SHARE:
Thực hành các Phật Pháp không khó và không tốn thời gian. Chúng ta luôn có thời gian: 24h một ngày. Nếu chúng ta hướng tâm mình theo chiều hướng tích cực, chúng ta có thể chuyển hóa bất kỳ hành động xấu nào mà chúng ta đã làm thành con đường hướng tới giác ngộ. Bằng cách này, Pháp trở thành một phần trong cuộc sống của chúng theo một cách có hệ thống. Cách dậy vào mỗi buổi sáng là Phật Pháp, cách ăn và đi làm là Phật Pháp, cách ngủ là Phật Pháp. Bằng cách chuyển hóa thái độ giữa những hoạt động hàng ngày, cuộc sống của chúng ta trở nên rất có ý nghĩa.
Chúng ta cũng sẽ trở nên ý thức về cách mà chúng ta tương tác với môi trường. Chúng ta nhận thấy rằng chúng ta sống trong một thế giới tương thuộc lẫn nhau và nếu chúng ta gây ô nhiễm môi trường, chúng ta đang tác động đến chính chúng ta, con chúng ta và những thực thể sống khác. Bởi vì chúng ta có ý thức về tâm từ bi, chúng ta sẽ cắt giảm những nguồn gốc và các hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Chúng ta sẽ đi chung xe khi đi làm hoặc đi học thay vì đốt cạn bình xăng của mỗi chiếc xe một mình. Chúng ta sẽ tái chế các vật dụng như: giấy, lon, chai nhựa, hũ thủy tinh và báo chí. Chúng ta biết rằng nếu chúng ta vứt bỏ những thứ này vào thùng rác, chúng ta sẽ phá hủy hành tinh này và sẽ tác động xấu tới các thực thể sống khác. Do đó, chúng ta sẽ tái sử dụng các túi nhựa và túi giấy khi chúng ta đi siêu thị. Thêm vào đó, chúng ta sẽ không mở máy lạnh, lò sưởi khi chúng ta không có nhà và sẽ không sử dụng các sản phẩm mà quá trình sản xuất ra chúng phát tán nhiều thành phần gây ô nhiễm vào không khí.
Tôi nghĩ rằng nếu Đức Phật vẫn còn tại thế, Người sẽ thiết lập một giới luật rằng chúng ta phải tái sử dụng và ngừng ngay việc sử dụng các nguồn tài nguyên một cách phí phạm. Nhiều giới luật được đưa ra vì các phật tử tại gia phàn nàn với Đức Phật về những gì mà các vị xuất sĩ đã làm. Mỗi lần điều này xảy ra, Đức Phật sẽ thiết lập một giới luật nhằm hạn chế hành vi có hại đó. Nếu Đức Phật còn tại thế, có người sẽ phàn nàn với Ngài rằng: “Có quá nhiều Phật tử vứt bỏ các lon nhôm, lọ thủy tinh và báo tờ. Những người này sử dụng những chiếc ly dùng một lần, những đôi đũa dùng một lần và những cái đĩa dùng một lần. Điều này không chỉ tăng thêm lượng chất thải và còn tàn phá nhiều cây trồng. Họ không quan tâm tới môi trường và các thực thể sống khác!” Tôi sẽ cảm thấy khá là xấu hổ vì những gì tôi đã làm và khi người khác phàn nàn về tôi với Đức Phật. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ Đức Phật sẽ chắc chắn đưa ra những giới luật về việc chúng ta phải tái chế và giảm thiểu tiêu dùng.
Luôn ý thức được các hành động của chúng ta
Chánh niệm cũng đồng thời giúp chúng ta trở nên có ý thức nếu chúng ta chuẩn bị có những hành động phá hoại trong ngày. Chánh niệm nói: “Ồ! Tôi đang sắp giận đây!” hoặc “Tôi đang tham lam”, hoặc “Tôi đang cảm thấy ghen tị”. Sau đó, chúng ta có thể áp dụng những phương pháp “giải độc” mà Đức Phật đã chỉ dạy để giúp lắng dịu tâm chúng ta. Ví dụ như, nếu chúng ta phát hiện ra cơn phiền và giận dữ đang nổi lên, chúng ta có thể ngưng lại và nhìn vào hoàn cảnh từ cách nhìn của một người khác. Khi chúng ta làm như thế, chúng ta có thể nhận thấy người đó muốn có hạnh phúc và vì người đó không hạnh phúc nên họ đang thực hiện những hành động mà chúng ta thấy chướng tai gai mắt. Do đó, thay vì làm hại họ bằng cơn giận, chúng ta sẽ trở nên từ bi và hiểu biết và sẽ làm việc với họ để đi tới một thỏa thuận chung.
Nhưng chúng ta áp dụng điều này như thế nào khi mà một cuộc cãi nhau đã hoặc sắp bắt đầu? Chúng ta phải thực tập từ trước, trong các bài thiền tập của mình. Khi đang giữa cuộc cãi nhau, chúng ta sẽ khó nhớ được Đức Phật đã dạy gì nếu chúng ta chưa từng thực tập khi chúng ta còn đang bình tĩnh và thanh thản. Cũng giống như một đội bóng phải thực tập thường xuyên, chúng ta cần kiên trì thiền định và thuộc lòng các bài cầu nguyện để được tập luyện tốt. Sau đó, khi chúng ta gặp một tình huống trong đời sống hàng ngày, chúng ta có thể áp dụng được những lời dạy của Đức Phật.
Cúng dường thực phẩm
Một cách thực tập khác để tăng cường chánh niệm và giúp chúng ta nhớ tới động lực của mình là cúng dường thực phẩm trước khi chúng ta ăn. Chúng ta hình dung thực phẩm là nước cam lồ chứa đầy những sự minh tuệ an lạc, thay vì những sự bám víu của chúng ta, khi chúng ta ăn. Sau đó, chúng ta hình dung một vị Phật nhỏ được tạo nên bởi ánh sáng ngay tại vị trí trái tim ta. Khi chúng ta ăn, chúng ta cúng dường nước cam lồ này cho vị Phật này. Vị Phật này tỏa ra ánh sáng tràn ngập người chúng ta. Để làm được điều này, bạn không nhất thiết phải ngồi trong tư thế tọa thiền giữa nhà hàng! Bạn có thể hình dung và suy ngẫm cách này khi đang chờ thực phẩm. Khi những người xung quanh như là đồng nghiệp, đối tác đang nói chuyện, bạn có thể thực hành các hình dung này và cúng dường thức ăn cho Đức Phật mà không ai biết. Đôi khi, ví dụ như khi bạn ở nhà với gia đình, bạn có thể tạm ngưng các việc khác lại và tập trung vào việc cúng dường thực phẩm. Sẽ là một hình ảnh rất đẹp khi cả gia đình cùng đọc một bài nguyện cúng dường thực phẩm. Tôi đã ở chung với một gia đình và đứa con trai 6 tuổi của họ đã hướng dẫn mọi người cùng đọc nguyện. Hôm đó rất cảm động.
Khi bạn ăn, hãy ăn trong chánh niệm. Ý thức được những công sức mà người khác đã bỏ vào để gieo trồng, vận chuyển và nấu nướng thức ăn. Nhận thức được sự tương thuộc cùng với những thực thể sống khác và những lợi ích mà chúng ta đang nhận được từ họ ví dụ như thực phẩm mà chúng ta ăn. Nếu chúng ta suy nghĩ theo cách này trước khi ăn, chúng ta cũng sẽ ăn một cách chánh niệm. Và nếu chúng ta ăn một cách chánh niệm, chúng ta sẽ không ăn hơn lượng cần thiết và do đó, chúng ta không tốn tiền cho các chế độ ăn kiêng để giảm cân!
Việc ăn với một thái độ cao quý là điều quan trọng. Đôi khi, trong các căn tin, chúng ta thấy những người ngốn ngấu ăn trước cả khi họ kịp trả tiền cho món ăn. Đó chính là ăn một cách máy móc. Hình ảnh này giống như là một con chó chạy vội tới cái chén của nó và sì sụp húp. Khi chúng ta thực hiện các hình dung trên và cúng dường thực phẩm của chúng ta cho vị Phật tại tâm mình, chúng ta ăn chậm hơn và thoải mái hơn. Đó là cách mà một con người đích thực ăn.
Xem xét lại một ngày
Bằng cách này, chúng ta duy trì chánh niệm và phát triển tâm từ bi, nhân hậu khi chúng ta đang sống trong ngày. Khi chúng ta về nhà vào buổi tối, thay vì đổ vật xuống trước cái TV hoặc xuống giường và ngủ, chúng ta có thể dành vài phút để ngồi yên lặng. Chúng ta suy nghĩ và đưa ra những định nghĩa cho những gì đã diễn ra trong ngày. Chúng ta nhìn lại và nghĩ: “Hôm nay, tôi đã làm tốt điều gì? Tôi có hành động với một trái tim nhân hậu hay không?” Chúng ta nhận thấy những trường hợp mà chúng ta đã hành động một cách nhân hậu, từ bi và lấy làm hoan hỉ vui mừng. Chúng ta hiến tặng những công lao đó, những tiềm năng tích cực đó, cho sự giác ngộ của chúng ta và những thực thể sống khác.
Khi xem xét lại một ngày, chúng ta có thể nhận thấy chúng ta đã giận dữ, ghen tị, tham lam. Chúng ta đã không nhận ra những cảm xúc này ngay khi chúng vừa xuất hiện. Nhưng bằng cách nhìn lại cả ngày, chúng ta không cảm thấy hạnh phúc với những gì đã diễn ra. Điều này có thể là do thái độ của chúng ta, hoặc do những gì mà chúng ta đã nói với một ai đó hoặc cách chúng ta hành động. Để giải quyết điều này, chúng ta phát triển lòng ăn năn và thực hành các phương pháp làm sạch (rửa tội) để chúng ta có thể tha thứ cho chính mình và để cho những năng lượng xấu ấy ra đi. Bằng cách này, chúng ta làm sạch về mặt cảm xúc và làm tan đi những cảm xúc không thoải mái hoặc những hành động sai trái đã có thể xảy ra trong ngày. Bằng cách này, chúng ta sẽ ngủ một cách an lành. Khi bạn nằm xuống, hình dung ra Đức Phật đang ngồi trên gối của bạn và bạn đặt đầu mình vào lòng Đức Phật khi bạn đi ngủ. Điều này rất thoải mái và giúp bạn nhớ tới những phẩm chất tốt của Đức Phật và có những giấc mơ đẹp.
Cuộc đời của chúng ta trở nên có ý nghĩa
Thực hành các Phật Pháp không khó và không tốn thời gian. Chúng ta luôn có thời gian: 24h một ngày. Nếu chúng ta hướng tâm mình theo chiều hướng tích cực, chúng ta có thể chuyển hóa bất kỳ hành động xấu nào mà chúng ta đã làm thành con đường hướng tới giác ngộ. Bằng cách này, Pháp trở thành một phần trong cuộc sống của chúng theo một cách có hệ thống. Cách dậy vào mỗi buổi sáng là Phật Pháp, cách ăn và đi làm là Phật Pháp, cách ngủ là Phật Pháp. Bằng cách chuyển hóa thái độ giữa những hoạt động hàng ngày, cuộc sống của chúng ta trở nên rất có ý nghĩa.
Bản quyền của Bhiksuni Thubten Chodron.Tâm Tuệ Uyển dịch.
Quyển sách này được dịch từ bản gốc bằng tiếng Anh: “THE PATH TO HAPPINESS”
và phát hành miễn phí với sự đồng ý của Ven. Thubten Chodron.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS