại ở ẩn? Xin thưa, các bậc giải thoát mà ẩn mình là những người đi theo “con đường nhỏ”, họ mê Niết bàn!
Thật ra, vì bạn tưởng một người giải thoát là phải hiện tướng nào đó thật khác biệt với tướng thế gian, thành ra bạn không tin là có một bậc giải thoát nào đang hoạt động cùng chúng ta, mà họ thật sự là người giải thoát.
Trong mười bức tranh chăn trâu của thiền tông, bức số mười có nói đến “Thỏng tay vào chợ”. Như hiện thân của Bố Đại Hòa Thượng, như các vị tái sanh đang chu du khắp cả thế giới này trong hiện đời chúng ta, để vì muốn mọi người nếm được từ bi và giải thoát, đại diện là các vị đạo sư của Phật giáo Tây Tạng. Tất cả những bậc đó, họ làm như vậy không ngừng nghĩ từ đời này qua đời khác, vì họ thật sự sống bằng Niết bàn vô trụ xứ, nơi nào cũng là Niết bàn, sanh tử cũng là Niết bàn.

Kiến tánh là phải thấy tất cả là một vị, tướng và tánh là một vị , sanh tử và niết bàn là một vị. Bạn là tất cả, chính là bạn kiến tánh. Khi đó không còn nói tánh, nói tướng gì cả. “Ta là tất cả tất cả là ta”, một vị không khác.

Khi mà bạn có cái thấy này thì bạn sẽ thấy toàn bộ kinh điển chỉ nói và dạy có một việc, đó là bản tánh mà bạn đã nhận ra, không có bộ kinh nào khác với bộ kinh nào cả; tất cả chỉ có một vị nhưng vì chúng sanh mà Phật thuyết theo cách này hay cách khác nhằm chỉ bày bản tánh mà thôi.

Phần chia sẽ sau cùng bạn hỏi tại sao Phật không la rầy gì A Nan khi suýt phạm giới mà chỉ gọi về và chỉ dạy.
Có hai cách để làm cho một người giác ngộ, một là theo thứ lớp, ăn cây nào rào cây nấy; thí dụ như mình đang mắc phải lỗi nào đó thì dạy đối trị với lỗi đó là phải bỏ lỗi và làm ngược lại nhằm xóa lỗi cũ. Cách này là cách ứng dụng, dễ thực hành; nhưng chỉ giải quyết ngọn ngành dành cho các căn cơ chậm lụt, vì chỉ dựa vào hình tướng cụ thể để giải quyết, cho nên nó không rốt ráo.
Cách thứ hai chỉ thẳng ngay cái chưa bao giờ có lỗi, cách này trực tiếp hơn nhưng khó lãnh hội hơn, đây là cách mà Phật đã dạy trong kinh Lăng Nghiêm.
Ngoài ra, chúng ta cũng thấy đây là một cớ nhập đề tài tình để hình thành nội dung mà kinh sắp bày ra cho chúng ta, những người sau này học hỏi.
Theo một cái nhìn nữa, từ ở cái thấy giải thoát, hay từ Như Lai Tạng thì các tướng ứng hiện đều là giải thoát như Như Lai Tạng; như vậy, có sắp phạm giới như ngài A Nan, cũng vì mê Như Lai Tạng, chứ thật ra các tướng xưa nay vốn giải thoát. Phật không thể hành động trên cái mê ảo tưởng không thật lại dạy hay la rầy đối với cái không thật đó nữa thì cũng khác gì tạo thêm cái mê nữa để phá mê?

Cho nên trong Phật giáo, con đường trực tiếp và gần gũi nhất, lại khó tin khó nhận nhất. Nhưng trước sau gì chúng ta cũng phải tu hành để đi tới con đường trực tiếp này. Bằng cách này hay bằng cách khác, chúng ta tu hành để sữa mình cho đến khi tâm chúng ta tương thông với bản tánh và trực tiếp sống được với bản tánh, hay chúng ta sống được Như Lai Tạng đã có sẵn chưa bao giờ mê, thì khi đó chúng ta mới thật sự thấy cuộc sống có ý nghĩa.
Chào bạn.

SHARE:

Trả lời