Vô Minh là gì?

SHARE:

Vô Minh là gì? Người có kiến thức sâu rộng có còn Vô Minh hay không? Tôi xin thientrithuc chỉ bày cho tôi được rỏ. Vô cùng cám ơn.

Trả lời:
Có nhiều cách nhìn nhận vô minh theo các truyền thống Phật giáo, theo tự điển Phật học của Đạo Uyên như sau:
Thứ nhất vô minh chỉ sự u mê, không hiểu tứ diệu đế, tam bảo và nguyên lý nghiệp.
Thứ hai vô minh là yếu tố đầu tiên trong mười hai nhân duyên là nguyên nhân làm cho con người vướng trong luân hồi.
Thứ ba vô minh được xem là gốc bất thiện trong thế gian và cũng là một đặc tính của khổ. Đó là tình trạng tâm thức không thấy sự vật “như nó là”, cho ảo giác là sự thật và vì vậy sinh ra khổ.
Vô minh sinh ra ái (yêu thích, bám luyến) và đó là yếu tố cơ bản sinh ra sự tái sinh.
Thứ tư đối với Kinh lượng bộ hay Tì- bà- sa- bộ thì vô minh là cách nhìn thế giới sai lạc, cho thế giới là thường còn mà thế giới thực chất là vô thường (không thường còn). Vô minh làm cho con người tưởng lầm thế giới có một tự ngã.
Thứ năm vô minh là sự che đậy (hoặc) trong bốn thứ từ thô tới tế như sau là: Kiến hoặc, Tư hoặc, Trần sa hoặc, và cuối cùng là Vô minh hoặc.

Theo Trung quán tông cho rằng, vô minh xuất phát từ quan điểm chấp trước tiên thiên của ý thức, và từ đó mà xây dựng lên một thế giới của riêng mình, cho thế giới đó những tính chất của chính mình và ngăn trở không cho con người thấy thế giới đích thực.

Vô minh cũng là không thấy thể tính thật sự, và thể tánh đó là tánh Không. Như thế vô minh có hai khía cạnh: một là nó che đậy thế giới đích thật, hai là nó xây dựng cái ảo, cái giả. Hai mặt này cứ luôn luôn dựa vào nhau.

Theo Duy thức tông thì vô minh là Đảo kiến (cái thấy đảo ngược hay thấy điên đảo), cho rằng, thế giới độc lập với ý thức (tâm) mặc dù thế giới và ý thức chỉ là một.

Từ các định nghĩa trên chúng ta có thể nhận thấy rằng vô minh là cái thấy không đúng như thật của chúng ta về ba lãnh vực: thân, tâm và thế giới. cả ba cái này tạo nên môi trường của cuộc sống của chúng ta. Chúng ta mê mờ về sự thật của ba lãnh vực này.

Người có kiến thức sâu rộng có còn vô minh hay không? Kiến thức sâu rộng nằm ở hai lãnh vực, một là kiến thức thế gian, còn gọi là trí thế gian hay thế tục trí là tri thức của người chưa giác ngộ, tương đương với nhiễm ô trí hoặc hữu lậu trí. Với loại hiểu biết này rõ ràng là còn ở trong vô minh. Vì nó dựa trên thân tâm và thế giới theo khuynh hướng của vô minh mà phát triển.

Loại thứ hai có kiến thức về Phật giáo. Nhưng để tiếp cận được sự thật đằng sau vô minh chúng ta phải qua ba giai đoạn là văn, tư và tu. Văn là nghe hay tiếp xúc với lời dạy của Phật, của các vị giác ngộ được truyền qua kinh sách hoặc lời dạy của một vị thầy, kế đến là tư chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa của lời dạy mà mình đã được nghe, rồi cuối cùng là tu để những điều mà mình nghe suy nghĩ đó hiện thực trong đời sống của mình.

Mức độ thâm nhập vào giải thoát hay ngược lại với vô minh còn theo ba cấp độ, theo cách chỉ bày của Đại Ấn là: mức thứ nhất hiểu về một lời dạy nào đó của Phật và các vị đã giải thoát truyền lại. mức độ thứ hai là tham thiền để kinh nghiệm những gì minh đã hiểu tức là thể nhập trực tiếp vào vấn đề mình hiểu và cuối cùng là chứng ngộ tức là hành giả sống trọn vẹn với cái mà mình đã được hiểu.
Qua sự trình bày những mức độ thâm nhập vào tâm giải thoát hay nói ngược lại là phá tan vô minh. Chúng ta có thể rút ra một kết luận. Người kiến thức sâu rộng, trong lãnh vực Phật giáo cũng không thoát khỏi vô minh. Chỉ khi chứng ngộ thực sự bản chất thật đằng sau vô minh thì mới thật sự bắt đầu thoát khỏi vô minh. Hay nói rõ hơn muốn không còn vô minh chúng ta phải tu, phải là một hành giả thì mới có cơ hội thoát khỏi vô minh.

Như vậy, vô minh theo chúng ta đã tìm hiểu nó có vẻ quá kiên cố, quá lâu xa, quá rộng khắp. Với người chưa thật sự nhận ra bản tánh của vô minh thì cuộc sống của họ đều hoạt dụng trong vô minh. May mắn thay cho chúng ta, vô minh tìềm tàng như vậy nhưng nó chỉ xảy ra trên một niệm, chúng ta hãy nghe lời dạy của Lục Tổ dạy trong Pháp Bảo Đàn Kinh phẩm bát nhã: “Một niệm ngu, tức là bát nhã tuyệt; một niệm trí tức bát nhã sanh – người đời ngu mê nên chẳng thấy trí bát nhã; miệng nói bát nhã mà trong tâm hằng ngu…”
Hay chỗ khác ngài dạy: “nầy thiện tri thức! Phàm phu tức là: Phật; phiền não tức là: Bồ đề; niệm trước mê tức là:phàm phu; niệm sau ngộ tức là: Phật; niệm trước đắm cảnh tức là:phiền não; niệm sau lìa cảnh tức là:Bồ đề.” Lời dạy này đánh thức chúng ta tỉnh dậy khỏi vô minh che chướng ngàn đời. mà muốn tỉnh dậy khỏi vô minh chúng ta phải tu hành để chứng thật điều đó.

Trong Những Điểm Thiết Yếu của Đại Ấn Nhìn Thẳng Tâm. Phần nói về Đồng khởi, được mô tả tóm lược, chúng ta sống biểu hiện trên ba phương diện: tâm, tư tưởng, và các hiện tướng. nếu chúng ta không biết được bản chất của ba phương diện này trong cuộc sống của mình chúng ta hoàn toàn sống trong vô minh nhưng theo cách nhìn của Đồng khởi, có tâm, có tư tưởng, và có các hiện tướng; là có tánh Không và quang minh; tức là thực chất của tâm tư tưởng và các hiện tướng là giải thoát. Và tánh Không quang minh này cùng với tâm, tư tưởng và các hiện tướng là đồng khởi cùng nhau. Tức là khi chúng ta sống trong vô minh thì thật tánh của nó là giải thoát cũng có mặt mà chúng ta lại không nhận ra. Và sự đồng khởi này nó đã luôn luôn hiện hữu dù cho chúng ta có nhận biết nó hay không.

Cuối cùng, dựa trên những lời dạy được trích ở trên chúng ta thấy được chúng ta sống mà chưa tu hành đến nơi đến chốn thì chỉ toàn là vô minh. Và dựa trên những lời dạy này mở ra cho chúng ta một động lực lớn để khám phá cái mà nó luôn luôn có mặt ở chung quanh chúng ta. Nó chưa bao giờ thiếu vắng, chưa bao giờ rời chúng ta. Chúng ta chỉ việc nỗ lực tu hành để khám phá ra nó mà thôi.

Chào bạn.

SHARE:

Trả lời