PHẢN QUANG

SHARE:

Xưa khi vua Trần Nhân Tông từ biệt ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ thầy của mình, ông hỏi thầy, bạch Thượng Sĩ, pháp yếu của Thiền tông là gì?

Tuệ Trung Thượng Sĩ đáp: Phản quang tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc.

Nhìn lại tâm mình là bổn phận, không chạy theo bên ngoài mà được.

* Quang có nghĩa là sáng, ở nơi tâm nó là khả năng sáng tỏ thấu suốt mọi đối tượng trong tâm ngoài tâm và biết cả chính nó đang hiện hữu.

Phản quang là ngay nơi ánh sáng của tâm, ánh sáng này tự nhận biết chính nó lưu xuất trực tiếp từ nguồn tâm, đó là nhìn lại tâm, nhận biết nó là biểu lộ từ bản tánh của Tâm.

Thí dụ tâm như tấm gương sáng, nó có khả năng phản chiếu mọi bóng hiện ra trước nó và khả năng này là sự tự chiếu của nó. Sự chiếu sáng này thì không ngừng nghỉ, và tâm chúng ta cũng vậy, tâm luôn luôn phóng quang (luôn luôn tỏ biết) cho dù có hay không có vật hiện trong tâm. Trong kinh điển gọi sự chiếu sáng này là quang minh hay đại quang minh. Nó là một cái kho ánh sáng nên gọi là đại quang minh tạng.

Nguồn tâm thì vốn giải thoát và trong sáng, sự nhận biết lưu xuất qua các căn từ nguồn tâm cũng trong sáng và giải thoát. Khả năng thấy nghe này không bị vướng kẹt vào căn cũng không kẹt vào cảnh, nhưng chúng ta áp đặt, chúng ta đồng hóa thấy biết này thành một trung tâm có tôi thấy tôi biết, và nhận thức bị phân hai có trung tâm nhận thức và đối tượng để nó nhận thức, gọi là cái thấy kẹt trong nhị nguyên. Khi được hỏi, ai thấy ai nghe? Thì chúng ta trả lời là, tôi thấy tôi nghe. Còn phản quang là giải tan sự trước tưởng về một trung tâm này, phản quang phá tan và thấu qua trung tâm ảo tưởng này, tâm chỉ nhìn vào tâm, tâm nhìn vào chính nó để biết nguồn cội gốc rễ của nó hay tâm nhận ra chính nó là biểu lộ từ bản tánh của tâm. Phản quang là biết chỉ có một tâm hiện hữu không có phân hai (năng sở).

Tâm như đại dương và sự sáng suốt của nó phản chiếu như những làn sóng, nếu trụ vào con sóng lấy nó làm góc độ để quán sát thì sóng tự tách lìa khỏi đại dương và có sóng này khác sóng kia. Phản quang là biết được rằng sóng chính là đại dương sóng dù có nhưng tự biết nó là đại dương, sóng vẫn luôn là đại dương, phản quang là đánh thức làn sóng để nó thức tỉnh nó là đại dương.

Cái gốc của phản quang là đánh thức sự hiện hữu toàn khắp, khi cái toàn thể được đánh thức là đang phản quang và nhận biết mình có mặt trong chính biểu lộ toàn khắp này là phản quan cao nhất. Người xưa gọi là bình thường tâm, thực tại hay hiện hữu.

Khi một hành động thấy còn phân hai giữa năng thấy và sở thấy thì dù có nhìn vào trong hay nhìn ra ngoài cũng không phải là phản quang. Mà đó là hành động của tâm chấp ngã. Tâm tự nó tạo ra sự chia chẽ, khi nào còn xem tâm là một trung tâm và có cái đối với nó (có thân căn và thế giới) thì khi đó tâm tự nó tạo ra sự chia chẽ.

Khi tất cả chỉ là sự hiện hữu của cái thấy, mọi hình tướng bên ngoài và những khởi tưởng bên trong đều là sự phản chiếu của ánh sáng của tâm. Thấy nó chỉ là sự phản chiếu trong ánh sáng toàn thể là phản quang, cái thấy hợp nhất không còn phân hai.

Phản quang là thể nhập cái toàn thề, phản quang là nhận ra chưa từng có sự phân chia giữa các pháp mà nó chỉ biểu lộ một vị là ánh quang minh của tâm. Phản quang là nhận ra ánh quang minh này hiện hữu và chỉ có sự hiện hữu này cho dù thế giới có muôn ngàn sai khác nhưng sự sai khác không ngoài quang minh hiện hữu. Mọi sai khác của thế giới hiện tượng được dung nhiếp trong ánh sáng của tâm, muôn ngàn sai khác chỉ là sự hiện hữu toàn khắp, sự hiện hữu này bao trùm tất cả. Việc tu hành là nhận ra ánh sáng của bản tánh hiện hữu trong mọi hoạt động sống và bình an trong mọi hoạt động gọi là tự thọ dụng.

* *Trong kinh Lăng Nghiêm Phật dạy cho A Nan và đại chúng hai thứ căn bản, “A Nan, một là căn bản sanh tử từ vô thủy, chính là cái tâm bám níu theo duyên hiện giờ mà ông và các chúng sanh đang dùng cho là tự tánh.”

Bám níu theo duyên là cái tâm lúc nào cũng chạy theo hình tướng, các duyên đang hiện ra nơi tâm, rồi sanh tâm phân biệt yêu ghét lấy bỏ là thế giới của sanh tử trụ chấp, quên ánh sáng mà chạy theo các hình tướng.

“Hai là, cái thể Bồ đề Niết bàn vốn thanh tịnh từ vô thủy, tức là cái thức tinh vốn sáng hiện giờ của ông, hay sanh các duyên nhưng ông lại duyên theo các sanh khởi ấy mà bỏ quên nó. Do các chúng sanh bỏ quên cái vốn tự sáng này, nên tuy trọn ngày sử dụng nó mà chẳng tự biết, uổng lạc vào sáu nẻo.”

“Cái thức tinh vốn sáng hiện giờ của ông hay sanh các duyên” có nghĩa là trong hoạt động sống của chúng ta hiện giờ, lúc nào mọi hoạt động này cũng đặt nền trên cái vốn sáng của tâm, nhờ cái vốn sáng của tâm này mà chúng ta đi đứng nằm ngồi, suy nghĩ tính toán, sắp đặt mọi việc, thậm chí cả khi chúng ta tranh luận hay hai người đang chửi lộn nhau cũng nhờ vào cái vốn sáng này nó mới lưu xuất. Mọi hoạt động đó xảy ra được bởi vì nó lúc nào cũng dùng cái tánh vốn sáng luôn luôn có để khởi phát ra mọi hành động.

Và: “Do các chúng sanh bỏ quên cái vốn tự sáng này, nên tuy trọn ngày sử dụng nó mà chẳng tự biết, uổng lạc vào sáu nẻo.”

Cái vốn sáng hay tâm tánh sáng suốt luôn luôn phóng quang thể hiện qua các hành động sống hằng ngày, nó đồng hiện đồng khởi cùng với mọi hoạt động sống của chúng ta nhưng chúng ta bỏ quên cái luôn hiện hữu này mà chạy theo các sự kiện, các hình tướng hiện ra, từ tâm vốn sáng suốt giải thoát lại tự mình đồng hóa mình vào các sự kiện các hình tướng đó mà lạc vào sáu nẻo luân hồi: trời, người, a tu la, địa ngục, súc sanh, ngạ quỹ.

Phản quang là ngay cái tâm vốn tự sáng đó nhận biết chính nó là xong, cái thể vốn thanh tịnh chiếu sáng, khi nó chiếu sáng nó cũng vốn tự sáng như cái thể vốn thanh tịnh, phản quang là nhận ra nó, sự chiếu sáng thanh tịnh.

Cho nên cũng trong kinh Lăng Nghiêm cũng dạy, “Bối giác hiệp trần và bối trần hiệp giác”. Khi tâm chạy theo các hình tướng mà quên nguồn gốc của nó thì được gọi là bối giác hiệp trần, bỏ tánh giác hợp với trần cảnh. Còn khi phản quang thì gọi là bối trần hiệp giác. Bỏ trần mà hợp với tánh giác là phản quang.

*Trong Luận Đại Thừa Khởi Tín, dạy: Nhất tâm nhị môn, sanh diệt môn và giải thoát môn. Tức là, một tâm chia làm hai cửa, cửa sanh diệt và cửa giải thoát.

Khi tâm chạy theo và mắc vào những hình tướng, tâm chia làm năng sở, có người thấy và đối tượng để thấy đây là cửa sanh tử vì lúc đó tâm mắc kẹt vào những biểu hiện hình tướng cứng đặc cụ thể và kẹt trong sự phân chia.

Nhưng khi tâm nhận biết nó đang lưu xuất từ bản tánh của tâm thì lúc đó tâm chính là cửa giải thoát, vì bản tánh của tâm vốn giải thoát, nên khi nó lưu xuất, những lưu xuất này dù có vô vàng hình tướng sai biệt nhưng nó cũng giải thoát như cái gốc của nó là bản tánh của tâm vốn giải thoát. Và sự nhận biết này là động tác phản quang.

*Thiền sư Hương Hải, một Thiền sư Việt Nam cũng có ý này khi thuyết pháp cho vua Dụ Tông trong triều.

“Hằng ngày quán lại chính nơi mình Xét nét kỹ càng chớ dễ khinh Trong mộng tìm chi người tri thức Mặt thầy sẽ thấy trên mặt mình.”

Mặt thầy hay mặt Phật lúc nào cũng có nơi mình, suốt ngày mình sống được là nhờ cội nguồn này, nó luôn luôn biểu hiện ra hằng ngày, chỉ cần quán lại là trực nhận ra thôi.

* Còn đây là một đoạn trích trong Sống Trong Tham Thiền Chu Kỳ Ngày Và Đêm, do ngài Namkhai Norbu giảng cách quán chiếu vào tâm để nhận ra tánh giác Rigpa, trong Phật giáo Tây Tạng.

“Tâm là cái gì? Nó phải được phân biệt khỏi cái được gọi là bản tánh của Tâm.

Để làm rõ vấn đề, có thí dụ phản chiếu trong một tấm gương.

Những tư tưởng sanh khởi trong tâm giống như những phản chiếu, trong khi bản thân tấm gương, nó có khả năng phản chiếu, thì giống Bản tánh của Tâm.

Khi những tư tưởng sanh khởi, chúng ta không đi theo chúng và đi vào ý niệm và phán định, mà chúng ta chỉ vẫn thuần túy hiện diện ở phẩm tính này của Bản tánh của Tâm được gọi là Rigpa.

Rigpa nghĩa là trạng thái hiện diện này. Rigpa cũng là lhun-grub, nghĩa là vốn toàn thiện trong mọi phẩm tính của nó ngay từ sơ thủy. Đó không phải là một vấn đề có được cái gì mà chúng ta chưa có.

Đúng ra, khi chúng ta thấy mình trong một trạng thái của hiện diện, trạng thái này tự biểu lộ tất cả những phẩm tính vốn có sẵn của nó và điều này là ý nghĩa của lhun-grub. Đây là trạng thái tự nhiên đích thực nguyên tuyền của hiện diện thanh tịnh tự toàn thiện (rig-pa lhun-grub), nó là trạng thái tự nhiên của Đại Toàn Thiện.

Đại Toàn Thiện, Dzochen, nghĩa là gì? Nó không phải là bản văn hay truyền thống hay bộ phái hay hệ thống triết học nào đó. Đúng ra nó là trạng thái bổn nguyên của cá nhân, thanh tịnh từ sơ thủy và vốn tự toàn thiện. Thấy mình trong trạng thái này thì gọi là Dzochen, Đại Toàn Thiện.

Khi chúng ta nhận thức trạng thái này, đây là hiểu biết hay trí huệ (rig-pa) và khi chúng ta không nhận thức nó, đó là vô minh (ma rig-pa)”

Phản quang là như vậy, thật bất ngờ, gần gũi và ngay tại đây và bây giờ.

Tánh Hải.

SHARE:

Trả lời