Bài Thuyết Pháp về Nhất Tâm của Bạt Tụy và Những Bức Thư Ông Gửi Môn Đệ

SHARE:

CÁC BỨC THƯ

1.  GỬI MỘT NGƯỜI TỪ KUMASAKA

Ông yêu cầu tôi viết cho ông làm sao thực hành Thiền trên giường bệnh? Ai là người bị bệnh? Ai là người thực hành Thiền? Ông có biết ông là ai không? Toàn thể con người của một người là Phật tánh. Toàn thể con người của một người là Đại đạo. Bản thể của Đạo này vốn thanh tịnh và siêu việt mọi hình thể. Trong ấy có bịnh gì? Tâm của con người là Bản thể cốt yếu của chư Phật, là Bộ mặt trước khi cha mẹ sinh ra. Nó là chủ thể của thấy và nghe, của tất cả các giác quan. Một người nhận ra trọn vẹn điều này là một vị Phật, một người không nhận ra như thế là một người thường. Vì thế, chư Phật và chư Tổ chỉ thẳng vào tâm con người để họ có thể thấy được Tự tánh của họ và nhờ đó thành Phật. Phương thuốc chữa trị hay nhất cho một người bị bóng tối làm cho tối tăm là nhìn thấy vật thật.

Một hôm, một người được bạn mời đến nhà chơi. Khi sắp uống ly rượu mời, y tin rằng mình đã nhìn thấy một con rắn nhỏ trong ly rượu. Không muốn làm chủ nhân bối rối bằng cách lôi kéo sự chú ý vào đó, y dũng cảm nuốt luôn con rắn. Khi về đến nhà, y cảm thấy đau ở dạ dày. Nhiều phương thuốc đã được dùng nhưng vô hiệu. Bấy giờ người bệnh càng trầm trọng và y cảm thấy mình sắp chết. Người bạn kia nghe tình thế của bạn, bèn yêu cầu bạn viếng nhà mình một lần nữa. Đặt bạn ngồi y chỗ hôm trước và lại mời bạn một ly rượu nữa, bảo đó là thuốc chữa. Khi người bệnh nâng ly lên uống, một lần nữa y lại thấy con rắn nhỏ trong ly. Lần này y lôi kéo sự chú ý của chủ nhân. Không nói tiếng nào, người chủ chỉ tay lên trần nhà bên trên chỗ khách đang ngồi, nơi có treo cây cung. Bỗng người bệnh nhận ra rằng “con rắn nhỏ” là phản ảnh của cây cung ấy. Cả hai nhìn nhau cười lớn. Sự đau đớn của người bệnh tức khắc tiêu tan và y lấy lại sức khỏe.

Trở thành Phật cũng giống như thế. Tổ Vĩnh Gia nói: “Khi nhận ra chân tánh của vũ trụ, sẽ biết rằng không có chủ cũng không có khách. Ngay giây phút ấy, cái tạo nghiệp đưa mình xuống địa ngục thấp nhất sẽ bị xóa sạch.”(12)  Chân tánh này là bản thể căn nguyên của mọi chúng sanh. Song con người không thể tự khiến mình tin rằng Tâm mình chính là Đại Viên Mãn đã được Phật nhận ra, vì thế họ bám víu vào các hình thức bề ngoài là tìm chân lý bên ngoài tâm này, cố thành Phật qua các hình thức khổ tu. Nhưng khi cái ta hư vọng chưa biến mất, con người phải chịu sự đau khổ kịch liệt trong ba giới. Giống như người bị bệnh tin rằng mình đã nuốt con rắn. Thuốc thang nhiều nhưng vô hiệu, người ấy bình phục tức khắc khi nhận ra sự thật cơ bản

Như thế chỉ cần nhìn thấy Tâm mình – không ai giúp được mình bằng phương thuốc vạn năng. Trong kinh Phật nói: “Nếu muốn loại bỏ kẻ thù, ông chỉ cần nhận ra rằng kẻ thù ấy là mê hoặc.” Tất cả mọi hiên tượng trong thế gian đều hư vọng, chúng không có bản thể thường còn, chúng sinh cũng như Phật đều giống như ảnh phản chiếu trong nước. Một người không nhìn thấy chân tánh của sự vật sẽ lầm cho bóng là bản thể. Nói thế có nghĩa là trong tọa thiền, trạng thái trống vắng, tịch tĩnh kết quả của sự loại trừ tư niệm thường bị lầm cho là Bộ mặt trước khi cha sinh. mẹ đẻ.

Nhưng sự tịch tĩnh này cũng chỉ là phản ảnh chiếu trên mặt nước. Phải vượt qua giai đoạn mà lý trí không ích dụng gì. Tại cực điểm không biết phải làm gì này, hãy hỏi: “Ai là ông chủ?” Ông chủ sẽ trở thành bạn thân chỉ sau khi bẻ gãy cây gậy làm bằng sừng thỏ hay phá tan cục băng trong lửa. Bây giờ hãy nói tôi nghe ai là bạn thân nhất của ông? Hôm nay là mùng tám, mai là mười ba.

(12) Nguyên Hán văn trong “Chứng Đạo Ca” của Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác, người được Lục Tổ Huệ Năng ấn chứng ngay lần đầu tiên đến gặp Tổ:

                    “Chứng thật tướng vô nhân pháp

                       Sát na diệt khước A-tì nghiệp.”

 

 

2. GỬI SƯ BÀ CHÙA SHINRYU

 

Để trở thành Phật, bà phải khám phá ra ai là người muốn thành Phật. Để biết người chủ này, bà phải nhập sâu vào chính bà ngay tại đây và bây giờ bằng cách hỏi: “Cái gì đang nghĩ thiện và ác, đang thấy, đang nghe?” Nếu tự hỏi sâu xa như thế, chắc chắn bà sẽ tự ngộ. Nếu tự ngộ được, tức khắc bà là Phật.

Tâm mà chư Phật nhận ra trong giác ngộ là Tâm của tất cả chúng sinh. Bản thể Tâm này thanh tịnh và hài hòa với tất cả chung quanh. Trong thân của người nữ, nó không có hình thức giống cái, trong thân của người nam, nó không có tướng giống đực. Nó không tầm thường ngay trong thân hạng hạ lưu, nó cũng không hùng tráng trong thân hàng quí phái. Giống như hư không vô biên, nó không có chút gì màu sắc. Thế giới vật chất có thể bị hoại diệt, nhưng hư không vô hình, vô sắc không thể bị hoại diệt. Tâm này giống như hư không, bao trùm tất cả. Nó không xuất hiện với sự hình thành của thân, nó cũng không biến mất với sự phân tán của thân. Dù không thấy được, nó tràn ngập thân ta, mỗi động tác thấy, nghe, ngửi, nói hay cử động chân tay cũng chỉ là hoạt động của Tâm này. Bất cứ ai đi tìm Phật và Chân lý bên ngoài Tâm này đều là mê hoặc. Bất cứ ai trực nhận ra bản tánh tự nội của mình rõ ràng là bản tánh tự nội của Phật thì chính người ấy là Phật. Không có Phật nào không nhận ra Tâm này và mọi chúng sinh rốt ráo trong Sáu Nẻo [Lục đạo] cũng vốn sẵn có trọn vẹn Tâm này. Lời Kinh nói: “Ở Phật chẳng có phân biệt nào cả” xác nhận điều ấy.

Những ai đã nhận ra Tâm này, trở thành Phật, đều muốn cho loài người biết nó. Nhưng con người ngu dại bám víu vào các hình thức bên ngoài, thấy khó tin vào Pháp thân vô sở trụ này. Để đặt tên nó, chư Phật dùng những ẩn ngữ như: “Ngọc như ý,” “Đại đạo,” “Phật A-di-đà,” “Phật Vô thượng Tri thức,” “Địa Tạng,”(13) “Quan Âm,” “Phổ Hiền,” “Bản lai diện mục.” Bồ-tát Địa Tạng là người dẫn đường qua sáu nẻo luân hồi, kiểm soát sáu thức. Mọi hình dung từ chỉ một vị Phật hay một vị Bồ- tát chỉ là những chỉ danh khác của Nhất Tâm. Nếu ai tin vào Tâm Phật của mình thì cũng như tin vào chư Phật. Vì thế, trong kinh viết: “Ba giới chỉ là Nhất Tâm,” Phật và chúng sinh chỉ là một, không có gì sai khác.

Vì kinh chỉ nói đến Tâm này, nhận ra nó là hoàn tất việc đọc và hiểu tất cả các kinh một cái một. Kinh nói: “Lời dạy của các kinh giống như ngón tay chỉ mặt trăng.” Bây giờ, những lời dạy ấy là lời thuyết pháp mà tất cả chư Phật đã rao giảng, “Chỉ mặt trăng” là chỉ Nhất Tâm của chúng sinh. Nói rằng mặt trăng chiếu sáng cả hai bên trái đất thì cũng như nói Nhất Tâm chiếu sáng cả thế giới bên trong lẫn bên ngoài. Rồi khi nói rằng tụng kinh mang lại công đức to lớn, nói như thế cũng có nghĩa như điều vừa nói,

——————————————–

(13) Bồ-tát Địa Tạng (Jizo) luôn luôn chiếm một chỗ đặc biệt trong tim của Phật tử Nhật bản, có lẽ đây là lý do tại sao Bạt Tụy, dường như là một cách tri ân, nêu riêng vị Bồ-tát này.

không có gì khác.(14)

Lại nữa, nói rằng người ta có thể thành Phật qua sự thờ cúng Phật, nhưng thành Phật chỉ có nghĩa là nhận ra Tâm này. Như thế, công đức của sự nhận ra Nhất Tâm này trong một niệm còn vô cùng to lớn hơn là tụng kinh mười ngàn ngày, chỉ nhận thức Tâm mình trong một niệm thì cũng to lớn hơn vô song là nghe một vạn năm tại sao như thế. Nhưng chỉ khi một người phải tiến từ nông đến sâu từng bước một, hoặc lầm lẫn hoặc trì độn thì hăng hái tụng kinh hay niệm Phật danh cũng là phúc lành cho người mới tu. Họ giống như người đi bè hay đi thuyền bước đầu. Nhưng nếu họ không khao khát tiến đến bờ giác, tự bằng lòng ở lại trên bè, ấy là họ tự lừa dối mình. Phật Thích-ca Mâu-ni chịu nhiều khổ hạnh song đã không thể thành Phật được. Sau đó, Ngài tọa thiền trong sáu năm, từ bỏ mọi thứ khác và cuối cùng đã nhận ra Nhất Tâm này. Sau khi giác ngộ viên mãn, vì tất cả loài người, Ngài đã thuyết pháp về Tâm mà Ngài đã nhận ra. Những bài thuyết pháp này được gọi là kinh và đó là những lời phát xuất từ Giác Tâm của Phật.

Tâm này tiềm ẩn nơi mọi người, nó là chủ của sáu thức. Hậu quả và nguyên nhân của tội lỗi biến mất trong chớp mắt như băng bỏ vào nước sôi, khi người ta giác ngộ Tâm này. Chỉ sau khi đạt nội kiến trực tiếp như thế, bà mới có thể chắc chắn rằng Tâm mình chính là Phật. Tâm thể vốn sáng láng và không tỳ vết, trong ấy không có sự phân biệt Phật và chúng sinh. Nhưng sự sáng láng của nó bị vọng

niệm che phủ y như ánh sáng của mặt trời hay mặt trăng che mờ. Nhưng các vọng niệm như thế chỉ có thể loại bỏ

———————————————

(14) Ở đây ý các kinh muốn nói rằng bản thân các kinh không phải là chân lý mà chỉ như là  mũi tên nhắm vào chân lý mà thôi.

được bằng định lực tọa thiền giống như mây chỉ có thể đánh tan được bằng cơn gió mạnh. Một khi vọng niệm biến mất thì Phật tánh tự hiển hiện, giống như mặt trăng ló ra khi mây mù tan biến. Ánh sáng ấy bao giờ cũng hiện diện, không phải từ bên ngoài vào.

Muốn thoát khỏi sự đọa lạc trong Sáu Nẻo luân hồi hay vòng sanh tử, bà phải tận diệt các tình cảm và nhận thức mê hoặc của mình. Muốn tận diệt chúng, bà phải nhận ra Tâm này, bà phải thực hành tọa thiền. Bà thực hành như thế nào là điều quan trọng nhất. Bà phải thâm nhập công án đến tận tâm điểm. Nền móng của mọi công án là Tâm mình. Mong ước sâu xa nhận ra Tâm này gọi là “Tham cầu chân lý” hay “Khao khát giác ngộ.” Kẻ nào sợ bị đọa địa ngục(15) một cách sâu xa là  khôn. Chỉ vì ít biết sợ địa ngục mà người ta không tham cầu giáo lý của Phật.

Có một vị Bồ-tát đạt giác ngộ bằng cách tập trung chú ý vào mọi âm thanh nghe được vì thế Phật Thích-ca Mâu-ni gọi vị ấy là Quan Âm(16). Nếu muốn biết bản thể của Tâm Phật thì ngay lúc bà nghe được một âm thanh bà hãy tìm người nghe này. Như thế chắc chắn sẽ đến lúc bà nhận ra rằng Tâm bà không khác với Tâm của Quan Âm, Tâm này không hiện hữu cũng không phải không hiện hữu. Nó siêu việt tất cả mọi hình tướng song cũng không tách rời hình tướng.

——————————————–

(15) Câu này và câu kế ám chỉ bình diện tồn sinh hay trạng thái của thức gọi là địa ngục thì đầy đau đớn hành hạ, và đó là sự sợ hãi phải rơi vào cuộc sống khốn cùng, như thế chính sự sợ hãi ấy phát sinh niềm khát vọng Tự ngộ. Vì chính sự giác ngộ xóa tan nỗi sợ hãi về địa ngục.

(16) Quan Âm (Kannon) là tiếng gọi tắt của Quan Thế Âm (Kanzeon), có nghĩa là “người nghe (hay người quan tâm) tiếng kêu thương của thế gian.” Đôi khi Bạt Tụy dùng chữ “Quan Thế Âm” và đôi khi dùng chữ “Quan Âm.” Để tránh gây bối rối, chúng tôi chỉ dùng chữ “Quan Âm.”

Đừng cố ngăn chận tư niệm xuất hiện cũng đừng cố bám vào tư niệm nào đã xuất hiện. Hãy để tư niệm hiện ra và biến mất như ý chúng, đừng đấu tranh với chúng. Bà chỉ cần không ngớt và toàn tâm tự hỏi: “Tâm tôi là cái gì?” Tôi cứ thúc giục điều này bởi vì tôi muốn đưa bà đến Tự ngộ. Khi bà khăng khăng cố hiểu cái gì ở bên kia lãnh vực lý trí ngự trị là bà sắp đến ngõ cụt, hoàn toàn thất bại. Nhưng hãy tiến tới. Ngồi hay đứng, làm việc hay ngủ, hãy dò tìm không mệt mỏi tự ngã sâu thẳm nhất của bà bằng cách hỏi: “Tâm tôi là cái gì?” Không sợ gì hết trừ không kinh nghiệm Chân Tánh mình. Đây là thực hành Thiền. Khi sự tra vấn kịch liệt này bao trùm khắp mọi phần nhỏ của con người bà và thâm nhập đến tận đáy của mọi đáy, câu hỏi sẽ bỗng nhiên bùng vỡ và Bản thể của Phật Tâm sẽ hiện ra, y như chiếc gương trong cái hộp chỉ có thể phản chiếu sau khi cái hộp đã tan tành. Hào quang của Tâm này sẽ chiếu sáng khắp mọi xó góc của vũ trụ hoàn toàn không tỳ vết. Cuối cùng, bà sẽ giải thoát mọi trói buộc trong Sáu Nẻo, tất cả hậu quả của những hành động xấu đều biến mất. Niềm vui của giây phút ấy không thể nói được bằng lời.

Hãy xem một người đau khổ kịch liệt trong mộng, bị rơi xuống địa ngục, bị hành hạ. Một khi tỉnh giấc, sự đau khổ không còn nữa vì bây giờ người ấy đã thoát khỏi mê hoặc. Cũng thế, qua Tự ngộ người ta giải thoát mình khỏi những đau khổ của sanh và tử. Đối với giác ngộ, không cần phải sinh ra trong hàng quí tộc hay học vấn uyên bác, mà chỉ cần quyết tâm mãnh liệt là thiết yếu. Chư Phật đều có cùng một quan hệ với chúng sinh như nước với băng. Băng, giống như đá hay gạch, không thể chảy được. Nhưng khi đã tan ra, nó chảy tùy thích với mọi vật chung quanh. Bao lâu bà còn ở trong trạng thái mê hoặc thì bà giống như băng. Khi đã giác ngộ, bà trở nên tuyệt diệu như nước. Và hãy nhớ không có băng nào không trở lại thành nước. Như thế bà hiểu không có gì khác biệt giữa chúng sinh và Phật trừ một điều – mê hoặc. Khi mê hoặc tiêu tan, tất cả đồng nhất.

Đừng để mình trở nên chán nản. Nếu bà còn thiếu khát vọng về chân lý, có thể bà không đạt giác ngộ trong kiếp này. Nhưng nếu thực hành Thiền(17) một cách thành tín ngay cả trong lúc chết, chắc chắn bà sẽ đạt được giác ngộ trong kiếp tới. Nhưng đừng có lêu lỏng. Hãy tưởng tượng bà đang ở trên giường chết ngay giây phút này. Ai có thể giúp bà được? Ai có thể ngăn được bà khỏi rơi xuống địa ngục vì những tội lỗi bà đã phạm phải? May thay có một con đường đưa đến giải thoát. Từ tận cội rễ mình, bà hãy tự hỏi một câu duy nhất: “Phật tâm của tôi là cái gì?” Nếu trong chớp mắt, bà thấy được Bản thể của chư Phật, ấy là bà nhận ra Tâm mình.

Những gì tôi nói thực hay giả? Hãy tự hỏi ngay: Phật Tâm của tôi là cái gì?” Khi bà giác ngộ, hoa sen sẽ nở trong lửa reo và thường còn mãi mãi. Con người không khác với hoa sen ấy. Tại sao bà không thể nắm được cái này?

 

3.  GỬI LÃNH CHÚA NAKAMURA, TRI PHỦ AKI 

Ngài hỏi tôi thực hành Thiền như thế nào với câu kinh tham khảo: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.”(18)

———————————————-

(17) Tức là hỏi: “Bản thể chân thực của Tâm tôi là gì?”

(18) Câu này dẫn từ Kinh Kim Cang, có nghĩa là: Khi khởi dụng tâm chớ để vướng mắc ở bất cứ chỗ nào. Nói theo Lục Tổ Huệ Năng là: Ngoài không dính tướng, trong không dính không.

Không có phương pháp nào để đạt ngộ cấp tốc cả. Nếu ngài cứ nhìn thẳng vào Tự tánh, không để mình xiên lệch, hoa Tâm sẽ đến kỳ nở ra, vì thế kinh nói: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.”

Hàng nghìn lời của Phật và chư Tổ có thể tóm gọn trong một câu này. Tâm là Chân tánh của sự vật, siêu việt tất cả mọi hình tướng. Chân tánh là Đạo. Đạo là Phật. Phật là Tâm. Tâm không ở trong, không ở ngoài cũng không ở giữa. Nó không phải hữu, không phải vô, không phải phi hữu, không phải phi vô hay Phật hay tâm hay vật. Vì thế gọi nó là Tâm không chỗ trụ. Tâm này thấy màu sắc bằng mắt, nghe âm thanh bằng tai. Hãy tìm ngay người chủ này.

Một Thiền sư xưa [Lâm Tế] nói: “Thân người hợp bởi bốn đại(19) không thể nghe hay hiểu được giáo lý này. Hư không trống trơn cũng không thể nghe hay hiểu được giáo lý này. Thế thì cái gì nghe và hiểu?” Hãy cố trực nhận tâm này, nếu ngài còn vướng mắc vào bất kỳ hình tướng nào, hay cảm thấy bất cứ điều gì hoặc do lý luận hoặc do suy tư tạo thành thì ngài còn cách xa ngộ như trời xa đất.

Làm sao chỉ một nhát ngài có thể cắt đứt hết đau khổ của sinh tử? Ngay khi ngài xem làm sao để tiến tới là ngài lạc đã mất trong lý luận, nhưng nếu ngài từ bỏ là ngài phản lại con đường vô thượng. Không thể tiến tới cũng không thể từ bỏ thì chỉ là “cái xác biết thở.” Nếu bất chấp tình trạng lưỡng nan này mà ngài cứ làm cho tâm trống hết tất cả mọi tư niệm và tiến tới bằng thực hành tọa thiền là ngài sắp giác ngộ và hiểu được câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.” Tức khắc ngài nắm được ý nghĩa của tất cả mọi cuộc đối thoại Thiền cũng như ý nghĩa thâm sâu của vô số kinh.

———————————————-

(19) Bốn đại: đất (chất rắn), nước (chất lỏng), gió (khí), và lửa (nhiệt).

Bàng cư sĩ (Ho koji) hỏi Mã Tổ (Baso): “Cái gì siêu việt vạn vật trong vũ trụ?” Mã Tổ đáp: “Khi nào ông một hớp uống hết cả nước Giang tây(20), tôi sẽ nói với ông.” Ngay lúc ấy Bàng cư sĩ thâm ngộ. Hãy xem chuyện ấy có nghĩa là gì? Có phải nó giải thích câu: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm,” hay nó chỉ thẳng người đọc câu này. Nếu ngài vẫn còn chưa hiểu, hãy quay trở lại hỏi: “Cái gì đang nghe đây?” Hãy tìm cho ra ngay giây phút này! Chuyện sanh tử khẩn cấp và thế gian biến đổi nhanh chóng vô chừng. Hãy tận dụng thời gian vì nó không chờ ai cả.

Tâm ngài vốn là Phật. Phật là người nhận ra Tâm này. Những ai không nhận ra là chúng sanh tầm thường. Ngủ cũng như thức, đứng cũng như ngồi, hãy tự hỏi: “Tâm tôi là cái gì?” hãy nhìn vào nguồn phát ra tư niệm. Chủ thể này là cái gì mà hiện đang nhận biết, ngài hãy tự thấm nhập kịch liệt vào câu hỏi. Dù cho ngài không nhận ra nó trong kiếp này, chắc chắn ngài sẽ nhận ra nó trong kiếp sau, vì những nỗ lực trong hiện tại.

Trong lúc tọa thiền chớ nghĩ đến thiện ác. Đừng cố chận đứng không cho tư niệm xuất hiện, chỉ tự hỏi: “Tâm tôi là cái gì?” Bấy giờ, ngay cả khi sự hỏi càng lúc càng sâu hơn, ngài cũng sẽ không có được câu trả lời, cho đến cuối cùng ngài sẽ đến ngõ cụt, suy nghĩ hoàn toàn bị tắc nghẽn, ngài sẽ thấy bên trong không có cái gì có thể gọi là “tôi” hay “Tâm” cả. Nhưng ai là người hiểu tất cả việc này? Hãy tiếp tục thăm dò sâu hơn nữa, và tâm nhận ra không có cái

gì này sẽ biến mất. Ngài sẽ nhận ra không Phật nào ngoài Tâm và không Tâm nào ngoài Phật. Bây giờ, lần đầu tiên

———————————————

(20) Giang tây là tên một con sông lớn ở Trung hoa. Một dị bản của công án này nói: “Bàng cư sĩ trả lời: “Con một hớp đã uống hết nước Giang tây rồi.” Mã Tổ đáp: “Tôi đã nói với ông rồi.”

 

ngài sẽ khám phá ra rằng khi nào không nghe bằng tai mới thật là nghe, khi nào không thấy bằng mắt mới thật là thấy chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai. Nhưng đừng bám lấy cái nào hết, chỉ kinh nghiệm cho mình thôi!

Xem nào, Tâm ngài là cái gì? Bản tánh của mọi người không kém Phật. Nhưng vì con người nghi ngờ điều ấy, đi tìm Phật và Chân lý ngoài Tâm, nên không thể đạt được giác ngộ và bị xô đẩy vô vọng vào vòng sanh tử, vướng nghiệp thiện ác. Nguồn gốc của sợi dây nghiệp là mê hoặc, tức là tư niệm, tình cảm và nhận thức. Hãy tự loại bỏ nó và ngài sẽ được giải thoát, y như lớp tro vây bọc than hồng sẽ bay biến khi bị quạt thổi, mê hoặc cũng sẽ biến mất như thế một khi ngài nhận ra Tự tánh.

Trong lúc tọa thiền, đừng ghét cũng đừng để bất cứ tư niệm nào quyến rũ. Với tâm quay vào trong, hãy đều đặn nhìn vào cái nguồn ấy và tình cảm, nhận thức mê hoặc cắm rễ trong đó sẽ biến mất. Song đây không phải là nhận ra Tự tánh. Dù cho tâm ngài trở nên quang đãng như bầu trời, không ý thức cả bên trong lẫn bên ngoài, và cả mười phương dường như đều trong sáng. Nhưng nếu cho đó là ngộ là lầm ảo ảnh với thực tại. Bây giờ hãy tìm kiếm kịch liệt hơn nữa Tâm nào của ngài nghe? Thân ngài do bốn đại hợp thành, tựa như bóng ma không có thực thể. Song xa lìa thân này không có tâm nào hết. Hư không mười phương không thể thấy, không thể nghe, song cái gì đó bên trong ngài nghe và phân biệt âm thanh. Nó là ai hay là cái gì? Khi câu hỏi này đốt cháy ngài hoàn toàn, những phân biệt thiện ác, nhận thức về có hoặc không sẽ biến mất như ánh lửa tắt ngấm trong đêm tăm tối. Mặc dù không còn ý thức về chính mình, ngài vẫn có thể nghe và biết mình hiện hữu. Hãy cố gắng nếu như ngài muốn khám phá ra chủ nhân nghe, các nỗ lực sẽ thất bại, và sẽ thấy mình ở ngay ngõ cụt. Rồi tâm ngài sẽ hốt nhiên đại ngộ và ngài cảm thấy như mình từ cõi chết sống lại, cười lớn và vỗ tay hân hoan. Bấy giờ, lần đầu tiên ngài biết chính Tâm ấy là Phật. Nếu có ai hỏi: “Tâm Phật ấy giống cái gì?” Tôi sẽ đáp: “Cá dỡn trên cây, chim bay dưới biển.” Câu này có nghĩa là gì? Nếu không hiểu, ngài hãy nhìn vào Tâm  mình và tự hỏi: “Ông chủ ấy là cái gì mà nghe và thấy?”

Hãy tận dụng thời gian – nó không chờ ai hết.

 

4.      GỬI MỘT NGƯỜI HẤP HỐI 

Tâm thể của ông không tùy thuộc vào sanh tử. Nó không phải có cũng không phải không có, không phải sắc cũng không phải không. Nó không phải vật cảm thấy đau đớn hay vui mừng. Song giờ đây ông có cố gắng bao nhiêu để biết cái nào bệnh, ông cũng không thể biết được. Nhưng nếu ông không hiểu gì hết, không ước muốn gì hết, không muốn hiểu gì hết, không bám víu gì hết và chỉ tự hỏi: “Thực thể của Tâm của kẻ mà giờ đây đang đau khổ là gì?” Kết liễu đời mình như mây tan trên bầu trời, đương nhiên ông sẽ thoát được sự ràng buộc đau đớn với biến dịch không ngừng.  

 

5. GỬI CƯ SĨ IPPO (Homma Shoken)

 

Ông đang gặp y mặt đối mặt, nhưng y là ai? Dù ông nói gì cũng không đúng. Thế thì y là ai? Trên đầu cột cờ con bò cái đẻ con. Nếu tự ngộ đến chỗ này, ông sẽ không cần gì nữa. Nếu không, ông hãy nhìn vào bên trong để thấy Phật tánh của mình. Bản thể của Tâm nơi thường nhân và Phật như nhau, không có gì khác nhau hết. Nhưng vì con người không tin như thế, họ tự buộc mình vào mê hoặc bằng sợi dây không thực bằng cách nói rằng: “Nhận ra Tự tánh là ngoài khả năng tôi. Tốt hơn nên để tôi tụng kinh, cúi đầu lễ Phật và đi vào Đạo dần dần nhờ ơn chư Phật.” Đa số nghe nói đều chấp nhận là đúng. Việc ấy giống như một người mù đang dắt một nhóm mù đi lạc hướng. Những người ấy không thật tin kinh và Phật – trái lại họ không để chỗ cho kinh và Phật. [Vì nếu họ thực sự chấp nhận kinh và Phật, họ sẽ biết rằng] chỉ tụng kinh thôi thì không gì khác hơn là nhìn kinh và Phật từ bên ngoài, và nói đến “Phật” chỉ là nói đến thể tính của Tâm bằng một cách khác. Kinh nói: “Tâm, Phật và chúng sinh không có gì phân biệt cả.” Do đó, một người không tin vào thực tại của Tâm mình mà chỉ nói mình tin Phật thì cũng giống như một người đặt niềm tin vào biểu tượng mà xem nhẹ vật thật. Thế thì làm sao y có thể nhận ra Tâm này? Một người chỉ muốn tụng kinh thôi thì cũng giống như kẻ ăn xin đang đói mà từ chối thức ăn được tặng cho, tin rằng cơn đói có thể được dịu xuống bằng cách chỉ nhìn vào tờ thực đơn. Mỗi kinh chỉ là một thư mục về Tâm tánh. Một trong các kinh nói: “Giáo lý của các kinh giống như ngó tay chỉ mặt trăng.” Phật có thể nào muốn ông chấp nhận ngón tay mà không nhận ra mặt trăng? Bên trong mỗi người đều chứa đủ các kinh. Nếu ông chỉ thoáng thấy Tự Tánh mình thôi thì cũng như đã đọc và hiểu tất cả các kinh cùng một lúc, không trừ kinh nào hết, dù cho trong tay không có kinh nào, không đọc chữ nào. Đây không phải là thực “đọc” kinh sao? Hãy nhìn xem khu rừng trúc đằng kia rõ ràng là Tâm ông, và đám hoa vàng này thì không gì khác hơn trí tuệ vô thượng của vũ trụ!

Về việc cúi đầu đảnh lễ, đây chỉ là một cách hạ cột buồm bản ngã để nhận ra Phật tánh. Muốn thành Phật phải đi đến Tự ngộ bằng những nỗ lực riêng của chính mình dù cho mình có tiềm năng hay khả năng nào đi nữa. Không may, đa số hiểu điều ấy và bắt đầu thực hành tọa thiền lêu lỏng dọc đường, vì thế không bao giờ đi đến giác ngộ hoàn toàn. Rồi có những người cho trạng thái vô niệm và vô thức, nơi mà tất cả tư duy và phân biệt tạm thời ngừng lại là chân ngộ. Có những người khác nghĩ rằng tu Thiền chỉ cần nhớ từng công án là đủ rồi; có những người khác nữa khăng khăng rằng con đường đúng đắn của tín đồ Thiền là không phạm giới, hoặc có những người ẩn mình trong rừng sâu, chạy trốn việc thiện ác của thế gian; trong khi có những người khác chủ trương rằng con đường đúng là thừa nhận không có chân lý nào để ngộ hoặc không có chân lý nào để nắm bắt khác hơn là uống trà khi được mời, ăn các món được dọn sẵn, hoặc hét “Katsu!” khi có ai hỏi về Phật giáo, hoặc bỗng nhiên phất tay áo rộng [kimono] lên và bỏ đi, giả vờ cự tuyệt mọi thứ, trong khi gọi bất cứ người nào tọa thiền nghiêm túc và tìm kiếm các Thiền sư tài ba là phiền não. Nếu có thể gọi những người như thế là người tìm chân lý [cầu đạo] thì cũng có thể nói đứa trẻ lên ba hiểu Thiền. Lại nữa, có những người nghĩ rằng khi các vận hành tinh thần ngừng nghỉ, người ta giống như khúc cây mục hay hòn đá lạnh là đạt vô tâm. Trong khi có những người khác nữa chủ rương rằng trong tu Thiền người ta phải đạt đến điểm quyết định là cảm thấy sự trống rỗng sâu thẳm với trực thức không trong không ngoài, toàn thân trở nên sáng ngời, trong suốt và quang đãng như bầu trời xanh vào một ngày sáng láng.

Trạng thái cuối cùng này xuất hiện khi Chân tánh bắt đầu hiện thân, nhưng không thể gọi đó là Tự chứng ngộ chân thực. Các Thiền sư ngày xưa gọi đó là “Vực thẳm của ngụy giải thoát.” Nhưng người đạt đến giai đoạn này, tin rằng họ không còn vấn đề nào nữa về Phật giáo, hành xử kiêu căng do thiếu trí tuệ, hăng hái tham dự các cuộc tranh luận tôn giáo, lấy làm hân hoan khi dồn được đối thủ vào góc tường, nhưng lại trở nên giận dữ khi chính họ bị dồn vào góc tường, lúc nào cũng tỏ vẻ bất mãn trong khi không còn tin vào luật nhân quả, nhân duyên nữa, đi lang thang lớn tiếng kể những chuyện khôi hài với giọng điệu khó hiểu, cố ý quấy rầy và đùa cợt với những ai hăng say học tập và nỗ lực, gọi họ là những cái bị thịt thực hành những điều không phải Thiền. Đây giống như kẻ mất trí cười người lành mạnh. Sự lừa dối của nhưng kẻ ngu ngốc này không biết đâu là bờ bến và họ sẽ rơi xuống địa ngực nhanh như tên bắn. Tổ sư thứ nhất, Bồ-đề Đạt-ma, nói: “Kẻ nào chỉ nghĩ rằng mọi sự vật chỉ là hư vô và không biết luật nhân duyên sẽ rơi xuống tận ngục đen Vô gián.” Những ông thầy tương lai này có vẻ giống như những Thiền sư, nhưng họ không thể tự giải thoát mình khỏi những tình cảm và nhận thức mê hoặc. Đa số những người mới bắt đầu đều lầm hóa thân trần trụi nhất của chân lý với Tự chứng ngộ. Một Thiền sư xưa [Lâm Tế] nói: “Thân của Chân tánh” và “đất của Chân tánh,” những cái này tôi biết chắc là những cái bóng. Các ông phải tìm cho ra chủ thể có bóng ấy. Nó là cội nguồn của chư Phật.”

Có người nói: “Trong thực hành và nghiên cứu Thiền, chúng ta có được nhiều ý niệm khác nhau về nó(21), và những ý niệm ấy là một thứ tâm bệnh, vì lý do ấy, Tự chứng ngộ qua Thiền là khó. Nhưng nếu chúng ta không nhận ra Tự tánh và hiểu qua đọc kinh thì sao? Nếu chúng ta không phạm tội thì có cần sợ trừng phạt không? Nếu không bao giờ chúng ta thành Phật thì sao? Tại sao chúng ta cần phải cố gắng để thành Phật khi mà chúng ta chưa bao giờ bước chân lên Ba đường ác?”

———————————————

(21) Tức là những khái niệm về ngộ (satori), vô (mu), không (ku), v.v…

Đáp: Cội nguồn của tất cả mọi tội lỗi là mê hoặc. Không Tự chứng ngộ không thể phá được mê hoặc. Trong thân con người có sáu căn, nơi mỗi căn ẩn núp một tên cám dỗ(22) . Sáu tên cám dỗ, mỗi tên tên mang ba thứ độc: tham – sân – si. Không ai thoát khỏi ba thứ độc này. Chúng ta là nhân và Ba đường ác là quả. Nhất thiết quả phải theo nhân. Ai nói “Tôi không có tội” là không biết luật này. Ngay cả người không phạm tội trong đời này thì cũng đã có ba thứ độc từ trước. Thế còn những người phạm thêm tội mới thì sao?

Hỏi: Nếu tất cả loài người là những kẻ thừa kế ba thứ độc này thì nói rằng ngay cả chư Phật và chư Tổ và các bậc Thánh cũng không thể tránh bước trên Ba đường ác, có đúng không?

Đáp: Khi một người nhận ra Tự Tánh mình thì ba độc biến [tham thành giữ] giới, [sân thành] định, và [si thành] tuệ; Phật, Tổ và thánh nhân đã giác ngộ như thế làm sao các ngài phạm tội được?

Hỏi: Cho rằng qua giác ngộ, ba độc biến thành giới – định – tuệ, làm sao loại bỏ được bệnh mê hoặc của tâm?

Đáp: Nhận ra Tự tánh là phương pháp chữa trị duy nhất cho tất cả bệnh tật [của tâm]. Đừng trông cậy vào bất cứ một phương thuốc nào khác. Tôi đã không dẫn cho ông câu: “Hãy tìm cho ra chủ thể có bóng ấy. Nó chính là

———————————————-

(22) Các ấn tượng cảm giác của chúng ta gọi là kẻ cám dỗ, vì trừ khi nào đã kiểm soát được tâm và nhận ra chân lý thì chúng ta vẫn còn là con mồi cho những cám dỗ không bao giờ dứt, tức là cho những nỗ lực quyến rũ chúng ta xa lìa chân tánh bằng cảnh, âm thanh và những thứ mê hoặc khác. Tham, sân, si là hậu quả không thể tránh được của trói sự buộc vào đối tượng của sáu thức.

nguồn của chư Phật” sao? Phật tánh của ông giống như kiếm báu của vua Kim Cương: bất cứ ai chạm đến đều phải chết(23) hoặc giống như khối lửa giận dữ, mọi vật trong ấy sẽ đến mất mạng. Một khi ông nhận ra Tự tánh mình, mọi tật xấu phát xuất từ nghiệp phát triển qua vô số kiếp trong quá khứ tức khắc tiêu tan, giống như bỏ băng vào lò rửa đang reo. Không còn ý nghĩ nào về Phật hay Chân lý. tâm chưa ngộ? Ấy chỉ vì chưa đạt đến Tự chứng ngộ đích thực. Không nhận ra Tự tánh, ông muốn tự ngăn chận mình khỏi bị cuốn vào Sáu Nẻo biến dịch. Được như thế thì làm sao tâm bệnh nào còn? Tại sao không thể chế ngự được những mê hoặc do nghiệp sinh, không chế ngự được tư niệm và ý nghĩ của không ngừng còn khó hơn ông muốn không cho nước sôi mà không dập tắt lửa bên dưới.

May mà ông tin có một chân lý đặc biệt truyền bên ngoài kinh điển. Thế thì tại sao phải bận tâm ý nghĩa này của kinh điển? Hãy lập tức từ bỏ tất cả suy tư và gặp ngay chủ thể ấy. Chủ thể ấy là gì mà giây phút này đang thấy và  nghe? Nếu ông đáp, như đa số đáp, rằng nó là Tâm hay Tánh hay Phật hay Bộ mặt trước khi cha sinh mẹ đẻ hay Quê nhà hay Công án hay Hữu hay Vô hay Sắc hay Không hay Hình thể và Màu sắc hay cái Biết hay cái Không biết hay Chân lý hay Mê hoặc hay nói cái gì đó hay giữ im lặng hoặc cho là Giác ngộ hay Vô minh, ông sẽ tức khắc rơi vào sai lầm. Còn gì nữa, nếu ông tự trói mình mà không dùng dây? Song dù ông cố gắng thế nào để biết nó qua lý luận hợp lý, hoặc gọi tên hay đặt tên nó, ông cũng không thể nào tránh khỏi thất bại. Và dù cho tất cả ông trở thành một khối

————————————————

(23) Hãy so sánh câu nói này với câu nói được qui cho Thượng đế trong Cựu Ước: “Vì ở đó không kẻ nào nhìn thấy ta mà sống.” (Exodus 33:20).

truy vấn khi ông quay vào trong và kịch liệt tìm kiếm tâm điểm của con người mình, ông cũng sẽ thấy rằng không có cái gì có thể gọi là Tâm hay Tánh cả. Song nếu có ai gọi tên ông thì cái gì đó từ bên trong sẽ nghe và đáp lại. Hãy ngay tức thời tìm cho ra là ai!

Nếu ông sấn tới với giọt sức cuối cùng, ngay tại điểm này đường suy tư của ông bị khóa lại, và rồi sẽ bị bít hẳn, ông hãy giơ hai tay lên trời, nhảy vào hố lửa khủng khiếp đang áng trước mặt – vào ngọn lửa bản tánh nguyên sơ cháy mãi không bao giờ tắt ấy – thì tất cả ngã-thức, tất cả tình cảm, tư tưởng và nhận thức mê hoặc sẽ biến mất cùng với cái ta cội rễ, và cội nguồn chân thật của Tự Tánh sẽ hiện ra. Ông sẽ cảm thấy mình sống lại, tất cả bệnh tật sẽ hoàn toàn biến mất và sẽ cảm thấy an lạc chân thực. Ông sẽ hoàn toàn tự do. Lần đầu tiên ông sẽ nhận ra rằng bước đi trên nước cũng như bước đi trên đất và bước đi trên đất cũng như bước đi trên nước, suốt ngày nói mà không có lời nào được nói ra, suốt ngày bước đi mà không có bước nào được bước. Trong khi mây hiện núi nam mà mưa rơi non bắc, trống pháp nổi lên ở Trung hoa mà lời pháp bắt đầu ở Cao ly, ngồi một mình trong phòng phương trượng mà gặp chư Phật mười phương, không nhìn một chữ mà đọc hết bảy ngàn bộ kinh, mặc dù được tất cả công đức và hạnh tốt mà thực chẳng có gì.

Ông có muốn biết Tâm này là cái gì không? Bàng cư sĩ hỏi Mã Tổ: “Cái gì siêu việt tất cả vạn vật trong vũ trụ?” Mã Tổ đáp: “Khi nào ông một hớp uống hết nước Tây giang, tôi sẽ nói với ông.” Nghe câu ấy Bàng cư sĩ thâm ngộ. Bây giờ làm thế nào ông một hớp uống hết nước sông Tây giang? Nếu nắm được tinh thần công án này, ông có thể thông suốt cả mười ngàn công án cùng một lúc và nhận ra rằng bước đi trên nước cũng như bước đi trên đất và bước đi trên đất cũng như bước đi trên nước. Nếu ông tưởng tôi đang nói cái gì đó siêu nhiên, một ngày nào đó ông sẽ nuốt hòn sắt nóng đỏ trước Diêm vương (Yama Raya) nhưng nếu không phải siêu nhiên thì nó là cái gì? Hãy đối mặt với cái này đi.

SHARE:

Để lại một bình luận