Làm thế nào để tham thiền khi tâm có tư tưởng?

SHARE:

Cho con xin hỏi, trong lúc công phu xuất hiện những ý nghỉ tạp niệm (con gọi là tâm tà) thì làm sao diệt được nó? Con thường nghe các thầy nói, muốn diệt nó thì đừng nghỉ nữa? Theo con đó là cách tạm thời, có cách nào diệt nó vĩnh viễn không? Không cho nó khởi phát từ trong tâm? Con rất buồn vì mình chưa làm chủ được tâm, để nó xuất hiện, tạo nghiệp ác tội lỗi là điều con không bao giờ muốn, xin Thiện tri thức chỉ dạy, con xin cảm ơn rất nhiều ạ.!

 Bạn thân mến, trước tiên chúng ta phải có cái nhìn tổng quan là mọi việc làm trong tu hành Phật giáo cốt là để hợp nhất với tánh Không, hay tánh giác. Chúng ta có cái nhìn như vậy và chúng ta sẽ tiến hành tu hành cho đến khi nào tánh giác hiện diện là đúng với lộ trình.
Tánh Không hay tánh giác nói cho dễ cảm nhận là một nhận thức không dính mắc, Lục Tổ gọi là: vô niệm, vô tướng và vô trụ. Nhận thức từ góc độ vô niệm vô trụ vô tướng để sống là giải thoát. Hay tánh không là một sự im lặng của tâm thức, sự thôi dứt của một cái ta đặt trên hoạt động nhận thức, và khi nhận thức không đứng trên một cái ta nữa thì mọi sự vật mọi hiện tượng đều cùng là sự ứng hiện của tánh giác. Khi chúng ta không còn chấp sự hiện hữu của một cái tôi trong hoạt động nhận thức nữa thì mọi vật mọi hiện tượng, đều là biểu hiện của tánh giác hay tánh Không.
Vì vậy chúng ta tu hành là để làm sao nhận ra và sống được với tánh giác, khi đó mọi tư tưởng, vọng niệm sẽ được soi sáng trong ánh sáng tỉnh giác, chúng ta làm chủ thân tâm trong mọi hoạt dụng mà không cần phải diệt tâm như bạn nghĩ nữa.
Và khi đã sống thuần thục với tánh giác thì khởi tưởng không còn là chướng ngại mà mọi khởi tưởng đều là dụng của tánh giác.

Với những người mới tham thiền như bạn, cần yếu là phải thực hành để đưa đến một nhận thức là: khi có tư tưởng khởi là có cái biết tư tưởng hiện diện. Đây là sự đồng khởi đồng hiện của “tánh” (tánh giác, sự nhận biết) và “tướng” (các tư tưởng, và các hình tướng), sự đồng hiện đồng khởi này nó luôn có hiện diện nhưng vì chưa để ý, chưa tu tập cho nên chúng ta không nhận ra nó.
Vì mới thực hành quan sát cho nên mỗi khi tư tưởng khởi là bạn bị cuốn theo nó chớ bạn không đủ tỉnh thức để nhận thấy tư tưởng là một hiện tượng bị thấy, được quan sát. Thật sự, tư tưởng xảy ra khởi lên trong ánh sáng của tâm, trong sự nhận thức của tâm.
Giống như bên ngoài cuộc sống, bạn thử so sánh khi nhìn một chiếc lá rơi, một chiếc xe chạy qua, và một tư tưởng khởi tưởng, những hiện tượng đó xảy ra về hình thức thì khác nhau nhưng nó xảy ra trên một sự nhận biết giống hệt nhau. Chúng khởi lên diễn tiến nhưng vô hại đối với tâm đang nhận biết chúng. Nếu thấy được điều này nơi bạn (khả năng nhận biết không dính mắc) là bạn biết cách làm chủ tư tưởng, làm chủ những diễn biến bằng khả năng nhận biết xưa nay đã hiện có của mình. Khả năng nhận thức các tư tưởng, các hình tướng này luôn luôn có, và các tư tưởng, các hình tướng có diễn ra nhưng vô hại với khả năng nhận thức này. Có sự vô hại đó là vì tâm đã trở về vô niệm, vô tướng, và vô trụ mà chúng ta cần xác định và sống được với nó.
Trong nhận thức không dính mắc, các tư tưởng, vọng niệm khởi lên, tồn tại rồi tiêu mất, tư tưởng là vô hại với sự nhận biết và nếu chúng ta có cái nhìn tích cực hơn nữa, tư tưởng là tác nhân đánh thức sự tỉnh biết nơi tâm, càng có nhiều tư tưởng khởi thì sự tỉnh biết càng nhiều.
Tập được như vậy cho đến khi nào bạn nhận thấy sự tỉnh biết này không phải chỉ có khi có tư tưởng, mà nó hằng có dù có hay không có tư tưởng, thì đó chính là biểu hiện của tánh giác. Tánh giác là sự hiện diện vô điều kiện, vì vậy trong kinh Bát Nhã gọi là: bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm.

Hai nữa chúng ta chia sẽ ở đây, sự đau khổ theo cách trình bày của bạn, rõ ràng bạn đang đứng trên một trung tâm là cái tôi, là nạn nhân gánh chịu những tư tưởng, vọng niệm khởi lên trong tâm. Bạn tự đồng hóa mình với những khởi tưởng trong tâm, nhưng đáng ra nó chẳng khác nào như một chiếc lá rơi, một chiếc xe chạy qua trong nhận thức sáng suốt của bạn. Nó chỉ là khách chớ không phải là bạn.
Bạn chưa có một nhận thức những gì xảy ra trong tâm nói theo kinh Lăng Nghiêm: những thứ đó là bụi là khách trần, do trong cuộc sống tiếp xúc và dính mắc nó huân tập lưu lại trong tâm bạn và đủ duyên nó khởi lên, tuy nó khởi lên như vậy nhưng nó chỉ là bụi là khách, nó không thật sự tồn tại, hoặc chỉ tồn tại trong nhận thức của bạn chỉ thoáng chốc rồi tiêu mất, không có người khách nào mà ở mãi với mình, nếu mình biết là khách mình không đón tiếp chào mời, mình ở trong nhận thức không dính mắc, mình là chủ thì khách sẽ tự đến và tự đi. Bạn không thấy được như vậy mà bạn lại thấy nó là thật rồi đau khổ, bạn gánh chịu những hình bóng không thật này. Nó không thật, vì nó hiện diện trong khả năng nhận thức của bạn rồi nó cũng tự diệt mất. Bạn không cần phải tiếp sức cho nó bằng cách tưởng nó thật rồi chạy theo nó, hoặc tìm cách diệt nó.
Cũng có thể dễ thấy hơn các tư tưởng như hình tướng, còn sự trong sáng không dính mắc của tâm như gương, các tư tưởng dù ít hay dù nhiều thật nhiều cũng luôn phản chiếu trong gương, sự phản chiếu của gương thì vô hạn có bóng hay không bóng gương đều phản chiếu. Nếu gương là sự phản chiếu vô hạn, khi bạn chấp thật vào một tư tưởng tức là bạn muốn giữ bóng lại trong gương, và bạn đồng hóa gương với bóng, gương mất đi sự trong sáng phản chiếu, mà gương cứng đặc vì sự dính mắc, khi đó chúng ta đánh mất sự phản chiếu của gương mà chỉ thấy bóng. Gương bị bóng che mất.

Thứ ba, vấn đề là chúng ta phải đi tới nhận thức không dính mắc, hay bạn phải công phu đủ cho tâm an tĩnh và trong sáng để nhận ra nơi bạn luôn luôn có một sự nhận thức không dính mắc hiện diện khi có hay không có tư tưởng.
Ban đầu bạn có thể an trú vào hơi thở, niệm Phật, hay trì chú cho tâm bạn tương đối an định, vấn đề là chúng ta thực tập an định tâm làm sao cho an toàn nhất để chúng ta chuyển tiếp qua cái thấy không dính mắc, hay sự phản chiếu của gương tâm đang hiện có.
Muốn như vậy bạn phải thực hành an định vào các phương tiện như theo dõi hơi thở, niệm Phật, hoặc trì chú, hay an định vào một đề mục thực hành nào đó như nhìn vào một hình tượng, một điểm để định tâm… Khi tâm tập trung an định vào các phương tiện trên, bạn phải thường xuyên đánh thức sự tỉnh biết hiện diện kèm theo lúc bạn tập trung vào thực hành các phương tiện.
Hai khả năng: tập trung tâm gọi là chỉ, và tỉnh biết khi tập trung đó là quán. Đây là hai khả năng mà bạn cần phải đầu tiên là thực hành đánh thức nó, luyện tập nó nơi tâm, rồi sau đó là phát hiện ra nó đã có sẵn.  Cái đã có sẵn đó chính là nhận thức không dính mắc, nhưng chúng ta không thấy được bởi vì sự dính mắc vào các khởi tưởng, và các hình tướng làm che mất sự sáng suốt đang có này.

Khi mà chúng ta có một cái nhìn tổng quan về con đường tu hành, chúng ta cứ yên tâm tu hành pháp môn nào mà mình thấy hợp với mình nhất nhưng đừng quên pháp môn nào rồi cũng hợp nhất với tánh giác, cho nên thực hành khi chưa thật sự nhận ra tâm vô niệm vô tướng vô trụ thì giống như làm nháp, làm  nháp càng giống với bản chính chừng nào thì khi đã thuần chúng ta sẽ sớm phát hiện ra bản chính dễ dàng chừng đó.
Có một kinh nghiệm chúng ta cần phải tận dụng, là trong việc tu hành muốn mau thành tựu chúng ta phải tha thiết, phải nhiệt huyết trong Thực hành, nhưng đôi khi chúng ta cũng phải thư giản hết mức. Có khi chúng ta dồn hết sinh lực mình để công phu trong một thời gian, nhưng có khi chúng ta thư giãn hết cỡ, buông xả hết mọi thứ dính mắc kể cả việc tu tập, chúng ta ở trong trạng thái an nghĩ và bình thản quan sát. Cứ luân phiên như vậy thì cơ hội để chúng ta nhận ra tâm vô niệm vô tướng vô trụ sẽ có nhiều hơn, nhất là những lúc chúng ta trong trạng thái thảnh thơi, buông xả. Bởi một điều đơn giản tâm giải thoát là vốn có sẵn, chúng ta tu hành là tu hành với sự dính mắc của mình, khi mà đã quần thảo với nó một thời gian, tâm thức dính mắc đã mệt mỏi nó lảng tránh đi, nhất là trong những lúc chúng ta thư giản, tĩnh tâm, chúng ta sẽ nhận ra sự giải thoát hiện diện.

Khi đã nhận ra được gương tâm thì việc tu hành dễ dàng hơn, chúng ta chỉ việc nhớ về là có gương ngay lúc đó, và chúng ta mở mang nó bằng những công hạnh làm lợi ích cho mình và cho người khác.
Chúng ta vẫn tiếp tục tu hành là làm quen với cái thấy đã nhận ra này trong mọi lúc mọi nơi, làm quen cho tới lúc nào chúng ta không cần phải nhớ về nó nữa mà nó luôn luôn hiện diện.
Con đường tu hành là như vậy, chúc bạn có niềm tin và cố gắng thực hành.

SHARE:

Để lại một bình luận