THUYẾT PHÁP

SHARE:

MỤC KIỀN LIÊN

Phật bảo Đại Mục Kiền Liên: “Ông đi đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật.”

Mục Kiền Liên bạch Phật rằng: “Thưa Thế Tôn! Con không kham nhận nổi việc đến thăm bệnh ông ấy. Tại sao thế? Nhớ lại trước kia, con vào thành lớn Tỳ Da Ly, ở trong xóm làng, thuyết pháp cho các cư sĩ. Lúc ấy Duy Ma Cật đến, nói với con rằng:

“Thưa ngài Đại Mục Liên! Thuyết pháp cho bạch y cư sĩ, chẳng nên thuyết như ngài vậy. Phàm thuyết pháp, phải như Pháp mà thuyết. Pháp không có chúng sanh, lìa chúng sanh cấu vậy. Pháp không có ngã, lìa ngã cấu vậy. Pháp không có thọ mạng, lìa sanh tử vậy. Pháp không có người, tiền tế hậu tế đoạn vậy. Pháp thường tịch nhiên, bặt dứt các tướng vậy. Pháp lìa khỏi tướng, không có chỗ để duyên theo vậy. Pháp không có danh tự, ngôn ngữ đoạn dứt vậy. Pháp không có thuyết, lìa suy nghĩ quán sát vậy. Pháp không có hình tướng, như hư không vậy. Pháp không có hý luận, rốt ráo Không vậy. Pháp không có ta và đối tượng của ta, lìa ta và đối tượng của ta vậy. Pháp không có phân biệt, lìa các thức vậy. Pháp không có so sánh, không có đối đãi nhau vậy. Pháp chẳng thuộc nhân, chẳng ở duyên vậy. Pháp đồng pháp tánh, vào khắp các pháp. Pháp tùy thuận Như, không có chỗ nào để tùy vậy. Pháp trụ thật tế, các biên (có không, thường đoạn…)chẳng động vậy. Pháp không có động lay, chẳng nương sáu trần vậy. Pháp không có đến đi, thường chẳng trụ vậy. Pháp thuận Không, tùy Vô tướng, ứng Vô tác. Pháp lìa tốt xấu. Pháp không có tăng giảm. Pháp không có sanh dỉệt. Pháp không có chỗ về. Pháp vượt ngoài mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm. Pháp không có cao thấp. Pháp thường trụ chẳng động. Pháp lìa tất cả mọi thiền quán, tu hành.

Pháp ở đây là pháp tánh, thật tánh, hay là Thực Tại nói theo từ hiện đại.

Trong thật tánh không có chúng sanh, không có ngã, bởi thế lìa mọi dơ uế (cấu) thấy có chúng sanh và ngã. Trong pháp không có sự tương tục của dòng tư tưởng tạo ra thọ mạng, cho nên niệm niệm chẳng nối tiếp nhau, chẳng liên hệ nhau, niệm khởi này tự bặt với chính nó, chẳng quan hệ gì với niệm tưởng khác, bởi thế sanh tử tự đứt đoạn, không thể thành tựu.

Pháp thường tịch nhiên, bặt dứt các tướng vậy: đây là thấy “các pháp là tướng Không, không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm” trong Bát Nhã Tâm Kinh.

Pháp không có danh tự, ngôn ngữ dứt vậy: các tướng của sanh tử sở dĩ có là do các tưởng phân biệt, các tưởng sở dĩ có là nương vào danh tự mà thành. Pháp không có danh tự, nên các tưởng và các tướng là vọng lập, như huyễn. Các tưởng và các tướng là vọng lập, như huyễn nên sanh tử chỉ là giả danh, không thành tựu. Tâm đã dứt thì cái để tâm nương vào mà hoạt động là ngôn ngữ cũng dứt. Tâm dứt, ngôn ngữ dứt thì chỉ còn một vị Niết Bàn vô trụ.

Pháp không có phân biệt, lìa các thức vậy: trong pháp, trong thật tánh, tất cả bình đẳng một vị, như tất cả bóng trong gương cùng bình đẳng một vị là gương. Có phân biệt là do các thức vọng phân biệt. Khi nhìn thấy thật tánh, trong đó tất cả bình đẳng một vị, các thức phân biệt bèn tự hoại. Bấy giờ, “pháp không so sánh, không có đối đãi nhau”, có được như vậy mới có đại thái bình, đại an lạc.

Pháp đồng pháp tánh, vào khắp các pháp: tất cả các pháp đều đồng pháp tánh, và pháp tánh ấy vào khắp các pháp, thường trụ trong tất cả các pháp. Tất cả sóng đồng là nước, và nước ở trong tất cả các sóng. Tất cả những sợi lông của một con sư tử bằng vàng đều là vàng, và vàng vào khắp tất cả mọi sợi lông. Ngày nào hành giả sống được pháp tánh, thấy tất cả đều là mình và mình là tất cả, lúc ấy phiền não mới chấm dứt vì không còn phân chia. Ngày nào vẫn còn một cái ta tách biệt, một bọt nước tách biệt với đại dương, ngày đó còn đủ mọi vấn nạn, còn đủ mọi khổ đau.

Pháp là Không, Vô tướng, Vô tác: đây là ba pháp ấn của Phật giáo, về mặt bản thể, tất cả mọi sự vật là Không, về mặt hình tướng, tất cả mọi sự dù có hiện tướng mà vẫn là Vô tướng, tất cả mọi bóng trong gương dù có hiện tướng mà vẫn là gương, về mặt tác dụng, tất cả mọi sự vật dù có sanh diệt, đến đi mà vẫn là Vô tác, nghĩa là không sanh diệt, không đến đi, vẫn là tịch diệt. Thí dụ gió có chuyển động trong không khí, nhưng gió là không khí, sự chuyển động của một phần tử không khí trong không khí, đứng về mặt không khí mà nói thì cũng chỉ là không khí. Gió là không khí nên không tác động đến không khí. Gió là “vô tác” với không khí, không đến không đi, không sanh không diệt trong không khí.

Pháp lìa tất cả mọi thiền quán, tu hành: Pháp chính là bản tánh của tâm thức. Pháp chính là Tâm. Tâm vốn là Tâm, thường trụ, chẳng động, bất biến. Bởi thế mọi quán chiếu, tu hành trên chính Tâm ấy là vô ích. Như khởi lên những làn sóng quán chiếu, tu hành trên mặt đại dương là vô ích, không thêm không bớt gì cho đại dương. Biết được Tâm và biết mọi quán chiếu tu hành đều khởi từ Tâm và chính là Tâm, bấy giờ tha hồ quán chiếu tu hành, vì làm mọi sự mà không hư vọng, vì biết chỗ sanh trụ dị diệt của quán chiếu, tu hành.

Ở trên chúng ta chỉ nói về một số câu. Và trong một số câu đó cũng chỉ giải thích theo một chiều hướng nào đó, còn những chiều hướng khác không làm sao nói cho hết. Vân đề là mỗi hành giả chúng ta tự mình chọn lấy điểm nào thích hợp với căn cơ, với vấn nạn đang có của mình, để Văn, Tư, Tu về nó lâu ngày dài tháng mới mong khám phá được phần nào câu kinh ấy. Văn là nghe, nghe câu kinh được nói. Tư là tư duy, suy nghĩ về nó. Và Tu là thiền định, thiền quán nó cho đến lúc ý nghĩa của nó bắt đầu hiện ra với mình. Một câu kinh ngắn tùy theo mức độ tu hành đến đâu thì hiểu đến đó. Bởi thế con đường Bồ tát có trên năm mươi cấp độ cạn sâu thì một câu kinh cũng có ít nhất bấy nhiêu mức độ cạn sâu cho đến khi hoàn toàn giác ngộ mới hiểu trọn vẹn một câu kinh.

Văn, Tư, Tu tốt nhất là làm dưới sự hướng dẫn và chăm sóc của một vị thầy.

“Thưa ngài Đại Mục Liên! Pháp tướng như vậy, há có thể thuyết sao? Phàm người thuyết pháp thì không có thuyết, không có chỉ bày. Người nghe pháp không có nghe, không có đắc. Ví như người huyễn thuật nói cho người huyễn hóa nghe. Thấy biết như vậy rồi mới thuyết pháp. Nên hiểu căn cơ chúng sanh lanh lợi hoặc chậm lụt. Thấy biết khéo sâu, không bị ngăn ngại. Lấy tâm đại bi, ca ngợi Đại thừa. Nghĩ nhớ báo đáp ân Phật, chẳng để Tam Bảo bị ngừng dứt. Như vậy rồi mới thuyết pháp.”

“Duy Ma Cật thuyết pháp ấy rồi, tám trăm cư sĩ phát tâm Bồ đề vô thượng chánh đẳng chánh giác. Con không có được biện tài như vậy. Thế nên con không kham nhận đến thăm bệnh ông được.”

Thuyết pháp – cũng như bất kỳ việc nào của bồ tát – thì khởi lên trong tánh Không, diễn tiến trong tánh Không, chấm dứt trong tánh Không, biểu lộ trong tánh Không, với đối tượng trong tánh Không. Như trong mộng huyễn nói chuyện mộng huyễn với người mộng huyễn. Làm việc trong tánh Không như vậy tức là không tạo nghiệp, không làm. Cho nên làm người huyễn chính là làm (hành) Đại thừa.

Nhưng tánh Không chân thật nào cũng đi kèm với đại bi, tánh Không như ánh sáng của mặt trời và đại bi như sự tỏa chiếu của nó. Tánh Không mà vẫn đại bi vì người, vì đền đáp ân Phật, không để Tam Bảo dứt mất. Tánh Không là không gian vô quái ngại để đại bi hoạt động. Không có tánh Không thì đại bi chỉ là xúc cảm ngắn hạn và chấp trước, giới hạn trong vòng mâu thuẫn ta-người, đây-kia. Và không có đại bi thì tánh Không chỉ là không gian bao la của một sự giải thoát cho một cá nhân, một không gian vô trách nhiệm, nên là một không gian chết, vì không có sự sống của vũ trụ này. Tánh Không mở rộng đại bi và làm cho đại bi được giải thoát, ngược lại, đại bi làm cho tánh Không mở rộng đến ôm trùm pháp giới và làm cho tánh Không được sống động trong chính bản chất của tánh Không là trùng trùng duyên khởi.

Thực hành Con Đường Bồ Tát qua kinh Duy Ma Cật

ĐƯƠNG ĐẠO

 NXB Thiện Tri Thức – 2014

SHARE:

Trả lời