Làm việc và nghỉ ngơi

SHARE:

Làm việc và nghỉ ngơi

Ngày nay, áp lực công việc luôn đè nặng lên con người hiện đại. Dù là việc làm trí óc, con người phải xử lý một lượng thông tin lớn hơn ngày xưa rất nhiều. Trái với sự tin tưởng của nhiều bộ óc lỗi lạc vào thời kỳ bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp ở thế kỷ XVIII, rằng khoa học kỹ thuật sẽ làm cho con người được nhàn rỗi hơn (vì đã có máy móc làm thay) và con người sẽ có nhiều thời giờ rảnh rỗi để thưởng thức văn hoá nghệ thuật, vui chơi…

Nhưng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, sự cạnh tranh khốc liệt, con người càng bận rộn hơn, làm việc với cường độ cao hơn. Bằng chứng là stress, một sự căng thẳng tinh thần đến mức trở thành bệnh, và chứng bệnh này chỉ có ở những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX. Do đó, nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn càng trở thành cấp thiết.

Làm việc và nghỉ ngơi, ban ngày hoạt động và ban đêm ngủ nghỉ là một quy luật của đời sống mà người xưa cũng như người hiện đại đều phải tuân thủ.

“Tạp chí Fortune liệt kê mười gương mặt lãnh đạo tiêu biểu của nhiều lãnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá:

Alan Lafley, Chủ tịch Tập đoàn Proctor & Jamble làm việc căng trong 1 giờ, sau đó là 15 phút nghỉ ngơi, rảo vòng quanh nơi làm việc. Ông có cách giữ thăng bằng cho trí óc và giữ gìn sức khoẻ là 30 phút thiền mỗi ngày. Bill Cjross, Trưởng bộ phận đầu tư của PIMCO, tập yoga đến 90 phút mỗi ngày. Carlos Jhosn, Giám đốc điều hành hai hãng xe hơi hàng đầu là Renault và Nissan chưa bao giờ đem công việc về nhà làm. Jane Friedman, Giám đốc nhà sản xuất Harper Collins cũng có suy nghĩ tương tự. Bà luôn luôn biết cách điều tiết công việc hợp lý và cho rằng để cho công việc dồn ép sẽ không có khả năng ra quyết định sáng suốt…” (Tuổi Trẻ, tháng 2-2006).

Người ta có thể thư giãn bằng giải trí, du lịch hay ngủ nghỉ. Nhưng sự nghỉ ngơi hiệu quả nhất là thiền định, vì thiền định chiếm thời gian ít nhầ và khi đó trí óc được nghỉ ngơi nhiều nhất, nếu không nói đó là sự nghỉ ngơi hoàn toàn, bởi ngay cả khi ngủ, trí óc vẫn hoạt động và tạo thành giấc mơ. Sau một sự nghỉ ngơi tích cực như thế, trí óc sẽ phục hồi sáng suốt hơn, tươi mới hơn. Thiền định làm cho ta đạt đến “sự sáng suốt của buổi ban mai” (chữ của Trang Tử). Nói theo Phật giáo, chính bằng cách khám phá chiều sâu không đáy và bất động của tâm hồn, cái bầu trời rỗng rang vô hạn của tâm thức mà người ta biết ở nơi mình có cái không biến đổi (như hư không), và chính từ đó, người ta có thể ứng xử với sự biến đổi của cuộc đời. Bởi sống và làm việc là một nghệ thuật, một cách sáng tạo và là một cách đem lại hạnh phúc tinh thần.

Không chỉ biết cân bằng giữa làm việc và thiền định nghỉ ngơi, mà dần dần người ta biết cách đưa thiền định, đưa sự nghỉ ngơi sâu xa vào trong đời sống, ngay trong lúc làm việc. Lý tưởng sống của nhiều triết gia Đông cũng như Tây là làm việc như thể giải trí và chơi đùa. Bởi vì, nếu không như thế thì dù không còn bị ai bóc lột, người làm việc vẫn bị công việc bóc lột, vẫn thấy công việc của mình là một hoạt động nhọc nhằn. Khi đưa một trạng thái bình an, một khoảng không gian của tâm hồn làm nền tảng cho hoạt động của thân thể và trí óc, chúng ta sẽ hòa nhập được giữa làm việc và nghỉ ngơi. Với năng lực và niềm hạnh phúc của khoảng không gian đó, làm việc và giải trí, là vui chơi, là sáng tạo.

Mọi đỉnh cao triết học đều đưa đến quan niệm cuộc đời con người và cuộc đời vũ trụ như một trò chơi. Triết gia Ấn Độ Lila nhìn vũ trụ như một trò chơi đùa. Héraclite cho rằng: thời gian là một đứa trẻ chơi cờ trên bãi biển. Trang Tử nói: đời sống là một cuộc tiêu dao. Khổng Tử cho rằng: “Ta không muốn nói gì cả… Bốn mùa vận hành, vạn vật sinh sôi, trời có nói gì đâu?”. Phật giáo thì quan niệm Bồ tát sống như một trò chơi đùa “du hý tam muội”. Kinh Kim Cương nói về việc “làm mà không làm gì cả”.

Nhìn tới bình diện triết học, bình diện lý tưởng thì có vẻ rắc rối, nhưng trong đời thường vẫn có người đã sống như vậy. Họ làm việc hết mình mà vẫn rảnh rang, nhất là không cố thủ, bám chấp vào thành quả của công việc. Đó không phải là chuyện viễn tưởng hay lý tưởng mơ hồ của người xưa. Chúng ta hãy lấy thí dụ về người giàu nhất thế giới với ngành công nghệ thông tin, kinh tế tri thức và cũng là người đã cống hiến cho nhân loại gần một nửa số gia tài của mình qua những việc công ích trên toàn thế giới là Bill Gates. Mới cách đây mấy hôm, khi nói chuyện với sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, khi được hỏi về những điều quan trọng nhất trong cuộc đời ông, ông trả lời: “Tôi có ba điều may mắn, đó là: gia đình tôi với ba đứa con tuyệt vời. Tiếp theo là công nghệ ở Microsoft, nơi tôi có những công việc thú vị với những con người rất thông minh mà tôi có thể học được những điều mới mẻ. Điều quan trọng thứ ba là số tiền mà tôi kiếm được. Trong tương lai, số tiền đó sẽ quay lại với thế giới theo những cách có ý nghĩa nhất và hiệu quả nhất”.

Hạnh phúc, phải chăng là thái độ không cố chấp vào kết quả của công việc (tiền bạc, danh vọng, quyền lực…) và xem cuộc đời mình như một trò chơi cao cả nhất của phận người?

SHARE:

Trả lời