Những phẩm tính của thiền chỉ tốt.

SHARE:

Kính chào Thiện Tri Thức CT!
Trong ĐẠI ẤN có nêu 3 phẩm tính tích cực của Thiền chỉ: Samadhi, Bồ đề tâm và chứng nghiệm Tánh không và Vô ngã. Xin hỏi:
a. Làm sao để phát Bồ đề tâm trong khi ngồi thiền?
b. Có nhất thiết phải theo thứ tự như thế không? Nếu thiếu thì sẽ có lỗi gì?
Mong sớm được hồi âm. Kính chúc sức khoẻ và tinh tấn. Thân ái!

Trả lời:
Làm sao phát bồ đề tâm trong khi ngồi thiền? Chúng ta phải hiểu bồ đề tâm có hai mức độ thể hiện. Thứ nhất bồ đề tâm tương đối là sự phát nguyện của chúng ta khi bắt đầu tu học. Nhờ phát nguyện trước hết vì lợi ích cho mình và sau là cho người mà chúng ta có động lực để tu học, và như vậy, bồ đề tâm là một động lực luôn luôn theo ta trong suốt hành trình tu học của mình. Cho nên khi bạn ngồi thiền thì cũng là ngồi thiền trong sự phát nguyện đó. Thứ hai khi hành giả chứng ngộ được tánh Không, lúc này tánh Không và bồ đề tâm là một, khi đó mọi hoạt dụng của hành giả là hoạt dụng vì mọi chúng sanh, mọi hoạt dụng là hoạt dụng từ tánh Không. Trên cơ sở tánh Không mà vì người nên nó là Bồ đề tâm tuyệt đối, rộng lớn, không dừng dứt, không mệt mỏi. Còn cụ thể trong một thời ngồi thiền bạn có thể phát nguyện trước khi ngồi thiền, và sau thời ngồi thiền bạn hồi hướng công đức đó cho tất cả chúng sanh; chúng ta phải tập sống theo cách thức như vậy  rồi sẽ thành quen.

Kế đến, nếu chúng ta tu mà không thực hiện bồ đề tâm thì sự giải thoát của chúng ta rất hạn hẹp, và ý nghĩa của việc tu học sẽ chỉ là tự lợi mà không có lợi ích gì cho mọi sanh linh đang còn mê mờ.
Tác dụng của bồ đề tâm, là làm cho ta có động lực thúc đẩy ta tinh tấn tu hành.
Động lực thứ hai là tâm vì người khi phát bồ đề sẽ dễ dàng phá vỡ sự chấp ngã thâm căn cố đế của ta đã nhiều đời tạo nên ngăn cách phân biệt ta và người.
Thứ ba, bồ đề tâm là cách tiếp cận với mọi người hòa điệu, êm thấm, dễ cảm thông giữa ta và người nó như một sứ giả, nhưng là sứ giả hòa bình. Nó làm cho sự ngăn cách của ta và mọi người không còn nữa. Nếu chưa thể nhập tánh Không, bồ đề tâm làm tiêu mòn chấp ngã; khi đã thể nhận tánh Không nơi tâm, bồ đề tâm làm cho tánh Không rộng lớn tức là ngã và pháp đều Không. Hay nó là tác nhân chính làm cho hành giả chứng ngộ tánh Không ở các hiện tượng. Nó làm cho tánh Không đã chứng ngộ trở nên sống động.
Thứ tư, nếu trong đời bạn tu mà không chứng ngộ được giải thoát, bạn còn lại sự phát nguyện, nó là mục tiêu mà bạn đã hướng tới trong đời và nó sẽ tiếp tục ở đời sau. Và bạn sẽ tiếp cận với giải thoát nhờ bạn đã phát bồ đề tâm ở đời này hoặc nhiều đời. Bồ đề tâm là một người bạn đường trung thành với bạn trong mọi chặn của đường tu. Phát bồ đề tâm giống như ta đã gieo một hạt giống tốt vào mảnh ruộng tâm của mình, nó sẽ nãy nở và phát triển. Có bồ đề tâm là có bồ tát đạo, và có bồ đề tâm ở hành giả thì việc tu học nhắm tới sẽ là Phật quả.

Cuối cùng nếu chúng ta có tâm vì người càng lớn thì giải thoát sẽ đến với ta càng lớn, mọi lo lắng hoặc sợ chướng ngại là do cái tôi của chúng ta nó luôn luôn bảo vệ nó. Và nó làm mọi thứ ngược lại với bồ đề tâm mà ta muốn phát nguyện. Cho nên chúng ta phải mạnh mẽ, tinh tấn và quyết đoán hơn trong việc tu học của mình. Càng mở rộng phạm vi tu học chừng nào thì kết quả gặt hái càng khả quan chừng đó. Sau hết, tánh Không và Vô ngã là một, chỉ là cách gọi tên khác nhau mà thôi. Mong bạn có thêm sức mạnh, chào bạn.

SHARE:

Trả lời