TÂM BẢN NHIÊN

SHARE:

TÂM BẢN NHIÊN

“Gọi là ‘chân tánh’, vì tánh ấy không do ai tạo ra.”

                                Ngài Nguyệt Xứng (Chandrakirti)

                                                     Nhập Trung luận

                                       (Entering the Middle Way)

                               Ari Goldfield dịch sang Anh ngữ

Một trong những điều trước tiên tôi được học với tư cách Phật tử là: thể tánh căn bản của tâm rộng lớn vô ngần, đến độ siêu việt hoàn toàn mọi sự hiểu biết qua tri thức. Thể tánh ấy không thể mô tả bằng ngôn từ hay thu gọn trong những khái niệm. Đối với một người như tôi, vốn ưa thích ngôn từ và hết sức thoải mái với những giải thích bằng khái niệm, thì đây quả thật là một vấn đề khó khăn.

Trong tiếng Sanskrit (Phạn ngữ) – ngôn ngữ ban đầu được dùng để ghi lại giáo pháp của đức Phật – thể tánh căn bản của tâm được gọi là tathāgatagarbha (Như Lai Tạng), là một sự mô tả rất tinh tế và khó nhận hiểu. Theo nghĩa đen, chữ ấy có nghĩa là: “thể tánh của những ai đã từng đi qua con đường đó”. “Những ai Sống một đời vui đã từng đi qua con đường đó” nghĩa là những ai đã đạt được giác ngộ viên mãn, hay nói cách khác là những ai mà tâm thức đã siêu việt hoàn toàn mọi giới hạn thông thường có thể diễn tả bằng ngôn từ.

Hẳn quý vị cũng đồng ý là những cách giải thích như thế không giúp ích được gì nhiều.

Theo những cách dịch ít sát nghĩa hơn thì tathāgatagarbha được dịch là “Phật tánh”, “chân tánh”, “giác thể”, “tâm bình thường”, thậm chí là “tâm bản nhiên” nữa. Không một cách dịch nào trong số đó làm sáng tỏ hơn ý nghĩa chân thật của từ ngữ tathāgatagarbha. Để thực sự hiểu được ý nghĩa của từ ngữ này, bạn phải trực tiếp chứng nghiệm nó, và đối với hầu hết chúng ta thì sự trực nghiệm ấy ban đầu thường được khởi sinh dưới hình thức những thoáng hiện bất ngờ và chớp nhoáng. Cuối cùng, khi tôi trực nghiệm được một thoáng hiện đầu tiên như thế, tôi nhận ra rằng tất cả những gì trong các bản văn Phật giáo nói về thể tánh căn bản của tâm đều là chân thật.

Đối với hầu hết chúng ta, tâm bản nhiên hay tánh Phật đã bị che khuất bởi cái hình ảnh giới hạn về chính mình, được tạo ra bởi những mô thức lặp lại thành thói quen của các nơ-ron. Nhưng chính những mô thức này tự chúng hoàn toàn chỉ là một sự phản ánh khả năng vô hạn của tâm thức trong việc tạo ra bất kỳ điều kiệnnào nó muốn. Tâm bản nhiên có khả năng tạo thành bất cứ điều gì, ngay cả sự vô minh không biết đến bản thể của chính nó. Nói cách khác, việc không nhận ra tâm bản nhiên chỉ hoàn toàn là một điển hình cho khả năng vô hạn của tâm thức trong việc sáng tạo bất cứ điều gì nó muốn. Bất kỳ lúc nào cảm thấy lo sợ, buồn bã, ganh tị, ham muốn, hay bất cứ cảm xúc nào khác góp phần làm ta thấy dễ bị tổn thương hay yếu đuối, chúng ta nên tự tán thưởng mình: Chúng ta vừa trải nghiệm bản thể vô hạn của tâm.

Tuy bản thể chân thật của tâm không thể miêu tả trực tiếp, điều đó không có nghĩa là chúng ta không nên ít nhất cũng là cố gắng phát triển một sự nhận hiểu tâm về mặt lý thuyết. Ngay cả một sự hiểu biết giới hạn, ít nhất cũng đã là một biển chỉ đường, hướng ta về kinh nghiệm trực tiếp. Đức Phật biết rằng những kinh nghiệm không thể diễn đạt bằng ngôn từ lại có thể được giải thích tốt nhất qua những câu chuyện kể và ẩn dụ. Trong một bản kinh, Ngài đã ví tathāgatagarbha như một thỏi vàng bị bao phủ bởi bùn và bụi bẩn.

Hãy tưởng tượng bạn là một người đi tìm kho báu. Một hôm, bạn khám phá một khối kim loại bên dưới lòng đất. Bạn đào sâu xuống đất và lấy được khối kim loại đó lên, mang về nhà và bắt đầu làm sạch nó. Ban đầu, chỉ một góc của khối kim loại được phô bày, sáng chói, chiếu ngời. Dần dần, khi bạn gột sạch hết những bụi bẩn tích tụ quanh nó thì cả khối kim loại hiện ra là nguyên một khối vàng. Vậy xin cho tôi hỏi: Cái nào giá trị hơn? Khối vàng bao phủ trong bùn đất hay khối vàng bạn đã làm sạch? Thật ra, cả hai đều có giá trị như nhau. Nếu có khác biệt nào giữa khối vàng dơ và khối vàng sạch, thì đó chỉ là ở vẻ ngoài mà thôi.

Ta cũng có thể nói giống như vậy về tâm bản nhiên. Những câu chuyện lao xao giữa các nơ-ron đã ngăn không cho bạn thấy được toàn diện tâm mình nhưng không thực sự làm thay đổi được thể tánh căn bản của tâm. Những ý niệm như “tôi xấu xí”, “tôi ngu si” hay “tôi chán quá”, không gì khác hơn là một loại bùn sinh lý đang tạm thời bao phủ những phẩm tính sáng ngời của tánh Phật, hay tâm bản nhiên.

Đôi khi đức Phật so sánh tâm bản nhiên với hư không, không nhất thiết phải là kiểu hư không hiểu theo khoa học hiện đại, nhưng đúng hơn là trong ý nghĩa thi vị của một kinh nghiệm sâu sắc về sự khoảng khoát rộng mở mà ta cảm nhận khi nhìn lên một bầu trời không mây, hay khi bước vào một căn phòng rộng mênh mông. Cũng giống như hư không, tâm bản nhiên không phụ thuộc vào những nhân duyên hay điều kiện dẫn khởi. Nó chỉ đơn thuần hiện hữu, không thể đo lường và vượt ra ngoài sự miêu tả. Hư không là nền tảng thiết yếu để ta có thể di chuyển trong đó, và nhờ có mối tương quan [so sánh] với nó mà ta phân biệt được các vật thể đã nhận biết qua các giác quan.

SHARE:

Trả lời