NIỆM PHẬT TÂM

SHARE:

Có người nói: “Tự tâm là Tịnh độ, Tịnh độ không thể sanh. Tự Tánh là Di Đà, Di Đà không thể thấy.” Lời nói cũng có phần có lý, nhưng cũng không phải hoàn toàn đúng. Đức Phật (A Di Đà) thì không tham không sân, còn chúng ta có được không tham không sân chưa? Đức Phật biến địa ngục thành hoa sen dễ như trở bàn tay, còn chúng ta do nghiệp lực thường lo sợ đọa vào địa ngục, huống là biến thành hoa sen! Đức Phật nhìn thấy thế giới mười phương như ở trước mắt còn chúng ta thì việc bên kia vách cũng không biết, huống là nhìn thấy thế giới trong mười phương như ở trước mắt!

 

Nói về niệm Phật: Ở miệng gọi là tụng, ở tâm gọi là niệm. Tụng mà không niệm thì chỉ vô ích.

 

Pháp môn niệm sáu chữ A Di Đà Phật là con đường tắt ra khỏi luân hồi. Tâm nương vào cảnh giới Phật nhớ giữ không quên, miệng xưng danh hiệu rõ ràng không loạn, tâm và miệng tương ưng gọi là niệm Phật.

 

Bình:

 

Ngũ Tổ nói: “Giữ chân tâm hơn niệm chư Phật mười phuơng.” (1) Lục Tổ nói: “Thường niệm Phật bên ngoài không khỏi được sanh tử, giữ bổn tâm thì đến bờ bên kia.” (2) Lại nói: “Phật từ trong Tánh, không nên huớng ra ngoài mà cầu.” (3) Lại nói: “Người mê niệm Phật cầu vãng sanh, người giác ngộ thì chỉ thanh tịnh tâm mình.” Lại nói: “Chúng sanh ngộ được tâm thì cứu được mình, Phật không cứu chúng sanh” (4) vân vân. Các bậc nói trên chỉ thẳng vào Tâm, không nương vào phương tiện. Lý thật là như vậy.

 

Tuy nhiên với Tích môn thì thật có Cực Lạc Thế Giới, Phật A Di Đà có bốn mươi tám nguyện lớn, niệm được mười tiếng nương vào nguyên lực đó được vãng sanh vào hoa sen, thoát khỏi luân hồi, chư Phật ba đời khác miệng cùng lời, các Bồ tát trong mười phương đều nguyện vãng sanh, huống chi chuyện ghi chép về những người được vãng sanh từ xưa đến nay thật rõ ràng. Xin các vị tu hành nên thận trọng đừng lầm lẫn.

 

Trong Phạn ngữ, A Di Đà có nghĩa là thọ mạng không cùng, cũng có nghĩa là ánh sáng không cùng, danh hiệu Phật cao quí bậc nhất trong mười phương ba đời. Nguyên do tỳ kheo Pháp Tạng, ở trước đức Phật Thế Tự Tại Vương phát bốn mươi tám nguyện rằng: Khi tôi thành Phật, các loài trời người cho đến các loài bọ trên không côn trùng dưới nước, nếu niệm tên tôi mười niệm thì được sanh vào nước của tôi. Nếu không thành tựu nguyện nầy, tôi sẽ không thành Phật. Vân vân.

 

Chư Thánh ngày xưa nói: “Xướng danh hiệu Phật một tiếng, thiên ma vở mật, tên được xóa trong quỷ bộ, hoa sen mọc trong ao vàng (vãng sanh).” (5) Sám Pháp cũng nói: “Tự lực và tha lực, một chậm một mau. Muốn vượt qua biển, trồng cây để làm thuyền thì chậm, đó là tự lực, mượn thuyền vượt biển thì nhanh, đó là Phật lực.” (6)

 

Lại nói: “Trẻ con ở thế gian khi bị lửa nước bức bách cất tiếng kêu gào, cha mẹ nghe tiếng chạy nhanh đến cứu. Người đến giờ lâm chung cao tiếng niệm Phật thì Phật có đủ thần thông nhất định đến đón. Lòng từ bi của đức Đại Thánh hơn cả cha mẹ, sự khổ sanh tử của chúng sanh nặng nề hơn nạn nước lửa.”

 

Có người nói: “Tự tâm là Tịnh độ, Tịnh độ không thể sanh. Tự Tánh là Di Đà, Di Đà không thể thấy.” Lời nói cũng có phần có lý, nhưng cũng không phải hoàn toàn đúng. Đức Phật (A Di Đà) thì không tham không sân, còn chúng ta có được không tham không sân chưa? Đức Phật biến địa ngục thành hoa sen dễ như trở bàn tay, còn chúng ta do nghiệp lực thường lo sợ đọa vào địa ngục, huống là biến thành hoa sen! Đức Phật nhìn thấy thế giới mười phương như ở trước mắt còn chúng ta thì việc bên kia vách cũng không biết, huống là nhìn thấy thế giới trong mười phương như ở trước mắt!

 

Do đó, mặc dù Tánh của mọi người đều là Phật, hành động của chúng ta là hành động chúng sanh. Nói về tướng và dụng thì xa nhau như trời với đất. Ngài Khuê Phong (7) nói: “Đốn ngộ xong rồi thì tu theo tiệm hạnh.” (8) Lời nầy chân thật làm sao!

 

Giờ xin hỏi người nói rằng Tự Tánh là Di Đà: Đức Thích Ca sanh ra tự nhiên là A Di Đà chăng? Xin hãy suy nghĩ.

 

Há không tự biết rằng, khi giờ lâm chung đến, nơi biên giới đau khổ giữa sống và chết, có thể tự tại quyết định hay không? Nếu không được như vậy, đừng cống cao nhất thời, không suy nghĩ chín chắn, để bị đắm chìm nhiều kiếp.

 

Các ngài Mã Minh (9), Long Thọ (10) đều là Tổ Sư, cũng dạy rõ khuyên tu vãng sanh. Chúng ta vì sao lại không muốn vãng sanh? Đức Phật cũng lại nói: “Tây Phương cách đây mười vạn thế giới và tám ngàn xứ sở.” Đó là đối với người căn chậm mà nói về tướng. Lại nói: “Tây Phương cách đây không xa, tức Tâm là Phật.” Đó là đối với người căn tánh lanh lẹ mà nói về Tánh.

 

Giáo lý có quyền (phương tiện) và thật. Lời có hiển và mật. Nếu hiểu và hành tương ưng, xa gần đều thông. Do đó các bậc trong Thiền tông, hoặc khuyên niệm A Di Đà (như ngài Huệ Viễn (11)) hoặc dạy tìm Chủ Nhân Ông (như ngài Thụy Nham (12).)

 

GƯƠNG THIỀN (Thiền Gia Quy Giám)

 Tây Sơn Đại Sư ( 1520 ~ 1604 ) Tào Khê Thối Ẩn thuật

 Thị Giới: dịch Việt – THIỆN TRI THỨC 2016

SHARE:

Để lại một bình luận