GIẢI THOÁT NẰM GIỮA HAI TƯ TƯỞNG.

SHARE:

GIẢI THOÁT NẰM GIỮA HAI TƯ TƯỞNG.

Giải thoát hay Tánh Không thì không chỗ nào không có, nên bất cứ ở đâu chúng ta cũng có thể gặp nó. Tánh không, vô tự tánh của cái tôi và tất cả sự vật thì có thể tìm thấy nơi sự vật cũng như chính nơi tâm thức này. Bởi vì tánh không là bản tánh của sự vật và của tâm thức.

Trong bài này, chúng ta tìm hiểu và thể nghiệm tánh không nơi tâm thức hiện có của chúng ta, nơi không có tư tưởng và nơi đang có tư tưởng. Tánh không nằm giữa hai tư tưởng thường được nói đến trong hai truyền thống phật giáo Tây Tạng và Trung Hoa, mà Thiền tông, Đại Toàn Thiện (Dzogchen), và Đại Ấn (Mahamudra) là những đại diện tiêu biểu.

    1.TƯ TƯỞNG LÀ GÌ, TẠI SAO CÓ TƯ TƯỞNG ?

Tư tưởng, hay niệm, sanh khởi khi một chủ thể tâm thức gặp một đối tượng của nó. Đối tượng đó là đang gặp, hoặc đã gặp, hoặc sẽ gặp.Không có một chủ thể là một cái tôi thì không có tư tưởng . không có một đối tượng cho cái tôi ấy thì cũng không có tư tưởng. Không bao giờ có một chủ thể mà không có đối tượng và cũng không bao giờ có một đối tượng mà không có chủ thể. Chủ thể và đối tượng duyên sanh lẫn nhau và trong môi trường duyên sanh ấy, tư tưởng xuất hiện. tư tưởng duyên sanh từ chủ thể và đối tượng là hai cái duyên sanh căn bản, cho nên tư tưởng là duyên sanh của duyên sanh.

Giữa hai tư tưởng, khoảng trống không có tư tưởng ấy, không có một duyên sanh nào cả, không có một chủ thể cái tôi nào cả,không có một đối tượng nào cả. trong khoảng trống không giữa hai tư tưởng không có sự tương tục của một cái tôi hay một cái ở ngoài tôi. Sự tương tục của chấp ngã và chấp pháp tạm thời bị cắt đứt. Chính đây là trạng thái vô ngã, vô pháp. Chính đây là trạng thái tánh không, mà ở nơi tâm thức thì gọi là tâm không. Chính đây là cánh cửa mở vào không gian giải thoát.

Kéo dài khoảng cách giữa hai tư tưởng và nhìn sâu vào đó, chúng ta thấy đó là một trạng thái vắng bặt cái tôi và những sự vật, vắng bặt chấp ngã và chấp pháp, mọi thứ đều bị cắt đứt, đều được xa lìa (viễn ly), chúng ta bắt đầu cảm nghiệm trạng thái giải thoát là gì ? Chúng ta bắt đầu thấy ra bản tánh của tâm thức. Bản tánh của tâm thức là tánh không.

 

Thiền là làm quen với trạng thái đó, và khi ở lâu được trong trạng thái đó, nỗ lực nhìn vào bản tánh của tâm thức trong trạng thái đó,những che chướng của chấp ngã chấp pháp dần dần mỏng, rơi rụng, cho đến khi người ta trực tiếp thấy tánh không hay pháp thân nằm giữa hai tư tưởng.

Nói theo kinh Kim cương, giữa hai tư tưởng là cái tâm không chỗ trụ, không có ngã, không có nhân, không có chúng sanh, không có thọ mạng. Đây là sự giải thoát.

Giữa hai tư tưởng, thật sự là trạng thái không tư tưởng, trạng thái vô niệm, cũng  như giữa hai đám mây là bầu trời.

Guru Rinpoche Padmasambhava nói trong Tự Giải Thoát Qua Cái Thấy Trần Trụi (Thiện Tri Thức xuất bản ):

“ Khi con ngước nhìn không gian bầu trời ngoài bản thân con

Nếu không có những tư tưởng được phóng chiếu ra

và khi con nhìn vào tự tâm trong bản thân con

Nếu không có người phóng chiếu những tư tưởng bằng cách nghĩ đến chúng

Bấy giờ tâm con trở nên trong sáng rạng rỡ mà không có cái gì được phóng chiếu

Bởi vì tịnh quang của tánh giác của con là trống không, nó là pháp thân,

Giống như mặt trời mọc trong một bầu trời không mây sáng sủa”

 

Patrul Rinpoche nói trong Những Chử Vàng (nxb Thiện Tri Thức ):

“Thứ nhất, để cho tâm trong trạng thái buông xả

Không có tư tưởng, không phân tán cũng không tập trung

Khi ở trong trạng thái này,thư thả và buông xả trọn vẹn

Đột nhiên thốt lên PHAT! Đánh tan tư tưởng khởi sanh

Mạnh mẽ và tức khắc.

Kỳ diệu thay!

Không còn gì khác ngoài một cái tỉnh giác đến sửng sốt

Không có gì khởi lên có thể ngăn trở nó, nó không thể mô tả

Người ta cần nhận biết cái ấy là tánh giác, tức thời vốn sẵn, nó chính là pháp thân.

Sự trực tiếp đưa vào tự tánh này là điểm thiết yếu thứ nhất”.

Chúng ta thấy, những đánh hét của các thiền sư cũng là để chặt đứt sự tương tục của dòng tư tưởng, để lộ ra tánh giác vô niệm nơi đệ tử.

Lục tổ Huệ Năng nói với sư Huệ Minh:Không nghỉ thiện, không nghỉ ác, chính ngay lúc đó là bổn lai diện mục của Minh thượng tọa”

Trong phẩm Sám hối, Lục tổ nói “ : Tự tâm không chỗ bám níu, chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, tự tại vô ngại, đó gọi là Giải thoát hương”.

Lục tổ còn nói “ Niệm trước chẳng sanh là tâm, niệm sau chẳng diệt là phật”.

Thực tại chẳng sanh chẳng diệt nằm giữa niệm trước và niệm sau, đó là tâm, đó là phật. Hơn nữa, thực tại chẳng sanh chẳng diệt này thông suốt, thấu thoát tất cả mọi niệm trước và mọi niệm sau, đó là tâm phật.

Thiền sư Lâm Tế nói “ Tâm pháp vô hình, thông suốt mười phương.

Ở mắt gọi là thấy, ở tai gọi là nghe, ở mũi gọi là ngửi, ở miệng thì nói năng, ở tay thì cầm nắm, ở chân thì đi đứng.Vốn là một tinh minh phân làm sáu phần hòa hợp. hễ tâm niệm đã không thì ở đâu cũng giải thoát..

“ Các ông muốn làm phật thì đừng chạy theo muôn pháp. Tâm sanh thì thảy thảy pháp sanh. Tâm diệt thì thảy thảy pháp diệt. Một niệm không sanh thì muôn pháp không lỗi”.

Chỉ,quán và chỉ quán đồng thời là ba pháp tu tâm căn bản của phật giáo. Bằng ba pháp ấy, an trụ (chỉ) lâu trong trạng thái vô niệm giữa hai tư tưởng; quan sát(quán) trạng thái một niệm chưa sanh này, và đồng thời vừa an trụ, vừa quan sát, cho đến một lúc nào khi phiền não chướng và sở tri chướng đã rơi rụng phần lớn, vô niệm, hay vô sanh, hay pháp thân, hay tánh không, thình lình lộ ra. Đó là bổn lai diện mục của mỗi chúng ta.

2-BẢN TÁNH CỦA TƯ TƯỞNG

Và không chỉ giữa hai tư tưởng, ngay nơi một tư tưởng, nếu theo dõi nó cho đến tận gốc rễ của nó, nó sanh khởi từ chỗ nào,hiện hữu nơi nào, rồi tan biến nơi nào, chúng ta sẽ nhận ra tâm không vô niệm này.

Chính ở đó, người ta tìm thấy tự do và bình an. Chính ở chỗ không có sự tương tục của ngã và pháp, nơi ấy có trí tuệ và tình thương.

Ở đó có trí huệ, vì ánh sáng tự tâm không còn bị tướng và tưởng ngăn che. Ở đó có tình thương, vì tình thương chỉ có khi thấy được sự bình đẳng và đồng nhất của mình với tất cả những người khác và tất cả sự vật. Những tư tưởng thì khác biệt đến vô cùng, nhưng tâm không vô niệm là cái bình đẳng và đồng nhất của tất cả.

Tất cả chúng ta đều đang sống trong tâm không vô niệm này, nghĩa là đang sống trong tự do , tình thương, bình an, bình đẳng và đồng nhất ấy.

Vô niệm là nền tảng hay là bản tánh của tâm thức, nhưng vô niệm không phải là hoàn toàn không có tư tưởng nào cả. Để sống ở đời, phải có tư tưởng, vì sống là sống với tư tưởng và bằng tư tưởng.

Ngay cả một bậc giải thoát cũng có tư tưởng, nghĩa là có ý thức, để biết mình đang ở đâu, định đi đến đâu, sẽ nói điều gì, và nói với ai.

Giải thoát hay vô niệm không phải là hoàn toàn không có niệm. Vô niệm không có ý nghĩa đoạn diệt như vậy.

Lục tổ nói: “Thứ năm là Giải thoát tri kiến hương. Tự tâm đã không duyên níu theo thiện ác, cũng không đắm chìm vào không

Và giữ một bề vắng lặng, tức là nên học rộng nghe nhiều, biết rõ bản tâm, thấu đạt đến lý tánh của chư phật, hòa quang tiếp vật, không ta  không người, thẳng đến giác ngộ, chân tánh không biến đổi, gọi là Giải thoát tri kiến hương”.

Thật ra với người đã thông đạt nền tảng hay bản tánh của tâm thức, nghĩa là nền tảng hay bản tánh của những tư tưởng, thì tư tưởng hay niệm là vô hại. Nền tảng hay bản tánh ấy là vô niệm và vô sanh, nên tư tưởng lưu xuất từ đó cũng vô niệm và vô sanh.

Cho nên, trong tất cả mọi truyền thống Đại thừa, hành giả không chỉ “ Nhìn vào tâm an định” nghĩa là tâm không có tư tưởng mà còn “ Nhìn vào tâm chuyển động hay khởi tưởng” để “ Nhận ra  bản tánh của tâm an định” và “ Nhận ra bản tánh của tâm chuyển động hay khởi tưởng” là cùng một bản tánh. Bốn câu để trong ngoặc kép này là bốn đầu đề chương của cuốn Đại Ấn Thiền Xóa Tan Bóng Tối Vô Minh của Karmapa thứ chín (nxb Thiện Tri Thức).

Nếu bản tánh của tâm thức là thể, thì những tư tưởng là dụng của nó. Thể là vô niệm , vô sanh thì dụng là  những tư tưởng là sanh tức vô sanh, vô sanh mà sanh.

Patrul Rinpoche nói trong những chữ vàng:

“ Vào lúc đó, bất cứ tham hay sân, vui hay buồn.

Bất cứ tư tưởng lan man nào thình lình khởi lên,

Trong trạng thái nhận biết chúng, người ta không theo chúng.

Từ đó người ta nắm giữ sự nhận biết pháp thân về mặt giải thoát,

Bấy giờ giống như hình vẽ trên mặt nước,

Không có cách hở giữa tự sanh khởi của những tư tưởng và tự giải thoát của chúng.

Bất cứ cái gì khởi lên trong tâm đều thành thực phẩm cho tánh giác rỗng không trần trụi.

Khi nào những động niệm xảy ra, chúng tiêu biểu năng lực sáng tạo của vua pháp thân.

Không để lại dấu vết, những tư tưởng ấy là tự tịnh hóa.

A la la”.

Những tư tưởng, hay thức phân biệt, đã trở thành vô hại một khi người ta biết được bản tánh của tâm thức. Khi ấy những tư tưởng “tự sanh khởi và đồng thời tự giải thoát”. Nói theo thuật ngữ Duy Thức, thức vô hại vì “thức đã chuyển thành trí”. Như sóng biển thì vô hại với đại dương. Hơn thế nữa, sóng là sự biểu lộ của năng lực sáng tạo của đại dương.

Sư Huyền Giác, khi gặp Lục tổ, đi nhiễu ba vòng rồi chống tích trượng mà đứng. Tổ trách không đủ oai nghi của bậc sa môn.

Huyền Giác nói: “ Việc sanh tử là lớn, vô thường thì nhanh chóng”.

Tổ nói: “ Sao chẳng nhận lấy cái vô sanh, rõ cái không mau chóng”

Đáp rằng: “ Thể tức vô sanh, rõ vốn không chóng”.

Tổ nói: “ Quả vậy, quả vậy”.

Huyền Giác bèn đủ oai nghi, lễ lạy, giây lát cáo từ.

Tổ nói: “ Sao về nhanh thế?”

Đáp rằng: “ Vốn tự chẳng động, sao có nhanh chóng ư?”.

Tổ nói: “ Ai biết chẳng động?”

Đáp rằng: “ Nhân giả tự sanh phân biệt”.

Tổ nói: “ Ông thật đắc sâu ý chỉ vô sanh”.

Đáp rằng: “ Vô sanh há lại có ý sao?”.

Tổ nói: “ Không có ý thì cái gì đang phân biệt?”.

Đáp rằng: “ Phân biệt cũng chẳng phải ý”.

Tổ nói: “ Hay thay!”.

Khi chưa ngộ bản thể của tâm thức, thì ý hay những tư tưởng là cái loạn động, phân biệt, chia cắt phân mảnh, là cái tai hại. Khi ngộ nhập được bản thể của tâm thức thì ý là dụng của cái thể vô niệm vô sanh này. Ý hay những tư tưởng khởi từ cái vô niệm vô sanh, hiện hữu trong cái vô niệm vô sanh và biến mất trong cái vô niệm vô sanh nên ý hay những tư tưởng tự chúng là vô niệm vô sanh. Bề ngoài thì vẫn là ý, vẫn là những tư tưởng, nhưng bản chất của chúng đã chuyển thành trí rỗng không, toàn khắp và vô phân biệt. Cũng như những sự vật bằng sắt, khi bản chất của chúng đã biến thành vàng thì chúng vẫn giữ nguyên hình dáng, nhưng chúng là vàng.

Thế nên,ý hay thức, là trí. Duy thức nói là ý phân biệt chuyển hóa thành Trí diệu quan sát. Có tư tưởng, có phân biệt, nhưng sự phân biệt này “chẳng phải ý”, mà là trí. Tư tưởng là sự biểu lộ của trí huệ. Bởi thế, những vị thầy của dòng Đại Toàn Thiện nói: “ Những tư tưởng là trò chơi, là sự phô diễn của tánh giác pháp thân”.

Thức hay những tư tưởng, là sanh tử. Trí bao la, không giới hạn và không nhiễm ô là Niết bàn. Khi thức hay những tư tưởng đạt đến cội nguồn của chúng, bản tánh của chúng, chúng chuyển hóa thành trí. Sanh tử của thức chuyển hóa thành Niết bàn của trí. Khi ấy, thức hay những tư tưởng là sự biểu lộ của Niết bàn./.

SHARE:

Để lại một bình luận