SHARE:
Hiếu là sự nối kết và mối tương quan bao la. Hiếu không phải là liên hệ bằng tiền bạc, địa vị, bằng những gì trao đổi được, cho nên nó sâu thẳm như sự liên kết không cùng của lòng từ bi. Sự nối kết liên hệ ấy không phải là một bổn phận hay trách nhiệm của tục lệ đời thường mà nó là sự an bình và hạnh phúc sẵn có trong chiều sâu của mỗi chúng ta.
Hiếu là một giá trị sống tốt đẹp có trong mọi nền văn hoá. Ở Việt Nam chúng ta, hiếu là một trong những phạm trù quan trọng được cả Phật giáo và Nho giáo đề cao, Nho học chú trọng vào đời sống gia đình, xã hội nên giá trị sống hiếu được cổ xuý nhiều. Nhưng vì Nho học được phát triển trong bối cảnh chế độ quân chủ nên khái niệm hiếu cũng bị giới hạn. Và theo cảm thức thông thường, cái gì giới hạn đều thường phát sinh ra sự mâu thuẫn, xung đột. Không được đặt trong một thế giới quan rộng lớn, chữ hiếu, mặc dù là một yếu tố quan trọng của đạo làm người, nhưng có khi lại gây ra những thảm kịch, như chúng ta thường thấy trong văn học, phim ảnh của Trung Hoa. Chẳng hạn, vì hiếu mà phải giết cha người khác để trả thù cho cha mình; vì hiếu mà phải bán mình để chuộc cha… Trong khi đó, xuất gia để thiết thực lo cho mình, cho người thì lại xem là “bất hiếu”… Và trong thời đại ngày nay, nếu cha mẹ ly dị, hay một trong hai người qua đời, thì để giữ lòng hiếu, chắc là phải thù ghét vợ sau hay chồng sau của cha mẹ mình.
Trong bối cảnh Phật giáo, hiếu được nhìn trong một viễn cảnh rộng lớn, và vì rộng lớn nên ít gây nên mâu thuẫn xung đột. Không những thế còn nâng cấp con người đến chỗ hoàn thiện. Trước hết, chúng ta thấy có ba yếu tố cấu thành lòng hiếu: tình thương yêu, sự kính trọng và ơn nghĩa.
Cả ba tình cảm ấy đều quy tụ vào cha mẹ, những bậc sinh thành và nuôi nấng mình. Trong thế giới quan Phật giáo, nguyên nhân (nhân) chính để chúng ta có mặt ở đời này là nghiệp của chính chúng ta, còn cha mẹ là nguyên nhân hỗ trợ (duyên). Trong viễn cảnh Phật giáo, chúng ta không chỉ mới có mặt lần đầu tiên trong đời này mà đã từ vô số đời trước, trong đủ mọi hình thức của sinh mạng của Người, chư Thiên, Thú vật, Ngạ quỷ, Địa ngục, và dòng sinh tử của chúng còn kéo dài mãi nếu chúng ta không đủ sức thoát khỏi sáu cõi sinh tử luân hồi. Còn với những người nguyện đi con đường Bồ tát thì: “Tôi nguyện sẽ ở lại thế gian cho đến ngày thế gian trống rỗng”, nghĩa là cho đến khi hết chúng sinh. Với một cái nhìn rộng lớn như vậy, thì tất cả chúng sinh đều đã từng là hoặc sẽ là cha mẹ của chúng ta.
Do vậy, hiếu trong Phật giáo được đẩy đến tận cùng biên giới của nó: hiếu là lòng hiếu với tất cả chúng sinh, trong cả ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai và khắp toàn bộ vũ trụ. Lòng hiếu như vậy được mở rộng đến tầm mức vũ trụ, tiếp cận và trở thành lòng đại từ đại bi.
Nhưng đối với một người cao cả, tình thương yêu, sự kính mến và ơn nghĩa khong chỉ đối với chúng sinh hữu tình mà còn đối với cả thế giới vô tình. “Trong tuần lễ thứ hai, sau khi giác ngộ, để tỏ lòng tri ân sâu xa đối với cây bồ đề vô tri vô giác đã che mưa nắng cho Ngài suốt thời gian nhập định để đắc đạo, Đức Phật đứng cách một khoảng xa để chăm chú nhìn cây bồ đề trọn một tuần không chớp mắt”. (Đức Phật và Phật pháp – Narada Thera). Với người bình thường chúng ta cũng vậy, chúng ta gọi trái đất là “bà mẹ trái đất”; đất được gọi là đất mẹ; sông Hồng, con sông đã làm nên nền văn minh đồng bằng sông Hồng, cũng được gọi là sông Cái, nghĩa là sông Mẹ…
Chính lòng từ bi đối với thế giới vô tình là một yếu tố quan trọng khiến cho một người theo con đường Bồ tát, dù ở thế giới nào cũng làm mọi việc để biến thế giới ấy thành một cõi Tịnh độ, một cõi Phật.
Cách biểu hiện ban đầu của hiếu, có lẽ chỉ là một bản năng bầy đàn nơi một số loài vật, và con người đã phát triển thành ý nghĩa và bổn phận trong gia đình và mở rộng trở thành một tình cảm thiêng liêng đối với đại gia đình nhân loại: từ chúng sinh hữu tình đến vô tình. Hiếu là phong tục tốt đẹp, từ việc giới hạn trong một gia đình đã trở thành thái độ sống đối với con người và thế giới. Thực hành thái độ sống ấy, con người dần dần trở nên toàn diện và toàn thiện.
Với ý nghĩa đó, trong mùa Vu lan, có thể chúng ta chỉ làm một hành động đơn giản nhất: thắp hương và cầu nguyện cho cha mẹ, người còn sống được an lành, người đã mất được siêu thoát. Rộng ra nữa, cho ông bà tổ tiên khong chỉ đời này mà còn ở đời quá khứ và tương lai. Qua chỉ một hình thức cầu nguyện đơn giản này, chúng ta thấy mình nối kết, tương thông với cha mẹ, tổ tiên, với nhiều người, cho đến nối kết với mọi chúng sinh. Sự nối kết và mối tương quan bao la này không phải là liên hệ bằng tiền bạc, địa vị, bằng những gì trao đổi được, cho nên nó sâu thẳm như sự liên kết không cùng của đời sống và lòng từ bi. Sự nối kết, liên hệ ấy không phải là một bổn phận hay trách nhiệm của tục lệ đời thường mà nó là sự an bình và hạnh phúc sẵn có trong chiều sâu của mỗi chúng ta.
Như vậy, qua chỉ một hành vi nhỏ của lòng hiếu, chúng ta có thể nối kết, tiếp thông với những sự thật bí mật nhất của đời sống. Khám phá thể nghiệm những thực tại sâu thẳm của cuộc đời qua những hành vi nhỏ nhặt, đó chính là sống đạo.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS