TRI KIẾN LẬP TRI, TỨC VÔ MINH BỔN. TRI KIẾN VÔ KIẾN, TƯ TỨC NIẾT BÀN

SHARE:

TRI KIẾN LẬP TRI, TỨC VÔ MINH BỔN. TRI KIẾN VÔ KIẾN, TƯ TỨC NIẾT BÀN (Thấy biết mà lập ra thấy biết, đó là cội gốc vô minh. Thấy biết mà không có thấy biết, đây là Niết bàn chân tịnh vô lậu.)

Chúng ta thường nghe nói rất nhiều về câu tri kiến lập tri… Nhưng cụ thể như thế nào là tri kiến lập tri? Thấy biết mà lập ra thấy biết?

Đầu tiên, chúng ta tìm hiểu nguồn gốc của thấy biết. Theo kinh Lăng Nghiêm, nói về hai thứ căn bản, ở căn bản thứ hai: “Thể Bồ đề Niết bàn vốn thanh tịnh từ vô thủy, tức là cái thức tinh vốn sáng hiện giờ của ông, hay sanh các duyên nhưng ông lại duyên theo các sanh khởi ấy mà bỏ quên nó. Do các chúng sanh bỏ quên cái vốn sáng này, nên tuy trọn ngày sử dụng nó mà chẳng tự biết, uổng lạc vào sáu nẻo.”

Như vậy, thấy biết của chúng ta vốn là tính sáng suốt của tâm, tính sáng suốt này như sự ánh hiện của tấm gương sáng phản chiếu mọi hình tướng, sự việc; hay sanh các duyên bởi vì nếu không có sự sáng suốt này dù có bao nhiêu duyên đi nữa cũng không có sự nhận biết, không có sự ánh hiện, hay nói khác đi tính sáng suốt của tâm bao trùm muôn duyên, chúng ta tự chiêm nghiệm kỹ nơi tâm sẽ thấy không có cái gì có thể qua khỏi sự sáng suốt này của tâm; muôn duyên đều sanh trong sự sáng suốt này, hay chính các duyên là ánh sáng của tâm.

 

Như thế nào là tri kiến lập tri, thấy biết mà lập ra thấy biết?

Thứ nhất, thấy biết lập tri là thấy biết theo duyên, có duyên thì có thấy không có duyên thì không thấy. Đây là một nghĩa của thấy biết mà lập ra thấy biết. Rõ ràng, tâm luôn luôn sáng suốt, có hay không có duyên tâm bao giờ cũng sáng suốt, tâm là nền tảng cùng khắp thời gian và không gian hay tâm phi thời gian phi không gian. Tâm không bị giới hạn bởi không gian và thời gian; nhưng chúng ta chỉ hạn cuộc tâm có mặt khi có duyên. Thí dụ, khi có âm thanh thì nói có nghe, khi không âm thanh thì nói không nghe. Đâu ngờ tánh nghe (khả năng nghe) thì thường hằng có hay không có âm thanh vẫn nghe, nghe suốt ngày mà cũng không đầy tai, khả năng nghe là tiềm tàng không giới hạn, hễ có tiếng là có nghe không tiếng cũng nghe, khả năng nghe chưa bao giờ mất. Khả năng này là sự ánh hiện của tâm sáng suốt. Các căn khác cũng như vậy.

Khi đã thấy biết theo duyên, thì thấy biết vốn sáng suốt thường hằng lại bị lệ thuộc duyên thành ra thấy có, thấy không thấy lớn thấy nhỏ, dài ngắn, đẹp xấu, hơn kém; thấy có lâu có mau… do lỗi thấy biết theo duyên, từ chỉ là một nguồn tâm cùng khắp phi thời gian phi không gian lại làm cho tâm trở thành sanh diệt theo thời gian và hạn cuộc trong không gian.

Điều đáng nói ở đây là, khi chúng ta đã thấy có sinh có diệt thì góc  nhìn này làm cho chúng ta có một nhận định chủ quan là tâm sinh diệt theo duyên chứ chúng ta không thể tin nổi xưa nay dù chúng ta có lầm chấp tâm là có không theo duyên thì tâm nền tảng vẫn chưa bao giờ sanh chưa bao giờ diệt, chưa bao giờ bị giới hạn bởi không gian và chi phối bởi thời gian. Cái thức tinh vốn sáng hay thể Bồ đề Niết bàn thanh tịnh vẫn như vậy. Cho nên, tu hành là thôi nhận lấy tâm phan duyên thì ngay đó thể nhận ra ánh sáng của tâm. Chính ánh sáng của tâm là nền cho tâm phan duyên, cái thấy mê lầm đã cắt ánh sáng toàn khắp của tâm thành tâm phan duyên sinh diệt. Tri kiến không lập tri kiến thì tâm giải thoát sẵn đó.

Thứ hai, thấy cạn cợt từ sáu căn, chỉ thấy sự phô diễn của tâm biểu hiện thành hình tướng rồi dính mắc vào đó mà không thấy được bản tánh của tâm. Mất sự liên hệ với nguồn tâm, chỉ nhận biết trên bề mặt biểu hiện của nguồn tâm ấy. Chúng ta thấy nghe hay biết suy nghĩ đều xuất phát từ nguồn tâm nhưng chúng ta phạm một lỗi là trên thấy nghe hay biết lại chấp cho những hình tướng này là thật có, trên thật có lại thấy thật không. Khi có không đã lập chúng ta sống bằng sự giả lập này, không biết rằng tất cả đều từ Bồ đề niết bàn thanh tịnh từ vô thỉ, tức là cái thức tinh vốn sáng ánh hiện như bóng phản chiếu trong gương tâm, tất cả hiển hiện nhưng chỉ là ánh sáng của tâm, tất cả là giải thoát không có chỗ cho ta nương gá, lầm chấp thật có thật không. Và khi đã dính mắc vào giả lập này thì tự mình cắt đứt sự liên hệ với nguồn tâm sáng suốt, nơi có đủ mọi công đức giải thoát. Đó là lỗi trên thấy biết lập thêm thấy biết.

Thứ ba, Cái thấy dựa trên hiểu biết kinh nghiệm, hay cái nhìn nghề nghiệp. Trong cuộc sống, chúng ta lớn lên và kinh nghiệm cuộc sống tùy theo hoàn cảnh trình độ nhận thức của riêng mỗi người với môi trường sống cho nên mỗi người có cái nhìn khác nhau về một sự việc, khác nhau về sự phán đoán, khác nhau về nhận thức sự việc; sự khác nhau này nguyên do là chính chúng ta dùng kinh nghiệm sống để cân lường sự việc hay cái thấy của chúng ta đã bị kinh nghiệm hóa. Chính kinh nghiệm này làm che mờ, hay bẻ cong cái thấy không cho chúng ta thấy như thật. Đây cũng là một lối trên cái thấy có lập thêm cái thấy.

Tương tự, cái thấy dựa trên hiểu biết tri thức, đây cũng là lối thể hiện cái thấy lập tri theo nghĩa bị che chướng bởi tâm ý thức. Bệnh chung và phổ biến nhất của người tu là thay vì thấy trực tiếp là cái thấy giải thoát chúng ta lại muốn hiểu về giải thoát. Thói quen của chúng ta là dùng ngôn ngữ, hay tâm ý thức luôn luôn muốn nắm bắt tìm hiểu giải thoát như thế nào chứ không biết rằng chính ngay cái thấy trực tiếp không qua hiểu biết của tâm ý thức đó chính là đạo, chính là cái thấy giải thoát.

Lớp đầu tiên chúng ta dùng tâm ý thức để nhận biết sự việc, chúng ta coi đó là sự thông hiểu của mình; lớp thứ hai chúng ta lại lấy kinh nghiệm của lớp thứ nhất để làm cái thấy. Như vậy che chướng lại chồng thêm che chướng, bệnh càng thêm bệnh. Nếu không phá được vòng lẩn quẩn này chúng ta luôn luôn bị trói buộc trong cái thấy lập tri, trên đầu lại chồng thêm đầu.

Thứ tư, cái thấy bị che lấp vì lập tri nữa là thái độ sống, tổng hợp những che chướng về cái thấy được tích lủy từ nhiều đời và hiện đời sẽ làm cho con người nói chung có một thái độ với cuộc sống, thực ra cuộc sống dù diễn tiến như thế nào cũng là sự trôi trải của giải thoát bởi vì, mọi diễn tiến của cái thấy đều xuất phát từ tâm sáng suốt, từ thể Bồ đề Niết bàn thanh tịnh, chúng ta không đủ sáng suốt để nhận biết điều này; ngược lại chúng ta lấy cái nhìn chủ quan theo kinh nghiệm, theo nghiệp lực của mình, vô tình không hay biết, chúng ta có một thái độ đối với cuộc sống, và thái độ sống này dẫn dắt chúng ta hành động tốt hay xấu, thiện hay ác đối với cuộc sống. Chúng ta lỗi nhịp với cái thấy giải thoát vì thái độ sống đã và đang tích tập hiển nhiên biểu hiện thành cái thấy che chướng.

Thứ năm, thấy có một trung tâm và ngoại vi, thấy có ta và cái ngoài ta. Đây là bệnh chung của chúng sanh. Khi chúng ta chưa sanh ra chúng ta đã mang cái thấy này từ nhiều đời trước, hay do nghiệp chấp có ta mà ta mới có mặt trong đời này, và do nghiệp chung của đồng loại chúng ta sống trong môi trường tất cả sinh vật sống đều biểu hiện cách sống có chủ thể và khách thể như vậy. Thế giới sống tưởng như là bên ngoài và ta đang sống là trung tâm. Che chướng này là che chướng lớn nhất, nó là nguyên nhân của mọi tạo tác. Thấy có một trung tâm, thấy có một cái ta làm cho chúng ta ngăn cách với cuộc đời. Mọi phiền não, mọi thứ nghiệp tạo nên từ cái thấy có hai này.

Khi thấy có ta là một trung tâm và ngoài ta là cái đối lập chúng ta sẽ sinh thương ghét lấy bỏ, có cái của ta và cái không phải của ta thì sự phân biệt thân sơ chấp giữ hình thành.

Khi có thân sơ của ta và không phải của ta chúng ta sẽ sinh tình cảm phân biệt với hai loại đối tượng này; chúng ta sẽ hành xử có trách nhiệm với cái của mình nhưng lại không có trách nhiệm mấy hoặc vô trách nhiệm với cái tưởng không phải là của mình. Chúng ta tàn phá, khai thác, mặc tình với cái tưởng không phải của mình và nâng niu gìn giữ cái tưởng là mình và của mình.

Nếu chúng ta đứng trên quan điểm chấp có ta để phân tích thì không biết bao nhiêu tạo tác gây nghiệp từ cái chấp có ta này. Đây là cái thấy lập tri căn bản nhất.

Tóm lại, cái thấy nền tảng xuất phát từ thể Bồ đề Niết bàn thanh tịnh ánh sáng này của tâm lưu xuất thành thấy nghe hay biết vốn xưa nay là giải thoát, nhưng chúng ta cắt xén cái thấy giải thoát hạn cuộc nó trong các hình tướng giả lập và từ đó tạo ra cái thấy sanh tử hư vọng tạo biết bao nghiệp sanh tử hư vọng, và chịu biết bao đau khổ trầm luân cũng hư vọng. Thật thảm hại và đáng thương là: chúng ta đang sống trên và trong cái thấy giải thoát, lại đau khổ vì sự lầm chấp hư vọng của mình mà không hay biết mình vốn đã thanh tịnh giải thoát.

 

Như thế nào là thấy biết mà không có thấy biết?

Thứ nhất, ngay thấy biết lập tri không ngoài cái thấy biết giải thoát. Như đã phân tích từ thể Bồ đề Niết bàn thanh tịnh, tâm tánh sáng suốt hay sinh các duyên vì vậy có lập thấy biết hay không lập thấy biết thì cái thể của tâm giải thoát luôn luôn hiện hữu. Chính vì giải thoát là nền tảng luôn luôn hiện hữu ngay cả chúng ta đang mê chấp cho nên người tu có thể thể nhập nền tảng này bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu. Và cũng từ những khuynh hướng của cái thấy lập nên cái thấy như đã phân tích ở phần trước cho chúng ta một bằng chứng nơi nào có vô minh là nơi đó có cơ hội để thể nhập Niết bàn. Nếu chúng ta có niềm tin rằng ngay khi chúng ta đang mê lầm chúng ta cũng đang mê lầm trong và trên tâm giải thoát nền tảng, khi đó chúng ta sẽ có cái nhìn khác đi về cuộc đời tu hành và định hướng nhận ra giải thoát của mình. Chúng ta sẽ và chỉ yên tâm mà khám phá Niết bàn, cái đã có sẵn là nền tảng luôn luôn hiện hữu dù chúng ta có hay biết điều đó hay không. Thế cho nên chứng ngộ giải thoát không hạn cuộc thời gian và không gian. Khi che chướng vơi đi phần nào thì thể nhập phần đó.

Cũng vì nền tảng là giải thoát cho dù chúng ta đang mê hay tỉnh, cho nên tu hành mới có tiệm và đốn, tiệm đốn là do căn cơ và thiện căn của người tu chứ thời gian tu hành, các bước thực hành không nhất thiết giống nhau giữa người này với người kia. Bởi dù tâm bạn có lập tri hay không lập tri thì bạn cũng đang hoạt dụng trên và trong giải thoát đã sẵn. Cho nên tùy theo khả năng mà trở về và quan trọng nhất là có một vị thầy hướng dẫn thì không bị lầm lạc và đỡ mất thời gian hơn.

Thứ hai, thấy biết mà không có thấy biết không có nghĩa là bế lục căn, ngoảnh mặt lại với trần cảnh mà thấy biết phá đi cái thấy chấp có ta trên cái thấy chứ không phá cái thấy (phá chấp chứ không phá pháp). Hành giả tự biết mình có thể nhập cái thấy giải thoát hay không khi thật sự còn thấy có hai: thân tâm và thế giới hay không; tức thấy có trung tâm là thân tâm đang thấy và ngoài thân tâm là thế giới bị thấy. Rõ ràng thấy biết lập tri (có lập ra thấy biết) và thấy biết bất lập tri (không có thấy biết) chỉ xảy ra trên một cái thấy. Người giác kẻ mê thấy chỉ trên một cái thấy, khác nhau là có lập hay không lập một trung tâm thấy mà thôi.

Niết bàn không phải đối lập với cái thấy biết lập tri. Niết bàn là có sẵn, là nền tảng cho tất cả. Vì Niết bàn là có sẵn cho nên chủ trương của ngài Đạo Nguyên vị tổ của Thiền Tào Động Nhật Bản, trong Chỉ Quản Đả Tọa: ngồi thiền chính là ngồi Phật, khi bạn ngồi thiền chính bạn là Phật, không có Phật nào khác để thành. Bạn chỉ thể nhập cái đã có sẵn đó mà thôi.

Vì Niết bàn là cái có sẵn cho nên trong: Cái Thấy và Thiền Định về Đại Toàn Thiện, người dịch Rangxi Sangbo ngài Jamgon Kongtrul Lodro Thaye dạy:

Khám phá và xác định cái thấy,

Kính lễ Đạo sư,

Cái thấy và Thiền định Đại toàn thiện có thể được diễn giải bằng nhiều, nhiều cách, nhưng đơn giản việc duy trì tinh túy của sự nhận biết trong hiện tại là gồm chứa tất cả chúng.

Tâm của con không thể tìm thấy ở đâu khác. Nó chính là bản tính của sự suy nghĩ từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác. Hãy nhìn một cách trần truồng cốt lõi của sự suy nghĩ này và con sẽ tìm thấy sự nhận biết hiện tại, ngay tại nơi con.

Tại sao lại phải chạy theo các suy nghĩ, chúng chỉ là những gợn sóng bề mặt của sự nhận biết hiện tại? Hơn thế, hãy nhìn thẳng vào bản tính trần truồng, trống rỗng của các ý nghĩ; khi đó sẽ không có nhị nguyên, không người quan sát, không có gì được quan sát.

Đơn giản chỉ nghỉ ngơi trong sự nhận biết hiện tại trong suốt và bất nhị này. Hãy như đang ở nhà mình trong trạng thái tự nhiên của sự đơn giản hiện diện, chỉ đang là, không làm cái gì đặc biệt cả.”

 

Hiển bày cái thấy,

Sự nhận biết hiện tại thì trống rỗng, rộng mở và sáng tỏ; nó không phải là vật chất cụ thể, nhưng cũng không phải là không có gì cả. Trống rỗng, nhưng hoàn toàn nhận biết, sáng tỏ, tỉnh thức. Giống như, thật kỳ diệu, không bởi cố gắng để nó trở nên nhận biết, mà là nhận biết tự có, sự nhận biết liên tục hoạt động.

Hai mặt này của sự nhận biết hiện tại hay Rigpa – tính trống rỗng của nó và tính nhận biết ( sáng tỏ) của nó – là không thể phân chia. Trống rỗng và sáng tỏ (nhận biết) là không thể chia tách. Chúng không có hình tướng, giống như không có gì cả, không nắm bắt được, không sinh ra, không mất đi; nhưng thoáng đãng, sáng rõ, sống động. Không có gì cả, nhưng thật tuyệt diệu! tất cả mọi thứ được kinh nghiệm một cách kỳ diệu.

Đơn giản là nhận ra nó. Nhìn vào tấm gương huyền ảo của tâm và thưởng thức sự trình diễn kỳ diệu vô tận này…”

Đó là một cách diễn tả tri kiến bất lập tri kiến, cách thực hành và diễn tả cái thấy, bản văn ngắn gọn, đầy đủ, sáng tỏ, sống động bày hiện tất cả tinh yếu của cái thấy giải thoát.

Đi ngược dòng từ cái thấy lập tri trở về cái thấy bất lập tri, người tu hành thường xuyên tham thiền về cái thấy bất lập tri này sẽ thấy khi bất lập tri cái thấy đã sẵn từ bao giờ, vì vậy mà Lục Tổ Huệ Năng đã thốt lên “Đâu ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp”. Nói như vậy, để cho chúng ta biết rằng, khi đã thường xuyên tham thiền về cái thấy bất lập tri này rồi, chúng ta sẽ nhận ra các hình tướng, và tư tưởng đang hiện diện, đang khởi diệt không ngoài cái thấy bất lập tri. Từ cái thấy có hai: ta và thế giới; chúng ta trở về cái thấy nguyên bản chỉ còn một vị giải thoát nhưng chiều kích của một vị này thấu thoát, dung nhiếp cả thế giới hiện tượng và các tư tưởng; tất cả hòa làm một, là diệu dụng của tâm trong cái thấy toàn khắp chứ không phải tâm bị cắt xén hạn cuộc khi khởi khi diệt bởi tư tưởng và các hình tướng nữa.

 

Tháng 5 – 2016, Phật lịch 2060

Tánh Hải

 

SHARE:

Trả lời