Làm thế nào để trở thành một người Phật Tử chân chánh.

SHARE:

Làm thế nào để trở thành một người Phật Tử chân chánh. Tôi vẫn thường thấy những người tu tại gia thường mặc đồ màu lam, nâu v.v..(Đồ mặc của những cư sĩ khi đi hành hương thập tự, hay đến chùa tụng kinh, niệm phật, làm công quả, nghe thuyết pháp.)
Một số người Thường mặc áo quần ấy đi khắp nơi chốn, khuôn mặt thì lúc nào cũng nghiêm trang, đôi mắt nhìn xa xôi (vô hồn). Vậy, thientrithuc cho tôi hỏi người Phật Tử có cần tạo tướng tu như vậy không? Và làm sao để trở thành người Phật tử chân chánh. Cảm ơn thientrithuc.

Trả lời:

Làm sao để trở thành một Phật tử chân chánh? Đây là một câu hỏi mà bạn đặt ra rất thiết yếu nhằm giải quyết đời tu của mình.
Chúng ta đến với Phật giáo không phải là để mưu cầu được cuộc sống vật chất êm ấm, đi chùa không phải để cầu phước.
Chúng ta đến chùa không phải cầu để được những ban ơn linh nghiệm từ đức Phật cho đời sống của mình.
Những mục đích nhắm tới đạo Phật như vậy là tương đối thứ yếu vì nó không thực hiện đúng bổn nguyện mà chư Phật ra đời.
Muốn là một Phật tử chân chánh, cụ thể bạn phải đến chùa quy y và phát nguyện để mình có động lực tu học.
Bạn phải chọn lựa một pháp môn thích hợp với thiện căn của mình nhất mà nhắm vào để thực hành tu tập.
Vấn đề trọng yếu, là nhận biết cốt lõi lời dạy của Phật, bổn nguyện của chư Phật ra đời là để truyền giáo pháp giải thoát cho chúng sanh, có biết được, thực hành được những gì mà chư Phật nhằm truyền lại cho chúng ta thì mới thật sự là một Phật tử chân chánh.
Trong Tăng Chi Bộ kinh III, chương 8 Pháp. Phẩm Lớn. Phật thuyết: “Ví như nước biển chỉ có một vị mặn, cũng vậy, Pahàrada Pháp và Luật của ta cũng chỉ một vị là vị Giải thoát.”
Giải thoát là giải thoát cái gì? Là giải thoát những lầm chấp cái thân này là tôi và tâm này là tôi, và những cái thuộc sở hữu của cái tôi. Nói gọn là cái ta và cái của ta. Và Giải thoát là chúng ta nhận ra cái đã có sẵn trong cuộc sống mà ta đang sống chứ không ở đâu khác đem lại hay chúng ta hướng tới một cảnh giới nào khác.
.           Trên căn bản cốt lõi này, chúng ta sẽ thấy rằng Phật giáo bất kỳ tông phái, truyền thống nào cũng dạy chúng ta tiêu diệt, chuyển hóa, hay nhận ra bản tánh của lầm chấp này và mức độ lầm chấp được tịnh hóa hoặc bản tánh được nhận ra bao nhiêu thì sự hiển bày vị Giải thoát mà Phật đã nêu rõ ràng bấy nhiêu.
Với hiểu biết sơ bộ như vậy làm định hướng, bạn có thể nghiên cứu giáo pháp qua kinh điển và thực hành để hiển lộ Giải thoát trong đời tu của mình. Có làm được việc này, thì lợi ích cho bạn và cho mọi người mới lớn và sự chân chánh mà bạn muốn thực hiện mới trở thành hiện thực.

Kế đến, mỗi người có một khuynh hướng thể hiện mình trong tu học. Có người thì thích được mặc quần áo cư sĩ sinh hoạt trong mọi nơi chốn của xã hội, có người thì không. Có người khi thực hành chuyên tu như: niệm Phật, trì chú hay tham thiền mà nhìn vẻ ngoài như vô hồn (vì cách dụng công thiên về Chỉ có tác dụng dừng dứt, trụ tâm thì sẽ có những biểu hiện vô hồn như vậy). Đó là hình tướng hiển hiện có tính cách giai đoạn. Mọi người có một khả năng và năng lực hiểu và hành Phật pháp theo trình độ hiểu biết của mình, vì còn dựa dẫm vào cái tôi cho nên sinh ra những hình ảnh như thế này hay như thế nọ. Tu hành khi mà tâm đã chuyển hóa thì tướng sẽ chuyển hóa theo, không có một mẫu hình ảnh Phật tử lý tưởng nào để chúng ta tập thể hiện theo cả. Quan trọng là sự chuyển hóa của nội tâm bạn. Tâm chúng ta chuyển hóa theo chiều hướng giải thoát nhiều chừng nào thì sự thanh tịnh và từ bi sẽ biểu hiện rõ ràng bấy nhiêu.

Cuối cùng, rộng hơn nữa, như chúng ta thường thấy nơi cổng tam quan của chùa hay ghi hai bên cổng phụ vào chùa là Trí tuệ và Từ bi. Phật giáo chỉ có một vị là Giải thoát tức là Trí tuệ, nhưng giải thoát không chỉ cho riêng mình mà còn cho mọi người nên mới có từ bi. Từ bi là một cách thể hiện của Trí tuệ. Và muốn là một Phật tử chân chính thì sự tu học của mình nhắm đến là Giải thoát, nhưng cũng không ngừng phát nguyện về lòng bi, nó vừa là động lực hỗ trợ cho bạn trong việc muốn làm một Phật tử chân chính mà nó còn giúp bạn hoàn thành viên mãn Trí huệ mà chư Phật muốn chúng ta tu học để chứng nghiệm nó.
Tóm lại, dựa trên lợi ích cho mình và cho mọi người mà chúng ta đánh giá như thế nào là Phật tử chân chính. Và lợi ích này có tăng trưởng nhanh hay chậm là do bạn có sử dụng 24 giờ trong ngày cho việc tu hành của mình bao nhiêu, chúng ta càng tu trong mọi lúc mọi nơi thì chúng ta càng thể hiện là một Phật tử chân chánh bấy nhiêu. Cách trả lời như vậy quá ngắn ngủi không đủ để thể hiện hết ý của sự việc, mong bạn xem nó là một cái sườn để nghiên cứu phát triển thêm. Chào bạn.

SHARE:

Để lại một bình luận