ĐỌC SÁCH

SHARE:

Người Anh có niềm yêu thích đọc sách báo nổi tiếng thế giới. Ở nước Anh có một mạng lưới thư viện công cộng rất hoàn chỉnh, số lượng đầu sách tổng cộng trên 100 triệu bản. Tại các thư viện công cộng ấy, ngoài việc mượn sách đọc, nhạc bản, đĩa hát ra, còn cung cấp các loại dịch vụ đặc thù khác cho nhi đồng, cho bệnh nhân ở bệnh viện, cho tù nhân trong các trại giam, ví dụ như trò chơi đọc sách, tổ chức diễn thuyết, chiếu phim, salon âm nhạc, dạy học cho người đã trưởng thành…

Sự hiểu biết của con người đến từ việc đọc, đọc không hoàn toàn giới hạn vào sách vở. Có người theo một sự việc mà có được sự khởi phát, người đó có thể từ trong “sự đọc việc” mà có được trí tuệ; có người cả đời theo một người và hình như cả đời chỉ đọc mỗi người ấy, “sự đọc người” cũng có thể nảy sinh ra tư tưởng. Cuộc sống của con người, thì luôn có giới hạn, còn cái biết thì vô giới hạn (sinh hữu nhai, tri vô nhai). Có người suốt một đời nghiên cứu động vật, biển cả, không gian vũ trụ và trở thành chuyên gia; có người đọc rộng biết nhiều, trở thành nhà thông thái. Đó chính là chí hướng của họ.

Chúng ta rốt cuộc phải đọc như thế nào mới có kết quả?

Thứ nhất, đọc đất nước. Đọc thế giới, đọc nhân loại, đọc vũ trụ, đôi khi đọc các lĩnh vực quá rộng quá sâu như vậy không có cách gì tiêu hóa, dung nạp cho hết được, chỉ làm lãng phí thời gian vô ích. Tốt nhất là đem khả năng của mình ra để đọc. Ví như đọc văn hóa, lịch sử, kinh tế, chính trị, nhân vật của một quốc gia, chẳng hạn cách trị nước thời Trinh Quan nhà Đường ở Trung Quốc, thời văn nghệ phục hưng ở châu Âu, thời chiến tranh Nam Bắc ở Hoa Kỳ, bạn có thể đọc thông thạo, hiểu thấu đáo, và có thể trở thành chuyên gia nghiên cứu nước Mỹ, chuyên gia nghiên cứu nước Anh, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc…

Thứ hai, đọc một lĩnh vực. Nếu chúng ta thu hẹp phạm vi xem đọc, đi sâu nghiên cứu, có thể đọc một lĩnh vực nào đó. Ví như đọc lĩnh vực đàn ông, phụ nữ, các giới sĩ nông công thương, nghiên cứu bối cảnh hình thành, phương pháp sinh hoạt, mô thức hoạt động, lập trường tư tưởng… Chúng ta cũng có thể nhắm đến các loài, các nhóm tổ chức theo bầy đàn. Đi sâu điều tra nghiên cứu, viết thành sách và phổ biến để mọi người chia sẻ thưởng thức, đó cũng là những điều vô cùng có giá trị.

Thứ ba, đọc một gia tộc. Gia đình là đơn vị tạo thành xã hội. Trên thế giới, có nhiều gia đình, họ mạc có ảnh hưởng rất lớn đối với xã hội, rất đáng được tìm hiểu, nghiên cứu. Ví như lịch sử xây dựng gia tộc họ Rockefeller, vụ oan khuất bị giết 10 họ của nhà nho Phương Hiếu Nho đời nhà Minh, lịch sử hưng vong của nhà buôn Hồng Đỉnh Hồ Tuyết Nham. Nào những gia đình thư hương, gia đình hoạn quan, gia đình nông dân… đều có thể bỏ thời gian ra để đọc rồi viết những việc thành bại của họ thành luận văn nghiên cứu, công bố cho đời, cũng có thể đem lại những gợi ý hay đẹp cho mọi người.

Thứ tư, đọc một tôn giáo. Tôn giáo phần lớn đều có tính loại trừ, đôi bên không có sự bao dung, cho nên phần lớn các chủ thuyết, các nghị luận đều tự cho mình là tốt, là trên hết. Nếu có người có thể đọc thuyết “vô ngã” trong Phật giáo rồi sau đó đi sâu nghiên cứu nghĩa lý của các tôn giáo khác thì cũng là một cống hiến đối với nhân loại.

Thứ năm, đọc một cuộc đời. Có người cuộc đời của họ đại biểu cho một thời đại, một xã hội. Có người cuộc đời của họ có ảnh hưởng cho cả một quốc gia, thậm chí cho cả nhân loại. Như Thích Ca Mâu Ni, Jésus, Mohamet, Khổng Tử, Socrates, Einstein, Darwin, Napoléon, Alexandre, Thành Cát Tư Hãn v.v… Các nhà tôn giáo, nhà triết học, nhà khoa học, nhà chính trị ấy, chúng ta nghiên cứu cuộc đời của họ, trình bày sự tích và công trạng của họ để con cháu đời sau hiểu biết ghi nhớ, há chẳng phải là thích thú lắm sao?

Thứ sáu, đọc chính mình. Trong bài “Cầu nguyện cho con” của Douglas Mac Arthur có câu: “Nhận ra chính mình là nhận ra mọi nền tảng của tri thức.” Nhận ra chính mình tức là một sự luyện tập tự giác, tức là thấy rõ tâm tính (minh tâm kiến tính), như Thiền tông thường nói: “Biết tự bản tâm, thấy tự bản tính”, cũng có nghĩa là biết được “bản lai diện mục”. Một người có thể đọc chính mình, soi rọi chính mình, nhìn ra những được thua công tội của đời mình một cách rõ ràng, cuối cùng có thể đọc ra Phật tâm Phật tính của chính mình, đó mới là học vấn lớn lao nhất, có giá trị nhất thế gian.

Lời trích từ sách

“Thái căn đàm” Người thường đọc sách cần đọc thông suốt cái biết của sự sống;
Người thường nghiên cứu cần nghiên cứu thấu triệt cái biết của sinh tử.

—🌼🌸🌼—-

PHÁP MÔN HẠNH PHÚC – ĐẠI SƯ TINH VÂN
Việt dịch: Nguyễn Phố
NXB Lao Động, 2017
—🌼🌸🌼—

Nguồn: https://taidayvabaygio.org/

Post: Tâm Ngọc Đồng Minh

SHARE: