LẤY PHÁP GÌ TU ĐẠO

SHARE:

Không dùng sự thấy nghe hiểu biết, chẳng được, chẳng chứng; đối với tất cả pháp không tướng, không chỉ bày gọi là tu đạo”. Hoa Nghiêm Sớ nói: “Đốn giáo không nói đến pháp tướng, chỉ bàn về chân tính, không có tướng sai biệt của tám thức”.

Giải thích: Tám thức tâm vương còn không sai biệt, huống là các pháp do tâm biến hiện là có chăng ? Tâm sinh thì các pháp sinh; tâm diệt thì các pháp diệt. Cho nên luận Khởi Tín nói: “Tất cả các pháp chỉ nương vào vọng niệm mà có sai biệt. Nếu lìa tâm niệm thì không có các tướng cảnh giới, thế nên tất cả pháp từ xưa đến nay lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên, tuyệt đối bình đẳng không sai khác, chỉ là nhất tâm nên gọi là chân như, vì tất cả ngôn thuyết giả danh không thật chỉ tùy vọng niệm bất khả đắc”.

Do đó Sớ nói: “Những gì hiện hữu đều là vọng tưởng, tất cả pháp giới chỉ là tuyệt ngôn”, cho nên luận Khởi Tín nói: “Chân như cũng không có tướng, nghĩa là tột cùng của ngôn thuyết, nhân lời nói dẹp bỏ lời nói. Thể của chân như không thể dẹp bỏ vì tất cả pháp đều chân thật; cũng không thể lập vì tất cả pháp đều đồng chân như; phải biết tất cả pháp không thể nói, không thể niệm nên gọi là chân như, vì tất cả pháp tính đều lìa ngôn thuyết”.

Nếu thông đạt bốn thứ pháp giới thì không thể nói là công phu không được gì cả. Sự chứng đắc ấy không nên cho là thật, vì lý vốn không lời. Sự lý xen suốt không thể đem sự lý để nói, sự sự tương tức không thể đem nhất đa để bàn. Như trong kinh Lăng Già tuy nói về năm pháp là danh, tướng, vọng tưởng, chính trí, như như đều không tịch. Nghĩa là mê thì như trở thành danh, tướng, vọng tưởng; ngộ danh, tướng vốn như thì vọng trở thành trí, không còn danh, tướng, vọng tưởng, chỉ có như, trí thôi.

Trí nhân như mà lập, trí thể cũng không; như nhờ trí mà sáng, xưa nay thường tịch, nên cũng không; huống chi tám thức căn cứ theo sự đều là duyên sinh tính không, vì có ngã pháp nên nói hai thứ vô ngã, ngã còn chẳng được, vô ngã làm sao có ? Cho nên Trung Luận có kệ:

Chư Phật hoặc nói ngã.

Hoặc nói không có ngã.

Trong thật tướng các pháp,

Không ngã không phi ngã.

Cho nên đều phải dẹp bỏ cả hai. Sớ nói: “Quở giáo, khuyên lìa, hủy tướng, dứt tâm”. Quở giáo nghĩa là đem tâm truyền tâm, chẳng nhờ văn tự. Khuyên lìa nghĩa là khuyên nên xa lìa pháp. Pháp tuy nhiều vô lượng nhưng không ngoài sắc tâm; lìa tâm tâm như, lìa sắc sắc như, cho nên khuyên lìa hết để khế hợp tâm thể ly niệm. Hủy tướng theo cảnh, vì những gì có tướng đều là hư vọng. Dứt tâm theo trí, rõ cảnh tướng không, tạm gọi là trí. Tướng đã không, trí làm sao thật ? Tâm cảnh đều mất thì thảy đều dứt sạch.

Tâm không có tâm tướng tức là an tâm, nên nói sinh tâm là vọng, chẳng sinh tâm là Phật. Nói sinh tâm nghĩa là chẳng phải chỉ sinh những tâm khác, cho dù sinh tâm bồ-đề, niết-bàn, quán tâm, kiến tính cũng gọi là sinh tâm, đều là vọng tưởng. Niệm tướng đều tịch mới gọi là bất sinh; tịch chiếu hiện tiền làm sao không gọi là Phật ? Cho nên trên bia Tổ Đạt-ma có ghi: “Tâm có thì nhiều kiếp đọa phàm phu, tâm không thì sát-na lên Chính giác”.

Nói tâm không, chẳng phải là thấu rõ tâm không chẳng sinh liễu tri, vì thế Vi Thị Ngự hỏi hòa thượng Ngưỡng Sơn ý nghĩa liễu tâm; hòa thượng đáp: Nếu muốn liễu tâm, không có tâm để liễu, vô liễu mà liễu đây là chân liễu. Kinh Hoa Nghiêm có bài tụng:

Tất cả pháp chẳng sinh,

Tất cả pháp chẳng diệt.

Nếu hiểu được như thế

Chư Phật thường hiện tiền.

Nói hiểu như bất sinh chẳng hạn, hiểu mà chẳng có tướng hiểu, chẳng phải là nói hiểu suông nơi bất sinh. Sớ nói: “Không Phật chẳng phải là không có Phật, không chúng sinh chẳng phải là không có chúng sinh, đó là quét sạch dấu vết trước kia, vì chúng sinh mê nên nói tức tâm tức Phật, đã không có chúng sinh thì đâu từng có Phật ?” Cho nên kinh có kệ:

Chân pháp giới bình đẳng

Không Phật không chúng sinh

Chấp Phật nói không Phật,

Chẳng phải là không Phật.

Vì thế nói chẳng phải không Phật, đây là dẹp bỏ lại dẹp bỏ, nếu có chút sở đắc đều là vọng tưởng. Cho nên kinh Phật Tạng nói:
“Người đối với pháp có chút sở đắc là tranh cãi với Phật, tranh cãi với Phật là tà đạo, chẳng phải đệ tử ta”. Lại chỉ phân biệt không Phật cho là chân Phật, nên nói chẳng phải không Phật. Vì vậy kinh có bài tụng:

Tánh không tức là Phật,

Không có thể nghĩ lường.

Nếu có sinh tâm, sinh tâm là vọng, nên nói vô sinh. Phật còn không có, làm sao có vô sinh ? Nếu có sự hiểu biết về vô sinh thì bị vô sinh trói buộc cho nên nói chẳng phải không sinh.

Lại tất cả pháp chẳng sinh thì bát-nhã sinh, nên nói chẳng phải không sinh. Sinh cùng chẳng sinh xoay trở trái nhau, cũng xoay trở làm thành nhau. Chỉ cần bặt lời thì có thể khế hợp với đạo; tâm rỗng thì có thể thông lý. Nếu bặt lời thì thôi không cần nói; nếu tâm rỗng thì ngã pháp vi diệu khó hiểu đâu thể vọng sinh tri giải ?

Lại hễ vào Tông Cảnh thì pháp nhĩ bặt lời, trí chẳng thể biết được, chỉ có lòng tin mới vào được. Như Tán Bát-nhã có kệ:

Nếu ai thấy bát-nhã

Tâm luận nghĩa dứt tuyệt

Như khi mặt trời mọc

Sương sớm tức thời tan.

Cho nên Tổ sư nói: “Luận chẳng phải nghĩa, nghĩa chẳng thể luận; nếu muốn luận nghĩa thì trọn chẳng phải nghĩa luận”. Ngày xưa Lương Vũ Đế tại điện Trùng Vân trong vườn Hoa Lâm tập họp bốn chúng, tự giảng kinh Tam Tuệ Bát-nhã. Khi ấy Phó đại sĩ có mặt tại đấy, Thái tử hỏi: Đại sĩ sao không luận nghĩa ? Phó đại sĩ đáp: Những gì hoàng đế nói chẳng dài, chẳng ngắn, chẳng rộng, chẳng hẹp, chẳng phải hữu biên, chẳng phải vô biên, như như chính lý còn phải nói chi nữa ? Lưu Trung Thừa lại hỏi: Xin ngài nói lại, mọi người muốn được nghe! Phó đại sĩ đáp: Mặt trời mặt trăng dừng lại, bốn mùa điều hòa.

TÔNG CẢNH LỤC

THIỀN SƯ DIÊN THỌ

Tuệ Đăng – Hân Mẫn dịch

NXB – Phương Đông

SHARE:

Trả lời